Hoàng Hoa Thám dưới góc nhìn văn hóa


Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám được lịch sử và giới nghiên cứu đề cập đến với vai trò là người thủ lĩnh, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ông là một anh hùng quân sự kiệt xuất của dân tộc cuối TK XIX đầu TK XX. Những nghiên cứu về Hoàng Hoa Thám dưới góc nhìn văn hóa còn khá khiêm tốn, trong khi những đóng góp của ông với nền văn hóa dân tộc không hề nhỏ bé. Di sản văn hóa mà ông để lại cho hậu thế là tư tưởng độc lập dân tộc, là thái độ ứng xử với văn hóa truyền thống và các di sản (lễ hội, di tích) gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Hoàng Hoa Thám (tên thật là Trương Văn Thám) sinh năm 1858, quê ở làng Dị Chiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Trong phong trào Cần Vương 1885, ông đã lập chiến khu ở Yên Thế (Bắc Giang) và trở thành một trong những vị thủ lĩnh phong trào Cần Vương, nên còn được gọi là Đề Thám với danh tiếng là Hùm Thiêng Yên Thế. Phong trào nông dân Yên Thế (1884 – 1913) là sự kiện quan trọng nhất của phong trào nông dân khởi nghĩa thời cận đại. Khởi nghĩa Yên Thế đã bộc lộ khả năng to lớn của nông dân Việt Nam, đặc biệt là tài trí của anh hùng Hoàng Hoa Thám – người có khả năng quân sự kiệt xuất với lòng yêu nước tha thiết. Bên cạnh tài năng quân sự, ông còn có nhiều đóng góp với văn hóa dân tộc.

Tư tưởng đề cao độc lập dân tộc của Hoàng Hoa Thám

Sinh ra trong bối cảnh đất nước có nhiều cuộc khởi nghĩa, Hoàng Hoa Thám đã trở thành một chiến binh, một thủ lĩnh quân sự thực thụ. Năm 15 tuổi (1873), ông có mặt trong cuộc khởi nghĩa Đại Trận. Năm 1882, khi Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, Hoàng Hoa Thám cùng cha nuôi là Thân Văn Phức tức Bá Phức rời bỏ quê hương lên Hữu Lũng, đầu quân dưới trướng Cai Kinh. Ông mang họ Hoàng từ đấy. Sau đó, Hoàng Hoa Thám và Bá Phức về Yên Thế đầu quân cho Đề Nắm.

Tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám

Ảnh: Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Thế (Bắc Giang) cung cấp

Nghĩa quân Yên thế dưới sự lãnh đạo của Đề Nắm – Đề Thám – Bá Phức đã lập nên những chiến thắng vang dội ở Cao Thượng, Hố Chuối và phòng tuyến sông Sỏi. Sau khi Đề Nắm bị sát hại, mùa xuân năm 1892, Đề Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Vụ bắt cóc Chesnay và Logiou dẫn đến cuộc hòa hoãn lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10-1895 giữa nhà cầm quyền Pháp và nghĩa quân Yên Thế. Tháng 11-1901 diễn ra cuộc hòa hoãn lần thứ 2 với việc Hoàng Hoa Thám phải chấp nhận các điều kiện do phía Pháp đặt ra. Bước sang TK XX, tên tuổi và danh tiếng của Đề Thám đã thực sự trở thành mối lo lớn đối với nhà cầm quyền Pháp. Đây chính là thời điểm mà Đề Thám và bộ chỉ huy nghĩa quân mở rộng tầm nhìn, bắt đầu chăm lo việc gây dựng và mở rộng cơ sở về vùng xuôi, liên kết với các phong trào, tổ chức tuyên truyền và tập hợp dân chúng. Phồn Xương đã trở thành trung tâm hội tụ nhiều xu hướng và phong trào yêu nước.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế tồn tại ngót 30 năm (1884 – 1913) đã tiêu diệt hàng trăm sĩ quan Pháp và trên 48.000 lượt lính các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh, vũ khí giết người. Hoàng Hoa Thám đã trở thành tên tuổi lừng lẫy, một anh hùng dân tộc, một thiên tài, người mà chính giới Pháp cũng phải thừa nhận, “Mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi” (1).

Nhờ tư tưởng xuyên suốt là đề cao độc lập dân tộc, Hoàng Hoa Thám đã góp phần quan trọng làm chuyển hóa phong trào nông dân Yên Thế mang tính tự phát thành phong trào giải phóng dân tộc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam tham gia vào sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế nhanh chóng hòa nhập với các xu hướng yêu nước khác đang diễn ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt đối với khu vực Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Độc lập dân tộc là giá trị văn hóa cốt lõi thấm nhuần vào tư tưởng và hành động của người thủ lĩnh phong trào Yên Thế – Hoàng Hoa Thám. Sự tồn vong và phát triển của mỗi dân tộc đều gắn liền với việc giành và giữ vững nền độc lập của mình. Sống trong độc lập luôn là nguyện vọng thiết tha, chính đáng của các dân tộc. Độc lập dân tộc vừa là giá trị tinh thần, vừa là giá trị vật chất. Nền độc lập của một dân tộc là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho dân tộc ấy hòa bình, ổn định và phát triển. Hoàng Hoa Thám đã trọn vẹn cuộc đời mình với tư tưởng đề cao độc lập dân tộc.

Coi trọng, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống

Hoàng Hoa Thám là một nhà quân sự nhưng để lại dấu ấn đặc biệt về thái độ coi trọng văn hóa truyền thống. Ông đã thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng và phát triển văn hóa. Câu tuyên bố của Hoàng Hoa Thám với thực dân Pháp: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng” đã thể hiện tư tưởng của một nhà văn hóa lớn. Quan niệm chống ngoại xâm của ông là để giữ gìn “phong tục của đất nước chúng tôi” gần gũi, giản dị nhưng thấm đượm triết lý văn hóa sâu xa. Đó cũng là hằng số văn hóa chung trong tính cách của người nông dân Việt.

Không chỉ là tư tưởng coi trọng văn hóa truyền thống, Hoàng Hoa Thám đã có nhiều việc làm nhằm gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện trong việc tổ chức lễ tế, duy trì lễ hội, duy trì sinh hoạt văn hóa truyền thống cho nhân dân, cho tu sửa các công trình kiến trúc…

Sau khi Đề Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám đứng lên làm thủ lĩnh nghĩa quân và tổ chức lễ tế cờ tại đình Đông ở huyện Việt Yên vào ngày 1-11 năm Nhâm Thìn (tức ngày 19-12-1892). Ông chọn ngày mồng một âm lịch vì đó là ngày các cụ cao niên ở làng ra đình thắp hương, dâng cúng các vị anh hùng có công chống giặc ngoại xâm. Đình Đông chính là nơi thờ Trương Hống, Trương Hát – hai vị tướng giỏi của Triệu Việt Vương đã có công diệt giặc Lương vào cuối TK VI. Cách chọn này cho thấy Hoàng Hoa Thám coi trọng văn hóa tâm linh, văn hóa truyền thống của người Việt.

Trong 12 năm hòa hoãn xây dựng căn cứ Phồn Xương, nghĩa quân Yên Thế không chỉ củng cố lực lượng chiến đấu, mà còn tổ chức đời sống xã hội gồm bốn tổng trong vùng tự do yên bình. Đời sống văn hóa tinh thần trong căn cứ nghĩa quân Yên Thế đã được chí sĩ Phan Bội Châu viết: “Tôi hai lần tới đồn, xem khắp chung quanh, trâu cày từng đội, chim rừng quyện người, đàn bà trẻ con nhởn nhơ, tiếng chày rậm rịch, có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân”. Các phong tục văn hóa được duy trì, thể hiện tầm vóc và tầm nhìn văn hóa lớn của Hoàng Hoa Thám.

Hoàng Hoa Thám cho tu sửa đình, chùa, đền, miếu để cho dân hương khói thờ cúng cầu cho quốc thái dân an. Đón các sư ở chùa Bà Đá lên Phồn Xương làm lễ cầu siêu cho các vong hồn tử sĩ, ông còn giúp dân tổ chức lễ hội Phồn Xương. Trong lễ hội có rước, tế thành hoàng, vật, đu, bắn cung, bắn nỏ, thi nấu cơm, cỗ chay, cỗ mặn, làm bành, làm lương khô… Hoàng Hoa Thám cho tổ chức lễ phóng sinh, thả diều trong lễ hội Phồn Xương. Điều này thể hiện tinh thần yêu tự do, yêu văn hóa truyền thống dân tộc thông qua lễ phóng ngư, thả diều trong lễ hội Phồn Xương xưa. Ước mơ mong muốn tự do, vui với dân Việt Nam, sống với người Việt Nam, theo phong tục Việt Nam của Hoàng Hoa Thám vẫn luôn luôn ấp ủ trong mọi hành động và việc làm của ông.

Dấu ấn của Hoàng Hoa Thám với di sản văn hóa (lễ hội, di tích) gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế

Di sản văn hóa gắn với Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế có giá trị đặc biệt, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Các di sản bao gồm di tích, lễ hội gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Hiện nay, có 23 di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gắn với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo: đình Dĩnh Thép, chùa Lèo, đền Thề, đồn Hồ Chuối, chùa Thông, đồn Phồn Xương, đồn Hom, động Thiên Thai, đền Cầu Khoa, đình Đông, chùa Kem, Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, đình, chùa, đền Vồng, đình – chùa Hả, đình Dương Lâm, đình Cao Thượng, đình Nội, đình Làng Chuông, chùa Phổ, đền Gốc Khế, đền thờ Cả Trọng, ao Chấn Ký, nghĩa địa Pháp – đồi Phủ. Đây là những công trình kiến trúc cổ có niên đại khởi dựng từ thời Lê, TK XVII – XVIII và thời Nguyễn TK XIX, cùng các địa điểm, đồn lũy tạo thành hệ thống di tích liên hoàn gồm: 8 ngôi đình, 7 chùa, 6 đền, 3 đồn, 1 điếm, 1 nghè, 1 động và 5 địa điểm. Đây là nơi tụ nghĩa, tập hợp lực lượng yêu nước, đồng thời là những pháo đài xanh vững vàng đã lập nên những chiến công hiển hách của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ròng rã gần 30 năm (1884 – 1913) chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược (2).

Những di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế không những bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa vật thể mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với quá trình đấu tranh đòi quyền tự do của nhân dân lao động ở thời Lê – Mạc và thời Nguyễn. Đặc biệt là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử, gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế ngay từ buổi ban đầu. Nhiều di tích trong số đó, còn gắn trực tiếp với đời sống, sinh hoạt văn hóa của Hoàng Hoa Thám: Đền Thề và đồn Phồn Xương.

Bên cạnh hệ thống di tích, di sản văn hóa gắn với Hoàng Hoa Thám còn phải kể đến các lễ hội. Lễ hội Yên Thế hay còn gọi là lễ hội Phồn Xương (thị trấn Cầu Gồ tỉnh Bắc Giang) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Ban đầu đây là lễ hội mùa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân sau một năm sản xuất. Năm 1884, khi khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ, nhất là từ khi cuộc hòa hoãn lần hai giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp trở đi thì lễ hội Phồn Xương được Hoàng Hoa Thám cho tổ chức vào trung tuần tháng Giêng hằng năm. Tại ngày hội, ông đã cho tổ chức thêm các hoạt động văn hóa khác ngoài những hoạt động vốn có của lễ hội trước đó như: lập đàn làm lễ cầu siêu cho các vong hồn tử trận của nghĩa quân Yên Thế và nhân dân quanh vùng. Cùng với lễ cầu siêu là lễ phóng ngư, thả diều thể hiện tinh thần tự do, độc lập của nghĩa quân và Hoàng Hoa Thám (3). Lễ hội Yên Thế đã đi vào tâm thức và không thể thiếu trong nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, vật chất của cộng đồng dân cư địa phương. Lễ hội đã và đang bảo tồn, lưu giữ và phát huy tinh thần thượng võ, vốn có của vùng đất này, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ trân trọng, tiếp thu, kế thừa tinh hoa văn hóa của cha ông thông qua các hoạt động như vật võ, bắn cung nỏ, thi cỗ ẩm thực. Lễ hội trở thành điểm hẹn giao lưu văn hóa, kinh tế, đáp ứng nhu cầu tất yếu về văn hóa tín ngưỡng – tâm linh, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” hướng về anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Dấu ấn văn hóa của Hoàng Hoa Thám với văn hóa dân tộc không hề nhỏ. Dưới góc nhìn văn hóa, có thể khẳng định Hoàng Hoa Thám đã để lại nhiều di sản văn hóa, cho thấy chân dung đầy đủ về người anh hùng dân tộc, khi nào các di sản đó còn được biết đến thì khi đó, người ta không thể không nhớ tới ông.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Sở VHDL Bắc Giang – UBND huyện Yên Thế, Kỷ yếu hội thảo khoa học Bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hóa về phong trào khởi nghĩa Yên Thế, 2014.

2. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Yên Thế (thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), 2011.

3. Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, Lý lịch những di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (cuối TK XIX đầu TK XX), 2011.

Tác giả: Dương Thị Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *