HÒ QUẢNG NGÃI


Diễn xướng hò, một sinh hoạt văn hóa lâu đời và phổ biến ở các miền quê Quảng Ngãi, là những sản phẩm được tập thể nhân dân sáng tạo, biểu diễn và phục vụ nhu cầu tinh thần của chính họ trong đời sống lao động, sinh hoạt cộng đồng… Tác giả của các điệu hò Quảng Ngãi chủ yếu là những người dân lao động, những thanh niên nam nữ, người lớn tuổi và các trí thức bình dân.

Mặc dầu không phải là những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, song nhân dân lao động, với rất nhiều người tài năng và mỹ cảm nghệ thuật cao, đã ứng tác tại chỗ, đặc biệt là phần lời ca, ở những dịp vui gặp gỡ đông người. Những bài hò đó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Qua mỗi địa phương, mỗi thế hệ, thậm chí mỗi nghệ nhân, chúng lại được sửa sang, gọt dũa rồi trở thành những sáng tạo mang tính tập thể (với nhiều dị bản) và không ai còn nhớ tên tác giả ban đầu. Vì vậy, hầu hết bài bản dân ca, dân nhạc cổ truyền nói chung và hò ở Quảng Ngãi nói riêng đều không có tên tác giả.

Những câu hò ở Quảng Ngãi rất gắn bó, gần gũi với người dân nơi đây, đáp ứng những nhu cầu tinh thần của con người và làm đẹp thêm cuộc sống. Ở một không gian diễn xướng nào đó, hò có thể thay cho những lời nói thông thường trong giao tiếp, vui chơi giải trí, thi thố tài năng, hoặc là sự biểu lộ tình cảm, hay thông qua đó người ta có thể trao truyền kinh nghiệm lao động sản xuất… Hò Quảng Ngãi có mặt trong nhiều môi trường diễn xướng với những chức năng khác nhau (tên của các điệu hò cũng bộc lộ điều này): hò dện nền nhà, hò giựt chì, hò giã vôi, hò kéo lưới, hò chèo thuyền, hò mái ngơi (đường ngắn), hò mái dài (đường dài), hò bả trạo, hò đưa linh…

 

Căn cứ chức năng diễn xướng, có thể chia hò Quảng Ngãi thành 3 loại: hò lao động, hò sinh hoạt giao duyên, hò phong tục – tín ngưỡng. Thực ra, việc phân chia các điệu hò như trên chỉ mang tính tương đối, nhiều trường hợp các điệu hò có cả hai chức năng: lao động và giao duyên, như hò giã gạo, hò tát nước, hò kéo lưới (lưới lộng)… Từng loại hò có nhiều bài, và cùng tên một bài hò lại có rất nhiều bài bản, thậm chí còn khác nhau về âm điệu và nội dung.

 

Hò lao động

Hò kéo rùng được diễn xướng khi đánh lưới rùng, một phương thức làm biển của ngư dân Quảng Ngãi. Rùng bao gồm những nhành cây khô, hoặc lưới, neo đã cũ…, là những thứ cư dân biển dùng thả dưới mặt nước cho cá tụ lại, rồi bủa lưới, có nơi gọi là chà (lưới rùng, lưới chà).

Âm hình chủ đạo với lời ca dô ta hò dố ta hò dô ta này được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, tạo nên sự tập trung sức mạnh, nhằm kéo được những cái rùng rất nặng đang chìm dưới mặt nước.

Hò kéo neo cũng là điệu hò khá phổ biến, diễn tả sự lao động vất vả, cực nhọc của người dân duyên hải Quảng Ngãi. Hò kéo neo có tác dụng tập trung sức mạnh cao độ để kéo dây neo, buộc thật chặt vào con thuyền trên cạn, đưa thuyền chạm mặt nước, dời bến, chuẩn bị cho một cuộc đi biển.

Theo các ngư dân, thường thì việc kéo neo nặng nhọc vất vả hơn rất nhiều so với việc kéo rùng. Việc này cũng được phản ánh sinh động trong bài Hò kéo neo ở Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), đó là lối hát chậm mà thật mạnh thông qua các từ như: hố giựt này, hố rị…(1)

Hò kéo lưới là điệu hò nói về lao động nhưng tương đối nhẹ nhàng, như bài sau:

Sáng trăng anh đánh cá de

Em ngồi bụi dứa mà nghe anh hò

Ở đây, chúng ta thấy công việc đánh cá de của chàng ngư dân này có vẻ thư thả một chút. Chàng còn có thời gian để nghĩ đến người mình yêu. Qua câu hát, cũng cho chúng biết rằng ngư dân Quảng Ngãi thường đánh cá de vào những đêm trăng sáng, đánh ở gần bờ gọi là đi lộng.

 

Hò giựt chì là điệu hò nổi tiếng của cư dân duyên hải Quảng Ngãi, có rất nhiều dị bản. Bài này do nghệ nhân Nguyễn Bàng (xã Bình Dương, Bình Sơn) hát (2), với âm hình tiết tấu rất ngắn, nhịp điệu dứt khoát. Chính điều ấy nói lên được sự lao động nặng nhọc, gian khó và vất vả của cư dân vạn chài Quảng Ngãi trong cuộc mưu sinh trên biển.

Tùy từng vùng, từng người, từng hoàn cảnh, môi trường diễn xướng cụ thể mà bài bản của hò giựt chì còn có khi gọi là hò kéo lưới. Tuy nhiên, theo chúng tôi, hai bài hò này là sự phản ánh hai phương thức lao động tương đối khác nhau. Phải chăng, hò giựt chì được diễn xướng trong một môi trường lao động nặng nhọc hơn, nên dẫn đến các yếu tố âm nhạc cũng khác nhau. Điệu hò này thường có 3 phần: cái kể lĩnh xướng như hô hào thúc giục; con xô đồng thanh đáp lại; cái kể và con xô hát liên hồi nhanh dần và kết thúc.

Hò giã vôi (hò hụi) là điệu hò có tiết tấu ngắn gọn, âm điệu khỏe khoắn, dứt khoát, có xướng, có xô nhằm tạo ra sức mạnh trong lao động, cụ thể ở đây là công việc giã vôi.

Theo cụ Nguyễn Đức Tân (thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) thì vôi không phải là vôi quét tường nhà, mà là vôi ăn trầu. Ngày xưa vôi ăn trầu ở huyện Mộ Đức không lấy từ đá vôi thông thường, mà lấy từ vỏ sò. Người ta đem vỏ sò ở biển về nung lên, cho vào cối giã. Hò giã vôi thường được hát ở trong bếp, ngoài sân. Hò giã vôi sau đây do cụ hát:

Bớ hò… bờ hụi

Hết hụi hò khoan

Lửa cháy lấn lan

Sao ta chịu để

Lửa tàn mới vô

Muốn vô thì cứ việc vô

Cớ sao lại để lửa tàn mới vô…

 

Hò sinh hoạt giao duyên

Hò tát nước là một hình thức diễn xướng ca nhạc dân gian dùng để đối đáp, giao duyên trong những đêm trăng thanh gió mát, trên đồng lúa, hoặc đang chèo ghe trên sông, hay vừa tát nước gàu sòng vừa hò. Lối hát đối đáp của hai bên thường ngẫu hứng bằng lối thơ vần dân gian dựa trên một âm hưởng tương đối ổn định. Hò tát nước có 2 phần là bên đối và bên đáp.

Hò đối đáp được hát nhiều nhất trong khi giã gạo vào buổi tối (còn gọi là hát hố). Có những lúc hết gạo, người ta còn đổ trấu vào cối để vừa giã vừa hát. Khi hát, bà con chia làm 2 đội: bên nam hỏi, bên nữ đáp hoặc ngược lại. Bên nào không hát trả được thì hôm sau đến hát trả. Lời ca trong hò đối đáp chủ yếu là các câu nhân nghĩa (còn gọi là hát nhân ngãi). Chính vì thế, có nhiều đôi đã thành vợ chồng từ những cuộc hát đối đáp.

Lời ca trong bài Hò giã gạo do Nghệ nhân Võ Lễ, Lê Thị Ngại (xã Bình Dương, Bình Sơn) hát:

Nam:

Cầm chày mà nhịp tình tang

Lâu ngày giã gạo họp đoàn cho vui

Tới đây một cảnh chung một thôn nhà

Trước tôi chào mấy cụ già

Sau tôi chào mấy bà từ mẫu

Đóng điệu mẹ cha sinh thành

Sau tôi chào quý cụ, quý anh

Gái trai vạn hội, rách lành tôi chào chung

Chào rồi tôi nói thiệt với bạn cùng

Có người mô đứng cối tỏ tâm tình cùng anh

Nữ:

Em thưa với anh một tiếng

Em đã có chồng

Khác chi cây kiểng nọ

Ông lớn trồng trước dinh…

 

Các điệu hò trên sông nước cũng rất đa dạng, trong đó có hò chèo thuyền. Có 2 loại hò chèo thuyền.

Hò mái dài: hò lúc chèo thuyền đò dọc, từ hạ lưu lên thượng lưu và ngược lại. Theo những chiếc thuyền, cư dân vùng sông biển Quảng Ngãi đã mua bán hoặc trao đổi hàng hóa với nậu nguồn (tức đồng bào các dân tộc thiểu số). Người miền xuôi mang lên miền ngược những thứ như mắm, muối, cá… và khi về họ mang những thứ như củi, quế, trầu, mít… nên có câu ca:

         Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên…

Chẳng hạn lời ca bài Hò mái dài:

Ngó lại quê mình

Bởi em chèo thuyền trên sông Cái

Em ngó lại quê mình

Chim trên cành còn đủ cặp

Huống chi mình muốn lẻ đôi

Vì đâu mà đây với đó đà hai nơi

Chuyến đò ngang bằng chiếc đũa

Không một lời nhắn đưa

Cây đa bến cũ đò xưa

Người thương có nghĩa thì nắng mưa…

Người thương có nghĩa thì nắng mưa em vẫn chờ!

Hò mái ngơi (mái lơi): thường gắn liền với một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc trưng của vùng sông nước: lễ hội đua ghe. Cuộc đua ghe thường chia làm 2 giai đoạn, đoạn đầu nhịp nhẹ nhàng là lúc ghe mới rời điểm xuất phát, hò mái ngơi được sử dụng trong lúc này. Người ta quy định trong diễn xướng hò mái ngơi, dù câu thơ ngắn hay dài thì bài hò cũng chấm dứt sau 3 lần xô.

Hò ba lý: điệu hò rất được yêu thích và phổ biến ở Quảng Ngãi. Do tính chất âm nhạc trẻ trung, sôi nổi dễ nhớ, phù hợp với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nên thường được vận dụng đặt lời mới để tuyên truyền, cổ động… Cũng như điệu các điệu hò khác, điệu hò này là sự gợi ý cho nhiều nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm nổi tiếng nói về một miền quê, một địa phương, một ngành nghề, hay ca ngợi tình yêu thủy chung…

 

Hò tín ngưỡng – tâm linh

 

Hò đưa ông (đưa linh): điệu hò nằm tổng thể lễ tế cá ông (cá voi). Thờ cá ông là một tín ngưỡng lâu đời và phổ biến của các cư dân vạn chài duyên hải miền Trung và Quảng Ngãi. Theo truyền thuyết cá ông luôn hiện lên giúp người đi biển những khi gặp nạn. Từ đó, cá ông được tôn vinh như vị thần bảo hộ cho cuộc sống của các cư dân vạn chài. Đến thời nhà Nguyễn, cá ông được chính thức phong thần: Nam Hải Đại tướng quân. Lễ tế cá ông thường diễn ra 2 ngày, với các phần chính: lễ cầu ngư, lễ nghinh ông, hát bả trạo, múa đèn, múa gươm, các trò đua ghe, lắc thúng… Hò đưa ông được diễn xướng trong hát bả trạo của lễ tế cá ông vào hằng năm.

 

Về thang âm – điệu thức

 

Qua phân tích bước đầu, chúng tôi nhận thấy thang âm – điệu thức của hò Quảng Ngãi khá phong phú. Có loại 3 âm: hò kéo rùng; loại 4 âm: hò mái nhặt; loại 5 âm: hò giã gạo, hò mái ngơi, hò kéo neo, hò giựt chì; loại 6 âm: hò kéo lưới, hò giã vôi, hò tát nước, hò ba lý; loại 7 âm: hò đưa ông (3).

Nói tóm lại, hò của cư dân tỉnh Quảng Ngãi là sự sáng tạo của nhiều thế hệ, trở thành những tác phẩm nghệ thuật dân gian có giá trị. Mỗi điệu hò mang trong nó những phẩm chất cơ bản của lối tư duy, tình cảm, tập quán của chính chủ thể sáng tạo và mang tính địa phương, vùng miền… Mặc khác, qua mỗi địa phương, mỗi làn điệu, bài bản của hò lại có thể biến đổi thành nhiều dị bản, vừa mang những nét, những yếu tố chung và riêng, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, từng lúc, từng nơi trong một quy luật của giao lưu tiếp biến văn hóa.

Cũng như dân ca nói chung, hò được ra đời từ rất sớm, có sức sống bền vững. Nó đã xuất hiện ngay từ thời nguyên thủy và tồn tại cho tới ngày nay. Trong suốt quá trình lịch sử, hò đã phát triển ngày càng phong phú, đa dạng ứng với nhiều thể loại khác nhau của âm nhạc dân gian. Hò cũng mang trong mình bề dày lịch sử, văn hóa dân tộc và những đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Việt Nam.

_______________

1. Tư liệu khảo điền dã của Nguyễn Thế Truyền, năm 2007.

            2, 3. Dẫn lại từ sách Quảng Ngãi đất nước – con người – văn hóa, phần Di tích thời đại đá cũ Gò Trá – báo cáo điền dã 1978 của Lê Trung Khá, Nguyễn Vạn Thuận, Sở VHTT Quảng Ngãi (tái bản), 2001.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 317, tháng 11-2010

Tác giả : Nguyễn Thế Truyền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *