Kết hợp giá trị trong xây dựng gia đình ở việt nam hiện nay

Xây dựng gia đình là một trong những nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng và Nhà nước khẳng định, xây dựng gia đình mới phải trên cơ sở kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn liền với việc xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển (1). Do đó, nhận thức sâu sắc vấn đề này là hết sức cần thiết cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong công tác xây dựng gia đình ở Việt Nam hiện nay.

1. Những giá trị của gia đình cần phải giữ gìn, phát huy

Quan điểm phát triển biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin đã chỉ rõ sự vật mới ra đời bao giờ cũng phải trên cơ sở kế thừa những điểm tích cực của cái cũ đồng thời bổ sung những cái mới. Vì vậy, thái độ phủ định sạch trơn cái cũ, chỉ nhấn mạnh cái mới cũng như ôm khư khư cái cũ mà quay lưng với những giá trị của cái mới trong xây dựng, phát triển đều là sai lầm. Gia đình và xã hội luôn có mối quan hệ tác động qua lại biện chứng, xã hội tác động đến gia đình bao gồm cả những yếu tố của xã hội cũ đã mất đi nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn lẫn môi trường xã hội mà gia đình đang tồn tại. Gia đình Việt Nam đang chịu sự tác động của cả những yếu tố truyền thống, đặc biệt là gia đình truyền thống và cả bối cảnh xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Đó là một thực tế và quy luật khách quan. Vì vậy, vấn đề quan trọng trong công tác gia đình hiện nay chính là chắt lọc những cái tốt đẹp, tiến bộ của yếu tố truyền thống và hiện đại vào xây dựng gia đình.

Gia đình truyền thống Việt Nam tồn tại trong chế độ phong kiến với phương thức sản xuất là kinh tế trồng lúa nước, do đó chịu ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Nho giáo và văn hóa nông nghiệp. Vì vậy, có thể nói gia đình truyền thống chứa đựng cả những mặt tích cực cần phát huy và những mặt tiêu cực cần loại bỏ trong xây dựng gia đình thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống không thể phủ nhận trước hết đó là tình nghĩa giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc duy tình, một trăm cái lý không bằng một tý cái tình, thì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lại càng gắn bó và đề cao cái tình, cái nghĩa. Chuẩn mực tình nghĩa trong gia đình Việt Nam truyền thống là cha từ, con hiếu, anh em phải đễ, vợ chồng phải thủy chung với nhau. Nghĩa là cha mẹ phải hết lòng chăm sóc, hy sinh và dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái, còn con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em phải yêu thương, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, vợ chồng thủy chung son sắt dù hết tình thì cái nghĩa vợ chồng tào khang vẫn còn rất sâu đậm. Đối với người chồng phải tề gia mới trị được quốc, bình thiên hạ, không làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình sao có thể làm được việc lớn ngoài xã hội. Đối với người phụ nữ thì cả đời gần như chỉ gắn bó với gia đình, các mối quan hệ xã hội hết sức nhỏ hẹp, đó là hình ảnh của những người phụ nữ cả đời hy sinh cho chồng, cho con, hiện nay nhiều người phụ nữ vẫn đặt gia đình cao hơn sự nghiệp, quan niệm rằng dù người phụ nữ có thành đạt đến đâu nhưng gia đình không hạnh phúc vẫn là người phụ nữ bất hạnh. Một giá trị tốt đẹp nữa của gia đình Việt Nam truyền thống, đó là rất chú trọng đến việc giáo dục con cái với quan niệm con hơn cha là nhà có phúc. Thực tế trong xã hội xưa, chỉ đàn ông và những người thuộc tầng lớp trên mới được đi học thì gia đình là thiết chế chủ đạo trong giáo dục con người từ nhân cách, đạo đức, lối sống lẫn kiến thức, kinh nghiệm lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, gia đình truyền thống cũng chứa đựng những yếu tố tiêu cực cần phải loại bỏ như sự bất bình đẳng, mất dân chủ giữa các thành viên trong gia đình. Xã hội phong kiến là xã hội có sự phân chia thứ bậc và trong gia đình cũng vậy. Đó là sự thiếu bình đẳng, mất dân chủ trong mối quan hệ giữa vợ và chồng (phu xướng phụ tùy), giữa cha mẹ và con cái (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy), giữa con trai và con gái (trọng nam khinh nữ)… Mặt khác, sản xuất nông nghiệp ở trình độ thủ công cần nhiều lao động với nhiểu rủi ro cần sự đảm bảo của con cái đã làm xuất hiện tâm lý nhà đông con là nhà có phúc khiến quy mô gia đình Việt Nam rất lớn. Điều này lại được củng cố thêm bằng tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến nhiều gia đình cố sinh con trai cho bằng được để nối dõi tông đường. Một hạn chế nữa của gia đình truyền thống là do quá nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình với nhau mà nhu cầu, lợi ích, tự do cá nhân chưa được quan tâm đúng mức. Những quan niệm về danh dự, lợi ích chung của gia đình theo quan niệm đạo đức, văn hóa phong kiến chứa những điểm cũ kỹ vì vậy đã trói buộc và hạn chế nhiều nhu cầu, lợi ích chính đáng của các thành viên gia đình với tư cách là các cá nhân. Đặc biệt, những mặt tiêu cực cần loại bỏ của gia đình truyền thống này lại được bổ sung bằng các giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại, đó là sự dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, là quan niệm sinh ít con, chú ý quan tâm đến cái tôi cá nhân của các thành viên trong cuộc sống chung của gia đình.

2. Những biểu hiện sai lệch các giá trị trong gia đình ở Việt Nam hiện nay

Nhìn chung, nhiều gia đình Việt Nam hiện nay vừa giữ được những nét tốt đẹp của gia đình truyền thống vừa tiếp thu những giá trị tiên tiến của gia đình thời đại mới. Đặc biệt, hầu hết vẫn cho rằng gia đình vẫn là một thiết chế không thể thay thế trong việc giáo dục con cái về lối sống, cách đối nhân xử thể, đạo làm người. Cùng với những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhiều giá trị tiến bộ cũng đã thâm nhập vào các gia đình Việt Nam. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã dân chủ, bình đẳng hơn, con cái được quyền tự do quyết định nhiều việc lớn liên quan đến cuộc đời mình như lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn bạn đời… Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng đã được cải thiện, số người cho rằng nhất định phải có con trai đã giảm hơn, người vợ đã có tiếng nói trong việc quyết định các vấn đề lớn của gia đình (2).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số gia đình Việt Nam hiện nay đang có những biểu hiện sai lệch trong việc tiếp thu các giá trị truyền thống tốt đẹp và các giá trị tiên tiến của gia đình. Một số người lấy yếu tố tiền bạc, địa vị xã hội làm tiêu chuẩn cho việc kết hôn, coi hôn nhân là những món hàng mua bán để rồi đưa đến biết bao bất hạnh cho người trong cuộc. Nhiều gia đình lấy mức độ giàu nghèo làm tiêu chuẩn xác định thân sơ trong quan hệ họ hàng, đặt mục đích lợi ích làm trọng để đối xử với ông bà, cha mẹ theo nguyên tắc trao đổi sòng phẳng. Không ít ra gia đình xảy ra hiện tượng vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em bất hòa, xung khắc mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ lợi ích kinh tế. Vấn đề kế thừa tài sản, tranh chấp kiện tụng đất đai, quyền lợi vật chất trong gia đình xảy ra, thậm chí dẫn đến những vụ trọng án thương tâm. Kinh tế thị trường cũng khiến nhiều gia đình mải mê làm ăn, vật lộn để giữ chỗ làm, làm thêm để có thêm thu nhập, sáng đi sớm, tối về quá muộn, thiếu thời gian chăm sóc, quan tâm giáo dục con cái. Ở thành phố, nhiều trẻ chỉ được dạy dỗ thông qua người giúp việc, những người thiếu kinh nghiệm và kiến thức giáo dục cũng như trách nhiệm để giáo dục con cái một cách có hiệu quả. Ở nông thôn, nhiều gia đình thiếu đất, thiếu việc làm nên cha mẹ rời nhà lên thành phố, con cái ở với ông bà nên thiếu sự chăm sóc, quan tâm của cha mẹ. Cùng với sự chuyển giao chức năng giáo dục từ gia đình sang các thiết chế xã hội khác, nhiều cha mẹ đã khoán trắng chức năng này cho thày cô, nhà trường mà không chú ý đến việc giáo dục con cái mình.

Bên cạnh đó, việc đề cao tự do cá nhân dẫn tới tình trạng sống chung không kết hôn (sống thử) đang phát triển mạnh trong một bộ phận giới trẻ và công nhân tại các khu công nghiệp. Mặc dù đại bộ phận đều thừa nhận sống thử có nhiều bất lợi cho người trong cuộc, đặc biệt là phụ nữ, nhưng xu hướng này đang có chiều hướng tăng lên. Sống thử phản ánh mâu thuẫn giữa tự do cá nhân như một tất yếu trong xã hội hiện đại với sự chưa chín muồi về nhân cách xã hội để đi đến hôn nhân. Sống thử thường xuất hiện ở những thanh niên sống xa gia đình, không chịu sự quản lý của cha mẹ, là xu hướng muốn thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình và ràng buộc pháp lý nhằm thỏa mãn tự do cá nhân. Sự đề cao dân chủ, bình đẳng giữa vợ và chồng một cách thiếu đúng đắn cũng dẫn tới những trường hợp vợ và chồng không thống nhất được quan điểm, mỗi người một ý, gia đình lục đục. Trước thực trạng này, làm thế nào để giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của gia đình hiện đại, phù hợp với gia đình Việt Nam và yêu cầu của xã hội đang là một yêu cầu đặt ra cấp bách đối với công tác gia đình.

3. Một số phương hướng kết hợp giá trị trong xây dựng gia đình ở Việt Nam hiện nay

Rõ ràng, tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị tiên tiến của gia đình trong xây dựng gia đình ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết, nhưng tiếp thu thế nào để các giá trị đó không mâu thuẫn với nhau, cần lưu ý một số phương hướng sau:

Thứ nhất, phải hiện đại hóa các giá trị truyền thống

Gia đình truyền thống chứa đựng các yếu tố cả tích cực và tiêu cực, việc phân biệt đâu là những giá trị tích cực cần phải phát huy và đâu là những yếu tố truyền thống đã lạc hậu cần phải loại bỏ là cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả những yếu tố truyền thống tốt đẹp cần phải phát huy cũng không phải là bê nguyên xi, toàn bộ những nội dung của những giá trị ấy vào gia đình Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ những giá trị truyền thống dù là tốt đẹp, tích cực nhưng nó nảy sinh trong những điều kiện cụ thể của xã hội cũ nên vẫn chứa đựng những nét không còn phù hợp trong bối cảnh xã hội mới. Vì vậy, cần hiện đại hóa các giá trị truyền thống để làm cho nó phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại. Ví dụ, tình nghĩa giữa các thành viên trong gia đình là một giá trị tốt đẹp cần phải kế thừa và phát huy ở bất kể thời đại nào. Hiếu thảo cũng là một đức tính đáng quý của bậc con cháu đối với ông bà, cha mẹ cần được duy trì. Tuy nhiên, trong xã hội cũ, sự chăm sóc theo quan niệm truyền thống phải thực hiện những lễ tiết hết sức phức tạp, ví dụ như hàng ngày phải thăm hỏi cha mẹ mấy lần, trong xã hội ngày nay, con cái đi làm xa, không có điều kiện thăm hỏi trực tiếp cha mẹ nhiều lần trong ngày, do đó không còn phù hợp. Vì vậy, có thể loại bỏ những lễ tiết này nhưng con cái vẫn phải thể hiện sự biết ơn, kính trọng của mình đối với ông bà, cha mẹ, ở xa thì gọi điện thoại hỏi thăm… Bên cạnh đó, quan niệm cá không ăn muối cá ươn, không nghe cha mẹ trăm đường con hư là đúng, nhưng phải nhất nhất theo ý của cha mẹ bất kể đúng sai, cả trong chuyện hôn nhân cũng do cha mẹ định đoạt, con cái không có quyền tự quyết định cuộc sống của mình thì rõ ràng có những điểm không phù hợp với xã hội hiện đại. Vì vậy, cần phải hiện đại hóa nội dung này, con cái vẫn phải nghe lời cha mẹ song cha mẹ cũng hãy để những khoảng trống để con cái tự quyết định những việc quan trọng trong cuộc đời mình. Hoặc gia đình Việt Nam truyền thống đề cao sự chung thủy giữa vợ và chồng, đó là một giá trị cần phải phát huy nhưng chung thủy nảy sinh trong điều kiện xã hội phong kiến, gia đình phụ quyền gia trưởng nên nó cũng chứa đựng sự bất bình đẳng, nhấn mạnh chung thủy về phía người vợ, trong khi nới lỏng hơn với người chồng, thậm chí ca ngợi và đánh giá cao người đàn ông có nhiều vợ (trai tài thì lấy năm, bảy vợ; gái chính chuyên chỉ có một chồng). Vì vậy, sự bình đẳng giữa vợ và chồng là cần thiết, chung thủy phải nhấn mạnh từ cả hai bên, đòi hỏi ngang nhau giữa vợ và chồng.

Thứ hai, phải truyền thống hóa các giá trị tiên tiến, hiện đại

Việc tiếp thu những giá trị tiến bộ như dân chủ, bình đẳng, ít con, hôn nhân một vợ một chồng, đề cao cái tôi cá nhân… vào gia đình Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết để thúc đẩy xây dựng gia đình mới ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc tiếp thu những giá trị hiện đại này phải dựa trên cơ sở những giá trị truyền thống. Nói cách khác là phải truyền thống hóa những giá trị hiện đại để cho cái hiện đại trở nên phù hợp hơn với gia đình Việt Nam. Ví dụ như ở phương Tây, khi con cái đủ 18 tuổi, cha mẹ không được can thiệp vào cuộc sống của con cái. Rõ ràng việc tiếp thu hoàn toàn sự dân chủ như ở xã hội phương Tây không phù hợp với truyền thống của người Việt Nam. Sự dân chủ, tôn trọng quyền và sự tự do ở mức nhất định cho con cái là cần thiết nhưng phải phù hợp với giá trị truyền thống, cha mẹ không quyết định nhưng có thể bảo ban, định hướng. Truyền thống hóa những giá trị hiện đại không chỉ làm cho những giá trị ấy phát huy tác dụng tích cực mà còn tránh rơi vào tình trạng thái quá.

Thứ ba, phải chú ý kết hợp giữa xây và chống, xóa bỏ những điểm tiêu cực của gia đình truyền thống gắn liền với việc tuyên truyền, hình thành các giá trị tiên tiến của gia đình

Giữa các giá trị truyền thống tốt đẹp và giá trị tiến bộ có những điểm có thể dẫn tới mâu thuẫn, vì vậy cần phải thẩm thấu, kết hợp hài hòa các giá trị này (truyền thống hóa cái hiện đại hay hiện đại hóa cái truyền thống) để giữ ở trạng thái cân bằng, tránh rơi vào các thái cực. Bên cạnh đó, giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại cũng có những điểm có thể bổ sung cho nhau. Do đó quá trình xây và chống phải đi liền với nhau, loại bỏ những điểm tiêu cực của truyền thống, tiến hành cùng lúc với xây dựng những giá trị tích cực của cái hiện đại mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Có thể nói, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là một nguyên tắc trong giải quyết các công việc, trong đó có vấn đề xây dựng gia đình. Tuy nhiên, những xung đột thế hệ bắt nguồn từ xung đột hệ giá trị giữa truyền thống và hiện đại thời gian qua cho thấy, cần phải có những định hướng, giải pháp cụ thể để tạo ra sự hài hòa, cân bằng giữa các giá trị, từ đó thúc đẩy xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.

____________

1. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam 2005 – 2010.

2. Trần Đức Ngôn, Văn hóa gia đình Việt Nam trong thời đại hiện nay, đề tài cấp bộ, Bộ VHTTDL, Hà Nội, 2010, tr.155.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN TIẾN THƯ – HÀ THI THÙY DƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *