Khi nói về âm nhạc cho múa, GS Lâm Tô Lộc đã viết “Chất lượng của tác phẩm múa tùy thuộc vào sức biểu hiện của âm nhạc. Nhạc gây cảm hứng sáng tạo và gợi mở những hình tượng múa cho biên đạo”. Một tác phẩm nhạc hay có thể tạo điều kiện cho những sáng tác múa hay. Ngược lại, nhạc không tốt sẽ rất khó cho người biên đạo xây dựng tác phẩm múa. Sự thống nhất hữu cơ giữa nhạc và múa là điều kiện quyết định đến sự thành công của tác phẩm múa.
Nền âm nhạc mới Việt Nam nói chung, thể loại nhạc cho múa nói riêng có nguồn gốc bắt nguồn từ âm nhạc cổ điển bác học châu Âu. Thể loại này là sự kết hợp nhiều bộ môn nghệ thuật, được gọi chung là âm nhạc sân khấu. Sự hình thành và phát triển của loại hình này bắt đầu manh nha từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ban đầu, một số đoàn văn công ở các địa phương được thành lập, song song với nó là sự hình thành của đội ngũ viết nhạc cho múa không chuyên. Nhạc sĩ chuyên viết âm nhạc cho múa thời kỳ này còn rất hạn chế.
Đầu những năm 1954 hòa bình lập lại, miền Bắc thống nhất, nước ta bước sang một giai đoạn mới. Lĩnh vực âm nhạc cho múa lúc này có sự khởi sắc do nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ sáng tác nhạc cho múa. Ban đầu sự xuất hiện của thể loại này trên sân khấu khá đơn giản, âm nhạc có thể được lấy từ những bài dân ca, hoặc sử dụng các bài có tiết tấu rõ ràng, hoặc lấy và cải biên từ một làn điệu dân ca nào đó… Một sân khấu múa chuyên nghiệp, hoàn thiện, trong đó phần âm nhạc là một chủ thể độc lập mà tác phẩm múa cũng chỉ thực sự được khẳng định cùng với sự trưởng thành của ngành Múa Việt Nam.
Trước năm 1945, sau khi âm nhạc mới được hình thành theo ba đến bốn khuynh hướng, thời kỳ đầu của phong trào âm nhạc cải cách hay còn gọi là Tân nhạc, thì chưa thấy xuất hiện những sáng tác âm nhạc cho múa. Cho đến những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, cùng với những ca khúc mới được phổ biến trong nhân dân, nghệ thuật múa cũng được đưa lên sân khấu để phục vụ quần chúng. Thời gian này, một số nhạc sĩ đã có những hoạt động âm nhạc và múa để tập hợp quần chúng tuyên truyền cho cách mạng. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác và Minh Tâm đã xây dựng điệu múa Tưng bừng. Sau Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, lúc này, toàn quân, toàn dân một lòng đứng lên phục vụ cho kháng chiến. Xuất phát từ tình hình chính trị như vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoạt động âm nhạc đã thành lập nhiều đoàn văn công để phục vụ cho tiền tuyến. Yêu cầu nghệ thuật của các đoàn văn công là phải xây dựng các điệu múa ngắn, múa tập thể. Đi cùng với nó là những sáng tác âm nhạc đi kèm cho các điệu múa đó.
Tại thị xã Lê Trung Đình (tên gọi của Quảng Ngãi sau cách mạng tháng Tám – trung tâm chính trị và quân sự của miền Nam Trung Bộ thời kỳ bấy giờ), đội múa thuộc Liên đoàn văn hóa cứu quốc tỉnh trình diễn Thái Bình vũ khúc, Bước chân chiến sĩ, Lưỡi kiếm xung phong – là ba tác phẩm do nhạc sĩ Vân Đông sáng tác nhạc và múa, nói về những du kích Ba Tơ anh dũng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng đất nước và khát vọng về một cuộc sống hòa bình. Có thể coi những người đã sáng tác múa và âm nhạc cho múa trước cách mạng ở hai miền Bắc – Nam như nhạc sĩ Văn Chung và Vân Đông là hai nhạc sĩ đã mở ra trang sử mới cho nghệ thuật múa Việt Nam.
Chiến trường Nam Bộ xuất hiện những điệu múa khuyết danh như múa Cưỡi ngựa được xây dựng theo ca khúc Kị binh Việt Nam của nhạc sĩ Lê Yên. Trong thành tựu năm 1947, tác phẩm múa Đón trăng thu dựa theo ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Vân Đông, Lâm Tô Lộc đã dựng thành múa 8 nữ, diễn viên múa là nữ sinh các trường phổ thông cơ sở ở Quảng Ngãi. Sau chiến thắng Cao – Bắc – Lạng, biên giới phía Bắc của nước ta được khai thông nối liền Việt Nam với các nước Xã hội Chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô, những điệu múa tập thể của nước ngoài được du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau… Đồng nghĩa với các điệu múa tập thể ra đời, âm nhạc hay sử dụng những ca khúc phổ biến hoặc dân ca có tiết tấu sôi động, ví dụ như bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Phong Nhã được dựng thành múa, ca khúc Mùa hoa nở của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được Lâm Tô Lộc dựng thành múa tập thể.
Trong thành tựu lĩnh vực âm nhạc cho múa, thời kỳ này đã cho ra đời nhiều tác phẩm mang tính chuyên nghiệp như: tác phẩm thơ múa Chúc thọ Bác Hồ đánh dấu sự ghi nhận đây là tác phẩm âm nhạc múa chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta. Đầu năm 1950, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết một nhạc cảnh ca múa với mục đích tặng Bác Hồ nhân ngày sinh nhật lần thứ 60 của Người. Tên gọi ban đầu của tác phẩm là Lục Tuần Đại Khánh. Nhạc cảnh ca múa này đã được Đoàn thiếu nhi nghệ thuật biểu diễn tại ATK, nơi Bác đang làm việc.
Ngày 25-10-1959 Trường Trung cấp múa Việt Nam ra đời (nay là Học viện Múa Việt Nam) đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử nghệ thuật múa ở Việt Nam, một trường nghệ thuật múa chính quy đầu tiên đào tạo nghệ sĩ múa chuyên nghiệp cho nước nhà. Những giáo viên múa đầu tiên là những cán bộ diễn viên có kinh nghiệm chuyên môn và có uy tín trong ngành như: Lệ Cung, Ngân Quý, Hồng Quỳ, Hồng Túc và một số cán bộ tốt nghiệp trường múa Bắc Kinh như Đoàn Long, Bùi Đức Trực, Sa Kim Đóa, Đinh Thị Yến, Hoàng Điệp…
Năm 1960, vở kịch múa đầu tiên do trường Trung cấp Múa Việt Nam phối hợp với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, bộ phận ca múa là Đoàn Ca múa trung ương và một số em ở Ấu Trĩ Viên Hà Nội (nay là Cung văn hóa Thiếu nhi) dàn dựng và biểu diễn vào tháng 5-1960 tại Nhà hát Nhân dân Hà Nội (nay là Cung văn hóa Việt Xô) và tại vườn Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nhân dịp lần thứ 70 ngày sinh nhật Bác Hồ. Kịch bản lấy từ vở kịch hát Chúc thọ Bác Hồ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Từ kịch bản của vở kịch hát kể trên, biên đạo Thái Ly và nhạc sĩ Vĩnh Cát sáng tác âm nhạc trong tác phẩm kịch múa Hái hoa dâng Bác.
Cùng thời điểm này, 2 tác phẩm kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh và Tấm Cám ra đời. Kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh do nhóm tác giả nhiều nhạc sĩ và biên đạo múa thực hiện. Tác phẩm kịch múa với phần âm nhạc quy mô và hoành tráng. Phần nhạc và múa là một dấu son của sự sáng tạo theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đây là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam, lấy nội dung cuộc sống hiện đại thể hiện trong một hình thức nghệ thuật cao cấp tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác, để ngợi ca một giai đoạn thoái trào của cách mạng theo tính bi kịch, nhưng tràn đầy sức sống của một thiên anh hùng ca.
Cùng năm 1960, vào khoảng tháng 8, Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương đã hoàn thành vở kịch múa Tấm Cám, kịch bản dựa trên chuyện kể dân gian của Việt Nam. Tác phẩm được chọn trình diễn chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III và công diễn cho công chúng Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước. Năm 2000 được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Năm 1963, Trường Trung cấp Múa Việt Nam dàn dựng vở kịch múa dài 3 màn Bả khó, đây là vở kịch múa lấy đề tài từ câu chuyện dân gian của dân tộc Thái. Ngôn ngữ âm nhạc trong tác phẩm hoàn chỉnh về cấu trúc miêu tả từng tính cách của nhân vật, tác phẩm được ghi nhận khá thành công. Nhiều tác phẩm múa cũng được sáng tác trong giai đoạn này như: Phá lao (âm nhạc Đỗ Dũng, biên đạo múa Nguyễn Việt), Bão táp Thăng Long (âm nhạc Lê Khiêm, biên đạo múa Minh Tiến), Hoa sen, Thạch Sanh, Nỏ thần (âm nhạc Nhật Lai)…
Giai đoạn trước 1975 là thời kỳ mang nhiều dấu ấn lịch sử, đem lại những thành tựu đáng kể về thể loại múa chuyên nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh những thành công nổi trội, vẫn còn những hạn chế: sau những năm 1968 – 1975 đến ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, lúc này sân khấu múa Việt Nam hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của những tác phẩm kịch múa mang tính chuyên nghiệp và bác học, do những khó khăn mới của nền kinh tế thị trường đã làm chậm lại sự phát triển của thể loại nghệ thuật này.
Chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc như một mốc son chói lọi, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc là một trong những bộ phận không thể tách rời với sự nghiệp chung của đất nước. Trước hoàn cảnh đất nước như vậy, thị hiếu nhu cầu mới về thưởng thức âm nhạc là vấn đề không những nảy sinh sau chiến tranh, mà còn là món ăn về tinh thần trong đời sống của người dân khi xã hội đang trên đà phát triển. Đứng trước thử thách và nhiệm vụ mới, nghành Âm nhạc cần phải nắm bắt được thực tế, bám sát vào vào đời sống xã hội để kịp thời định hướng và phù hợp với sự phát triển từng giai đoạn của đất nước.
Ở giai đoạn này, lĩnh vực nghệ thuật múa cũng đã có nhiều biến đổi tích cực. Đội ngũ những nghệ sĩ, biên đạo múa chuyên nghiệp được kiện toàn. Có nhiều người được cử đi học tập ở nước ngoài hoặc được đào tạo chính quy trong nước. Vì vậy, đã tạo dựng nên một đội ngũ nghệ sĩ của ngành múa có tên tuổi như: Thái Ly, Ybrơm, Đặng Hùng, Phùng Nhạn, Lê Cung, Vương Thào, Xuân Định, Trần Minh… Vào những năm giữa thập kỷ 80, một số tỉnh, thành mới thành lập đoàn ca múa, được sự chi viện về cán bộ nòng cốt của Bộ Văn hóa và các tỉnh thành miền Bắc kết nghĩa, đưa tổng số đơn vị biểu diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp của cả nước lên tới 80 đoàn. Cán bộ múa ngoài miền Bắc vào Nam giúp đào tạo diễn viên và xây dựng những tiết mục múa mới. Trong số những đoàn thành lập mới nổi lên các đoàn Thuận Hải, Hải Đăng, Khánh Hòa… Đoàn ca múa Giải phóng kết hợp với Đoàn ca múa Miền Nam thành lập đoàn nghệ thuật Bông Sen đóng tại TP.HCM. Đoàn ca múa Tây Nguyên phần lớn ở Plâycu, thành lập Đoàn ca múa nhạc Đam San tỉnh Gia Lai – Kon Tum và một bộ phận thành lập Đoàn Ca Múa Nhạc Tỉnh Đắk Lắk.
Ở miền Bắc, sau những năm kháng chiến chống Mỹ, các nhà hát và các đoàn ca múa lớn đi vào củng cố và phát triển tổ chức biểu diễn để xây dựng những chương trình tương xứng với chức năng và vị thế. Song song với sự thành lập của các đoàn nghệ thuật ở các tỉnh, thành trên cả nước cùng với sự tăng cường số lượng về diễn viên múa chuyên nghiệp được đào tạo trong các trường chính quy như: Trường Trung cấp Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), Trường múa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Nghệ thuật Quân đội, Trường Nghệ thuật Tây Bắc, Trường Nghệ thuật Việt Bắc, Trường Nghệ thuật Tây Nguyên và nhiều trường trung cấp tại các địa phương.
Nếu như đội ngũ các nhà biên đạo cho ngành Múa phát triển, thì ngành Âm nhạc cũng thu hút đội ngũ nhiều nhạc sĩ sáng tác cho sân khấu múa hơn ở giai đoạn trước 1975 như: Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam, Trần Quý, Doãn Nho, Huy Thục, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Nguyễn Tiến, Doãn Tiến, An Thuyên, Nguyễn Cường,…
Trong lĩnh vực kịch múa thời gian này nổi bật lên với một số tác phẩm như : tổ khúc thơ múa Giai điệu niềm tin, biên đạo múa Đoàn Long, phần âm nhạc là tác phẩm Giao hưởng số 1 của nhạc sĩ Hoàng Việt, được dàn dựng tại Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam; tác phẩm thơ múa Hồ Gươm, âm nhạc Cao Việt Bách, biên đạo múa Trần Đình Quỳ do đoàn ca múa Thăng Long dàn dựng.
Năm 1986, cùng với sự đổi mới của các ngành văn hóa nghệ thuật, ngành Múa phải đổi mới để tiếp tục phát huy vai trò của nghệ thuật múa. Trong hoàn cảnh đó, hoạt động sáng tác âm nhạc phục vụ cho nghệ thuật múa của các nhạc sĩ Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong sáng tạo các tác phẩm.
Năm 1994, nhân dịp chào mừng 200 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Lai Châu đã diễn ra liên hoan Ca múa chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc. Thành công hơn cả trong Liên hoan giữa các đoàn có nhiều tác phẩm múa lớn: đoàn ca múa Yên Bái có tác phẩm Mùa hoa ban Điện Biên, âm nhạc Phó Đức Phương, biên đạo Xuân Định; tổ khúc hát múa Âu Lâu, Một khúc tình ca, âm nhạc Phó Đức Phương biên đạo Công Nhạc. Đoàn ca múa Dân gian Việt Bắc có tác phẩm Vượt núi, âm nhạc Phó Đức Phương, biên đạo Lê Khình. Cả 3 tác phẩm này được đánh giá cao trong liên hoan chuyên nghiệp.
Năm 1995, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Nhà hát Giao hưởng vũ kịch thành phố, có nhiều diễn viên múa tài năng của thành phố tham gia. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đã cho dàn dựng biểu diễn nhiều kịch múa lớn như tác phẩm Giden… Có thể nói năm 1995, ngành Múa có những bước khởi sắc trở lại sau một thời gian do nhiều lý do như chạy theo cơ chế thị trường, các đơn vị ở các đoàn đã sử dụng một vài nhạc cụ như organ, guitare điện để thay thế chức năng nhạc cụ thông thường rồi in vào băng nhạc để tập, biểu diễn mất đi tính chuyên nghiệp… Chính vì vậy, dẫn đến một thời gian lĩnh vực sân khấu múa chuyên nghiệp im lìm. Sự khởi sắc của ngành Múa trở lại, được thể hiện trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, có nhiều tác phẩm múa chiếm vị trí cao cả về số lượng và chất lượng.
Năm 1999, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam ra mắt nhiều tác phẩm như: tổ khúc thơ múa Huyền thoại mẹ (âm nhạc Nguyễn Văn Nam, biên đạo múa Công Nhạc), tổ khúc thơ múa Huyền sử chiêng cồng (âm nhạc Đặng Nguyễn, biên đạo múa Đoàn Long)…
Năm 2001, khởi đầu cho cuộc thi sáng tác vũ kịch, Liên hoan tác phẩm kịch múa Việt Nam lần thứ nhất được khai mạc tại Hà Nội. Dự thi không chỉ có các nhà hát Nhạc Vũ Kịch, mà còn có cả các đoàn múa và trường nghệ thuật, trong đó nổi bật một số tác phẩm kịch múa lớn như: Ngọn Lửa (của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích) , Núi đôi (âm nhạc An Thuyên), Sự tích lễ Tết Chol Chnam Thmay (của nhạc sĩ Kim Nghinh)…
Năm 2002, Liên hoan Ca múa nhạc các tỉnh miền Trung diễn ra với sự tham gia của các nhạc sĩ trẻ với nhiều tác phẩm như: Cuội à cuội ơi (Xuân Thủy), Nhịp điệu màu xanh (Viết Thân), Dũng sĩ núi Thành (Ngọc Dũng), Cờ lau tập trận (Hồ Trọng Tuấn), Trăng thề (Mạnh Hùng), Cội nguồn (Đỗ Lộc), Lời ru quê hương (Hồng Thái)…
Giai đoạn sau 1975, âm nhạc viết cho múa được phát triển và mở rộng cả về lượng và chất, xuất phát từ sự giao lưu văn hóa mới từ Tây Âu, Bắc Mỹ… đã thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam lên một tầm cao mới. Nhiều tác phẩm có nội dung, chất lượng mang tính nghệ thuật cao. Các nhạc sĩ viết nhiều thể loại phong phú như: kịch múa ngắn, kịch múa dài, tổ khúc múa, thơ múa… Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 1975, nền văn hóa nghệ thuật nói chung, trong đó có âm nhạc đang dần dần hòa nhập vào sự phát triển của đất nước. Từ năm 1995, ngành Múa cả hai miền Nam, Bắc có những bước khởi sắc trở lại, được thể hiện trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Từ các đoàn địa phương cho đến nhà hát Nhạc Vũ Kịch đều có sáng tác tác phẩm kịch múa mang tính chuyên nghiệp cao. Hằng năm, họ thường tổ chức liên hoan kịch múa Việt Nam tại Hà Nội.
Tác giả: Bùi Phương Hảo
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn