Khái quát về nghệ thuật bài chòi

Bài chòi là một hình thức sinh hoạt giải trí của người dân Trung Bộ. Đây là một giá trị văn hóa kết hợp giữa trò chơi, thơ ca, âm nhạc và diễn xướng. Đã có nhiều chuyên luận xoay quanh di sản văn hóa độc đáo này, ở đây, chỉ xin bàn về nghệ thuật âm nhạc trong lối chơi bài chòi, một thành tố quan trọng đã nâng tầm một trò chơi bài dân gian đơn thuần lên thành cuộc chơi nghệ thuật mang tính cộng đồng của cư dân miền Trung.

 

1. Trình thức diễn xướng

Để tổ chức chơi bài, một nhóm người có năng lực được hình thành trong dân gian gọi là nhà cái. Vào ngày làng mở hội, họ tìm một khoảng sân rộng để dựng những chiếc chòi tre làm chỗ cho người ngồi chơi. Ở đây, thay vì cỗ bài giấy, người chơi dùng thẻ bài làm bằng tre hay gỗ, trên mặt có dán giấy vẽ hình quân bài. Đứng ở trung tâm cuộc chơi, một người trong nhóm giữ vai anh hiệu, làm nhiệm vụ xóc thẻ bài phát cho các chòi. Thuở ban đầu, trong cuộc chơi, anh hiệu chỉ xướng tên quân bài thật to gọi là hô bài chòi để người chơi trên chòi biết xem tình huống ván bài tiếp diễn đến đâu. Về sau, để cuộc chơi được xôm hơn, anh hiệu nghĩ ra cách vận thơ ứng với tên các con bài rồi xướng lên, gọi là những câu thai. Người chơi nghe thơ ngẫm nghĩ mà đoán quân bài. Đây thực chất là sự tiếp thu hình thức hô thai, vốn là một trò chơi đố thơ dân gian phổ biến ở miền Trung (1). Các câu thai chủ yếu dùng thơ lục bát và lục bát biến thể. Cũng có khi sử dụng đôi ba câu thơ 4 từ, 5 từ, 7 từ hay 8 từ làm phần dẫn dụ cho lời thơ lục bát. Về nguyên tắc, lời thơ được dùng để hô bài chòi phải thể hiện một trong hai cấp độ:

Cấp độ 1, bao chứa một từ trùng với tên con bài, kể cả dạng ví von, bất chấp ý nghĩa lời ca có ăn nhập như thế nào. Từ trùng với tên quân bài thường nằm ở câu bát cuối cùng, mục đích làm cho khán giả phải suy ngẫm và thấp thỏm chờ đợi, chẳng hạn:

Ai kêu ai hú bên sông

Tôi đang vá áo cho chồng tôi đây

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ gánh dây đi trồng

Đạp xe lấy nước tràn đồng

Lập lăng thờ mẹ ẵm bồng em thuở xưa.

(Quân bài bác bồng)

Hoặc:

Trai khôn thấy gái cũng mê

Gái khôn trai dỗ trăm bề cũng xiêu

Anh yêu cha mẹ không yêu

Lụa kia muốn nhúng sợ điều không ăn.

(Quân bài ngũ điều)

Cũng có khi từ trùng tên quân bài xuất hiện trước câu bát kết thúc. Đây là những trường hợp dễ đoán, ví dụ:

Việc gì cũng phải lo xa

Đầu vào phải đủ, đầu ra mới dày

Chưa nghĩ kỹ, đã làm ngay

Lưỡng nan tiến thoái, có ngày hại to

đường ra, lối vô

Hai đường đều , ô hô tắt đường

(Quân bài nhì bí)…

Cấp độ 2, bài thơ chỉ thể hiện nội dung khái quát ý nghĩa con bài mà không có từ nào trùng với tên quân bài. Đây cũng chính là hình mẫu câu thai đố thơ phổ biến trong dân gian. So với cấp độ 1, lời thơ bài chòi cấp độ 2 khó đoán hơn, tạo sự thách đố cho khán giả, làm tăng thêm tính hấp dẫn của cuộc chơi. Tuy nhiên, kiểu dạng này ít được sử dụng hơn vì có khi làm cho người chơi không đoán nổi quân bài:

Một mình mang sách đi hoài

Cử nhân không thấy mà tú tài cũng không

(Lời nói về học trò, suy ra quân bài nhứt trò)

Hoặc:

Một hai bậu (2) nói rằng không

Dấu chân ai đứng bờ sông hai người

(Lời nói về dấu chân của hai người, tức là có bốn chân, cũng là tứ cẳng, suy ra quân bài tứ cẳng)….

Trong mục đích gắn với quân bài, người ta cũng lồng ghép đồng thời nhiều nội dung phong phú như tình yêu đôi lứa, quê hương đất nước hay đơn giản tả người, tả cảnh hoặc châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội.

Thường thì mỗi quân bài sẽ có vài lời thơ tương ứng để tránh việc lặp lại nhiều lần trong cuộc chơi. Mỗi bài ít nhất là một cặp lục bát, nhiều thì không hạn định nhưng không được quá dài, làm loãng cuộc chơi. Trước khi hô tên quân bài, anh hiệu đọc thật to lời thơ để mọi người cùng suy đoán quân bài. Giai đoạn này, bên cạnh lối đọc thơ thông thường, người ta bắt đầu manh nha vận dụng ngữ điệu trầm bổng, đồng thời đưa nhịp điệu chu kỳ tựa như lối nói vè vào cho cuộc chơi thêm phần hấp dẫn. Tính nhạc sơ khai bắt đầu hình thành như vậy. Về sau, có lẽ thấy cần gia tăng yếu tố nghệ thuật, các câu thơ hô bài chòi đã được âm điệu hóa một cách có chủ đích. Và, các làn điệu chuyên dùng lần lượt ra đời, được sử dụng như một phương tiện hữu hiệu để chuyển tải nội dung lời thơ. Bắt đầu từ đây, bên cạnh cách gọi hô bài chòi, người ta cũng thường gọi là hát bài chòi, khẳng định vai trò nổi trội của âm nhạc. Tất cả đều được thể hiện qua tài năng của anh hiệu trong vai vừa là người dẫn trò, vừa là nghệ sĩ biểu diễn ca hát và ra bộ diễn xướng.

Trong một trình thức diễn xướng mẫu mực, để mở đầu cuộc chơi, anh hiệu thường dùng điệu Xuân nữ đan xen cách nói lối để giới thiệu về cách chơi bài chòi. Bài ca có giá trị như một dạng hát chào. Anh hiệu vừa hát, vừa lần lượt đi bán thẻ cho người chơi ngồi trên các chòi:

Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc

Đón xuân về hái lộc chơi hoa

Vui chơi ăn uống nhà nhà

Vui bài hát xướng hát ca rút bài

Vui chơi không thiếu bài chòi

Ông cha ngày trước vẽ bày chơi xuân

Bài chòi là hội tưng bừng

Cờ hoa trống phách kèn đờn hô thai

Bốn bên màu sắc chín chòi

Người mua danh dự cầm bài ngồi trên

Giữ bài theo dõi ra tên

Ông ầm, bảy liễu, bạch huê, cửu chùa

Ba gà, nhị bắp, ngủ trưa

Hay là chín gối, bảy thưa, bát bồng

Hai mươi bảy tên đều có nội dung

Người thai lời trước kêu tên nối liền…

Sau đó, anh hiệu có thể hát thêm những lời ca chúc tết bà con làng xã bằng cách nói lối kết hợp với điệu Lô tô. Đây là làn điệu chuyên dùng chuyển tải những câu thơ thể 4 từ, giai điệu ngắn gọn vui khỏe, nhộn nhịp, mang tính tuyên truyền như vè.

Nói lối:

Ngày tết dân tộc vui ghê

Cỏ cây nảy lộc tứ bề xanh tươi

Ngày xuân hoa nở rực trời

Mừng xuân người nở nụ cười đẹp xinh

Ngày xuân đoàn tụ gia đình

Say sưa mặn ngọt say tình thân thương

Lô tô:

Rồi đổ ra đường

Vui xuân hưởng sắc

Lại qua chen chúc

Tìm đến trò chơi

Bài chòi chúng tôi

Sẵn sàng phục vụ

Xem vui hớn hở

Nghe thấy thấm hay…

Trong trường hợp đám đông chưa ổn định, trẻ con còn la hét cười đùa thì anh hiệu có thể tìm một lời ca giáo huấn trên điệu hát Lô tô để tiếp tục dẹp đám. Ví dụ:

À! Các cháu, các cháu nghe đây!

Mừng xuân vui tết

Nơi đây cần thiết

Giải trí cho mình

Cả năm học hành

Tết vui thỏa mái

Nhưng mà cần biết

Trật tự cho vui

Đừng có lôi thôi

Nghịch đùa châm chọc

Tết xong còn học

Đừng xảy đớn đau

Cha mẹ yêu cầu

Ở đây cũng vậy…

Sau phần hát chào – dẹp đám, anh hiệu bắt đầu tiến hành cuộc chơi để người chơi không phải chờ đợi lâu. Trong quá trình chơi, cứ mỗi lần xóc ống bương rút ra một quân bài, anh hiệu lại làm điệu bộ ngó nghiêng ngắm nghía nhận diện rồi hứng khởi hát một làn điệu truyền tải lời thơ có nội dung ứng với tên quân bài. Chòi nào thấy trúng quân bài mà họ đang giữ thì lấy mõ (để sẵn trên chòi) gõ to 3 tiếng báo hiệu. Cứ thế đến khi chòi nào tới– tức trúng đủ 3 quân bài – là kết thúc một hiệp. Lúc ấy, nhà cái đánh một hồi trống cái xác nhận, anh hiệu và người phụ tá sẽ mang khay tiền đến trao cho người trên chòi trúng thưởng và hô to với ngữ điệu kiểu tuồng cổ:

Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền

Hiệu khẩn cấp dâng cờ cho đệ nhất

Hoặc:

Hiệu tôi nay nhận lãnh khay tiền

Lên tráng mã đem trao cho chòi tới

Như thế, một cuộc chơi là cả một quá trình giao đãi giữa anh hiệu và người chơi cùng đám đông khán giả thưởng thức. Sự hấp dẫn của bài chòi chính là ở chỗ kết hợp được thú chơi bài bạc với nghệ thuật trình diễn dân gian.

2. Bài bản – nguồn gốc âm điệu, phần đệm

Đến nay trong nghệ thuật bài chòi, Xuân nữ vẫn được coi là làn điệu xuất hiện đầu tiên trong lối hát này. Trong quá trình phát triển, để tăng thêm tính phong phú đa dạng cho cuộc chơi, trên nguyên tắc phổ nhạc cho thơ lục bát của Xuân nữ, người ta tiếp tục sáng tạo thêm các làn điệu mới là Xàng xê, Cổ bản (còn gọi là Nam xuân) và hò Quảng. Trong đó, 2 điệu Xàng xê và hò Quảng được cho là xuất hiện muộn hơn điệu Cổ bản. Nhìn vào biểu mục các làn điệu chuyên dùng của bài chòi, sẽ thấy mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, trong 4 làn điệu bài chòi thì có tới 3 làn điệu là Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản trùng tên với những bài bản cổ nhạc chuyên nghiệp. Cụ thể, điệu Xuân nữ có trong tuồng Bắc, tuồng Nam Bộ, nhạc lễ Nam Bộ và tài tử- cải lương (điệu Xàng xê có trong tài tử – cải lương và nhạc lễ Nam Bộ; điệu Nam xuân có trong tuồng Bắc, tuồng Nam (tức tuồng miền Trung), tài tử- cải lương, thính phòng Huế, nhạc lễ Nam Bộ; điệu Cổ bản có trong tài tử- cải lương, nhạc lễ Nam Bộ và thính phòng Huế (3). Việc trùng tên của các làn điệu bài chòi trước nhất thể hiện rõ sự du nhập âm điệu từ những thể loại cổ nhạc lớn. Trên thực tế, đó là sự vay mượn màu sắc âm nhạc cơ bản chứ không lấy từ một bài bản cụ thể nào. Tên bài có thể chỉ là gợi ý ban đầu (4).

Thứ hai, trong các thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp, Cổ bản và Nam xuân vốn là những bài bản có tính chất âm nhạc khác nhau. Thế nhưng trong bài chòi, hai cái tên đó lại được dùng chung cho một làn điệu. Điều này thể hiện rõ sự pha trộn âm điệu trong bài chòi.

Thứ ba, riêng với làn điệu hò Quảng, cái tên riêng duy nhất của bài chòi, có thể đoán định theo hai cách. Chữ Quảng xuất phát từ việc hò Quảng có âm điệu du nhập màu sắc nhạc Quảng của tài tử – lải lương. Và, hò Quảng có nghĩa như một giọng âm điệu nhạc Quảng. Nhưng cũng có thể chữ Quảng xuất phát từ danh xưng nổi tiếng là đất Quảng, xứ Quảng. Khi đó, hò Quảng được hiểu là một giọng xứ Quảng.

Trong những thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp có bài bản trùng tên với các làn điệu bài chòi, hệ thống bài bản bao giờ cũng được phân loại, xác định theo hệ màu sắc âm điệu tương đồng, cái mà giới nghệ nhân cổ nhạc thường gọi là hơi (hay cung, giọng, điệu). Hơi là thuật ngữ dùng để chỉ kiểu dạng sắc thái âm điệu cơ bản. Mỗi thể loại có 2 hay nhiều hơi khác nhau. Những bài bản cùng một loại hơi sẽ giống nhau về tính chất biểu cảm của giai điệu, chỉ khác về lòng bản mà thôi. Trên thực tế, các thể loại thính phòng Huế, tuồng Bắc, tuồng Nam, tài tử – cải lương, tuồng Nam Bộ và nhạc lễ Nam Bộ vừa có sự tương đồng lại vừa có những dị biệt về hơi. Ví dụ hơi Xuân vừa có trong tuồng Bắc, lại vừa có trong tuồng Nam Bộ, tài tử – cải lương và nhạc lễ Nam Bộ; hơi Quảng có cả trong tài tử – cải lương, tuồng Bắc và tuồng Nam Bộ; hơi Bắc (còn gọi hơi Khách) của thính phòng Huế và các lưu phái tuồng nói chung được chia tách thành hơi Bắc và hơi Nhạc trong tài tử- cải lương và nhạc lễ Nam Bộ; hơi Nam chỉ có ở thính phòng Huế và tuồng Nam. Bởi vậy bài Nam xuân (hơi Nam) của thính phòng Huế và tuồng Nam lại có âm điệu khác hẳn bài Nam xuân (hơi Xuân) của tài tử – cải lương… Trong các thể loại trên, nhạc tài tử – cải lương là thể loại bao chứa nhiều màu sắc nhất, gồm các hơi: Bắc, Nhạc, Đảo, Quảng, Xuân, Ai, Oán. Xin xem bảng so sánh giữa bài chòi với những thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp dưới đây:

 

Qua bảng so sánh, căn cứ vào sự tổng hòa 2 yếu tố tên bàiâm điệu, có thể nhận định tài tử – cải lương, tuồng Nam Bộ và nhạc lễ Nam Bộ là những gợi ý tiền đề cho sự hình thành các làn điệu bài chòi. Trong đó, xu hướng du nhập tên bài và âm điệu từ nhạc tài tử – cải lương xem ra trội hơn cả. Cụ thể trong bài chòi, Xuân nữ thuộc hơi Oán, Xàng xê thuộc hơi Nhạc (5), Cổ bản là sự trộn lẫn hơi Bắc với hơi Xuân và hò Quảng thuộc hơi Quảng.

Ở đây, sẽ nảy sinh câu hỏi tại sao bài chòi sinh ra trên mảnh đất trung tâm của lưu phái tuồng Nam, nhưng không chịu sự chi phối biệt lập của nhạc tuồng nơi đây? Ngược dòng lịch sử thì thấy rằng tuồng Bắc là lưu phái cổ nhất với 3 hệ thống âm điệu cơ bản là hơi Khách (còn gọi hơi Bắc), hơi Oán và hơi Xuân. Theo chân dòng chảy văn hóa của người Việt tiến về phương Nam, tuồng đã được biến đổi dần để trở thành một lưu phái mới, gọi là tuồng Nam để phân biệt với tuồng Bắc. Khác với tuồng Bắc, hệ thống âm điệu của tuồng Nam bao gồm hơi Khách và hơi Nam (6). Trong đó, các hơi lại được chia nhỏ thành Khách thi, Khách phú, Khách tử, Khách tẩu mã, Nam xuân (Nam bình), Nam ai, Nam dựng, Nam chạy, Nam biệt (7)… Từ các cứ liệu lịch sử âm nhạc, có thể giả định rằng bên cạnh việc biến đổi thành tuồng Nam, một bộ phận tuồng Bắc vẫn tiếp tục di chuyển về tận cùng đất phương Nam theo bước chân những cư dân Thuận Quảng trong khoảng TK XVII – XVIII. Và ở đó, lưu phái tuồng Nam Bộ cùng hệ thống nhạc lễ được hình thành trên cơ sở hệ thống âm điệu tương đồng với tuồng Bắc, nhưng được phát triển ở tầm phức tạp hơn cả về không gian và thời gian âm nhạc. Đây cũng chính là 2 thể loại khởi nguồn trực tiếp cho sự ra đời của nhạc tài tử- cải lương vào cuối TK XIX, đầu TK XX. Thế nên, về lôgic lịch sử âm điệu, mạch ngầm dòng chảy bản sắc nhạc Việt từ Bắc vào Nam theo dấu chân những người đi mở cõi sẽ thể hiện trên sơ đồ sau:

 

Với những nghiên cứu ban đầu, tạm thời có thể đoán định rằng trong hoàn cảnh lịch sử hình thành nhạc bài chòi, chính những yếu tố khác biệt của âm điệu Nam Bộ với Trung Bộ là căn nguyên dẫn đến sự lựa chọn của các nghệ sĩ bài chòi. Hẳn người Trung Bộ khi đó ham thích những âm điệu lạ hơn so với tuồng miền Trung của họ? Hoặc nếu không kể đến sự mới mẻ của hơi Quảng, cũng có thể nhận định, bài chòi đã lựa chọn những giá trị âm điệu cổ xưa hơn của người Việt, vốn không đọng lại nhiều ở miền Trung mà chảy xuôi về miền đất Nam Bộ phì nhiêu màu mỡ (8)? Về mặt vị thế danh xưng, cũng cần biết rằng ngoại trừ Xuân nữ, còn Xàng xê, Cổ bản, Nam xuân đều là tên những bài bản đại diện lớn trong nhạc tài tử – cải lương (9). Hẳn đó cũng là một nguyên nhân để bài chòi lựa chọn tên gọi cho các làn điệu của mình. Sự tiếp thu âm điệu ở đây có thể giả định theo 2 hướng:

Một là do những lớp người xứ Quảng lang bạt vào Nam Bộ, tiếp thu rồi mang ra miền Trung.

Hai là du nhập tại chỗ khi những gánh hát cải lương bắt đầu tràn ra miền Trung trong những năm 1933-1934.

Về nhạc cụ đệm, nghệ thuật hô bài chòi thuở ban đầu chỉ sử dụng chủ yếu một cỗ phách giữ nhịp cho người ca, đôi khi thêm một trống chiến đệm tiết tấu cho xôm trò. Anh hiệu do phải vừa hát vừa ra bộ diễn xướng, chia bài nên luôn có một người giữ phách ngồi ngoài. Cũng có khi họ thay nhau làm anh hiệu để tiết kiệm sức lực. Nhịp của phách bài chòi là dạng nhịp 3 phổ biến trong cổ nhạc người Việt, tức đánh 3 phách bỏ một phách. Trong đó tiếng phách thứ 3 ứng với điểm nhấn phách mạnh của mô hình nhịp điệu bài bản. Tiếng phách bài chòi là yếu tố quan trọng không thể thiếu, được xem như dấu hiệu nghệ thuật đặc trưng của thể loại. Ví dụ:

 

Mô hình tiết tấu đệm phách nhịp 3 nêu trên được sử dụng cho mọi làn điệu dùng trong nhạc bài chòi. Bên cạnh cỗ phách, về sau do nhu cầu nghệ thuật nâng cao, người ta đã đưa thêm một số nhạc cụ khác nữa. Phổ biến nhất là đàn cò, cũng có khi thêm đàn bầu, kèn chiến và đặc biệt thêm vào biên chế có khi tới 2-3 trống chiến. Các nhạc cụ giai điệu đệm cho hát bài chòi cũng giống như kỹ thuật đệm nói chung của cổ nhạc Việt. Nhạc công nương theo tuyến giai điệu lời ca mà bắt nhịp âm bậc hỗ trợ. Tất cả gặp nhau ở điểm đồng âm kết câu, kết đoạn, kết bài. Đó là những dấu ấn mang tính kế thừa, thể hiện sự tiếp nối âm điệu Việt theo bước chân di cư mở đất về phương Nam.

_______________

1. Trần Việt Ngữ, Nguyễn Tường Nhẫn với công cuộc tạo dựng ngành kịch hát bài chòi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, tr.23.

2. Phương ngữ miền Trung – đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 dành riêng để người con trai gọi vợ hay người yêu.

3. Việc trùng tên bài bản giữa các thể loại cổ nhạc nêu trên rất phức tạp. Có trường hợp trùng lặp hoàn toàn như Xàng xê, Nam xuân, Cổ bản của tài tử – cải lương và nhạc lễ Nam Bộ; có trường hợp giống nhau về âm điệu nhưng khác về lòng bản như Xuân nữ của tuồng Bắc và tài tử – cải lương; có trường hợp khác nhau hoàn toàn như Nam Xuân của thính phòng Huế và tài tử – cải lương; hay bài Nam xuân ở tuồng Nam thường được gọi là Nam bình để phân biệt với nhạc tài tử – cải lương…

4. Việc bài chòi vay mượn danh xưng các bài bản lớn phần nào thể hiện phương cách đặt tên nôm na của dân gian. Có thể đó là ý nguyện danh giá hóa các làn điệu của mình?!

5. Thuật ngữ trong nhạc tài tử – cải lương. Xin nhắc lại, cũng màu sắc âm nhạc này, trong nhạc cung đình, thính phòng Huế và nhạc tuồng nói chung lại gọi là hơi Bắc hay hơi Khách.

6. Giống với hơi Nam của nhạc cung đình, nhạc thính phòng Huế, là một sáng tạo âm điệu mới của người Việt ở miền Trung theo dòng chảy lịch sử.

7. Theo Lê Yên, Những vấn đề cơ bản trong âm nhạc tuồng, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1994.

8. Có thể điều này lý giải tại sao nhạc tài tử – cải lương lại được người dân Bắc Bộ nhanh chóng tiếp nhận ngay từ những năm cuối nửa đầu TK XX khi các gánh hát Bắc tiến.

9. Nam xuân là đại diện cho hơi Xuân; Cổ bản là một trong 5 bản nhạc chủ chốt đại diện cho hơi Bắc bao gồm: Lưu thủy, Kim tiền, Bình bán, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi; Xàng xê là một trong 7 bản thuộc hơi Nhạc bao gồm: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 344, tháng 2-2013

Tác giả : Bùi Trọng Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *