Hương ước, quy ước của người Mông Sơn La với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”


Quy ước, hương ước được coi là một hiện tượng văn hóa xã hội đặc biệt, biểu hiện thái độ ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và đối với cộng đồng xã hội. Ngày nay, trước yêu cầu tăng cường tính tự quản và sự đồng thuận của xã hội, thì hương ước, quy ước của cộng đồng các dân tộc ít người đang có tác động to lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội, trong đó có phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Qua bản quy ước của người Mông ở 22 bản thuộc 10 xã của 3 huyện Yên Châu, Mộc Châu và Bắc Yên, tỉnh Sơn La, bài viết chỉ ra những giá trị cốt lõi của quy ước, hương ước trong việc điều chỉnh các hành vi của cá nhân, cộng đồng phù hợp với phong tục tập quán và pháp luật của Nhà nước, nhằm mục tiêu xây dựng gia đình, làng bản văn hóa trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

1. Quy ước, hương ước của người Mông ở Sơn La với việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Người Mông ở Việt Nam có dân số 1.068.189 người, đứng hàng thứ 6 trong bảng danh sách các dân tộc ở Việt Nam (1). Tính theo số đơn vị hành chính tỉnh thành phố hiện nay, toàn quốc có 20 tỉnh thành có tộc người Mông cư trú với số lượng từ 100 người trở lên và 10 tỉnh có số dân Mông từ 10.000 người trở lên, riêng tỉnh Sơn La có 114.478 người Mông sinh sống (2). Ở Sơn La người Hmông chiếm khoảng 13% dân số toàn tỉnh sinh sống chủ yếu ở các huyện vùng cao Bắc Yên, Thuận Châu, Mộc Châu, Sốp Cộp, Mường La, Sông Mã, Yên Châu.

Trong những vừa năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn được các cấp chính quyền quan tâm, trú trọng. 22 bản có người Hmông sinh sống trong 10 xã của 3 huyện là Yên Châu, Mộc Châu, Bắc Yên đã cùng nhau tham gia xây dựng và cho ra đời bản hương ước, quy ước trong thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa (3). Bản hương ước, quy ước đầu tiên ra đời vào năm 1992, ý tưởng của nó bắt nguồn từ thực tế tục lệ cưới hỏi, tang ma của người Hmông gây ra nhiều khó khăn cho các gia đình trong cộng đồng như thách cưới cao, ép duyên, tổ chức lễ cưới và đám tang rườm rà, để xác người trong nhà kéo dài trong nhiều ngày, tốn kém gạo rượu, tiền bạc… Ban đầu bản quy ước được đề ra do các trưởng tộc của họ Mùa, Vàng, Sùng, Lý trong 4 bản là Hang Hốc, Pó Kiếng, Chi Đẩy, Co Xáy của xã Chiềng Hặc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Từ ý tưởng tự phát ban đầu bản quy ước đã được chính quyền các các cấp tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng xây dựng phù hợp với đặc thù của địa phương. Ngày 13-12- 2004 bản quy ước của 12 bản vùng cao thuộc 6 xã, 3 huyện được xây dựng và tổ chức hội nghị lần thứ nhất thành lập Ban quy ước để điều hành và duy trì hoạt động. Đến năm 2010 đã có 22 bản người Mông thuộc 10 xã của 3 huyện ở tỉnh Sơn La đăng ký tham gia thực hiện theo nội dung quy định trong bản hương ước. Bản quy ước của 22 bản người Mông có 2 chương, 7 điều, quy định các vấn đề chung về đời sống, phong tục nhằm đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và gìn giữ bản sắc văn hóa của người Mông ở Sơn La.

Bản quy ước ra đời có vị trí quan trọng trong việc xử lý những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống thường ngày, phù hợp với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà Đảng và Nhà nước đang xây dựng. Ủy ban nhân dân các xã xây dựng, ban hành, phê chuẩn hương ước, quy ước tại địa phương theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, phát huy dân chủ trong cộng đồng dân cư; bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng bào Hmông đã cùng nhau xây dựng quy ước, hương ước riêng của thôn, bản phù hợp với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với phong tục tập quán của bà con. Bản quy ước của người Mông ở Sơn La được xây dựng trên quá trình bàn thảo kỹ càng trong những cuộc họp lấy ý kiến dân chủ ở từng gia đình, từng bản, các điều trong bản quy ước được mọi người nhất trí đồng thuận. Nội dung cơ bản của quy ước là để đảm bảo an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội trong các bản, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần và gắn kết cộng đồng phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp lẫn đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày cũng như giữ gìn bản sắc văn truyền thống tốt đẹp của người Mông.

Sinh sống ở vùng núi cao hiểm trở, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái luôn là lực lượng quan trọng chi phối, thậm chí quyết định các hoạt động kinh tế của người Mông, cho nên điều khoản trong quy ước bảo vệ tự nhiên, bảo vệ rừng luôn được người Mông quan tâm đặc biệt. Trong bản quy ước quy định rõ: Người nào không tôn trọng quy ước bảo vệ rừng đều bị xử phạt giống như gia súc phá hoại mùa màng, nghiêm cấm đốt nương làm rẫy. Ai tự tiện vào rừng cấm để chặt cây bị phạt một con lợn hoặc bị phạt từ 100 đến 200 nghìn đồng (4). Quy ước bảo vệ rừng đã và đang có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội bảo vệ rừng phát sinh trong đời sống ở cộng đồng dân cư, hỗ trợ pháp luật, lấp đầy các khoảng trống của pháp luật trong việc điều chỉnh các hành vi bảo vệ rừng. Bên cạnh đó quy ước bảo vệ rừng góp phần phục hồi những thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp của người Mông. Ngoài ra, nó còn giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong nội bộ cộng đồng, duy trì trật tự, kỷ cương, an ninh thôn bản, ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có thu nhập chính đáng từ rừng, làm giàu chính đáng theo quy định của pháp luật. Quy ước bảo vệ rừng còn hỗ trợ phòng chống các tệ nạn xã hội, huy động nguồn đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi chung của cộng đồng, tạo quỹ để tái trang trải những chi phí cần thiết cho hoạt động bảo vệ rừng.

Người Mông sinh sống trên những rẻo cao, việc đi lại khó khăn nên trong quy ước cũng đề cập đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng như: tu sửa các đường đi lại liên bản và tự tu sửa đường liên xã kịp thời sửa chữa những chỗ hỏng sau mưa lũ để có đường đi lại ổn định cho bà con (5). Ngoài ra, bản quy ước nêu ra việc thực hiện 5 không đối với các bản người Mông: Không du canh du cư, Không vượt biên trái phép, Không học đạo và truyền đạo trái phép, trái với phong tục tập quán, Không trồng cây thuốc phiện, Không nghiện ngập, hút chích (6).

Bản quy ước thể hiện rõ sự nhất trí của người Mông trong quy định: không để trường hợp trẻ em nào trong độ tuổi tiểu học không được đến lớp, gia đình có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với nhà trường, thày cô để con em được đến trường đúng độ tuổi (7). Trên nền tảng chung bản quy ước đã nêu cao việc giáo dục tri thức và truyền thống văn hóa là cơ sở quan trọng, là gốc rễ của mọi vấn đề cho thôn bản bình yên và gìn giữ được những phong tục tốt đẹp. Về văn hóa văn nghệ, bản quy ước cũng quy định: mỗi bản thành lập đội văn nghệ riêng, có nhà văn hóa, có đội bóng được hoạt động thường xuyên dưới sự quản lý trực tiếp của trưởng bản (8).

Trong quy ước để đảm bảo an ninh, trật tự cũng là vấn đề được đề cập nhiều nhất nhằm làm yên ổn tâm lý dân bản chăm lo sản xuất, làm ăn: người nào trộm cắp tài sản, gia súc, gia cầm hoặc hoa màu bắt được sẽ giao cho tổ an ninh của bản giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo gửi lên cấp trên giải quyết theo quy định của pháp luật (9)… Những điều này nhằm giáo dục, răn đe qua từng việc làm cụ thể, đề cao giá trị nhân văn, nếp sống tốt đẹp của cơ chế tự quản trong thôn bản.

Quy ước cũng thể hiện việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình, làng bản văn hóa: việc cưới xin phải chấp hành đúng quy định của luật hôn nhân và gia đình (trai đủ 20 tuổi, gái đủ 18 tuổi), đảm bảo hôn nhân dựa trên cở sở tự nguyện, đúng tuổi. Nghiêm cấm việc tảo hôn, ép hôn, cấm thách cưới với mọi hình thức như đòi bằng hiện vật lấy tiền bạc trắng hoặc chất ma túy (10). Kéo vợ là một phong tục của người Mông, khi gia đình có con gái lớn, người con trai đến nhà người con gái kéo về làm vợ, để thêm người làm, sinh con đẻ cái. Người con gái không được tìm hiểu lựa chọn một người chồng phù hợp, phải kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định, do đó bản quy ước quy định: trường hợp kéo vợ ở ngoài đường, ở ngoài nương, hay ở nhà khác và ngủ lại ở nhà khác thì chịu mức phạt là 1,5 triệu đồng, trong đó 1 triệu đồng chia cho bố mẹ cô gái bị kéo vợ, 250 nghìn đồng nộp vào quỹ bản nơi cô gái đang cư trú, 250 nghìn đồng nộp vào quỹ chung của quy ước, hương ước. Trường hợp kéo vợ mà cô gái không đồng ý, Ban quy ước sẽ họp, làm việc với gia đình và cá nhân cô gái, nếu cô gái vẫn không nhất trí lấy, nhà trai phải bồi thường danh dự cho cô gái bằng tiền là 500 nghìn đồng và phải đưa cô gái về nhà bố mẹ đẻ. Nếu cô gái đồng ý lấy chàng trai đó thì anh ta sẽ bị phạt 150 nghìn đồng, số tiền này giao lại cho gia đình nhà gái để làm lễ cúng ma nhà (11). Hiện nay, nam nữ người Hmông đến tuổi kết hôn được tự do tìm hiểu và kết hôn theo quy định của pháp luật. Bản quy ước cũng đã ngăn chặn được những người có nhiều tiền bạc, thế lực làm những điều trái với phong tục như: cấm thanh niên nam từ 16 tuổi trở lên, đã có vợ hoặc chưa có vợ nhưng cố tình đi bắt vợ người khác, hoặc vào nhà, nhất là vào buồng kéo chăn, quan hệ bất chính thì bị phạt theo quy định cụ thể của từng bản (12). Ngoài việc quy định độ tuổi kết hôn của con trai, con gái, bản quy ước còn cấm thách cưới, hạn chế sự phô trương về vật chất, tiết kiệm thời gian, đề cao giá trị văn hóa của cộng đồng trong việc cưới hỏi: khi cưới không tổ chức dài ngày, chỉ được tổ chức trong một ngày. Không được khoán thực phẩm như: lợn, gà, rượu, gạo, thuốc lào quá mức quy định của nếp sống mới đã quy định (13). Ngoài ra, hương ước cũng quy định về mức tiền, thực phẩm trong việc tổ chức đám cưới: đối với những trường hợp tổ chức đám cưới thì tiền mặt là 750 nghìn đồng, thịt lợn 60 kg, rượu 30 lít, những trường hợp không tổ chức đám cưới thì tiền mặt là 1,5 triệu đồng, thịt lợn 30 kg, rượu 20 lít (14). Đối với những trường hợp có con trước khi cưới, hương ước quy định: hai bên quan hệ với nhau trước khi cưới mà có con, sau đó người con trai bỏ đi lấy người khác thì người cha phải có trách nhiệm đóng góp nuôi con đến khi tròn 18 tuổi, còn nếu cô gái đi lấy chồng khác, người đàn ông nhận nuôi đứa trẻ thì Ban quy ước sẽ họp bàn xem xét giải quyết cụ thể ở trường hợp đó (15).

Tang ma là một trong những nội dung được hương ước quy định rõ ràng: việc tang ma phải giải quyết gọn gàng, không để trong nhà quá 48 tiếng, tiết kiệm, anh em bà con giúp đỡ nhau, chống lãng phí tiền của, mất vệ sinh môi trường. Mỗi khu vực, mỗi bản phải có nghĩa địa riêng phù hợp với phong tục của người Hmông. Nghĩa địa phải xa nguồn nước, xa nơi dân cư (16). Các gia đình hộ nghèo, khó khăn khi có cha mẹ, người thân qua đời, thì các hộ gia đình người Hmông trong 22 bản tham gia quy ước có trách nhiệm giúp đỡ cho tang chủ ít nhất là: 1 bó củi và 4.000 đồng, nếu trường hợp không có củi thì phải góp thêm 10 nghìn đồng để hỗ trợ tang chủ. Mỗi bản, mỗi dòng họ có quy định cụ thể về cách tổ chức tang ma, nhưng nhìn chung đây không chỉ là việc của dòng họ mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Các quy định cụ thể trong quy ước nhằm làm cho mỗi cá nhân thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng trong việc tang ma.

Giống như một văn bản pháp luật, quy ước của người Mông ở Sơn La cũng giành một chương quy định việc khen thưởng và xử lý vi phạm. Căn cứ vào các quy định của luật pháp hiện hành, bản quy ước cho phép thôn bản xử phạt những người vi phạm bằng nhiều hình thức, từ việc nộp phạt vào quỹ của thôn bản, quỹ của Ban quy ước đến việc chịu tội trước pháp luật của Nhà nước. Ban quy ước được thành lập qua hội nghị tổng kết việc thực hiện quy ước 22 bản người Hmông 4 năm tổ chức một lần. Tham gia vào Ban quy ước là trưởng bản, bí thư chi bộ và đại diện người có uy tín trong 22 bản thông qua đề cử và bỏ phiếu. Cùng với chính quyền thôn, bản, dòng họ, gia đình, uy tín của trưởng họ, già làng tham gia vào việc tự quản lý dòng họ trên các phương diện như tự giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ, đề xuất các phương thức nhằm duy trì ổn định trật tự thôn bản, xây dựng gia đình, làng bản văn hóa của người Hmông có hiệu quả. Hệ thống quy ước, hương ước của người Hmông khá toàn diện nhiều điểm hợp lý, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ rừng, nguồn nước, quy tắc an ninh, xây dựng tình làng nghĩa xóm, làng bản văn hóa, còn định hướng và giáo dục nhân cách các thành viên trong cộng đồng hướng tới những điều tốt đẹp. Hương ước, quy ước tuy vận hành độc lập với hệ thống pháp luật của Nhà nước nhưng không làm mờ đi phép nước, mà còn giúp cho việc thực thi pháp luật của Nhà nước ở thôn bản sát với thực tế mang lại hiệu quả cao. Hàng năm Ban quy ước tổ chức hội nghị tổng kết một lần để đánh giá việc thực hiện quy ước trong năm và rút kinh nghiệm, định hướng hoạt động trong những năm tiếp theo.

Có thể nói, quy ước, hương ước của 22 bản người Mông trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện là Bắc Yên, Yên Châu, Mộc Châu của tỉnh Sơn La đã từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thôn, bản, đề cao các giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng. Những tập quán lạc hậu như tảo hôn, thách cưới cao dần được xóa bỏ, tổ chức tang lễ dài ngày tốn kém, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa thôn bản lành mạnh, cảnh quan sạch, đẹp đang được cộng đồng người Mông chung sức xây dựng. Các điều khoản trong hương ước, quy ước đã đi đúng đường lối chủ trương, chính sách của Nhà nước và đi vào lòng dân, hình thành thói quen nề nếp, góp phần xây dựng đời sống kinh tế văn hóa ở cơ sở. Sau hơn 20 năm thực hiện quy ước kết quả đạt được là 22 bản người Mông đã thực hiện nghiêm túc về luật hôn nhân và gia đình trong cưới xin, ma chay đảm bảo đúng chính sách và luật tục truyền thống, nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế khá giả. Quy ước đã góp phần xây dựng và thực hiện đời sống văn hóa cơ sở, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và các phong trào khác ngày càng bền vững (17).

Cùng với những văn bản pháp luật của Nhà nước quản lý trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của bản quy ước bởi nó đã dựa trên phong tục, tập quán và nguyện vọng của chính cộng đồng người Hmông ở 3 huyện Bắc Yên, Yên Châu, Mộc Châu. Thiết nghĩ, trong quá trình chỉ đạo xây dựng quy ước, hương ước, điều lệ thì các cấp có thẩm quyền nên khuyến khích, ủng hộ về mặt chủ trương, định hướng sao cho đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nên can thiệp quá sâu vào nội dung, làm mất đi nét văn hóa mang tính bản sắc của từng tộc người. Vì vậy, để xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa ở miền núi gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 9 – 06 – 2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đề ra, cần phải chú trọng vào việc xây dựng quy ước, hương ước và vận động người dân thực hiện. Qua đó, hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh các mục tiêu kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương.

_______________

1. Ban chỉ đạo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ, Nxb Thống kê, 2010, Hà Nội.

2. Vũ Duy Khánh, Người Mông ở Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2005, tr.5.

3. Xã Chiềng Hặc (4 bản là Co Xáy, Bó Kiếng, Chi Đẩy, Hang Hốc), xã Tú Lang (4 bản là Nồng Pếp, Co Tông, Cai Ton, Bó Mon), xã Xặp Vạt (2 bản là Nông Khóe, Pạ Sang), xã Mường Lượm (2 bản là Khấu Khoang, Ô Ốc), xã Phiêng Khoài (2 bản là Na Lù, Hạ Cạn), xã Phiêng Côn (1 bản là Suối Trắng A), xã Chiềng Sại (3 bản là Nặm Lin, Suối Trắng B, Suối Pứng), xã Chiềng Hắc (1 bản là Pá Đông), xã Chiềng Khừa (1 bản là Xa Lú), xã Tâm Hợp (2 bản là Bó Liều, Suối Khoang).

4, 5, 6, 7, 8. Điều 7, Về kinh tế xã hội, trong Quy ước 22 bản Mông nhiệm kỳ 2010 – 2014.

9. Điều 6, Phần II, b-Phần trộm cắp, trong Quy ước 22 bản Mông nhiệm kỳ 2010 -2014.

10, 11, 14, 15. Điều 4, Chương II, A-Việc cưới xin, trong Quy ước 22 bản Mông nhiệm kỳ 2010 – 2014.

12. Điều 6, Phần II, a-Quan hệ nam nữ, trong Quy ước 22 bản Mông nhiệm kỳ 2010 – 2014.

13. Điều 3, Chương II, A-Việc cưới xin, trong Quy ước 22 bản Mông nhiệm kỳ 2010 – 2014.

16. Điều 5, Chương II, B-Việc tang lễ, trong Quy ước 22 bản Mông nhiệm kỳ 2010 – 2014.

17. Báo cáo tổng kết năm 2010 thực hiện quy ước 22 bản người Mông, ngày 21-12- 2010, tr. 3.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hảo

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *