Hợp xướng cho điệu hò kéo thuyền trong hệ thống làn điệu hò sông mã

Hò sông Mã gắn liền với nếp sống từ lâu đời của người dân sinh sống trên dọc hai bờ sông Mã. Những chuyến đò ngược, xuôi vẫn hoạt động theo phiên chợ tỉnh, phục vụ khách đi đò và vận chuyển hàng hóa. Trong một chuyến đò, không chỉ có một người mà thường có các trai đò đi theo phụ giúp chèo chống. Chính những yếu tố trên, hình thành nên hò sông Mã, một lối sinh hoạt tập thể có tổ chức. Sự kết hợp giữa giọng hò của các trai đò (phần hò) và giọng dô của người đi đò (phần xô), tạo nên một tổ hợp hát trên thuyền. Sự tuần tự từ khi đò rời bến đến khi cập bến đều có lịch trình cụ thể theo một thể thức, điều đó phản ánh quá trình lao động và tính chất lao động của con đò trên đường đi do yếu tố môi trường quyết định.

Đò dọc là môi trường sinh hoạt hò trên sông Mã, những động tác trên thuyền như chèo, chống, vác, lái… gắn bó chặt chẽ với nhịp điệu, âm thanh. Từ đó phân loại thành 5 chặng hò nối tiếp nhau, tương ứng với 5 hình thái tồn tại đò dọc: rời bến, ngược dòng, mắc cạn, xuôi dòng, cập bến. Tính chất hát xướng, xô, phản ánh tập thể lao động trên sông nước, mối quan hệ giữa trai đò và khách đi đò. Các làn điệu mượn vần thơ, lời của ca dao tục ngữ, thể hiện những khao khát của những con người yêu lao động và cuộc sống.

Hò sông Mã có thể phân chia dựa trên hình thái biểu cảm, môi trường, định lượng, bởi hò gắn liền với cuộc sống sinh hoạt tâm tình, thể hiện sức mạnh cộng đồng trong lối hát xướng, xô, con, cái… (1). Lối hát xướng, xô khác với hò đơn lẻ, nhằm lôi kéo mọi người cùng tham gia (2). Để phân biệt rõ xướng và xô, Phạm Phúc Minh cho rằng, hai hình thức này được gọi là đồng ca, một người kể và tập thể hát xô (3). Người ta dùng tiếng hát với nhịp điệu tiết tấu rõ ràng đan xen giữa kể và xô, làm động lệnh cho công việc đang diễn ra cùng một lúc, vừa động viên tinh thần vừa tạo hiệu quả cao trong lao động.

Hò kéo thuyền được kết cấu bởi thang 5 âm với giai điệu dàn trải không sử dụng những âm nhấn, hiệu lệnh mà sử dụng lối hát nói, kể. Cách sử dụng quãng đặc trưng quãng 4 đi lên, tầng âm quãng 8, thang 5 âm hẹp (4). Giai điệu vế xướng dàn trải, nhiều nét uốn lượn theo âm rung của người hát, xuất hiện những quãng nhảy đột ngột (quãng 7 thứ, hoặc quãng 6 trưởng từ trên xuống), sau đó gãy khúc, quay ngược trở lại. Vế xô xây dựng trên trục quãng 5 có bổ xung các âm đan thêu ở giữa, giai điệu đi từ trên xuống, ngược đi lên ở độ cao gần ban đầu. Cấu trúc giai điệu Nam (thang 5 âm II) (5).

1. Hệ thống làn điệu trong hò sông Mã

 Hệ thống hò sông Mã là sự nối tiếp của năm chặng đò theo tuần tự, tạo nên sắc thái thay đổi liên tục trong các làn điệu.

 Hò rời bến, còn gọi là hò mời khách, giúp mọi người trên thuyền xích lại gần nhau hơn. Các trai đò giới thiệu con đò, nhắc nhở khách đò một vài câu trước khi xuống thuyền, khi đi qua tấm ván nối từ thuyền với bờ neo:

Thuyền tôi ván táu, sạp lim

Đôi mạn sang lẻ lại có con chim phượng hoàng

Tiện đây mời cả bạn hàng

Rửa chân cho sạch vào khoang ta ngồi.

Hò đò ngược (sắng đò ngược, hò chống sào), miêu tả sự căng thẳng khi thuyền đi ngược dòng, trời chuyển gió, buồm không kéo lên được, các trai đò phải dùng sào để chống:

Thuyền ngược anh bỏ sào xuôi

Em đừng lo lắng cho người kém xinh.

Hò mắc cạn, là loại hò được hát khi đò chẳng may mắc cạn, các trai đò phải xuống thuyền để vác, đẩy con thuyền ra khỏi lạch. Hò mắc cạn giới thiệu cuộc sống con người trên sông Mã với nỗi vất vả của nghề chèo đò. Hành trình chuyến đò dọc trên sông Mã không thể tránh khỏi những tai nạn trên sông, bởi thác, ghềnh, vực xoáy, bãi cát ngầm là những nơi nguy hiểm nhất cho việc di chuyển của thuyền bè, các chuyến đò dọc thường va vào những bãi cát ngầm do sự thay đổi lạch trên sông Mã gây nên. Tín hiệu của đò đã mắc cạn được nhắc nhở:

Thuyền anh đà cạn lên đây

Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền

Ơ hò dô ta, nín lặng mà nghe, mà nghe câu hò

Hò đò xuôi, là chặng hò giàu sức biểu cảm nhất, điệu hò khi thuận buồm xuôi gió sóng nước êm, là giai đoạn chủ yếu trong hò sông Mã. Số lượng hò nhiều hơn tất cả các chặng hò lời ca với lối hát ví von, so sánh, kể lể đối đáp giao duyên giữa trai đò và khách đi đò bằng những làn điệu giàu chất trữ tình:

Em đi khắp trên chợ dưới sông

Đố em biết được ngã ba Bông mấy đò?

          Hò xuôi dòng có số lượng lời ca lên tới ngàn câu, giàu về nhạc điệu như: hò xuôi nhịp đôi một, hò xuôi nhịp đôi hai, hò làn ai, hò niệm phật, hò đường trường, hò ru ngủ…

Hò cập bến, là chặng đò cuối cùng sau nhiều giờ ròng rã trên sông nước. Tất cả mọi người đều mong đò đến bến để nghỉ ngơi, ăn uống, mua bán, trao đổi hàng hóa. Con đò được lái quay mũi vào bờ, trai đò nhanh tay cầm sào chống cho con đò sát bến. Những câu hò vang lên theo nhịp chống sào gấp gáp báo cho khách thuyền chuẩn bị cập bến:

Trông lên phố chợ cao cao

 Miệng khoan tay bắt lái vào cho mau

          Hò cập bến với âm hưởng vui nhộn, tạo sự phấn khởi cho mọi người, như lời nhắn gửi tới khách đi đò lần sau tìm đến những con đò quen, có các trai đò giỏi chèo và hò hay:

Bây giờ sông lặng nước trong

 Thuyền đà cập bến, mặc lòng nước trôi

2. Hò kéo thuyền

Hò kéo thuyền là một trong những làn điệu nằm trong chặng hò mắc cạn. Mực nước trên sông quá cạn nên các trai đò phải dùng sức để vác con đò ra khu vực mắc cạn. Nghe người bắt cái hò dứt câu tất cả đều hô vác như một hiệu lệnh để các trai đò dùng hết sức cùng một lúc vác con đò lên, dứt một câu hò thuyền nhích lên được một chút. Lời ca của hò mắc cạn khẳng định sức lực của con người chiến thắng thiên nhiên, họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ bằng cách động viên nhau bởi câu hò vác:

Anh em sắp lại cho đều

Ai mà lỗi nhịp thì hèo vào song

 Hò kéo thuyền được hát khi đáy thuyền vừa chấm cát thì các trai đò lại dùng dây, vừa kéo, vừa dùng sào để đẩy thuyền ra khỏi khu vực mắc cạn. Người xướng mở đầu bằng ơ hò… hoặc a…ơ… sau đó hò một câu thơ lục bát:

Sông càng gặp lúc sông cùng

Trời ơi, hãm kẻ anh hùng mãi chi

Trai đò cùng xô từ cuối câu 8 và thêm từ: này, xô câu trên: chi này, hoặc xô một câu:

Ơ hò dô ta, lẳng lặng mà nghe, mà nghe câu hò.

…qua cái dốc a …xô này này ơ…ơ…hồ ơ hò do ta, lẳng lặng mà

Trai đò xô theo nhịp của người bắt cái, các động tác phối hợp ăn khớp nhau trong tập thể khi đẩy thuyền:

Dốc này là dốc của ta

Anh em cố gắng vượt qua dốc này

Ơ hò, ơ hò dô ta, lắng lặng mà nghe

Hò kéo thuyền, phân nhịp cũng chỉ có tính chất tương đối phụ thuộc rất nhiều vào lời ca, lời hát của người xướng âm hưởng hiệu lệnh chi phối toàn bộ lối hát trong hò kéo.

HÒ KÉO THUYỀN

 

  

3. Phối bè hợp xướng cho làn điệu hò kéo thuyền

Trên thực tế, làn điệu hò sông Mã cơ bản đã có thể dựng thành những tác phẩm hợp xướng dân ca đơn giản, bởi nguyên thể của hò đã là những làn điệu dùng cho hát tập thể. Hò sông Mã hình thành theo lối đối đáp, viết trên hai bè một bè lĩnh xướng dành cho 1 người, một bè xô dùng để hát tập thể. Hệ thống hò sông Mã được hình thành dựa trên thang 5 âm dân ca của người Việt, kết cấu giai điệu được xây dựng do thang 5 âm II (Nam):

   


  

Số bậc: I IIIb IV V VIIb VIII/I

Tên bậc Việt Nam: Hò Xự Xang Xê Phan Líu […,61]

Hò kéo thuyền được phối thêm âm tạo bè đệm cho giai điệu chính cho các loại giọng trong hợp xướng. Bè soprano1 là bè giai điệu chính, soprano2, alto và tenor là hai bè phụ được phối thêm âm nhằm tạo bè đệm cho giai điệu chính.

 HÒ KÉO THUYỀN

 

_______________

1, 2, 4, 5. Trần Hoàng Tiến, Những đặc trưng hò sông Mã, Luận văn thạc sĩ văn hóa học, Viện văn hóa dân gian, 2001, tr.45, 71, 69, 66.

3. Phạm Phúc Minh, Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, 1994, Hà Nội, tr.99.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015

Tác giả : HOÀNG THỊ THÚY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *