Hình tượng văn học dân gian, truyền thống trong ca khúc Việt Nam thời đổi mới


Bước vào thời kỳ đổi mới, các hoạt động giao lưu văn hóa ở nước ta diễn ra ngày càng sâu rộng, ca khúc Việt Nam đã và đang có thêm những màu sắc và hơi thở mới. Một số nhạc sĩ đã khai thác, sử dụng hình tượng văn học dân gian, truyền thống một cách đa dạng. Những hình tượng đó có thể từ dân ca, ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích, tranh vẽ dân gian, món ăn truyền thống, vật dụng sinh hoạt hằng ngày…, góp phần làm tăng thêm biểu hiện về bản sắc dân tộc trong các ca khúc Việt Nam hiện nay.

1. Hình tượng từ dân ca

Đây là phương thức sử dụng một câu hát hoặc hình tượng có tính điển hình trong lời ca của một làn điệu dân ca cụ thể, nhằm xây dựng hình tượng văn học cho ca khúc. Ví dụ, trong ca khúc Qua lới nọ Hạ Long (Trương Ngọc Ninh), với câu hát: “Anh ghé bên em em đứng một mình ứ hừ, một mình em đứng, đứng một mình ứ hừ…”, đã mượn hình tượng văn học từ bài Cây trúc xinh dân ca Quan họ Bắc Ninh, với nòng cốt là câu thơ lục bát: “Trúc xinh trúc mọc bên đình/ Em xinh em đứng một mình cũng xinh” (1). Qua cách sử dụng hình tượng ẩn dụ nêu trên, tác giả đã ngầm ví von vẻ đẹp của vịnh Hạ Long với vẻ đẹp của cô gái Việt Nam.

Với ca khúc Ra ngõ mà yêu (Trần Tiến): “Yêu nhau, ra ngõ trông chờ, xa mờ, xa mờ áo nâu. Yêu nhau, bão tố mưa nguồn, vui buồn, vui buồn có nhau” cũng được lấy cảm hứng từ làn điệu Ra ngõ mà trông – dân ca quan họ Bắc Ninh, với câu thơ gốc: “Ngày ngày ra ngõ mà trông/ Bạn không thấy bạn tình không thấy tình” (2). Nhạc sĩ đã khéo léo nhào nặn những hình tượng trong câu dân ca theo cách sáng tạo riêng, làm cho ca khúc trở thành tác phẩm mang ý nghĩa độc lập, không bị lệ thuộc vào nội dung, tính chất của bài dân ca.

Trong trường hợp ca khúc Ngẫu hứng sông Hồng, nhạc sĩ Trần Tiến lại sử dụng kết hợp giữa các hình tượng “con xít” trong bài Trống cơm và “con sáo sang sông” trong bài Lý con sáo. Đó là những hình tượng phổ biến trong dân ca Việt Nam, nó vừa thể hiện được tính sáng tạo nghệ thuật, vừa thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc trong ca khúc.

Tương tự như vậy, câu hát trong ca khúc Vũ khúc con cò (Phó Đức Phương): “Cánh cò quê tôi lại bay lả bay la. Bay la bay bay lả. Bay la bay bay la” cũng cho chúng ta thấy mối liên hệ mật thiết giữa tác phẩm mới và bài Cò lả – dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Có một số ca khúc khác cũng lấy hình tượng văn học trong dân ca theo phương thức này như: Người ở đừng về (Lê Minh Sơn), Ngẫu hứng lý ngựa ô (Trần Tiến), Thành phố miền quan họ (Nguyễn Cường)… Có thể nói, đây là một hướng sáng tác tốt cho các nhạc sĩ trong giai đoạn đổi mới, tuy nhiên, số lượng ca khúc thuộc dạng này không nhiều.

2. Hình tượng từ ca dao, tục ngữ

Trong phương thức này, nhạc sĩ sử dụng nguyên vẹn hoặc bóng dáng một câu ca dao, tục ngữ trong dân gian để xây dựng một bộ phận ca từ của ca khúc. Ví dụ, câu hát: “À ơi hoa bay lên trời cây chi ở lại, à ơi hoa cải lên trời rau răm ở lại, chịu lời đắng cay” (Quê nhà – Trần Tiến), chứa đựng những hình tượng văn học trong câu ca dao người Việt: “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” (3). Dựa vào hình tượng “hoa cải” và “rau răm”, tác giả muốn gợi lại kỷ niệm buồn vui về quê hương, nhưng đó là những gì rất mực thương yêu, một thời gắn bó, khó có thể phai nhạt.

Trong ca khúc Tùy hứng qua cầu (Trần Tiến): “Ôi đóa hoa tím trôi liu riu, dòng sông nước chảy liu riu anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương”. Câu hát lấy ý tưởng từ câu ca dao: “Nước chảy riu riu/ Lộc bình trôi ríu ríu/ Anh thấy em nhỏ xíu, anh thương” (4). Nhạc sĩ đã mượn hình tượng về dòng nước, cánh hoa lộc bình và hình ảnh cô gái quê nhỏ bé, để bộc lộ cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của quê hương, trong đó có những người dân quê mộc mạc giản dị.

Với trường hợp ca khúc Chuồn chuồn ớt (Lê Minh Sơn), tác giả viết: “chuồn bay thấp trời mưa, chuồn bay cao trời nắng, chuồn bay vừa, chuồn bay vừa đợi anh”. Ở đây, tác giả đã mượn câu tục ngữ về thời tiết trong văn học dân gian người Việt để thể hiện tình cảm một cách hóm hỉnh với cô gái quê.

Ca khúc Con cò (Lưu Hà An) cũng là trường hợp tương tự: “Con cò mày đi ăn đêm, mày đi ăn đêm, sao đi một mình, một mình lầm lũi” – có mối liên hệ mật thiết với câu ca dao: “Con cò mày đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…” (5). Tác giả đã mượn hình tượng con cò để thể hiện hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam, tuy cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn, vất vả nhưng vẫn hướng tới những điều tốt đẹp, cao thượng.

Dạng phương thức biểu hiện này chưa thấy được khai thác trước đó, có thể xem đây là hướng tìm tòi mới trong việc biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc của ca khúc thời đổi mới.

3. Hình tượng từ vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người dân hoặc từ tranh vẽ dân gian

Một số ca khúc được sáng tác những năm gần đây có mang theo hình tượng từ các vật dụng hằng ngày của người dân như: chiếc cặp tóc, đôi guốc mộc, chiếc quạt giấy… hoặc từ một bức tranh dân gian. Từ những hình tượng đó, nhạc sĩ đã nhân cách hóa chúng thành những câu chuyện có ý nghĩa.

Với câu hát: “Soi gương em đeo cặp ba lá đi trên con đê, cười xinh quá, những người cứ nhìn em” (Cặp ba lá – Lê Minh Sơn) đã thể hiện rõ việc tác giả mượn hình tượng chiếc cặp tóc – một vật dụng trang điểm quen thuộc của những cô gái Việt thôn quê, giữa khung cảnh quê hương thôn dã, làm cho ca khúc trở lên lãng mạn hơn. Tác giả Lưu Thiên Hương cũng sáng tác một số ca khúc thuộc dạng này như: Guốc mộc, Quạt giấy gợi nên vẻ đẹp bình dị, gần gũi của những vật dụng giản dị gắn với đời sống của người dân. Ca khúc Đám cưới chuột của nhóm nhạc Gạt tàn đầy lại được ra đời thông qua cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ. Ca khúc cũng hàm chứa nội dung, ý nghĩa của cuộc sống đời thực được hư cấu từ bức tranh dân gian.

Trước đó, vào năm 1970, ca khúc Đôi dép Bác Hồ (Văn An – phổ thơ Tạ Hữu Yên) ra đời, mang ý nghĩa ngợi ca người anh hùng dân tộc, khác với việc khai thác những hình tượng từ vật dụng sinh hoạt bình dân như chúng tôi đang xem xét.

4. Hình tượng từ truyền thuyết và tích truyện cổ tích dân gian

Trong thời kỳ đổi mới, nhiều nhạc sĩ đi vào khai thác hình tượng nhân vật trong các tích truyện cổ tích, hay truyền thuyết của dân tộc để xây dựng hình tượng văn học trong ca khúc.

Một số ca khúc đi vào kể lại sự tích hay truyền thuyết theo lối mới, phù hợp với nội dung, đề tài trong tác phẩm, qua đó đưa ra thông điệp, ý nghĩa mà tác giả gửi gắm. Ví dụ, trong ca khúc Lời ru Âu Lạc (Nguyễn Minh Sơn): “Truyền thống Lạc Âu có mẹ Tiên cha Rồng, dựng nước dạy non công ơn luôn ghi nhớ” đã tái hiện lại nội dung truyền thuyết Con rồng cháu tiên, toát lên ý nghĩa của sức mạnh, tình đoàn kết cũng như niềm tự hào của mỗi người về cội nguồn dân tộc. Ca khúc Bống bống bang bang của tác giả Only C, đã gợi lại câu chuyện Tấm Cám để phê phán cái xấu và ca ngợi cái đẹp. Còn trong các ca khúc: Người đàn bà hóa đá (Trần Lập) và Đá trông chồng (Lê Minh Sơn), câu chuyện về Sự tích hòn Vọng Phu đã được các tác giả kể lại theo cách riêng, nhưng đều hướng về ý nghĩa về lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam.

Cũng là kiểu tái hiện lại nội dung chính của các câu chuyện cổ tích, nhưng tình tiết được phóng tác một cách tự do theo dòng cảm xúc của người kể. Trường hợp này có thể kể đến ca khúc Khúc hát phiêu ly (Phó Đức Phương), mượn hình tượng “chàng Trương Chi” trong tích truyện cổ tích Việt Nam Trương Chi Mỵ Nương, để phác họa cảm xúc của tác giả với những số phận bất hạnh.

Một số tác giả đi theo xu hướng mượn hình tượng nhân vật trong chuyện cổ tích, hay truyền thuyết dân tộc để làm chất liệu cho đề tài của tác phẩm. Điển hình là các ca khúc: Cô Tấm ngày nay (Ngọc Châu) với hình ảnh cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám; Nổi trống lên các bạn ơi (Phạm Tuyên) với hình tượng mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết Một bọc trăm trứng.

Vào đầu những năm 80 TK XX xuất hiện ca khúc Huyền thoại hồ Núi Cốc (Phó Đức Phương), trong đó, tác giả lấy cảm hứng sáng tác từ câu chuyện dân gian về mối tình chung thủy của Nàng Công và chàng Cốc để ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của hồ Núi Cốc. Những năm 40 TK XX, nhạc sĩ Lê Thương với tác phẩm Hòn Vọng Phu đã tái hiện lại nội dung, ý nghĩa của truyền thuyết cùng tên, nhưng theo bút pháp thể hiện của một bản trường ca gồm nhiều chương đoạn.

Phương thức biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng này đã từng được khai thác trước đó, nhưng chỉ là hiện tượng hiếm hoi. Đến giai đoạn sau đổi mới, nó mới thực sự được quan tâm và trở thành một trong những xu hướng sáng tác của các nhạc sĩ.

5. Hình tượng từ các món ăn truyền thống

Trong ca khúc Phở (nhóm Gạt tàn đầy): “…Nằm ẩn sâu trong phố chật chội. Hàng phở lâu năm con nối cha truyền… Bánh phở mềm thơm thơm hương gạo mới. Nước đậm đà gây gây gân bò chín… Dù ở đâu khắp bốn phương trời. Tiệc tùng cao sang đất khách quê người. Phở bò ơi, sẽ luôn là thế”. Tác giả đã thể hiện cảm xúc của mình về món phở truyền thống của Hà Nội, một ý nghĩa về sự bình dị, thân thương của quê hương.

Ca khúc Bánh trôi nước (Hồ Hoài Anh), được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hồ Xuân Hương: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Thông qua hình tượng về chiếc bánh trôi nước, lời thơ/ ca toát lên ý nghĩa ẩn dụ về vẻ đẹp người phụ nữ Việt.

Việc lấy cảm hứng sáng tác từ các món ăn cổ truyền dân tộc trở thành một hướng sáng tác độc đáo của các nhạc sĩ, tuy nhiên, số lượng ca khúc dạng này không nhiều.

Có thể nói, trong các ca khúc Việt hiện nay, việc khai thác hình tượng văn học từ kho tàng văn hóa dân gian ngày càng trở nên đa dạng và phong phú. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, kho tàng văn học cổ truyền của Việt Nam với nhiều thể loại dân ca, nhạc cổ, ca dao tục ngữ, truyện cổ tích hay truyền thuyết, phong tục tập quán… đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận về chất liệu, cũng như bút pháp thể hiện đối với các nghệ sĩ.

______________

1, 2. Bộ Văn hóa – Thông tin, Dân ca Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.106-108, 100-101.

3. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên), Kho tàng ca dao Việt Nam, tập 1, Viện Văn hóa dân gian, Hà Nội, 2001, tr.1146.

4. Triều Nguyên, Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao người Việt, Nxb Thuận Hóa, 2000, tr.50.

5. Một số câu ca dao về con cò, maxreading.com.

Tác giả: Trần Bảo Lân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *