JATAKA ẤN ĐỘ TRONG CHUYỆN KỂ DÂN GIAN MYANMAR


Jataka, những câu chuyện kể về kiếp trước của đức Phật (hay có tên gọi khác là Kinh Bổn sinh, với 547 câu chuyện nhỏ xâu chuỗi lại trong một truyện lớn), vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng do sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh điển Phật giáo và kho tàng văn học dân gian phong phú nên nó là một trong số ít những tác phẩm được đông đảo nhân dân khắp nơi đón nhận. Jataka không chỉ lan tỏa tới Trung Quốc, Nhật Bản, các quốc gia gần Ấn ở Đông Nam Á mà nhiều học giả phương Tây còn coi nó là nguồn liệu quý báu để bồi dưỡng cho nền văn học của đất nước mình…

Ngày nay, tuy đã lùi xa mấy mươi thế kỷ, chúng ta vẫn có thể tìm thấy dấu ấn của Jataka trong nhiều tác phẩm văn chương tinh tú như Kinh Cựu ước, Ngàn lẻ một đêm, các sáng tác của Easop (Hy Lạp), La Fontaine (Pháp), Boccaccio (Italia), Chaucer (Anh), Dostoievski (Nga)… Sức ảnh hưởng và lan tỏa của Jataka ở cả bề rộng lẫn chiều sâu là điều không thể phủ nhận. Các con đường dẫn tới văn bản Jataka ở Myanmar Con đường tôn giáo (Phật giáo) Sự ra đời, hình thành và phát triển của các biến thể Jataka trong kho tàng truyện kể Đông Nam Á nói chung và Myanmar nói riêng không thể tách khỏi Phật giáo. Bởi lẽ Jataka vốn dĩ là kinh điển của nhà Phật và có liên quan mật thiết đến các hoạt động tuyên truyền của Phật giáo (hoạt động giảng kinh, thuyết Phật, luận đạo, kêu gọi giác ngộ…), nhất là sự thuyết giảng kinh Phật để phổ độ chúng sinh. Vậy nên sẽ là không quá lời khi nói rằng Phật giáo chính là một trong những động lực ban đầu để Jataka phổ biến sâu rộng trong lãnh thổ Myanmar, rồi sau đó, trên cơ sở hấp thu dưỡng chất của nền văn hóa bản địa và những tinh túy của dòng văn hóa – văn học ngoại lai mà trở thành quả ngọt của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Con đường bác học Trên con đường này, có ba cách đi chính: dịch lại từ Jataka kinh điển nguyên gốc, biên soạn lại và văn học thành văn. Ở khu vực Đông Nam Á, do chữ viết ra đời muộn, lại không mạnh về chuyển ngữ nên việc dịch cũng muộn mằn. Đến khoảng TK X – XV, dưới triều đại Pagan, một số ít truyện trong Kinh Bổn sinh mới được dịch ra với một nửa là tiếng Môn, một nửa là ngôn ngữ văn chương Ấn Độ. Đến tận TK XVIII, mới có bản dịch Jataka từ tiếng Phạn sang tiếng Myanmar do nhà sư U Aw Batha thực hiện. Dù muộn như vậy, nhưng nhờ con đường dịch thuật, Jataka mới có chỗ trong đời sống dân gian bản địa. Một số quốc gia thuộc Đông Nam Á, trong đó có Myanmar, không mạnh về dịch thuật song lại mạnh về biên soạn, tiêu biểu là Panasa Jataka (gồm 50 truyện). Có tài liệu cho rằng, vào TK XV – XVI, khoảng 25 nhà sư từ Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar…, sau khi tu học tại Ceylon, trên đường về nước đã dừng lại ở một ngôi chùa gần Chieng Mai (nay thuộc Bắc Thái Lan) để biên tập và soạn thảo lại Jataka nguyên bản thành Panasa Jakata (1). Vì vậy, người ta gọi Panasa Jataka là ngụy kinh hay kinh phóng tác. Trong 50 truyện đó, sự tập trung đáng kể được dồn vào 10 truyện cuối, đặc biệt, hướng tâm vào truyện cuối cùng, Vessantara Jataka. Riêng về văn học thành văn, hiện nay, chưa có tài liệu nào chính xác ghi chép về tác phẩm văn học viết đầu tiên của Myanmar; song nó có thể xuất hiện từ TK XI, dưới hình thức ban đầu là văn học tôn giáo (văn chương Phật giáo). Có thể nói rằng, kể từ khi du nhập vào Myanmar, Jataka trở thành nguồn đề tài cho văn học, kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác. Theo biên niên sử của Myanmar, truyền thống kể chuyện Jataka có từ TK IX hoặc sớm hơn, trong đó, văn học chịu ảnh hưởng rất lớn từ các triết lý Phật giáo. Những tác phẩm văn học đầu tiên của Myanmar chủ yếu là những tác phẩm tôn giáo được khắc trên đá, có niên đại vào thời kỳ Pagan, TK XI. Từ sau TK XV, Myanmar mới xuất hiện những thư bản chép tay trên lá cọ hay giấy. Văn học trong thời kỳ này chủ yếu liên quan tới những câu chuyện Jataka do Đức Phật kể cho các môn đệ và trả lời các câu hỏi của họ, thường được thể hiện bằng những vở kịch hay thơ (2). Jataka cùng với Phật giáo suốt thời gian dài trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác cả văn học viết lẫn văn học dân gian. Văn học Myanmar phát triển qua hai thời kỳ lớn. Thời kỳ đầu, từ năm 1450 đến 1750, có 5 thể loại chính: Pyo, Mogun, Eigyin, Tola và Yahu. Pyo là văn vần, thể hiện những câu chuyện Phật giáo và những bài thuyết giảng Kinh Phật được chuyển từ văn bản gốc Pali sang ngôn ngữ Miến. Việc thêm thắt nhiều chi tiết tưởng tượng, kèm theo những lời răn dạy luân lý, khiến cho các tác phẩm Pyo trở nên sinh động và mang ý nghĩa giáo dục thiết thực đối với cuộc sống xã hội Myanmar. Pyo được soạn dựa trên các câu chuyện tiền kiếp của Phật, văn phong trong sáng, giản dị nhưng không thiếu vẻ lôi cuốn và sáng tạo. Đây là tác phẩm văn học đồ sộ nhất giai đoạn này, đến nỗi người ta gọi thời kỳ này là Pyo. Ảnh hưởng của Jataka trong truyện kể dân gian Myanmar Mượn đề tài, cốt truyện Qua khảo sát truyện cổ của Myanmar, chúng tôi thấy những cốt truyện được yêu thích có sự lặp lại. Thực ra, trước khi chịu ảnh hưởng của Jataka, xứ sở này đã có một kho tàng truyện kể dân gian với những cốt truyện, môtip, nhân vật sẵn có. Những cái có sẵn này bị hút vào Jataka, hóa thân thành vô vàn câu chuyện với mạch nguồn văn chương tinh tế. Nói như Robert Buswell, “bất cứ câu chuyện truyền thống nào cũng có thể được chuyển thành Jataka, đơn giản bằng cách biến một trong những nhân vật của nó thành tiền thân đức Phật, miễn là phù hợp với bối cảnh địa lý, lịch sử – văn hóa – xã hội, tâm lý, tính cách mỗi dân tộc” (3). Nhận định này hoàn toàn có lý khi tiếp cận các văn bản truyện kể Myanmar. Để thuận tiện cho sự theo dõi của bạn đọc, chúng tôi có bảng so sánh sau:  

STT truyện trong Jataka Bản của Ấn Độ Bản của Myanmar
  Tiền thân 22 Tên truyện: Chuyện con chó (Tiền thân Kukkura) Nội dung: Nói về những người làm ơn cho người khác nhưng bị oan. Hình thức: Dung lượng: dài. Cốt truyện: phức tạp. Kết cấu: 3 phần (hiện tại – quá khứ – nhận diện tiền thân), có bài kệ. Ý nghĩa: Ca ngợi sự sáng suốt của đức Phật, đã minh oan cho đàn chó vô tội (kể chuyện để thuyết pháp). Tên truyện: Anh nhà giàu và ba con chó Nội dung: Nói về những người làm ơn cho người khác nhưng bị oan. Hình thức: Dung lượng: Ngắn. Cốt truyện: đơn giản. Kết cấu: 1 phần, câu chuyện hiện tại được kể, không có các bài kệ ở cuối. Ý nghĩa: Phê phán thói nông cạn của loài người. Đôi khi chỉ một điều suy xét thiếu chắc chắn mà gây tổn hại lớn, làm thiệt mạng kẻ khác.
Tiền thân 291   Tên truyện: Chuyện cái bát thần Nội dung: Trong bản kể, người cha là Bồ Tát, thương con nên ban cho cái bát thần, mong con chịu khó làm lụng nên người. Nào ngờ, hắn lười biếng, ăn chơi trác táng. Một hôm, cái bát thần rơi vỡ, hắn trở nên nghèo khó, rách tả tơi, đi ăn xin, cuối cùng ngã xuống bờ tường rồi chết. Hình thức: Dung lượng: dài. Cốt truyện: phức tạp. Kết cấu: 3 phần, có bài kệ.   Tên truyện: Truyện Xactinho Glaisan Nội dung: Câu chuyện kể về người con được người cha, trước khi mất, ban tặng cho phương tiện thần kỳ là hạt đậu ước. Nhưng người con không tu tâm tu trí, lại trở nên lười biếng, nghiện ngập hư đốn, đánh rơi hạt đậu vỡ tan tành, lâm vào cảnh đói nghèo. Hình thức: Dung lượng: ngắn. Cốt truyện: đơn giản. Kết cấu: 1 phần, câu chuyện hiện tại được kể, không có các bài kệ ở cuối.
Tiền thân 308   Tên truyện: Chuyện con chim gõ kiến Nội dung: Câu chuyện nói về hai con vật: chim gõ kiến (Bồ Tát) và sư tử (Đề bà đạt đa). Chim cứu sư tử khỏi bị hóc xương trong cổ nhưng cuối cùng, bị sư tử phủ nhận, làm ngơ. Hình thức: Dung lượng: dài. Cốt truyện: phức tạp. Kết cấu: 3 phần, có bài kệ. Ý nghĩa: Phê phán những kẻ ngoại đạo trong tăng đoàn Phật giáo (Đề bà đạt đa). Qua đó, ca ngợi minh triết của Đức Phật: Dù trong hoàn cảnh nào cũng vững vàng và sáng suốt, không bao giờ bị kẻ khác lừa phỉnh hay hãm hại mình (nội dung Phật giáo). Tên truyện: Chuyện chó sói và sếu Nội dung: Câu chuyện nói về thói vô ơn bạc nghĩa của con sói đối với lòng tốt của sếu. Hình thức: Dung lượng: ngắn. Cốt truyện: đơn giản. Kết cấu: 1 phần, câu chuyện hiện tại được kể, không có các bài kệ ở cuối. Ý nghĩa: Phê phán thói vô ơn bạc nghĩa của con người. Những kẻ vô ơn cuối cùng cũng bị trừng trị đích đáng, như quan niệm của quần chúng về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác (mỹ học cổ tích).
Tiền thân 547   Tên truyện: Chuyện đại vương Vessantara Nội dung: Ca ngợi hoàng tử Vẹt xanh, từ bỏ cung điện ngai vàng và cuộc sống cao sang để thực hành hạnh bố thí. Chàng sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho người khác nếu họ cần, bất kể là ai. Hình thức: Dung lượng: dài. Cốt truyện: phức tạp. Kết cấu: 3 phần, có bài kệ Ý nghĩa: Ca ngợi hạnh bố thí của Bồ Tát Tên truyện: Bốn con rối Nội dung: Ca ngợi anh chàng Aung và 4 chú rối. nhờ sự trợ giúp của 4 con rối thông minh, Aung trở nên giàu có nhưng không thấy hạnh phúc. Anh nhận ra quyền lực và của cải không phải là tất cả. Cuối cùng, anh quyết định dùng của cải bố thí làm điều thiện vì hạnh phúc của người khác. Hình thức: Dung lượng: ngắn. Cốt truyện: đơn giản. Kết cấu: 1 phần, câu chuyện hiện tại được kể, không có các bài kệ ở cuối. Ý nghĩa: Gửi gắm triết lý nhà Phật. Khi con người ta cởi bỏ được mọi ham muốn và dục vọng là lúc lòng cảm thấy thanh thản, bình yên và hạnh phúc nhất.

Rõ ràng, xuất hiện nhiều biến thể Jataka trong truyện cổ dân gian Myanmar nhưng đã được đơn giản hóa về cả nội dung lẫn hình thức, làm cho nó gần gũi với quần chúng nhân dân lao động và tinh thần dân gian hơn là sắc màu Phật giáo. Vô hình chung, Jataka từ di sản văn hóa của Ấn Độ đã biến thành di sản folklore của nhân dân xứ sở chùa Vàng. Vay mượn một số môtip Như đã đề cập đến trong phần đầu khi giới thuyết chung về Jataka, các chuyện kể về kiếp trước của đức Phật. Trước khi trở thành Bồ Tát, Ngài đã trải qua biết bao nhiêu kiếp sống, khi thì là người, khi là động vật, lúc là thần linh,… Do đó, câu chuyện nào cũng là câu chuyện về tiền kiếp. Truyện Myanmar cũng bắt chước môtip này. Có điều, ở những truyện dân gian Myanmar, thời gian được đẩy lùi vào thời quá khứ, tỉ dụ, thường mở đầu bằng một số cụm từ định vị thời gian như: “Đã lâu lắm, vào thời đức Phật Thumana thứ 13” (Anh Bà la môn và con chó đá), hay lời dẫn vào truyện Viên hồng ngọc bị mất cắp: “Thời đức Phật Tanengara thứ nhất, có một người Bà la môn rất giàu”. Ở Lòng biết ơn của sức vật thì: “Ngày xưa, ở nước Tekatho, dưới thời đức Phật thứ 25,…” (4). Vay mượn hình thức kể chuyện Đó là hình thức kể chuyện thuyết pháp. Những đoạn thuyết pháp nhiều khi rất dài, thường do chính đức Phật đảm nhiệm; có khi ngài phó thác cho nhà sư, đôi lúc lại cài vào miệng người có đạo hạnh. Đặc biệt là nội dung thuyết pháp sâu đậm trong truyện kể dân gian Myanmar. Điều này được thể hiện ngay ở cách các tác giả dân gian đặt tên cho các câu chuyện của mình như: Ở hiền gặp lành, Ba điều chân lý, Ba điều răn của nhà sư, Hai điều răn, Lòng tốt và tình yêu, Sức mạnh của thần số mệnh, Số phận – Trí tuệ – Lòng yêu lao động (5)Và còn rất nhiều chuyện có nội dung giáo huấn răn dạy đạo đức như vậy. Kết cấu của những câu chuyện này rất giống kiểu kết cấu trong Jataka: Một câu chuyện cụ thể về mối quan hệ người – người, người – vật hoặc các con vật với nhau, bằng những chi tiết cụ thể, sinh động, những tình huống trớ trêu nhưng đầy tính thuyết phục. Cuối mỗi câu chuyện, thường có một đúc kết nào đó (giống như các bài kệ trong Jataka).Ví dụ truyện Con sâu và con quạ, lấy bối cảnh là cuộc trò truyện giữa hai con vật về thế sự nhân gian. Sau đó, kết thúc truyện là lời tổng kết: “Cái ngọt nhất là lời xu nịnh. Cái chua chát nhất là lời ác khẩu, tàn nhẫn và bất công nhất. Cái thối tha nhất là danh dự và tên tuổi bị bôi nhọ. Cái thơm nhất đó là danh dự được bảo toàn và lưu danh phúc đức” (6). Như vậy, chúng ta không có gì để nghi ngờ gì về ảnh hưởng của kinh điển Phật giáo Jataka đối với truyện kể dân gian Myanmar ở các phương diện: đề tài, cốt truyện, môtip, nhân vật… Các câu chuyện về Đức Phật, dù đã qua nhiều thế kỷ, vẫn có sức sống mãnh liệt và tầm ảnh hưởng quan trọng trong đời sống văn hóa dân gian Myanmar. Bằng nhiều con đường khác nhau, Jataka thực sự đã và đang được người Myanmar lưu giữ, bảo tồn như lưu giữ, bảo tồn vốn di sản văn hóa dân tộc của họ. Trong ý nghĩa như vậy, Jataka vốn là di sản riêng của Ấn Độ đã trở thành di sản chung của nhân loại và trở thành kho báu của người dân xứ sở chùa Vàng.
_______________ 1. Theo C. Bunnary, Buddhist Ethics in the Pannàsa Jàtaka (Đạo đức Phật giáo trong Pannàsa Jàtaka), Luận văn trường Đại học hoàng gia Phnom Penh, tr. 28. 2. Theo Chu Công Phùng, Myanmar: Lịch sử và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005. 3. Buswell, R. E.: Encyclopedia of Buddhism, Vol.1, Macmillan reference USA.Cowell, E. B. 1973- 1979: The Jàtaka or Stories of the Buddha’s Former Births (Vol. I – VI), Cosmo Publications, Delhi, 2003. 4. Minh Trí, Văn Minh, Truyện dân gian Miến Điện, Nxb Văn học, Hà Nội, 1963. 5. Phạm Xuân Nguyên (dịch), Truyện cổ Myanmar, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994. 6. Trong rất nhiều truyện của Jataka, Đức Phật cũng hay đưa ra những nội dung triết lý này. Ví dụ ở Jataka số 402, có đoạn: “Ở đời, có mười sáu việc không thể nào thỏa mãn. Biển không thỏa mãn với các dòng sông, lửa không thỏa mãn với nhiên liệu, vua không thỏa mãn với quốc độ, kẻ ngu không thỏa mãn với ác nghiệp…”.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : HÀ ĐAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *