Hoàn thiện quan điểm của Đảng về văn hóa, con người góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam


Sức mạnh mềm là một khái niệm do
giáo sư người Mỹ là Joseph Samuel Nye
đưa ra trong một cuốn sách xuất bản
năm 1990. Sau đó, khái niệm này được
sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế
giới. Sức mạnh mềm được thực hiện
thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục,
không phải là áp đặt, cưỡng chế, nghĩa
là việc gây ảnh hưởng để khiến người
khác làm theo những thứ mình muốn.
Sức mạnh mềm văn hóa, các giá trị văn hóa, con người, thể chế của quốc gia, tạo nên sự hấp dẫn, sức lan tỏa có khả năng ảnh hưởng, thu hút của một quốc gia này đối với quốc gia khác nhằm đạt được lợi ích thông qua các hoạt động văn hóa. Đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã đề ra nhiều quyết sách, trong đó có những quan điểm chỉ đạo góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

1. Những quan điểm cốt lõi

Đảng Cộng sản Việt Nam với sứ mệnh “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Hiến pháp năm 2013) đã sớm nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước năm 1945, khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, Tổng Bí thư Trường Chinh đã thay mặt Trung ương Đảng soạn thảo Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đề ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa và khẳng định: “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”. Trong thời kỳ đánh đuổi thực dân Pháp tái xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (1). Năm 1986, Đại hội VI của Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó đến nay, Đảng đã ban hành một số văn bản liên quan trực tiếp đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người đề ra các quan điểm cụ thể góp phần phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Đó là các văn bản:

Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (NQ T.Ư 5). Nghị quyết nêu 5 quan điểm chỉ đạo, được coi là kim chỉ nam dẫn dắt văn hóa nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng quốc tế.

Năm 2008, Nghị quyết số 23-NQ/T.W của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (NQ số 23). Đây là nghị quyết chuyên đề về văn học, nghệ thuật, coi đây “là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa”.

Năm 2014, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (NQT.Ư 9). Nghị quyết này đã kế thừa, hoàn thiện những quan điểm đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đồng thời bổ sung một số quan điểm mới mà Trung ương đặc biệt quan tâm, đó là nhân tố con người và sự phát triển bền vững đất nước.

Năm 2017, Nghị quyết số 08-NQ/ T.W của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (NQ số 08). Du lịch là thành tố của văn hóa, không chỉ là nhu cầu tinh thần của con người mà còn là ngành “công nghiệp không khói” phát triển đất nước.

Các quan điểm trong các Nghị quyết nêu trên đã thể hiện tầm tư duy sâu sắc, toàn diện của Đảng về văn hóa, xác định đúng đắn vị trí của văn hóa trong quan hệ với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển và khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (NQ T.Ư 9).

Đảng ta cũng đã làm rõ những tính chất, đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Việt Nam ở những giá trị cốt lõi: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” (NQ T.Ư 9).

Con người là mối quan tâm hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Chúng ta đều biết nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người. Đảng ta đã nêu riêng một quan điểm về xây dựng con người trong tương quan phát triển văn hóa, bước đầu nêu một số giá trị cần hướng tới của con người Việt Nam: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” (NQ T.Ư 9).

Tiếp thu quan điểm của cha ông ta trong lịch sử “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung), Đảng nhấn mạnh việc trọng dụng nhân tài, nhất là trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật: “Tài năng văn học, nghệ thuật và vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp” (NQ số 23).

Đảng ta đưa ra quan điểm xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đề cao vai trò của gia đình, cộng đồng đối với xây dựng văn hóa: “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế” (NQ T.Ư 9).

Ngày hội của đồng bào Tây Nguyên tại Làng Văn hóa – Du lịch
các dân tộc Việt Nam – Ảnh: Thanh Hà

 

Từ nhận thức sâu sắc tài nguyên văn hóa là nguồn vốn quý giá phát triển kinh tế – xã hội, nhất là kinh tế du lịch, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Đảng nêu rõ quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội” (NQ số 08).

Đảng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng nhân dân và xác định từng vị trí của các chủ thể trong xây dựng văn hóa, đề cao vai trò của đội ngũ trí thức: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng” (NQ T.Ư 9).

Các quan điểm nêu trên đã trang bị nhận thức và định hướng hoạt động văn hóa ở nước ta trong thời gian qua, nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (NQ T.Ư 9). Đó chính là những quan điểm cốt lõi góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

2. Tiếp tục hoàn thiện quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người

5 quan điểm nêu trong NQ T.Ư 9 khóa XI đã kết tinh tư duy của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng văn hóa, con người. Các quan điểm trên đều được đúc rút từ thực tiễn phát triển của đất nước và tranh thủ tiếp thu những vấn đề lý luận văn hóa mới được các tổ chức quốc tế thừa nhận và khuyến cáo các quốc gia vận dụng. So với NQ T.Ư 5 khóa VIII về văn hóa, NQ T.Ư 9 khóa XI có thêm hai quan điểm mới nói về con người và mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế. Đây là hai quan điểm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở nhận thức và hành động để phát huy sức mạnh mềm văn hóa. Bởi nói đến văn hóa là nói đến con người, con người có được giải phóng năng lực, sức sản xuất, sáng tạo, hướng đích rõ ràng, cao đẹp về lý tưởng, đạo đức, lối sống thì văn hóa mới có được sức mạnh của lịch sử, của thời đại. Nói đến văn hóa không thể không thấy mối quan hệ gắn bó, phụ thuộc vào nhau của văn hóa và kinh tế, quyết định chiều hướng phát triển của quốc gia. Đúng như lời ông Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor Zaragora viết: “Văn hóa nhất định sẽ ghi dấu ấn của mình lên hoạt động kinh tế của con người và xác định những mặt mạnh, mặt yếu riêng của các quá trình sản xuất trong một xã hội” (2).

Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng (bản lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân), trong nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (3).

Thời gian tới, Đảng cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong hệ thống chính trị khẩn trương đầu tư công sức, trí tuệ hoàn thiện, bổ sung quan điểm về con người. Trước mắt nhanh chóng đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế làm cơ sở hoàn thiện, bổ sung quan điểm về con người. Hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam chính là nguồn vốn và là hình ảnh của dân tộc, quốc gia Việt Nam trong các quan hệ xã hội và quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị xã hội, giữ gìn môi trường và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh, bất luận một chế độ chính trị nào cũng đều cố gắng xây dựng một hệ giá trị con người của chế độ ấy làm chuẩn mực giá trị điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Nếu không tạo dựng được hệ giá trị chuẩn con người trong xã hội sẽ dẫn đến loạn chuẩn, cản trở phát huy sức mạnh mềm của văn hóa.

Đồng thời với việc tìm ra và đề xuất hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam, chúng ta cũng cần đúc rút và xây dựng hệ giá trị chuẩn văn hóa Việt Nam thể hiện đặc trưng, giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam hình thành trong lịch sử dựng nước, giữ nước oanh liệt và khát vọng vươn lên của toàn dân tộc.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần nhấn mạnh và làm sâu sắc nhiệm vụ giáo dục thẩm mĩ nghệ thuật đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ. Nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới. Sản phẩm văn hóa, văn nghệ có nội dung xấu độc, chạy theo hình thức, hạ thấp chức năng giáo dục, cổ vũ lối sống thực dụng phát tán trên internet, mạng xã hội truyền bá hàng ngày vào nước ta. Do vậy, bên cạnh những biện pháp quản lý ngăn chặn, Đảng cần đề ra chiến lược giáo dục thẩm mĩ nghệ thuật để các tầng lớp nhân dân hiểu và có quan niệm đúng đắn về cái đẹp, tự miễn dịch, tảy chay các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có nội dung xấu độc.

Cần hoàn thiện, bổ sung quan điểm về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, làm sâu sắc hơn vai trò, chức năng điều tiết của văn hóa đối với phát triển, đóng góp về mặt kinh tế của văn hóa trong nền kinh tế tri thức, đồng thời làm rõ sự phát triển kinh tế là tạo nền tảng cho phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập sâu rộng quốc tế.

Đảng ta đã đưa ra những quan điểm và đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế có tính chung cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng để thống nhất nhận thức và cách thức tiến hành. Đã đến lúc Đảng cần đúc rút đưa ra một quan điểm mới chỉ đạo sự hội nhập quốc tế về văn hóa để văn hóa Việt Nam tận dụng thời cơ, hóa giải thách thức, chủ động thích ứng hòa vào dòng chảy văn minh nhân loại.

Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung làm sâu sắc hơn quan điểm về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa văn hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy mọi nguồn lực sức mạnh mềm văn hóa trong các quan hệ quốc tế.

Đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta. Với sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo văn hóa vì sự phát triển toàn diện con người và phát triển bền vững đất nước, Đảng phải tự đổi mới trên mọi phương diện, nhất là phương thức lãnh đạo. Văn hóa, văn nghệ là nền tảng tinh thần của xã hội, phạm vi hoạt động rộng, tinh tế và nhạy cảm, có tính đặc thù dưới chế độ chính trị ở nước ta, do vậy, thời gian tới, Đảng cần cụ thể hóa quan điểm, nhiệm vụ về phương thức lãnh đạo đối với văn hóa, văn nghệ, coi trọng tính đặc thù, tối ưu hóa các nguồn lực nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa của quốc gia trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng quốc tế.

_______________

1. Báo Cứu quốc, số ra ngày 25-11-1946

2. Federico Mayor Zaragora, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Tạp chí Thông tin UNESCO, tháng 11-1988.

3. Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phụ trương đặc biệt Báo Nhân Dân, ngày 20-10-2020, tr.3.

Tài liệu tham khảo 

1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Văn hóa XHCN, Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

2. Đỗ Đình Hãng (chủ biên), Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

3. Lê Thị Thu Hiền (chủ biên), Giáo trình Đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam (Dùng cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật), Nxb Văn học, Hà Nội, 2019.

Tác giả: Nguyễn Hữu Thức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *