Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động văn hóa (HĐVH) đối với đời sống con người, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm khuyến khích phát triển các HĐVH. Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra một trong sáu nhiệm vụ cơ bản nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả HĐVH.
1. HĐVH và vai trò của các HĐVH
Hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về HĐVH và các loại hình HĐVH. Trong công trình Khái luận về văn hóa (1) , dựa trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa văn hóa và hoạt động, tác giả Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra rằng, HĐVH là những hoạt động mang tính nhân văn, nhân bản, vì lợi ích của con người. Trong số các hoạt động xã hội – sáng tạo của con người, chỉ có những hoạt động có giá trị mới thuộc về văn hóa.
Các tác giả trong cuốn Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lối sống của con người Việt Nam hiện nay (2) cho rằng, HĐVH của con người được chia làm hai dạng: hoạt động sáng tạo và tái tạo. Hoạt động sáng tạo có tác dụng làm phát triển vốn văn hóa của dân tộc, của con người. Hoạt động tái tạo có tác dụng bảo tồn, phổ biến các giá trị văn hóa, làm cho vốn văn hóa dân tộc được phát huy, trở nên có ích, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội, phát triển con người.
Trong nghiên cứu về Nguồn lực văn hóa – Những nội dung cốt lõi, TS Nguyễn Hồng Điệp coi HĐVH cùng với yếu tố con người, hệ giá trị văn hóa, thể chế và thiết chế văn hóa chính là cấu trúc của nguồn lực văn hóa. Theo đó, tác giả cho rằng: “HĐVH là hoạt động của những chủ thể văn hóa trong quá trình sáng tạo, hưởng thụ, hiện thực và phát huy các giá trị văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa thâm nhập vào các dạng hoạt động khác của con người” (3).
Như vậy, HĐVH có thể hiểu là những hoạt động sáng tạo, tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa, giúp văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội.
Để tồn tại và phát triển, con người cần được đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất và tinh thần. Trong xã hội hiện nay, nhu cầu tinh thần, trong đó có nhu cầu hưởng thụ văn hóa càng trở nên quan trọng hơn. Điều này đặt ra cho những người làm công tác văn hóa bài toán lớn trong việc tổ chức các HĐVH có giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong sự phát triển bền vững.
Nhu cầu văn hóa có quan hệ mật thiết với HĐVH. Nhu cầu văn hóa càng cao, càng đa đạng sẽ càng tạo điều kiện làm phong phú thêm các loại hình HĐVH. Ngược lại, HĐVH phát triển sẽ là tiền đề làm nảy sinh những nhu cầu văn hóa với chất lượng ngày càng cao hơn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người trong xã hội hiện nay, việc mở rộng và nâng cao chất lượng các HĐVH là thực sự cần thiết.
2. HĐVH tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, là di tích Nho học lớn nhất ở Việt Nam. Đây là nơi hội tụ của các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lịch sử và nghệ thuật, khoa học và giáo dục, tư liệu và biểu tượng; là niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước. Có thể nói, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là “địa chỉ ưu tiên” cho việc tổ chức các sự kiện, HĐVH truyền thống; hoạt động tôn vinh, về nguồn; nơi tổ chức các HĐVH mang tầm quốc gia, quốc tế để lại những dấu ấn đậm nét về văn hóa, con người Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.
Thực tế đã chứng minh, trong những năm gần đây, lượng du khách đến tham quan tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám không ngừng tăng lên, đặc biệt là du khách quốc tế. Mỗi năm, di tích tiếp đón hàng nghìn đoàn khách, trong đó rất nhiều đoàn ngoại giao cấp cao của Đảng và Nhà nước. Số lượng các HĐVH cũng không ngừng tăng cả về chất và lượng.
Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm được quan tâm, hàng nghìn tư liệu được thu thập từ các văn miếu, văn từ, văn chỉ, những gia phả dòng họ… của nhiều địa phương đã trở thành nguồn tư liệu quý cho công tác nghiên cứu về Nho giáo cũng như truyền thống hiếu học của nhân dân ta. Hoạt động hội thảo, tọa đàm được tổ chức ngày càng thường xuyên, giúp các nhà quản lý có được những ý kiến tham góp chất lượng, phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức các hoạt động tại di tích.
Công tác tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh thông qua các cuộc thi tìm hiểu di sản, di tích; triển lãm… Hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục di sản theo mô hình mới là một trong những nội dung được Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học (HĐVHKH) Văn Miếu – Quốc Tử Giám đầu tư có trọng điểm, các em học sinh được tiệm cận rất gần, chi tiết, sâu sắc về giá trị của di tích, trở thành bài học thực địa thú vị, hấp dẫn, mang lại những hiểu biết đầy đủ nhất.
Trung tâm đã có những hoạt động tích cực trong việc huy động nguồn lực xã hội, tổ chức các HĐVH, đặc biệt tại khu hồ Văn nhằm kết nối khu vực ngoại tự với khu vực nội tự, trở thành nơi giao lưu văn hóa cho du khách. HĐVH diễn ra tại di tích đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân và du khách tới tham quan, đồng thời nâng cao nhận thức của các cán bộ, công nhân viên, người lao động tại Trung tâm. Các loại hình văn hóa được tổ chức đa dạng, phong phú, phương thức quản lý và phổ biến tri thức văn hóa đến người dân thông qua HĐVH đã đạt được những kết quả khả quan. Nhiều HĐVH diễn ra tại đây đã thực sự trở thành nhu cầu thiết thực cho đời sống tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc tổ chức các HĐVH còn tồn tại nhiều hạn chế như: hoạt động nghiên cứu sưu tầm tư liệu, hiện vật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các hoạt động trưng bày cố định; các cuộc hội thảo, tọa đàm tuy đã được nâng cao về chất lượng nhưng lại chưa có tính ứng dụng cao; hoạt động giáo dục di sản tuy đã tìm ra được hướng đi mới, hấp dẫn nhưng cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với các cơ sở giáo dục, tiến tới tổ chức những giờ học lịch sử định kỳ. Một số HĐVH được tổ chức tại di tích còn gây ra những ý kiến trái chiều; các hoạt động xã hội hóa có thu phí vẫn chưa thực sự hấp dẫn…
3. Những vấn đề đặt ra trong việc tổ chức, quản lý các HĐVH tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc tổ chức, quản lý HĐVH tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay còn những điều bất cập, đòi hỏi Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần có lộ trình, giải pháp thiết thực để đạt được hiệu quả cao khi song hành nhiệm vụ vừa bảo tồn giá trị di tích, vừa phát huy tốt nguồn lực lớn mạnh của di tích thông qua các HĐVH.
Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang thực hiện khá tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng không tránh khỏi việc lúng túng giữa vấn đề bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di tích. Muốn di tích có chỗ đứng trong cộng đồng, mang lại giá trị cố kết cộng đồng thì vấn đề khai thác các hoạt động tại chỗ là một hướng đi đúng đắn. Nhưng các hoạt động được tổ chức như thế nào, mang nội dung gì để thu hút sự quan tâm của người dân, thúc đẩy người dân tham gia vào các hoạt động mang lại giá trị về kinh tế mà vẫn giữ được các giá trị tư tưởng tốt đẹp là bài toán khó đặt ra cho các nhà quản lý. Bên cạnh đó, các hoạt động được tổ chức nhằm khai thác giá trị di tích, thu hút ngày càng đông người dân và du khách tới tham quan sẽ tác động không nhỏ tới việc bảo tồn di tích.
Công tác tổ chức, quản lý HĐVH trong khuôn khổ nguồn lực của Trung tâm
Mỗi năm, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức từ 40-60 HĐVH (con số này mới chỉ tính riêng cho hoạt động hội thảo khoa học, triển lãm, và một số sự kiện văn hóa) nhưng không có bộ phận chuyên trách tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa. Đội ngũ cán bộ tại Trung tâm chưa được tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các HĐVH. Tư duy phục vụ khách tham quan của một số người lao động còn chưa theo kịp với yêu cầu của đơn vị tự chủ.
4. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng HĐVH tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Về nhận thức
Cần nâng cao nhận thức về vai trò của HĐVH đối với đời sống cho người dân và các nhà quản lý. Luật Di sản văn hóa (năm 2001) đã nêu rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được tham quan, nghiên cứu di sản văn hóa: “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Trong Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã đưa ra quan điểm về nâng cao nhận thức và sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.
Trong đó, mục tiêu lâu dài đã được đề ra: Giữ gìn nguyên vẹn và đầy đủ các di tích đã và đang được xếp hạng, không để xuống cấp, tổn thất hoặc bị hủy hoại. Đồng thời, nâng cao nhận thức, phát huy các giá trị của di tích trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và truyền thống văn hiến của dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; giới thiệu bản sắc và tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các nước, là cơ sở quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra. Bên cạnh đó, trong điều kiện cho phép, các di tích cần được tu bổ, tôn tạo hoàn chỉnh với tư cách là một sản phẩm du lịch có giá trị phục vụ chiến lược phát triển ngành Du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó là việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích theo hướng mở rộng quá trình xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc bảo vệ và phát huy di tích, gắn với quản lý nhà nước bằng pháp luật (4).
Do vậy, cần có sự thông suốt vấn đề nhận thức từ cấp quản lý đến người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thông qua các HĐVH. Để phát triển các HĐVH bền vững trên cơ sở khai thác các giá trị của di tích, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần có chiến lược phát triển phù hợp. Trung tâm cần lựa chọn sản phẩm trên cơ sở giá trị di sản văn hóa; phát triển các hoạt động có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng. Các HĐVH được tổ chức cần đề cao vai trò của việc bảo tồn các giá trị truyền thống, mặt khác góp phần nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa.
Về quản lý, đào tạo nguồn nhân lực
Mục tiêu mà Trung tâm hướng tới khi tổ chức HĐVH chính là chất lượng của các hoạt động đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân và du khách. Như vậy, đòi hỏi các hoạt động được tổ chức không chỉ mang yếu tố phù hợp mà còn phải có tính hấp dẫn, điều này phụ thuộc rất lớn vào con người – chủ thể sáng tạo của các HĐVH. Cán bộ Trung tâm phải hiểu biết sâu sắc đời sống con người, xu thế vận động phát triển của xã hội dẫn đến sự thay đổi về nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Họ phải có năng lực nghiên cứu, sự nhạy cảm trong việc nắm bắt thông tin, nhu cầu của người dân và có trình độ tổ chức, xây dựng, hoạch định kế hoạch hoạt động. Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động cho thấy, việc tìm tòi những hình thức tổ chức mới lạ, sinh động là rất cần thiết, thiếu điều đó, các hoạt động sẽ không mang tới sự hấp dẫn cho du khách.
Vì vậy, quản lý, đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với việc tổ chức các hoạt động tại di tích nói riêng và việc vận hành bộ máy Trung tâm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản nói chung. Bởi đây là đội ngũ góp phần quyết định vào chất lượng của các HĐVH. Trước hết, cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo của từng phòng ban với chuyên môn sâu, đúng chuyên ngành hoặc tiệm cận gần với chuyên ngành, bởi rất nhiều hoạt động tại di tích mang tính đặc thù cao, đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại là di tích Nho học với hầu hết các tài liệu, hiện vật sử dụng chữ Hán – Nôm. Đồng thời, Trung tâm cần tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực được tham gia những lớp bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các HĐVH như: quản trị, tổ chức sự kiện văn hóa; tương tác, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; thiết kế, đạo diễn chương trình; định hướng các HĐVH… Đồng thời, cán bộ cũng cần học hỏi thực tế từ các địa phương, di tích đã làm tốt công tác tổ chức HĐVH.
Đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phải đi liền với việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Khi điều kiện, môi trường, phương tiện làm việc được đầu tư tốt, sẽ đẩy nhanh tiến độ công việc, mang lại hiệu quả cao.
Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy di tích, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần ứng dụng công nghệ trên quy mô toàn di tích; số hóa các tài liệu, hiện vật đã sưu tầm. Để tạo điểm nhấn trong các triển lãm, Trung tâm có thể dành ra một không gian trải nghiệm bằng các ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh ở thời gian thực (realtime), giúp khách tham quan dễ dàng tương tác với tác phẩm. Có thể kết hợp nhiều phương tiện media, bao gồm hình ảnh, thuyết minh, âm nhạc, ánh sáng, đem đến cho du khách một trải nghiệm sâu sắc, sinh động hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm cần phối hợp nghiên cứu ứng dụng thuyết minh tự động (audio guide) tích hợp vào điện thoại thông minh, giúp du khách có những trải nghiệm thoải mái nhất khi tham quan di tích.
Mở rộng hợp tác
Để thu hút sự quan tâm của du khách, không thể thiếu sự phối kết hợp giữa Trung tâm với các Bộ, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động tuyền truyền, quảng bá về di tích, các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm khoa học, hoạt động tôn vinh danh nhân…
Phối kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường học nhằm thúc đẩy việc đưa học sinh tham gia các lớp học giáo dục di sản, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về di sản, di tích, danh nhân văn hóa; thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài, trao thưởng, tổng kết… Đây cũng là một trong những kênh tuyên truyền, quảng bá sâu sắc và rộng khắp nhất về di tích đến với các địa phương, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, giúp các em biết tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Liên kết với các công ty du lịch, tổ chức lữ hành nhằm đưa di tích vào trong chương trình tham quan, không chỉ liên kết với các điểm du lịch trong thành phố Hà Nội, mà phải tạo sự liên kết với các điểm du lịch của nhiều tỉnh thành lân cận.
Tiếp tục tăng cường kết nối, duy trì đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhằm lấy ý kiến đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích với việc quản lý, tổ chức các HĐVH phù hợp, chất lượng.
Mở rộng việc hợp tác, tuyên truyền, quảng bá di tích qua hoạt động báo chí, truyền thông. Sự phối kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp cho hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám được đưa tới nhiều đối tượng ở nhiều vùng miền khác nhau.
Tích cực hợp tác với các tổ chức, cá nhân tâm huyết với di sản, với giá trị truyền thống nhằm tăng cường xã hội hóa trong việc tổ chức các HĐVH, khai thác giá trị di sản một cách bền vững.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa. Phối hợp chặt chẽ với Tổ chức UNESCO và Ủy ban Ký ức thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệm trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Thường xuyên mời các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tổ chức các HĐVH về giảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm.
Nhìn chung, việc tổ chức các HĐVH tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh con người, văn hóa đất nước, thúc đẩy du lịch phát triển. Như vậy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là điểm đến của các du khách mà còn trở thành một trung tâm tổ chức các HĐVH của đất nước và Thủ đô Hà Nội. Thông qua đó, phát huy giá trị di tích, đem lại những nguồn lực trực tiếp đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thủ đô.
_______________
1. Trần Ngọc Thêm, Khái luận về văn hóa, in trong Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
2. Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Chí Bền (chủ biên), Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lối sống của con người Việt Nam hiện nay, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội,
2016, tr.62.
3. Nguyễn Hồng Điệp, Nguồn lực văn hóa – Những nội dung cốt lõi, Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội,
Hà Nội, 2020.
4. Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020, Bộ Văn hóa – Thông tin, 2001.
Tác giả: Tô Thị Thúy Nga
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%