Những bài ca đám cưới của người Mường Thanh Hóa (xường đám cưới) được nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải sưu tầm, biên dịch dưới dạng song ngữ Việt – Mường, xuất bản năm 2003, mang nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật diễn xướng dân ca đám cưới của người Mường. Ở đây, chúng tôi khảo sát một số hình tượng tiểu biểu trong tác phẩm, đó là các hình tượng cây si, ông mối, nhà sàn với dụng ý tìm hiểu đặc điểm loại hình và khám phá thể giới nghệ thuật riêng biệt của những bài ca đám cưới của người Mường nói riêng và văn học dân gian Mường nói chung.
1. Cây si
Trong ký ức của người Mường xưa thường có những khoảng xanh mát của bóng si, với những nóc nhà sàn thân thuộc những nương dâu, con suối mát lành… Và cây si đã tỏa bóng đâm cành trong nhiều thể loại dân gian rồi trở thành môtip nghệ thuật trong văn nghệ dân gian của người Mường.
Từ xa xưa, cây si đã trở thành một biểu tượng, một cây thiêng trong tâm thức người Mường, vì nó là cây vũ trụ, khai nguyên ra đất Mường, người Mường. Không chỉ vậy, cây si có sức sống mãnh liệt dẻo dai thường tượng trưng cho người già, nên khi người già ốm người Mường hay làm lễ kéo si với mong muốn họ sống lâu hơn. Đó cũng là lý do khiến cây si đã trở thành vật tổ trong tín ngưỡng dân gian của người Mường nói chung và người Mường Thanh Hóa nói riêng.
Trong Những bài đám cưới, cây si được nhắc đến với sự xuất hiện kỳ lạ của nó:
Tự nhiên mảnh đất bên đông
Nứt ra bằng cái miệng ang
Mảnh đất vàng bên tây
Nứt ra bằng cái bát cái đọi
Ròi rọi mọc lên cây si
Điều đặc biệt, cây si tỏa bóng chia cành đến đâu thì mường xóm sinh ra đến đấy. Những tên đất, tên mường: Mường Khương, Mường Vống, Mường Xàng, Mường Mèn… phải chăng là sự cộng hưởng tinh thần cộng đồng trong tiềm thức con người về quê hương xứ sở của đồng bào Mường từ thuở xa xưa?
Cũng từ cây si, xuất hiện đôi chim ây, chim ứa. Chúng làm tổ ở hang Hao và đẻ ra trăm trứng gọi là trứng tiếng. Rồi mấy năm mấy ngày, trứng tiếng đã nảy sinh:
Nghe inh inh tiếng Lào
Nhao nhao tiếng Kinh
Nghe mênh nhênh tiếng Mường
Có người mường trên, có người mường dưới
Do vậy, người Mường cho rằng mỗi con người gắn với một cành si, khi người khỏe cành si xanh tươi, khi người ốm chết thì cành si đó cũng khô héo. Cây si trong dân ca đám cưới cũng là một biểu tượng mang tính truyền thống nhắc đến nguồn gốc của mường bản và con người nơi đây, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào về thủy tổ của dân tộc mình.
Trong Những bài ca đám cưới, cây si còn xuất hiện ở dạng biến thể rất phong phú thể hiện một quy luật phát triển của tự nhiên, thông qua quy luật tự nhiên đó người dân Mường muốn nói đến hôn nhân trong cuộc sống của con người. Nó là sức sống của chàng trai, cô gái:
…Si tốt muốn vươn cành
Senh tốt muốn vươn ngọn
Nhà ông bà muốn hai cháu cùng sánh nên đôi…
Cô dâu này đi làm cửa làm nhà
Đã xanh tươi như cành si, cành đa nảy lộc…
Như vậy, sự phát triển của cây si còn được coi như quy luật hôn nhân trong đời sống của người Mường. Đây là một sáng tạo về biểu tượng cây si trong Những bài ca đám cưới.
Chỉ xuất hiện khoảng chục lần trong Những bài ca đám cưới nhưng cây si đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong hôn lễ truyền thống, khi con cháu người Mường phương trưởng thành gia thất. Nó nhắc con người nhớ tới nguồn gốc của mường bản của tộc người mình: Con người có cố có ông/ Như cây có cội như sông có nguồn. Cây si cũng là một biểu tượng rất độc đáo cho quy luật hôn nhân của con người. Nó ôn lại thống tốt đẹp đầy ý nghĩa trong những dịp đặc biệt của người Mường mà đám cưới là điển hình.
2. Ông mối
Với tư cách là nhân vật quan trọng “bốc nên ao, đào nên giếng”, là người “thay chân đỡ nhời” trong việc hôn nhân của chàng trai, cô gái, nên với người Mường, ông mối phải đạt được những tiêu chí nhất định để thực hiện tốt vai trò của mình.
Trong Những bài ca đám cưới, ông mối xuất hiện tới 78 lần và đều trong những tình huống trang trọng. Ông mối thường thay mặt gia đình nhà trai trong các lễ đi dạm, ngỏ lời, nhận lời thách cưới của nhà gái:
Ông mối già
Bước chân sang, dịch chân vào chốn vóng trong
Bên bàn trầu của sang
Cau nang của trọng
Nghe bên ông, bên cậu thưa chuyện
Trong tiềm thức của người Mường, ông mối là người không những có vai trò quan trọng đến đám cưới hôm nay của đôi trai gái mà còn có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc mai sau của họ. Do vậy, người Mường rất cầu kỳ, thận trọng khi chọn ông mối vì họ quan niệm “chín đo một đẵn”.
Việc kén ông mối được thực hiện rất công phu tới chín lần mới thành công. Đầu tiên, bố mẹ nhà đạo anh chàng kén ông mối “Chín xống chín đai chín áo” :
Bố mẹ cho đi mượn ông mối già
Ông này chín xống chín đai chín áo
…Ông xách trầu cau đi hỏi vợ
Xuống bậc thang một gãy bậc thang một…
Xuống sân con gà táo tác
Xuống nước con cá loăng quăng
Lên đồi con mang nó hộc
Ông này không có phúc có lộc mối mai
Vật vờ mang quà trở lại
Và cứ như thế, nhà trai lại tìm và thay các ông mối thứ tám, thứ bảy, thứ sáu, thứ năm, thứ tư, thứ ba, thứ hai vẫn vật vờ mang quà trở lại, vẫn những điềm không lành, không đáp ứng được yêu cầu. Cuối cùng, bố mẹ chàng trai chọn ông mối “một xống một đai một áo”, ông mối này chọn ngày tốt mang trầu cau đến nhà gái :
Xuống bậc thang một
Không còn gãy bậc thang một…
Xuống sân con gà không tác
Xuống nước con cá không lăng xăng
Vào rừng con mang không hộc
Ông này có phúc có lộc mối mai
Không còn phải lếch thếch lôi thôi
Mang quà trở lại
Ông mối một xống một đai một áo đã mang tới điềm may, sự thành công đầu tiên trong hôn nhân của đôi trai gái. Có vai trò quan trọng trong đám cưới của người Mường là vậy, nhưng ông mối cũng không phải là ông tiên, ông thánh mà đó là con người của đời thường rất gần gũi với mọi người dân nơi đây. Có thể nói ông như sợi dây tơ hồng xe duyên kết tóc cho đôi nam nữ ngay từ những ngày đầu khi hai bên nhà trai và nhà gái có ý định kết tình thông gia, trong suốt quá trình diễn ra lễ cưới ông mối như một nhà biên kịch kiêm người đạo diễn tài năng, có lúc ông là diễn viên đóng vai chính nhưng cũng có khi lại đóng vai phụ, lúc ông xuất hiện trên sân khấu nhưng cũng có thời điểm ông lại lui về hậu trường để hai họ hàn huyên tâm sự; những khi vui trong lễ cưới ông là người khởi xướng hoặc giả sử lúc hai họ bế tắc điều gì thì ông lại là người tháo gỡ. Chính vì vậy, ta có thể khẳng định ông mối là một thành viên không thể thiếu được khi bản Mường có lễ thành hôn. Vì thế, việc đi tết ông mối hằng năm là một truyền thống mang nhiều nét đẹp văn hóa trong cách ứng xử của người Mường.
3. Nhà sàn
Theo quan niệm của người Mường, nhà sàn được xây theo lời chỉ bảo của con rùa và phỏng theo cấu tạo của con rùa. Nó thường có số gian lẻ: 5 đến 7 hoặc 9 gian và là không gian sinh hoạt văn hóa của người Mường.
Trong Những bài ca đám cưới, nhà sàn được nhắc rất nhiều lần ở cả chỉnh thể là nhà sàn và cả biến thể là những bộ phận: thang, vóng, sàn, cửa… Những việc trọng đại của gia đình: cưới xin, tang ma, làm vía, hội hè… thường được tiến hành ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà.
Đối với người Mường, nhà sàn là một tiêu chí để đánh giá sự giàu có, sang trọng, quyền thế của một gia đình trong vùng. Những gia đình quyền thế, có phúc to, nhà sàn của họ có thang sẻ được bào đục kỹ, có chạm hình con rồng ở đầu phía trên và ở hai bên khung thang bậc cuối có chạm hai nấm hình vú:
Lên thang chạm hình con khú lồng lộng
Lên thang chạm hình con rồng rực rỡ
Nhà ông bà chọn được thợ khéo tay
Đã chạm nổi hình rồng bay hạc lượn
Lại còn thêm những con én đậu cành hoa…
Trên cửa sổ còn chạm nổi hình con cá
Nổi vẩy con rồng
Nổi hình con công con nhạn
Nhà sàn là nơi để ở, sinh hoạt, lao động và cũng là địa điểm diễn ra những lễ hội. Nhưng trong đám cưới, ngôi nhà sàn được trang hoàng đẹp, sang trọng hơn:
Ở ngoài đồng trông vào
Nhà ông bà
Thắp đèn thấp đèn cao
Sáng trưng vóng cái
Sáng tỏ vóng xa
Chúng tôi bước chân lên nhà
Cửa nhà ông rộng mở
Cổng cái chống cao
Không chỉ đẹp mà nó còn được bài trí rất hợp lý thể hiện sự trang nghiêm, tôn kính tổ tiên và sự chuẩn bị đủ đầy cho đám cưới:
Trông ngoài ngó lên
Vóng tông nhà ông đốt đèn đỏ đèn hồng
Thờ tổ tông cố kỉnh
Vóng ngoài có chiếu hoa trải đậu
Vóng trong có chiếu hoa trải giường
Còn nhường cho chúng tôi một vóng
Thường ngày, cảnh lao động Con trai đan chài vóng lại, con gái dệt vải vóng trong là rất phổ biến trong ngôi nhà sàn của người Mường. Nhưng khi có khách đến nhà thì cảnh lao động đó lại nhường chỗ cho cảnh sinh hoạt nhộn nhịp đón khách một cách lịch sự, trang trọng theo tục lệ, lễ nghi của người Mường. Đoạn trích này diễn tả cảnh tiếp đón ông mối của nhà gái:
Trong nhà lấy chiếu ngần trải ra
Lấy chiếu ngà trải dọc
Xuống sân hái lá trầu màng
Lấy buồng cau niên trước vóng
Dọn bàn trầu của sang
Cau nang của trọng
Có lẽ không khí vui nhất, nhộn nhịp nhất và ý nghĩa nhất ở nhà sàn là đám cưới, trước mắt chúng ta diễn ra cảnh:
…Bước chân lên nhà sàn
Cậu dì đã rước bánh đỡ triêng
Người già ngồi bên trên
Người trẻ ngồi bên dưới
Ngồi hết một rặng chiếu ngang
Ngồi hết một hàng chiếu dọc
Diễn trình cảnh nhà gái chuẩn bị cơm rượu đãi khách một cách thịnh soạn. Mọi người cùng ngồi bên nhau vui uống rượu cần, ăn xôi, ăn thịt làm cho chúng ta thấy mình cũng như người có mặt để dự tiệc mà cảm nhận được niềm vui và tình người ấm áp ở chốn nhà sàn trong đám cưới của người dân xứ Mường. Cùng với cuộc sống sinh hoạt của con người và những việc vui như cưới xin đan xen làn điệu dân ca đám cưới quen thuộc đã làm cho nhà sàn trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa mang đậm phong tục của người Mường.
Cây si, ông mối, nhà sàn là những hình tượng tiêu biểu trong Những bài ca đám cưới của người Mường. Nếu hình tượng cây si giải thích về nguồn gốc sự hình thành bản mường, người Mường cũng như sự sống, quy luật hôn nhân của họ trên mường bản, thì trong các lễ cưới, ông mối được coi là sợi dây tơ hồng ghép chặt các mảnh đời vào nhau để tiếp nối sự sống và tương lai của người Mường. Ông mối là tượng trưng cho người đem tới niềm tin, tình yêu và hy vọng của người Mường vào ngày mai tươi sáng. Còn ngôi nhà sàn là không gian văn hóa của người Mường. Nó không những là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc mà còn thể hiện sự sang trọng và quyền lực của chủ nhân. Chính vì thế mà ngôi nhà sàn đã được người dân Mường rất chú trọng và đề cao. Cây si, ông mối, nhà sàn có thể được coi là bộ ba hình tượng mang tính đặc trưng trong Những bài ca đám cưới của người Mường, góp phần tạo nên một vẻ đẹp riêng vào tổng thể nền văn học dân gian Mường…
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Vương Anh, Đặc trưng văn hóa Mường Thanh Hóa, trong Văn hóa dân tộc Mường, Sở Văn hóa Thông tin Hòa Bình xb, 1995, tr.208-218.
2. Cao Sơn Hải, Những bài ca đám cưới của người Mường Thanh Hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2003.
3. Cao Sơn Hải, Văn hóa dân gian Mường, một góc nhìn, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2006.
4. Ngô Đức Thịnh, Một thế kỷ nghiên cứu dân tộc Mường, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 6-1996, tr.64-67.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012
Tác giả : Nguyễn Thị Quế
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu thuyết kiếp người 3 – lạnh nhìn từ góc độ thi pháp thể loại
Cảm thức cô đơn trong linh sơn của cao hành kiện
Cảm thức thời gian trong ngàn cánh hạc của yasunari kawabata