Hoạt động xây dựng, trùng tu, tạc tượng, in khắc kinh phật tk xvii, xviii ở bắc ninh


Trùng tu một số ngôi chùa thời Trần

Vào đầu CN, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn ngang với trung tâm Phật giáo ở Bành Thành và Lạc Dương (Trung Quốc). Tại Luy Lâu, qua các nguồn tư liệu khảo cổ học, văn hóa học, còn để lại nhiều dấu ấn của sự giao thoa văn hóa Việt – Ấn, Việt – Hoa. Tư liệu Hán Nôm và bi ký để lại cũng cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu về sự hình thành của những di tích lịch sử, những ngôi chùa ra đời khá sớm trên đất Bắc Ninh. Chẳng hạn, tác phẩm Cổ Châu Phật bản hạnh cho rằng chùa Phật Tích có từ thời Hán, TK II – III CN (1). Năm 2014, các nhà nghiên cứu lại phát hiện được một tấm bia có niên đại đời Tấn (314) tại miếu thờ Đào Hoàng (xã Thanh Khương, Thuận Thành), ghi về một thứ sử Giao Châu đồng thời cũng là bằng chứng khảo cổ chứng minh việc thờ nhân vật lịch sử và văn bia viết về tiểu sử nhân vật sớm nhất ở nước ta cho đến thời điểm hiện nay. Tiếp đó là tấm bia thời Tùy (601) của chùa Thiền Chúng (phát hiện ở chùa Giàn – Huệ Trạch tự, xã Trí Quả, Thuận Thành) được coi là tấm bia viết bằng chữ Hán Nôm về Phật giáo cổ nhất trên đất nước ta (2). Riêng bia thời  Lý – Trần trên đất Bắc Ninh để lại không nhiều, nhưng các tư liệu lịch sử, khảo cổ cho thấy, nhiều ngôi chùa thời Lý – Trần đã được xây dựng khá bề thế. Chẳng hạn như Đại Việt sử ký toàn thư ghi về những ngôi chùa Lục Tổ, Thiên Tâm, Cổ Pháp… đã ra đời từ khá sớm liên quan đến quá trình trưởng thành của Lý Công Uẩn và những hoạt động của thiền sư Vạn Hạnh (3). Rồi việc mở hội khánh thành chùa Tĩnh Lự trên núi Đông Cứu (thôn Đông Phong, xã Lãng Ngâm, Gia Bình) vào năm Kỷ Hợi, Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119). Vào thời Lý – Trần, Phật giáo ở Bắc Ninh phát triển mạnh mẽ với nhiều ngôi chùa nổi tiếng như: thời Lý có chùa Phật Tích (Tiên Du), chùa Dạm (Quế Võ); thời Trần có chùa Môn Ải được xây dựng vào năm 1260. Sở dĩ chúng ta biết được điều này là dựa vào tấm bia Diên Khánh tự bi ký có niên đại Hồng Đức thứ 4 (1473) thôn Môn Ải, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình ghi về lịch sử chùa có từ thời Trần. Văn bia cho biết chùa Diên Khánh vốn là một chùa tư do một gia đình dựng lập vào đầu thời Trần (TK XIII) và được trùng tu liên tục trong nhiều năm của TK XIV. Đặc biệt sự chuyển đổi chùa tư trở thành một ngôi chùa chung của làng Môn Ải vào khoảng cuối TK XIII khi vợ chồng người lập am đó qua đời. Văn bia cung cấp một thông tin quý, vào niên hiệu Hồng Đức, khi đó Nho giáo đang phát triển mạnh mẽ thì Phật giáo không phải vì thế mà lụi tàn mà ngược lại nó vẫn được duy trì và phát triển biểu hiện qua những lần trùng tu, đúc tượng, đúc chuông của chùa (4).

Chùa Phổ Thành (xã Lãng Ngâm, Gia Bình) được xây dựng vào niên đại Đại Trị thứ 9 (1366). Tại chùa còn một tấm bia mang tên Phổ Thành tự bi, người soạn là Vệ úy Thiên Nam Nguyễn Chuyết Phu vào ngày tốt tháng 5 năm Tân Dậu niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) tấm bia cho chúng ta biết ngôi chùa này được xây dựng từ đời Trần. Đại Trị là niên hiệu vua Trần Dụ Tông (1358-1369). Hiện nay tại ngôi chùa này vẫn còn tấm bia nguyên bản thời Trần do chính sử gia Hồ Tông Thốc soạn vào năm 1366 (5).

Cùng thời điểm xây chùa Môn Ải và chùa Phổ Thành (Gia Bình) còn có thêm chùa Hồng Phúc (Quế Võ) cũng xây vào niên hiệu Đại Trị. Tấm bia Thí điền Hồng Phúc tự bi, chùa Hồng Phúc, xã Xuân Ổ, Quế Võ, niên đại Hoằng Định 13 (1612) cho biết: chùa Hồng Phúc được xây dựng khoảng năm Đại Trị đời Trần (1358 – 1368), từ đó đến sau này có nhiều người cúng tiền và ruộng vào chùa (6). Trường hợp chùa Tây Thiên (Quế Võ) chỉ biết được xây vào thời Trần mà chưa rõ cụ thể vào năm nào (?). Bia Thí điền bi ký biên soạn  vào thời Lê cho biết chùa Tây Thiên (thôn Khả Lễ, xã Bồ Sơn, Quế Võ) được dựng vào thời Trần nhưng quy mô còn nhỏ hẹp. Nay có ông Nguyễn Văn Giáo, tự Pháp Nhiên cùng với vợ là Vũ Từ Tiên đứng ra hưng công tu sửa lại chùa (7).

Đến thời Lê sơ và thời Mạc, trên vùng đất Bắc Ninh cũng để lại một số văn bia chứng minh sự phát triển của Phật giáo qua sự kiện xây dựng trùng tu chùa TK XV, XVI. Chùa Môn Ải, xã Lãng Ngâm, Gia Bình tồn tại suốt từ đời Trần đến đời Lê sơ. Đặc biệt đến thời Lê nó vẫn được tiếp tục xây dựng, trùng tu, đúc chuông, đức tượng để thêm hoàn thiện.

Sang TK XVI, tuy số lượng văn bia không nhiều nhưng riêng tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện 2 văn bia niên đại Diên Thành thứ 6 (1583) triều Mạc đồng thời cũng là văn bia Phật giáo (8). Đó là tấm bia Phúc Duyên tự phật bi tại chùa Phúc Duyên, xã Vũ Dương, Quế Võ do Đàm Văn Tiết, tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580), chức Giám sát ngự sử đạo Hải Dương soạn. Nội dung bia không cho biết chùa được khởi dựng từ bao giờ, chỉ biết rằng, đây là một ngôi chùa cổ, các tòa nguy nga nhưng bên trong tiền đường chưa được trang hoàng, sửa sang. Vì thế, các sãi vãi, thiện nam tín nữ chung tay quyên góp tiền của, tô tượng phật, tượng hộ pháp của chùa (9). Chùa Linh Cảm (Từ Sơn), cũng được xây dựng vào thời Mạc và do chính Mạc Phúc Nguyên ban cho tiền vàng (10).

Như vậy, có thể thấy trải qua chiều dài lịch sử suốt từ thời Bắc thuộc, qua thời Lý – Trần nhiều ngôi chùa được xây dựng trên đất Bắc Ninh và đặc biệt những ngôi chùa được ra đời từ thời Trần sang thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng. Đến TK XVII, XVIII, những ngôi chùa này phần lớn đã xuống cấp nhiều cần phải được trùng tu xây dựng lại.

Quy mô của một số ngôi chùa  TK XVII – XVIII ở tỉnh Bắc Ninh

Thông thường, ngôi chùa được xây dựng bởi một nhu cầu văn hóa tâm linh, thể hiện ý chí, nguyện vọng cũng như tiềm lực kinh tế của cộng đồng, làng xóm. Nhưng cũng có khi ngôi chùa có sự kế thừa một vị trí thờ cúng của một gia đình nào đó rồi phát triển trở thành một ngôi chùa chung của cộng đồng.

Chùa là nơi thờ Phật nhưng có một số chùa trên thực tế cũng có gian thờ Đế Quân của Đạo giáo. Nhiều ngôi chùa tu theo lối Mật tông có nhiều yếu tố gần gũi với Đạo giáo như việc bắt quyết, niệm chú… Qua khảo sát một số văn bia phật giáo TK XVII, XVIII ở tỉnh Bắc Ninh cho thấy, có một số tên gọi của chùa dường như có sự gần gũi với Đạo giáo (?). Chẳng hạn như tên văn bia: Thánh tổ cô tiên tự bi ký; hay tên chùa: Cô Tiên tự, chùa cô Tiên, xã Châu Cầu, huyện Quế Võ (11).

Trước khi tìm hiểu về quy mô của một số ngôi chùa được phản ánh qua các lần trùng tu, tôn tạo, chúng tôi đã tìm hiểu những trường hợp cá biệt: đó là những ngôi chùa vốn là chùa tư của một gia đình sau trở thành chùa của làng.

Thống kê trên tư liệu thác bản Hán Nôm do Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm đầu TK XX, trong đó có khoảng 180 bia Phật giáo niên đại TK XVII, XVIII của tỉnh Bắc Ninh, cho thấy trong bia đã xuất hiện khoảng 15 hạng mục công trình xây dựng trong khuôn viên của nhà chùa, số lần các hạng mục công trình được trùng tu xây dựng thường được nhắc đến nhiều nhất là: tiền đường; thượng điện/ điện thờ/ nội điện; cột thiêu hương/ đài hương; kính thiên đài, tam quan… phải chăng, đây cũng là những hạng mục căn bản quan trọng trong chùa, còn lại các công trình khác như: gác chuông, hậu đường, nhà oản, cột biểu, đường đi, tường bao thường là những công trình phụ trợ, tính thiêng ít hơn… nên ít được đề cập đến (?).

Có tổng số khoảng 194 lần nhắc đến các sự kiện trên tổng số 180 bia, tính trung bình hầu như mỗi bia đều đề cập đến hơn một lần trùng tu, sửa chữa, xây dựng các hạng mục kiến trúc.

Số liệu thống kê về quá trình xây dựng các hạng mục công trình của một số ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh TK XVII, XVIII cho thấy, nhiều ngôi chùa đã được xây dựng kế tiếp trên cơ sở vật chất của những lần xây dựng trùng tu trước đó. Hay nói cách khác, đây không phải là những ngôi chùa xây dựng lần đầu tiên. Cho đến TK XVII, XVIII, nhiều ngôi chùa đã được trùng tu, xây dựng tương đối hoàn chỉnh và bề thế với nhiều hạng mục truyền thống như: tường bao quanh; phía trước là cổng tam quan (cũng có thể đồng thời trên tam quan là gác chuông/có chùa xây gác chuông riêng); tiền đường, hậu điện, nhà tổ, am thờ Ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, ngoài ra còn có các công trình phụ trợ như hậu phòng (dành cho tăng/ni/nhà khách), hành lang, trụ biểu; nhà đóng oản (làm nơi chuẩn bị cỗ cúng); hệ thống tháp, đường đi trong nội tự…

Qua văn bia, có thể thấy, nhiều ngôi chùa lớn của tỉnh Bắc Ninh đã được trùng tu xây dựng vào TK XVII, XVIII với nhiều hạng mục công trình. Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ những ngôi chùa ở tỉnh Bắc Ninh đã được trùng tu ở TK XVII, XVIII, hơn nữa, không phải ngôi chùa nào hễ được trùng tu, xây dựng đều được phản ánh trên văn bia (12).

Sự tham gia đóng góp xây dựng của tầng lớp quý tộc Lê – Trịnh

Tầng lớp quý tộc Lê – Trịnh là lực lượng tham gia xây dựng, trùng tu rất tích cực vào những ngôi chùa ở tỉnh Bắc Ninh như: Trịnh Tạc, Trịnh Căn đến những cung tần như: Nguyễn Thị Ngọc Bạch, Đỗ Thị Ngọc Thám; nội thị cung tần Nguyễn Thị Ngọc Diện; quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thánh; hoặc con trai của cung phi Lê Thị Ngọc Mang là Kiên Thắng hầu Trịnh Nha… Chẳng hạn như bia Tân Phúc tự bi, xã Quế Tân, huyện Quế Võ, niên đại Hoằng Định 18 (1617) viết: Chánh Nội phủ cung phi, Tín quan Lê Thị Ngọc Mang cùng con trai là Phó tướng Kiên Thắng Hầu Trịnh Nha, con là Trịnh Thị Ngọc Tự… bỏ tiền tài của cải ra công đức, trải qua năm tháng từ tháng đầu đông năm Ất Mão đến hết mùa hạ năm Bính Thìn thì hoàn thành (13)… hay chúa Trịnh Tạc cung tiến xây dựng chùa Tĩnh Lự núi Đông Cứu, huyện Gia Bình được thể hiện trên bia Tĩnh Lự thiền tự/ công đức tín thí do tiến sĩ Nguyễn Duy Thì soạn niên đại Phúc Thái thứ 7 (1648) phần đầu ghi: Đại Nguyên si, Thống quốc chính, Thái thượng sư, Văn công cao, nhân thánh vương Trịnh Tráng, người quê hương Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc cung tiến ba trăm lạng bạc (14).

Sự đóng góp của những trường hợp được bầu làm hậu Phật

Nếu như một số ngôi chùa may mắn có được sự giúp đỡ của những vị quan to hay những bậc quý tộc triều đình Lê – Trịnh đứng ra hưng công, thì còn lại số nhiều là do nhân dân trong làng đứng ra công đức, trùng tu, xây dựng. Những người công đức vào chùa thường đóng góp của cải như tiền, ruộng và thông thường họ được bầu làm hậu Phật, khi chết được làng cúng giỗ. Đây cũng là một đạo lý mang tính nhân văn cao đẹp uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta. Trường hợp được bầu làm hậu Phật không chỉ bó gọn trong những hoạt động của nhà chùa mà còn mở rộng ra các việc khác như: tham gia đắp đê, có công tu sửa đình được bầu làm hậu Phật, cũng có khi vừa làm hậu thần lại vừa làm hậu Phật… Những công việc có ích cho cộng đồng thì nhiều khi không câu nệ vào việc cung tiến cho đình hay cho chùa đều được làng bầu vào hậu thần hay hậu Phật.

Chẳng hạn bia Hậu phật bi ký, chùa Phúc Diên, xã Võ Giàng, huyện Quế Võ, niên đại Cảnh Hưng thứ 45 (1784) viết: Bản thôn Hương lão Thập lý hầu Mai Công tự Phúc Hậu, cùng với vợ thứ là Phan Thị hiệu Diệu Từ lấy gia tài cung cấp cho bản thôn có việc chung đắp đường, nạo vét sông tiền thuê rất nhiều… ông bà xuất gia tài là 54 quan cho bản thôn để dùng vào việc chung… Ông bà đã được thôn bầu làm hậu Phật của làng.

Hoặc có khi người có công tu sửa đình làng cũng được bầu làm hậu Phật. Đó là bia Đại Bi tự (chùa Đại Bi, xã Niệm Thượng, huyện Quế Võ niên đại Chính Hòa thứ 24 (1703) ghi: Quan viên hương lạo thôn trưởng, thôn Trung, xã Khắc Niệm Thượng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn… cùng toàn thôn trên dưới nhân trùng tu các tòa trong chùa tốn kém tiền của, ngoài ra việc dựng nhà bếp, ngói lợp bèn chọn người bản thôn là xã trưởng Nguyễn Sĩ Luân cùng vợ là Nguyễn Thị… nhà giàu có lại có lòng sùng Phật đạo, nhân đó bản thôn thuận lòng bầu ông bà làm hậu Phật, rồi cùng bàn bạc đắp hai pho tượng, lập một bia đá đều để ở hậu đường.

Hoặc cũng có khi người được dân làng thờ vừa là hậu thần vừa là hậu Phật. Đây là trường hợp khá đặc biệt nhưng không phải là ít gặp trên các văn bia công đức, trùng tu. Đó là trường hợp Vương phủ thị nội cung tần Đặng Thị Nhuận Đình xã Mỹ Duệ, huyện Lương Tài là con của Thiên Trạch Hầu thôn Trịnh, xã Tỳ Bà cúng cho xã 500 quan tiền và hơn 4 mẫu ruộng. Những trường hợp được dân làng vừa thờ làm hậu thần vừa thờ làm hậu Phật xuất hiện không ít trên văn bia Phật giáo TK XVII, XVIII của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và văn bia của cả nước nói chung.

Các hoạt động khắc in kinh Phật

Trong Phật giáo, hệ thống kinh, luận, luật của nhà chùa thường được các chùa lớn tiến hành in ấn rồi ban hành cho các chùa trong khu vực. Vùng Kinh Bắc xưa (bao gồm Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay) đã xuất hiện một số trung tâm lớn in khắc kinh Phật như chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm (Việt Yên – Bắc Giang); chùa Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh)… Hiện nay, những kho ván khắc in kinh Phật của chùa Bổ Đà và chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và được tổ chức UNESCO xếp vào Di sản Ký ức nhân loại. Nhưng ngoài hai chùa Bổ Đà và Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), ở tỉnh Bắc Ninh còn rất ít chùa lưu giữ được hệ thống ván khắc in kinh Phật thời Lê TK XVII, XVIII. Vào cuối thập kỷ 90 TK XX, chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều ván khắc kinh Phật ở chùa Dâu (xã Thanh Khương), chùa Tổ (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành) bị mục nát. Ngày nay, chúng ta còn giữ được rất ít những bản khắc in kinh phật thời Lê ở những ngôi chùa cổ này. Vào TK XVIII, ở chùa Dâu đã lưu hành tác phẩm lịch sử của chùa mang tên Cổ châu pháp vân phật bản hạnh được khắc vào năm Cảnh Hưng thứ 12 (1752). Hiện nay, hệ thống ván khắc đó vẫn được lưu giữ trong chùa. Ngoài chùa Dâu, tư liệu văn bia cho biết một số ngôi chùa ở Bắc Ninh vào TK XVII, XVIII có in khắc kinh Phật.

Bia Bản xã phụng sự bách thế bất thiên/Cô Tiên tự Hậu phật bi ký của chùa Cô Tiên, xã Châu Cầu, tổng Đào Viên, huyện Quế Dương khắc in năm Cảnh Thịnh thứ 11 (1715), nội dung ghi về hai bà Phạm Thị Nhiên và Phạm Thị La là hai chị em vốn là Tổng Thái Giám và Đô Thái Giám trong triều. Khi rời cung trở về làng, hai bà dốc lòng làm việc thiện, tham gia tu bổ chùa, cung tiến tiền, ruộng và khắc in kinh Phật (15). Hay bia Thanh Lan tự bi ký/công đức (chùa xã Bồng Lai, tổng Lại Thượng – nay là thôn Bồng Lai, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài), ghi công lao của nhà sư họ Vũ tự Trúc Giang đã trụ trì chùa, mua ruộng, làm vườn, sửa chữa chùa chiền vào các năm Mậu Ngọ, Kỷ Mùi, tạc tượng phật Quan Âm và khắc in kinh Phật vào các năm Canh Thân (1620) cho đến năm Dương Hòa thứ 4 (1638) được khắc bia công đức (16). Mặc dù vậy, những văn bia này không cho biết việc khắc kinh Phật trên là loại kinh gì. Duy chỉ có văn bia Hưng Nghiêm tự bi/ Nghĩa điền ký, hiện đặt tại chùa xã Quế Ổ, huyện Quế Dương (Quế Võ), khắc năm Cảnh Trị thứ 7 (1668), ghi việc bà cung tần Nguyễn Thị Ngọc Bạch là người quê xã Quế Ổ, huyện Quế Võ đứng ra tổ chức khắc Kinh Lăng Già. Sau khi Trịnh Tráng mất, bà dốc lòng theo đạo Phật, bà đã phát tâm trùng tu lại chùa Hưng Nghiêm, xây thêm 5 bậc đá của chùa, khắc in 8 quyển Kinh Lăng Già và 10 mẫu ruộng (17). Như chúng ta đã biết kinh Lăng Già là một trong những bộ kinh quan trọng của Thiền tông Đại thừa đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của việc tự giác ngộ, mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất. Kinh này chỉ rõ văn tự không có vai trò trong việc trao truyền giáo pháp.

Điêu khắc tượng thờ

Thống kê hơn 130 tấm bia, chúng tôi thấy có ít nhất hơn 10 lần nhắc đến việc tạc tượng hoặc tô tượng ở nhiều chùa trên địa bản tỉnh Bắc Ninh TK XVII, XVIII. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến việc tạc tượng, tô tượng ở các thời kỳ trước đó để thấy được sự phát triển liên tục của những ngôi chùa trên vùng đất này. Đó là hai chùa vào thời Mạc cũng tiến hành tạc tượng Hộ Pháp, tượng Phật: chùa Phúc Diên, xã Vũ Dương, huyện Võ Giàng (Quế Võ), tạc tượng Quan Âm vào năm Diên Thành thứ 6 (1583) và chùa Hồng Phúc tạc tượng Quan Âm vào năm Quang Hưng thứ 7 (1594). Còn lại, tất cả các chùa khác mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được phản ánh qua văn bia thời Lê TK XVII, XVIII cho thấy: các hoạt động tạc tượng, tô tượng ở địa bàn này chủ yếu được tiến hành vào TK XVII còn TK XVIII thì rất ít, mặc dù TK XVIII, nhiều ngôi chùa ở tỉnh Bắc Ninh vẫn được quan tâm trùng tu, xây dựng.

Những pho tượng được điêu khắc, tô tượng gồm nhiều vị Phật quan trọng trong hệ thống phật điện Việt Nam như: tượng Thích Ca, Tuyết Sơn, La Hán, Hộ Pháp, Ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Quan Âm, Cô hồn… được hình thành nhiều trong giai đoạn TK XVII, XVIII được phản ánh trên văn bia Phật giáo của tỉnh Bắc Ninh.

Văn bia Phật giáo TK XVII, XVIII trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không chỉ cho thấy những sinh hoạt đương thời chung quanh các công việc liên quan đến Phật giáo mà còn cho chúng ta biết nhiều dấu ấn của lịch sử giai đoạn thời đại Lý – Trần, Lê sơ được phản ánh qua những tấm bia trùng tu xây dựng thời Lê Trung hưng. Hay nói khác đi, nhiều ngôi chùa thời  Lý – Trần được xây dựng nhưng đến thời Lê đã hư hỏng hoặc không còn nữa. Đến giai đoạn này, nhiều danh lam cổ tự lại tiếp tục được hồi sinh. Nhiều ngôi chùa tiêu biểu không chỉ là niềm tự hào của người dân Kinh Bắc, Bắc Ninh mà còn là niềm tự hào của nhiều người trong cả nước.

_______________

1. Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh, tác phẩm chữ Nôm niên đại 1752, chùa Dâu tàng bản.

2. Đinh Khắc Thuân, Về minh văn xá lỵ chùa Thiền Chúng (Thuận Thành – Bắc Ninh) mới phát hiện, Nghiên cứu Lịch sử, số 4-2013, tr.14 – 22.

 3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển II, tờ 1a,  tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.240.

4, 10. Bia Diên khánh tự bi ký, thôn Môn Ải, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, niên đại Hồng Đức thứ 4 (1473), ký hiệu thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 4486.

5. Bia thời Trần niên hiệu Đại Trị do nhà sử học Hồ Tông Thốc soạn năm 1366, ký hiệu thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm số 4516, 4517.

6. Thí điền Hồng Phúc tự bi, chùa Hồng Phúc, xã Xuân Ổ, huyện Quế Võ, niên đại Hoằng Định 13 (1612), ký hiệu thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 05283.

7. Bia Thí điền bi ký biên soạn vào thời Lê cho biết chùa Tây Thiên (thôn Khả Lễ, xã Bồ Sơn, Quế Võ), niên đại khoảng thời Lê Trung hưng, ký hiệu thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 5148.

8. Ở đây, xin được đính chính số liệu của tác giả Phạm Thị Thùy Vinh cho rằng: TK XVI, toàn Kinh Bắc chỉ có một bia Lê niên đại Quang Hưng 17 (1596) thì đó cũng là bia chùa, sđd, tr.79.

9. Phúc Duyên tự phật bi/Tín thí, tại chùa Phúc Duyên, xã Vũ Dương, Quế Võ, niên đại 1580, ký hiệu thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 5054/5055.

11. Cô Tiên tự/Hậu phật bi ký chùa Cô Tiên, Châu Cầu Quế Võ, niên đại Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707);  ký hiệu thác bản Viện nghiên cứu Hán Nôm số 05588/05589, 05602/05603.

12. Tư liệu thác bản văn bia phật giáo của tỉnh Bắc Ninh TK XVII, XVIII chủ yếu được tập hợp trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập IV, V (ký hiệu thác bản trong khoảng 04000 đến 06000), Viện Cao học thực hành (Pháp), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam), Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp), Hà Nội, 2005.

13. Tân Phúc tự bi, xã Quế Tân, huyện Quế Võ, niên đại Hoằng Định 18 (1617), ký hiệu VNCHN, số 05706.

14. Tĩnh Lự thiền tự/công đức tín thí, tiến sĩ Nguyễn Duy Thìsoạn, niên đại Phúc Thái thứ 7 (1648), ký hiệu Viện nghiên cứu Hán Nôm, số 04484/04485.

15.  Bản xã phụng sự bách thế bất thiên/cô Tiên tự Hậu phật bi ký, chùa Cô Tiên, xã Châu Cầu, huyện Quế Võ, ký hiệu VNCHN, số 5598/5599/5600/5601.

16. Thanh Lan tự bi ký/công đức, (chùa xã Bồng Lai, tổng Lại Thượng – nay là thôn Bồng Lai, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, niên đại Dương Hòa thứ 4 (1638); ký hiệu thác bản VNCHN, số 5082/5083.

17. Hưng Nghiêm tự bi/Nghĩa điền , chùa xã Quế Ổ, huyện Quế Võ, niên đại Cảnh Trị thứ 7 (1668), ký hiệu thác bản số 5088/5089.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : NGUYỄN QUANG HÀ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *