Kết quả hoạt động của đội ngũ công chức văn hóa cơ sở các tỉnh biên giới phía Bắc

Công chức văn hóa cơ sở (CCVHCS) là cầu nối đưa văn hóa thấm sâu và từng người dân, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, đồng thời định hướng việc tiếp nhận văn hóa bên ngoài có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, thúc đẩy hoạt động văn nghệ quần chúng khắp các bản làng.

1. Những kết quả đạt được

Trong những năm qua, hoạt động của đội ngũ CCVHCS các tỉnh biên giới phía Bắc đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn; tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng vùng núi phía Bắc thu hút nhiều nghệ nhân, người dân tham gia như: Liên hoan xòe vùng Tây Bắc, Liên hoan hát then – đàn tính vùng Đông Bắc… Nhiều thôn, bản trở thành điểm đến thu hút du khách tại Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh…

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thật sự đi vào cuộc sống, phù hợp với vùng miền, lan tỏa vào từng gia đình, từng thôn, bản, khơi dậy niềm tin, thi đua sáng tạo trong cộng đồng dân cư. Các địa phương đã chủ động vận dụng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống ở các gia đình trong khu dân cư, cũng như việc điều chỉnh, lành mạnh hóa phong tục, tập quán của đồng bào. Xây dựng quy ước, hương ước tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư. Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở đã huy động được sự đóng góp của nhân dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa ở cơ sở, tạo nên sự thay đổi nhanh chóng đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư.

Tính đến hết năm 2017, trong 23 xã biên giới của Lai Châu có 40% số xã có nhà văn hóa và 30% số bản có nhà văn hóa, 100% nhà văn hóa đã được cấp trang thiết bị. Tỉnh Quảng Ninh có 16 xã thuộc 3 huyện, thành phố vùng biên giới gồm Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, hầu hết đều có các hoạt động văn hóa, nhân dân được đọc sách báo, nghe đài, xem vô tuyến, xem biểu diễn nghệ thuật, xóa các điểm trắng về hoạt động văn hóa thông tin. Tại tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh có 57/195 nhà văn hóa kiêm hội trường, trong đó có 2 nhà văn hóa là Phố Bảng huyện Đồng Văn, Tùng Vài huyện Quản Bạ được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn và 40 nhà sàn văn hóa được xây dựng nằm trong diện tích khuôn viên trụ sở cấp xã.

Cũng trong năm 2017, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng đạt được kết quả khả quan, tại 23 xã biên giới có 66,2% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 1,2 % so với năm 2016; có 52,7% bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, tăng 2,7% so với năm 2016; có 75,3% cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hóa, tăng 5,3% so với năm 2016.

Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, chiếu bóng lưu động về các xã biên giới như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các bản thuộc cụm Mường Tè – Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu (2016); Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc cụm xã vùng cao, biên giới và dọc sông Nậm Na, huyện Sìn Hồ (2016); Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên lần thứ V (2016); tổ chức 432 buổi chiếu phim lưu động tại 23 xã biên giới của 4 huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ. Trong năm 2017, Lai Châu có 20 đội văn nghệ quần chúng được xây dựng mới tại 20 bản thuộc 23 xã biên giới và có 116 đội văn nghệ được quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển.

Bên cạnh đó, đội tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh còn tổ chức tuyên truyền bằng băng rôn, cấp băng đĩa miễn phí trên 10 cụm loa truyền thanh các xã biên giới với 7 thứ tiếng: Kinh, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Mảng; xây dựng và duy trì chuyên trang, chuyên mục vì chủ quyền biên giới trên Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; bài trừ mê tín dị đoan; Luật Phòng chống ma túy; Luật Biên giới quốc gia, hay tuyên truyền trực tiếp tại các bản, hộ gia đình về các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc nơi biên giới.

Có được kết quả trên phải kể đến nguyên nhân cơ bản sau:

Nguyên nhân khách quan

Hầu hết CCVHCS các tỉnh biên giới phía Bắc được rèn luyện trở thành người có phẩm chất chính trị kiên định, lập trường, tư tưởng rõ ràng, sẵn sàng đảm nhiệm công việc khó khăn, gian khổ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có những chính sách quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, đặc biệt là cán bộ, công chức vùng biên giới. Quy định chế độ lương, chế độ đặc thù vùng, miền đã làm cho CCVHCS yên tâm công tác, cống hiến cho ngành, địa phương.

Các cấp, các ngành của địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện hỗ trợ cho công chức văn hóa khi tác nghiệp. Có chính sách động viên, tuyên dương những công chức tiêu biểu, đặc biệt hoạt động ở những vùng khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cũng kiên quyết xử lý những công chức có hành vi vi phạm.

Sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin, hội nhập toàn cầu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo điều kiện cho công chức có cơ hội lĩnh hội kiến thức, tiếp nhận các giá trị văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch một cách thuận lợi và kịp thời.

Nguyên nhân chủ quan

Hầu hết CCVHCS là người sống gắn bó với gia đình, họ hàng thân thích, quê hương nên am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc mình, do đó, họ có uy tín và sức cảm hóa nhân dân trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước

2. Những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác của đội ngũ CCVHCS còn nhiều những hạn chế, bất cập như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng và chính quyền chưa thường xuyên, liên tục. Những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực đời sống văn hóa cơ sở còn chưa vững chắc, chất lượng chưa cao, nhiều phong trào còn mang tính hình thức và chạy theo thành tích. Cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa xã hội ở các đơn vị cơ sở tại các tỉnh biên giới, còn thiếu thốn, đặc biệt là các xã, bản sát đường biên, nơi chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đội ngũ CCVHCS ở các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung còn thiếu và yếu, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Đội ngũ CCVHCS cấp xã thiếu ổn định, được hình thành từ nhiều nguồn lực khác nhau, trình độ chuyên môn và chuyên ngành không phù hợp nên cơ cấu chưa đồng bộ, trình độ, phẩm chất, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Năng lực, kỹ năng tác nghiệp, thể hiện qua việc ban hành, tham mưu ban hành văn bản, xử lý tình huống hành chính, thực thi công vụ trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, gia đình còn nhiều hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của cấp trên xuống cơ sở tại một số địa phương không kịp thời, đầy đủ; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cơ sở còn chậm; giải quyết công việc còn nhiều sai sót. Các tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội ở cơ sở còn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời…

 3. Một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập:

Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở các cấp trong việc phối hợp lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” cả về bề rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước và phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở để phục vụ nhu cầu văn hóa của cộng đồng dân cư.

Bên cạnh việc tăng nguồn kinh phí của nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng đời sống văn hóa thông tin ở cơ sở, cần phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội đóng trên địa bàn, đặc biệt hỗ trợ thiết thực và hiệu quả phát triển văn hóa ở các làng, bản có đường biên giới.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa cơ sở.

Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa ở cơ sở.

Sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một sự nghiệp lâu dài, cần phải tiến hành một cách bền bỉ, vững chắc, thường xuyên trên cơ sở phát huy sáng kiến và kinh nghiệm của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trong đó vai trò quan trọng và nòng cốt là đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Có thể nói, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là yêu cầu khách quan và điều kiện cơ bản để đảm bảo sự phát triển bền vững địa phương, trực tiếp bảo đảm vững chắc cho an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Tác giả: Phạm Thị Như Quỳnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *