Hoa văn và nghệ thuật trang trí chùa Khmer ở Nam Bộ


Như chúng ta đã biết, mỗi ngôi chùa Khmer được dựng lên không chỉ nhằm phục vụ cho đời sống tôn giáo mà còn là một công trình có ý nghĩa về thẩm mỹ. Vì vậy, người Khmer luôn ý thức trong việc trang trí ngôi chùa sao cho thật đẹp, lộng lẫy. Các hình thức được sử dụng trong trang trí chùa Khmer ở Nam Bộ hiện nay phổ biến là sử dụng hoa văn trang trí; các loại tượng tròn (1); phù điêu và hội họa.

Nguồn gốc và quá trình phát triển của hoa văn trang trí trong chùa Khmer

Các tài liệu nghiên cứu về hoa văn Khmer từ trước đến nay hầu như rất hiếm thấy, nếu có thì phần lớn được biên soạn một cách vắn tắt, như một thứ giáo trình giản lược, để các nghệ nhân có thể truyền dạy cho học trò của mình. Đây là khó khăn lớn khi chúng tôi tiến hành nghiên cứu, ghi chép về nghệ thuật trang trí chùa Khmer ở Nam Bộ nói chung và về hoa văn trang trí ở chùa nói riêng.

Hình thức biểu hiện của các loại hoa văn Khmer hiện nay tại các ngôi chùa có một mối liên hệ mật thiết với thế giới tự nhiên. Vì thế, hoa văn Khmer cơ bản ban đầu cũng có những tên gọi tương tự như các loài trong tự nhiên. Cũng có những trường hợp, sau khi sáng tác xong một loại hoa văn nào đó, nghệ nhân thấy rằng nó có hình thù giống một sự vật của tự nhiên nên đặt tên cho hoa văn đó bằng chính tên của sự vật.

Hoa văn trang trí ở chùa Sê-Rây-Ta-Mơn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng – Ảnh: Hứa Sa Ni

Trong ngôn ngữ biểu thị, người Khmer gọi hoa văn là “K’bach”. Nếu chúng ta phân tích kỹ về mặt ngôn từ của thuật ngữ “K’bach”, chúng ta thấy rằng, nó có thể bắt nguồn từ thuật ngữ “Kach” (2). Chẳng hạn, từ “Kach Bai-sây” có nghĩa là sự bẻ, làm uốn lượn để trang trí cho Bai-sây (3). Trong nghệ thuật múa, K’bach chỉ các động tác tay chân hoặc cơ thể mềm mại, uốn lượn theo một điệu thức nào đấy, nhờ sự cần cù khổ luyện của diễn viên (4). Trong nghệ thuật tạc tượng, K’bách được xem như một thứ trang trí thể hiện tính thẩm mỹ, có những đường nét uốn lượn mà thực chất được bắt chước từ thiên nhiên, tùy theo sự khéo léo của nghệ nhân, nhằm trang trí cho các đồ dùng vật dụng, các sản phẩm mang tính nghệ thuật đạt giá trị thẩm mỹ cao hơn.

 Phân loại hoa văn trang trí trong chùa Khmer

Theo quan điểm của nhiều nghệ nhân cũng như các nhà nghiên cứu, hoa văn Khmer có 4 loại cơ bản như sau:

Hoa văn Angkor (K’bách Angkor)

Gọi là hoa văn Angkor bởi các nghệ nhân Khmer đã bắt chước những khuôn mẫu được điêu khắc trên các vách tường, các công trình kiến trúc thời kỳ Angkor. Một đặc điểm khác là trước đó, việc sử dụng các họa tiết trang trí trên các công trình kiến trúc, các đồ dùng vật dụng, thường chỉ được người Khmer vay mượn từ hình ảnh của tự nhiên, chủ yếu các dạng hoa, lá. Trong khi những họa tiết thể hiện trên các đền đài Angkor gần như khác hoàn toàn, với những hình thù lạ, tinh xảo…

Về mặt cấu trúc, hoa văn Angkor thường gồm đủ bốn phần: Đoong (cuống), Slấk (lá), Kro-pum (nụ) và Tum-rô (giá đỡ), phần giá đỡ này thực chất là một loại lá Angkor, có chức năng đỡ những lá khác hoặc nụ của hoa văn, khi một hoa văn được chẽ nhỏ thành vô số lá trong một môtip nào đó.

Hoa văn Angkor thông thường được sử dụng cho các công trình lớn hay hiện vật nặng. Nhưng thật ra, tùy vào khả năng của từng nghệ nhân, người ta có thể vận dụng để trang trí cho bất cứ công trình kiến trúc nào hay bất kỳ hiện vật, đồ dùng, vật dụng mà trên bề mặt của nó có thể chạm khắc được. Có thể nói, hoa văn Angkor là loại phổ biến và dễ sử dụng nhất, mặc dù các họa tiết của nó rất khó trong thể hiện.

Hoa văn Pha-nhi-tês (K’bách Tês)

 Pha-nhi-tês là tên gọi của người Khmer chỉ một loại cây thuộc họ gừng, có lá gần giống với lá giong, củ ăn được, nhiều người ở miền Tây Nam Bộ và miền Trung gọi là cây bình tinh.

Hoa văn Pha-nhi-tês là một dạng hoa văn được bắt nguồn từ thiên nhiên, mà cụ thể, được bắt chước theo hình dáng của lá và hoa cây cùng tên.

Xét về cấu trúc, hoa văn Pha-nhi-tês, thường gồm cuống, lá, hoa, nụ, quả và lá non (thường để kết thúc một chuỗi của họa tiết hoa văn Pha-nhi-tês). Khi thể hiện loại hoa văn này, các nghệ nhân hết sức chú ý sao cho đạt tới sự sống động, giống như chúng ta đang chiêm ngưỡng một loài thực vật có thực nào đó chuyển động trong sự sinh sôi, nảy nở, phát triển, vươn lên.

Trong một số trường hợp, nghệ nhân còn kết hợp loại hoa văn Pha-nhi-tês với một số hình ảnh các con vật khác như M’ko, Rea-hu, đầu chằn… để tạo vẻ sinh động hơn.

Hoa văn Pha-nhi-vo (hoa văn dây leo)

Hoa văn Pha-nhi-vo cũng là dạng được bắt nguồn từ thiên nhiên. Chữ pha-nhi trong tiếng Khmer, có nghĩa là cây cỏ. Còn chữ vo có nghĩa là dây leo. Như vậy, hoa văn Pha-nhi-vo tức là dạng họa tiết được làm theo hình dáng các loại cây dây leo trong tự nhiên. Tuy nhiên, nó không rõ ràng một loại thực vật nào đó, mà ở đây, nghệ nhân đã phối kết hợp rất nhiều loại khác nhau để tạo thành một chuỗi hoàn chỉnh.

Tương tự như loại hoa văn Pha-nhi-tês, hoa văn Pha-nhi-vo cũng có kết cấu gồm cuống, lá, hoa và nụ. Nhìn tổng thể, hai loại hoa văn này không khác nhau nhiều. Song, đặc điểm cần phân biệt là hoa văn Pha-nhi-vo thường kết hợp theo chuỗi, dạng dây và có đủ cuống, lá, hoa, nụ. Còn hoa văn Pha-nhi-tês chủ yếu chỉ được thể hiện ở dạng lá, rời rạc; nếu nằm trong một tổ hợp nào đó thì thường các loại lá ôm lấy cuống, chứ không kết hợp theo dạng dây leo và phần lá của chúng chủ yếu được bắt chước theo hình dáng của lá cây bình tinh.

Hoa văn Pha-nhi-Pha-lơng (dạng ngọn lửa đang cháy)

Tương truyền, trong quá trình xây dựng đền đài, vào ban đêm, tiết trời se lạnh, các nghệ nhân xưa đã đốt lửa lên để ngồi quanh, vừa sưởi ấm vừa hàn huyên tâm sự. Trong lúc đó, họ phát hiện ra hình ảnh về ngọn lửa đang cháy, dưới tác động của làn gió nhẹ đã làm nó phấp phới, đỗ qua, nghiêng lại, trông rất đẹp. Từ đó các nghệ nhân đã sáng tạo nên hoa văn Pha-nhi-Pha-lơng.

Xét về cấu trúc, hoa văn Pha-nhi-Pha-lơng thường không thể hiện rõ ràng như các loại trên. Do bản thân ngọn lửa thể hiện tính động nên đặc tính này cũng có ảnh hưởng đến tư duy tạo tác hoa văn của nghệ nhân. Về mặt hình khối, hoa văn Pha-nhi-Pha-lơng thường mềm mại, uốn lượn như đuôi Neak (rồng), song ở phần ngọn bao giờ cũng phải nhỏ và nhọn. Nếu chia hoa văn Pha-nhi-Pha-lơng thành ba phần thì phần đầu (điểm xuất phát) hơi gầy, phần giữa phình ra, phần ngọn hơi ưỡn lên trên và nhọn.

Ngoài bốn loại hoa văn cơ bản như vừa nêu, trong nghệ thuật trang trí chùa Khmer, còn có nhiều loại hoa văn khác nữa được sử dụng đan xen. Chẳng hạn hoa văn dạng răng trâu, hoa văn Kê-so, hoa văn Konh-chăng, hoa văn Muni-pon… hoặc còn có một số hoa văn, đúng hơn là những môtip như hình trứng cá, kỳ (vây) rồng, vỏ măng, lóng mía, Chăk-chăn,… Đặc biệt, còn có thêm một loại hoa văn tổng hợp, là sản phẩm do các nghệ nhân Khmer Nam Bộ sáng tạo trong quá trình trang trí ngôi chùa. Đó hẳn phải là những nghệ nhân có tay nghề cao, mới thể hiện được một cách trọn vẹn sự mềm mại, tính hợp lý vì cùng lúc cả bốn loại hoa văn cơ bản đều được sử dụng trong một khung, môtip nào đó. Người khởi xướng cho sự sáng tạo này là cố nghệ nhân Lý Rương ở Sóc Trăng. Ông đã sáng tạo hoa văn tổng hợp vào năm 1989.

Để có sự hiểu biết đầy đủ hơn, chúng ta cần tìm hiểu thêm về hai thuật ngữ K’bách, tức là họa tiết hoa văn, và Tum-rong, nghĩa là khung bên ngoài, là cấu trúc hình dáng của một loại hoa văn nào đó.

Theo cách hiểu của người Khmer, K’bách là biểu hiện của những đặc điểm, tên gọi của một chiếc lá mà trên tổng thể lá đó, người ta có thể “Chếk” (chia), và “Chhếk” (chẽ) nhỏ ra theo những đường cong, uốn lượn hoặc đường zích zắc để tạo thành họa tiết và gắn tên gọi cho nó. Chẳng hạn, từ một cánh sen, người ta có thể tạo thành các họa tiết của Angkor hoặc Pha-nhi-vo, Pha-nhi-Pha-lơng; tất nhiên, ngoại trừ một số hoa văn mà người ta không thể chia/chẻ nhỏ ra như hoa văn hình răng trâu, hoa văn hình trứng hay răng cá.

Còn về Tum-rong, các nghệ nhân lấy hình thức của một miếng vỏ măng hoặc đóa sen chưa nở nhìn trực diện hoặc hình dáng của đuôi Hoong (chim phụng) … làm thành bộ khung, sau đó, ở phần bên trong, người ta đưa vào các loại họa tiết để hình thành nên một dạng hoa văn nào đó. Và ở bên trong tất cả các khung hình này, nghệ nhân có thể sử dụng nhiều dạng hoa văn khác nhau để vẽ hoặc điêu khắc. Mặt khác, do việc sử dụng khung để chuyển tải một loại họa tiết nào đó nên đôi khi, người ta cũng có thể gọi hoa văn đó theo hình thức bên ngoài của nó. Ví dụ, nghệ nhân lấy khung hình cánh sen và ở bên trong, đặt họa tiết Pha-nhi-vo, thì cũng có thể gọi toàn bộ hình ảnh này bằng cái tên là Ka-bách tro-bok-chhuk (hoa văn hoa sen)…

Một điều nữa cũng cần quan tâm, có một số nghệ nhân còn gọi tên hoa văn theo từng vị trí nó được bố trí, mặc dù thực tế, loại hoa văn đó có tên gọi riêng của nó. Chẳng hạn, khi nghệ nhân trang trí ở khu vực đầu cột hoặc chân cột, dù hoa văn được thể hiện ở đầu cột đó có tên gọi là hoa văn Angkor nhưng họ vẫn gọi nó là hoa văn đầu cột (K’bách Ka-bal-so-so); hoặc như những loại hoa văn được thể hiện ở khu vực Tam giác (đầu hồi, tức Hô-cheang ) trên mái công trình được gọi là hoa văn đầu hồi… Đây là thói quen của một số nghệ nhân, nhưng chính điều này làm cho nhiều người khó hiểu, thậm chí hiểu sai về các loại hoa văn Khmer.

Về hình thức biểu đạt của hoa văn trang trí chùa Khmer

Xét về cơ bản, các hình thức hoa văn Khmer, hay đúng hơn là khung hoa văn, tức môtip biểu hiện, bao gồm tới 26 dạng: T’ro-bok Chhuôk pi-muk (hoa sen nhìn trực diện); T’ro-bok Chhuôk Chhiêng (cánh sen nhìn từ góc ngang/ nghiêng); Slấk-pô (lá bồ đề); Slấk-tês (lá cây bình tinh/lá giong); Pha-lơng (ngọn lửa đang cháy); T’rô-nung-neak (Kỳ/vây rồng); Som-bok-tum-peng (vỏ măng); Poong-t’rây (trứng cá); Hiêl (hình thù của ốc sên/ dạng chữ S nằm nghiêng); Kud-kha-yoong (xoáy trôn ốc); Th’mênh-t’rây (răng cá); Th’mênh-kro-bây (răng trâu); Kê-so (hình nhụy sen); Konh-chăng (dạng lá có 3 cánh dính liền nhau); Chắk-chăn (có dạng hình thoi); Ph’ka-chăn (hoa chăn, tức hoa cúc, có ít nhất 8 cánh); Đok-chăn (cũng tương tự như hoa chăn nhưng chỉ có bốn cánh đặt trong khung hình vuông xoay nghiêng, như hình thoi, nhưng đường chéo bằng nhau); Muni-pon; Tha-năng-Om-pu (như hình lóng mía, tức được đặt xếp chồng lên nhau, có hình như mũi tên chỉ xuống); Banh-chôs-pha-lúk (tương tự như dạng lóng mía nhưng mũi tên chỉ lên); Banh-yuôl-sa-bâu (đường diềm mái nhà, đầu hồi); Slấk-chók (lá bèo); Pha-ka-rum-đuôl; Ka-bal-khăp (dạng cách điệu hóa của đầu Rea-hu hoặc Kê-so); Ma-nus-tếp (là sự đan xen, lồng ghép giữa hình ảnh nhân vật dạng người, thiên thần với hoa văn); Kon-tuy-hoong (đuôi chim phụng).

Ngoài những dạng trên, theo cố nghệ nhân Lý Rương ở Sóc Trăng, còn có thêm một số loại môtip khác như Sô-banh (giấc mơ) chẳng hạn. Tuy nhiên, môtip này không phổ biến trong trang trí các chùa Khmer ở Nam Bộ.

Một số quy định cơ bản trong trang trí chùa Khmer

Để có thể sử dụng các hình thức trang trí qua các loại hình hoa văn, tượng, phù điêu hoặc hội họa cho đúng, phù hợp với từng vị trí, công trình trong kiến trúc chùa Khmer, góp phần tăng thêm vẻ đẹp lộng lẫy và thể hiện tính tôn nghiêm đối với các ngôi chùa, người nghệ nhân, bên cạnh sự khéo léo và sáng tạo, còn cần phải nắm vững các tiêu chí cơ bản, được coi là chuẩn mực trong trang trí chùa.

Qua khảo sát điền dã và phỏng vấn nhiều vị sư, nghệ nhân và dân chúng trên địa bàn 5 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu, chúng tôi nhận thấy, đa số các nghệ nhân tuân thủ một số quy định cơ bản sau:

Hoa văn Khmer phải tròn, đều, mềm mại, có độ sâu, sắc nét, rõ ràng, khỏe, không gãy khúc

Đây là đặc điểm thể hiện rõ sắc thái riêng theo phong cách Khmer. Khác với người Thái, người Lào, các loại hoa văn trang trí thường kéo dài, nhọn, thon, đường nét gầy guộc. Đối với hoa văn Khmer, đường nét thường đầy đặn, tròn hơn, có độ sâu, lồi lõm rất rõ để tạo nên hình khối. Đặc biệt, khi sử dụng loại hoa văn Angkor, đặc điểm tròn và có độ sâu, làm nổi bật từng đường nét của lá hoa văn là yếu tố hết sức quan trọng.

Như chúng ta biết, kết cấu tỏa tròn là bài học quý báu mà con người, khi trang trí sự vật, học được từ thiên nhiên nhiên, chẳng hạn như thông qua việc quan sát chính diện các bông hoa đang hay các vòng sóng lan tỏa sau khi có hòn sỏi được ném xuống nước… Kết cấu này bao giờ cũng có một tâm điểm chung cho mọi chi tiết tỏa đều bao quanh vòng trong, vòng ngoài. So với cách trang trí đối xứng và so le mang tính nối tiếp, chạy dài, trang trí dạng tỏa tròn nhìn hấp dẫn hơn nhiều do có lực hút vào tâm và sức lan tỏa gợi lại ánh xạ của các vì tinh tú. Do đó, kết cấu tỏa tròn thường được ưu tiên làm trọng tâm cho các loại hình trang trí: vuông, tròn, chữ nhật, tam giác… hoặc làm điểm nhấn cho đường diềm.

Việc sử dụng hoa văn cũng như tượng phải đúng cách, phù hợp với từng vị trí của kiến trúc

Theo quan niệm của nhiều nghệ nhân Khmer, cấu trúc của mỗi loại hoa văn đều có những nét đặc thù riêng, mặc dù khi nhìn vào chúng, ta cứ nhầm tưởng nó có sự giống nhau, nhưng thực tế, tùy từng vị trí trong công trình kiến trúc, nghệ nhân trang trí buộc phải sử dụng một loại hoa văn nào đó cho phù hợp, không được tùy tiện. Thật vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cái quan trọng là nghệ nhân phải tuân thủ nguyên tắc “hướng đi” của từng loại hoa văn, còn việc sắp đặt, bố trí nó ở đâu, như thế nào cũng tương đối linh hoạt.

Tính đối xứng

Đối xứng là sự tương ứng của hai hay nhiều yếu tố thông qua một điểm, một trục giữa hay một mặt phẳng (5). Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hầu hết các trang trí chùa Khmer. Các nghệ nhân thường sử dụng sự đăng đối của các họa tiết hoa văn theo cách nhắc lại nhiều lần giống nhau, nhưng ngược chiều nhau qua một điểm hay một trục. Việc sắp xếp, bố trí các loại hoa văn, tượng trong một bố cục có tính đối xứng luôn tạo ra cảm giác về sự cân bằng, chắc chắn, vững chãi và vì thế, tạo ra sự hài hòa, trật tự và thẩm mỹ. Đối xứng cũng là kết cấu cơ bản của tuyệt đại đa số sinh vật trong tự nhiên. Cũng có những bộ phận chỉ là độc nhất nhưng lại mọc lên ở chính giữa trục dọc cơ thể và do đó vẫn mang tính đối xứng: sừng tê giác, vòi voi, mào gà, u bò hay đuôi của nhiều loài vật… Như vậy, trang trí đối xứng chính là mô phỏng cuộc sống một cách điển hình, có chọn lọc.

Chúng ta luôn bắt gặp tính đối xứng trong nghệ thuật trang trí chùa Khmer qua một loạt hình thức biểu hiện của rất nhiều vị trí khác nhau trong tổng thể kiến trúc chùa. Chẳng hạn cách bố cục tại các vị trí đầu hồi, trên vòm cửa… Việc sắp xếp vị trí cho các loại tượng cũng tuân thủ quy định này. Ví dụ, ngay trước cổng chùa luôn có hai bức tượng Yeak đặt ở hai bên, hoặc hai con sư tử canh giữ cửa, hoặc cặp Neak (rồng) trên bờ dải lan can, trên nóc mái…

Các loại hoa văn khác nhau khi kết nối phải có mối liên hệ cả về hình thức lẫn nội dung

Mỗi loại hoa văn đều có quy tắc, có bước đi của nó. Từ đường nét cơ bản, đơn giản ban đầu, bắt chước các loại hoa, lá, răng, nanh động vật trong thế giới tự nhiên, nghệ nhân có thể chiachẽ nhỏ để tạo nên sự sinh động cho từng loại hoa văn. Thông thường, bước đi của các loại hoa văn theo chiều xoay của kim đồng hồ. Song, do chú trọng đến tính đối xứng nên các bước chuyển của hoa văn phát sinh thêm hướng ngược lại của chiều kim đồng hồ.

Tuy nhiên, nếu xét trên tổng thể thì sự kết nối giữa các loại hoa văn trong một chuỗi cũng không thể thoát khỏi kiểu kết cấu so le. Có thể gọi đây là sự lệch pha của kết cấu đối xứng. Cành cây vẫn ngần ấy cái lá và lá cây vẫn ngần ấy đường gân nhưng không đối diện từng cặp nữa mà so le nhau một cách đều đặn, lần lượt. Chính vì thế, trang trí chùa Khmer trở nên nhịp nhàng, sinh động hơn, đỡ cứng nhắc khô khan, nhất là ở loại hình diềm tường.

_____________

1. Riêng các loại tượng của chùa Khmer không hẳn mang ý nghĩa làm đẹp, vì phần lớn nó được mô tả theo các truyền thuyết và theo tích Phật nên lẽ đương nhiên nó mang tính thiêng rất rõ. Nói cách khác nó vừa mang ý nghĩa thẩm mỹ vừa có ý nghĩa tâm linh.

2. Kách có nghĩa là bẻ

3. Một loại lễ vật được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ, nghi thức của phong tục tập quán Khmer.

4. Chăn-Vitharin và Preab Chanmara, Kbach-Khmer, Nxb Reyum, Phnôm Pênh, Campuchia, 2005.

5. Đặng Bích Ngân (chủ biên), Từ điển Thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.60.

Tác giả: Hứa Sa Ni

Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *