Hoàng Khoa – Người mang nặng nghiệp Ca trù


Trong những buổi sinh hoạt của một nhóm ca trù tại Hải Phòng, bên cạnh giọng ca lảnh lót của đào nương, người ta luôn thấy hình ảnh trầm tĩnh, khoan thai của người kép đàn trẻ tuổi, bằng ngón đàn điêu luyện của mình mà tạo nên những âm điệu trầm bổng, khi đĩnh đạc, lúc phóng túng, nâng đỡ, tâm sự cùng giọng hát. Đó là Nghệ nhân dân gian (NNDG) Hoàng Khoa, một trong hai kép đàn trẻ tài năng của thành phố Cảng – Hải Phòng.

Từ một chàng trai có niềm yêu thích với nghệ thuật truyền thống từ nhỏ, lại có năng khiếu, có khả năng tự học nhiều loại nhạc cụ, Hoàng Khoa đã từng thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã phải tạm gác lại ước mơ nghệ thuật của mình để bươn chải kiếm sống qua nhiều nghề: cắt tóc, bảo vệ, trông xe,… Ấy vậy mà tình yêu với những thanh âm cổ truyền vẫn cứ thôi thúc trong anh, để rồi không bằng cách này thì cách khác, anh vẫn vừa làm vừa tìm tòi, học tập để dần trở thành một NNDG – kép đàn Ca trù Hoàng Khoa của ngày hôm nay, được nhiều bậc tiền bối ghi nhận, bạn nghề nể phục.

Cơ duyên đến với Ca trù của Hoàng Khoa xuất phát từ một bài báo năm 1998 viết về cố nghệ nhân Trần Trọng Quế. Thật ra khi đó, anh tìm đến nhà nghệ nhân là để xin học đàn Nguyệt. Ca trù lúc ấy còn là một khái niệm vô cùng mơ hồ đối với anh. Trong quá trình học đàn, cố nghệ nhân thấy ở cậu thanh niên Hoàng Khoa toát lên khả năng nhạy bén với âm nhạc, sự say mê cao độ nên mới ngỏ ý truyền dạy đàn đáy và cách đàn hát các thể cách của Ca trù, bảo anh về xin phép gia đình bái môn, học nghề. Tất nhiên, với một loại hình nghệ thuật vang bóng một thời nhưng không được thịnh hành ở thời điểm hiện tại, không còn mấy ai theo đuổi thì gia đình Hoàng Khoa không đồng ý. Thế nhưng, bởi sức cuốn hút vô hình nào đó, cùng với niềm tin tưởng người thầy của mình mà anh vẫn kiên quyết theo học.

NSND Đoàn Thị Thanh Bình, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hằng và Hoàng Khoa trong một buổi Hát cửa đình

Ảnh: Nguyễn Thành

Ca trù không hề đơn giản như anh tưởng tượng, trái lại còn vô cùng trừu tượng. Kép mới học đàn cũng phải học ca, phải “đàn” từng chữ nhạc bằng miệng trước rồi mới được học các ngón, thế tay cơ bản, khi phối hợp với đào nương thì vừa phải giữ được sự chắc chắn để dìu dắt giọng hát, lại cũng có lúc cần bay bổng trong chính những khuôn phép hòa điệu vi tế của thể loại. Anh nắm bắt nhanh các thể cách, chừng nửa năm là được thầy cho ghép đàn cùng ca nương. Nhưng bản thân anh cũng hiểu, đó chỉ là cái khung thầy mới xây dựng, để ngấm được ca từ, chữ nhạc, tâm tư ẩn ý trong từng bài hát và truyền tải được bằng tiếng đàn thì còn một quá trình dài có khi là cả đời. Bởi vậy mà Hoàng Khoa tích cực học hỏi. Anh thường xuyên nghe băng cát-sét (cassette) những bản thu thanh của các nghệ nhân như cụ Quách Thị Hồ, Đinh Khắc Ban, Chu Văn Du,… Năm 2012, trong khóa tập huấn về đàn hát ca trù do Viện Âm Nhạc tổ chức, anh có cơ hội được tiếp cận với Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ – đệ nhất danh cầm đàn đáy, sau đó được cụ truyền dạy 14 thể cách hát thờ cửa đình,… Anh tham gia nhiều Câu lạc bộ, hội nhóm dân gian, thường xuyên có những buổi biểu diễn, điền dã để giao lưu, học hỏi về Ca trù và tìm kiếm những câu chuyện, thông tin xoay quanh bộ môn nghệ thuật này. Có những khi, anh lang thang ở Hà Nội cả tháng trời để gặp gỡ các nhà nghiên cứu, kép đàn có tiếng để xin thu âm, nghe các bản đàn và tiếp thu những ngón đàn hay. Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan là người đã tiếp xúc với Hoàng Khoa từ những ngày anh mới theo đuổi Ca trù cho đến khi đạt được những thành tựu nhất định. Ông cho rằng, đó là cả một quá trình tiếp thu miệt mài và có bước phát triển lớn: “Khi chơi đàn trong một tiết mục, người kép đàn góp phần quan trọng trong việc nâng đỡ hiệu quả âm nhạc. Hoàng Khoa đã làm được điều đó, nâng được giọng hát, làm cho những thể cách trở nên hoàn thiện. Anh thể hiện ngón đàn của một nghệ nhân trẻ có đẳng cấp cao”. Hoàng Khoa đã dành được những thành tích đáng quý: Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca trù toàn quốc các năm 2005, 2009, 2014, danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2017. Khi được hỏi điều gì ở Ca trù thu hút anh đến vậy, anh nói tất cả, từ lời thơ ý nhị, sâu sắc đến nghệ thuật đàn hát logic, có tính khoa học cao mà vẫn bay bổng,… Ở trong nó rồi mà anh vẫn thấy sự bí ẩn, càng đi sâu càng ngấm.

Hoàng Khoa tham gia biểu diễn Ca trù do Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius mời, năm 2017

Nếu ai quen Hoàng Khoa thì đều biết, ngoài là một kép đàn Ca trù, anh còn là một cung văn, thường xuyên dâng văn hầu thánh tại các đền phủ. Anh kể rằng, chính món nghề này anh cũng học được từ cụ Trần Trọng Quế và hiện nay, đó là nghề kiếm sống chính của anh. Nếu như âm nhạc Chầu Văn mang lại cho anh những cảm xúc da diết, rồi lại rộn ràng, thăng hoa, thoát tục thì đối với Ca trù, âm nhạc mang lại cho anh sự kiên trì, sâu lắng. Đôi khi anh không biết là, con người mình thế nào thì mình thể hiện thế ấy qua tiếng đàn hay chính âm nhạc, nghệ thuật đã tác động, tôi luyện mình để dần trở thành con người của hiện tại. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, người đã đồng hành cùng anh suốt 20 năm qua trong nghề, tạo thành một cặp bài trùng ca nương – kép đàn có tiếng tại Hải Phòng, khi nói về anh đã khen ngợi: “Tiếng đàn của Hoàng Khoa tinh tế, hội tụ rất nhiều tâm tư của một con người nặng lòng với nhân tình thế thái: chơi tiếng lòng không đáy ngậm ngùi, khiến cho người ca nương càng thêm thăng hoa. Trong cuộc sống thường ngày, cậu ấy là một người khiêm tốn và rất coi trọng tình nghĩa”. Dù thế nào đi chăng nữa thì cũng có thể thấy, nghiệp cầm ca chính là dành cho anh, là cuộc đời của anh.

Trong bối cảnh giao lưu hội nhập văn hóa, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung hay Ca trù nói riêng gặp không ít những thách thức. Câu chuyện đổi mới hay phát triển để chuyển hóa thách thức thành cơ hội cần có thời gian và sự chung tay của rất nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực. Đối với cá nhân Hoàng Khoa, anh lựa chọn cho mình việc trau dồi và truyền dạy vốn nghề cổ. Anh quan điểm rất rõ ràng, nghề đàn hát Ca trù kiếm sống đã không còn phát huy được trong xã hội hiện tại thì nên chấp nhận thực tế đó, không nhất định cứ phải sống bằng nghề. Thực tế cho thấy, có rất nhiều bạn trẻ hiện nay phát huy được thế mạnh với nhiều nghề khác nhau, không hoàn toàn như chuyên ngành được học trong môi trường đào tạo. Bởi vậy, anh không ngại làm mọi việc để nuôi giữ niềm đam mê của mình, coi đó vừa là một thú chơi của bản thân, vừa là trách nhiệm với các bậc tiền bối. Hiện tại, Hoàng Khoa cũng đang truyền dạy nghệ thuật đàn hát Ca trù cho con gái mình và một số bạn trẻ khác.

ĐINH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *