Không – thời gian nghệ thuật trong truyện genji của m.shikibu

Truyện Genji của nữ sĩ Murasaki Shikibu là tác phẩm có giá trị của văn chương thời Heian nói riêng, văn chương Nhật Bản nói chung. Đây là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển văn học thế giới với sự ra đời của thể loại tiểu thuyết, có ảnh hưởng sâu sắc đến những nhà văn hiện đại sau này. Đặc biệt trên phương diện nghệ thuật, tác phẩm đã đặt nền tảng cho kiểu kết cấu truyền thống trong việc viết tiểu thuyết Nhật Bản. Trong đó, nghệ thuật tổ chức không gian, thời gian đã được tác giả sử dụng đạt hiệu quả cao, phát huy vai trò liên kết của hai yếu tố này trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Không gian trong văn bản được coi là cơ sở của việc xác định sự di chuyển của nhân vật qua các ranh giới, là “mô hình nghệ thuật về thế giới mà con người đang sống, đang cảm nhận vị trí, số phận của mình trong đó (1). Truyện Genji như một bức tranh không gian rộng lớn thời đại Heian với nhiều điểm nhấn. Không gian trong tác phẩm là sự kết hợp đa tầng, phân mảnh với không gian chính. Không gian chính là kinh thành với những mối quan hệ trong hoàng cung, thuộc tầng lớp quý tộc. Đây là nơi để nhà văn tập trung thể hiện chủ đề của tác phẩm, không chỉ là nơi nhân vật xuất hiện, hoạt động mà còn đóng vai trò là sợi dây liên hệ với số phận nhân vật trong tác phẩm.

Nhân vật trong Truyện Genji xuất phát từ kinh đô, hoạt động chủ yếu ở đó, điểm trở về cũng là không gian này. Kinh đô là nơi cuộc sống muôn hình, muôn vẻ tiếp diễn, là nơi của sự giàu sang, quyền lực, những cuộc nối ngôi, thoái vị, lễ hội, những cuộc tình… Không gian được miêu tả có vẻ đẹp huy hoàng, lộng lẫy, khoáng đạt như những bức tranh sống động, những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo được kết hợp với những khu vườn cảnh đẹp luôn thoảng mùi hương, nắng, gió. Khu vườn nhân tạo có sân, hàng rào được sắp xếp, chăm sóc, uốn tỉa kỹ lưỡng; “có một không hai với hoa lá cây cối được uốn tỉa thành nhiều hình khác nhau, một bến thuyền, ánh trăng đùa giỡn trên mặt nước; tất cả tạo thành một bức tranh (2). Đây là không gian sống xa hoa vương giả của các vương tôn quý tộc, với những tòa lâu đài luôn được trang hoàng lộng lẫy, những con thuyền bồng bềnh trên mặt nước, những con chim cốc được đưa đến để đi bắt cá chép” (3). Những tòa nhà, lâu đài luôn hòa hợp với không gian của khu vườn được thiết kế một cách tài tình với bốn mùa cây cối xanh tươi, đủ sắc màu của các loài hoa, khi lá rụng trong vườn làm thành một lớp thảm đỏ đẹp, những suối nước tự nhiên, mát lạnh, trong vắt đánh vào các tảng đá như để tôn thêm tiếng nhạc… Mỗi khu vườn luôn được thiết kế xây dựng phù hợp với tính cách, sở thích của từng chủ nhân như khu vườn bốn mùa ở lâu đài Rokujo mà mỗi phu nhân cai quản một mùa; khu vườn phía Tây Bắc với những gò đồi nhân tạo, những bờ cúc hứa hẹn vẻ đẹp tuyệt vời trong những ngày đông tuyết rơi lặng lẽ phù hợp với tính cách trầm lặng của phu nhân Akashi; khu vườn mùa thu ở phía Đông Nam được trồng các cây hoa mùa thu sặc sỡ với suối nước trong vắt dành cho phu nhân Akikônomu; khu phía bắc với nhiều loài hoa mang màu sắc rực rỡ của mùa hè, phía Đông Nam trồng nhiều những loại cây nở hoa vào mùa xuân… Tất cả tạo nên một không gian xa hoa, lộng lẫy nhưng hết sức gần gũi với thiên nhiên.

Bên cạnh những cung điện, lâu đài xa hoa lộng lẫy là không gian của những ngôi nhà với khu vườn cảnh, ngọn đồi với con suối nhân tạo nước trong xanh rất đẹp. Những ngôi nhà với khung cảnh thiên nhiên tươi mát, những cành trúc la đà lấp lánh sương mai. Côn trùng mùa thu vo ve rộn rã gần như bên tai đối với những tiếng dế rên rỉ ở phía xa xa, là kiểu kiến trúc đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Con người Nhật Bản yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, trong không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên này con người hòa hợp với cây cỏ, vạn vật hòa điệu trong nhịp sống.

Không gian biển đảo Suma là không gian xa cách với cung đình xa hoa, lộng lẫy, nơi Genji bị đi đày, là không gian thử thách đối với nhân vật. Biển đảo Suma như một bước trung chuyển trong cuộc đời của Genji. Từ một công tử quen sống nơi phồn hoa đô hội với những lâu đài nguy nga tráng lệ, giờ đây phải đối mặt cuộc sống cô đơn với những khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt. Tác giả đã miêu tả không gian rộng lớn nơi bờ biển Suma với mây trời, sóng biển, gió để thấy được con người nhỏ bé cô đơn Genji trong không gian rộng lớn ấy. Không gian vùng biển Suma đã hiện lên sống động qua sự miêu tả bằng thị giác, qua tâm trạng của nhân vật. Không gian đảo Suma hoang vắng, hiu quạnh với tiếng sóng biển gầm gào, những bờ biển cát trắng. “Biển trải rộng bao la tít tắp xui khiến chàng nghĩ tới những gì đã qua, những gì còn sẽ tới” (4). Trong không gian biển rộng lớn ấy thỉnh thoảng “từ ngoài bãi biển vọng tới tiếng nói, tiếng hát của những người đánh cá, những chiếc thuyền nom mờ mờ ảo ảo giống như loài chim biển dập dềnh trên mặt biển hết sức vắng vẻ” (5). Trong cảnh hoang vắng nơi đây, ngôi nhà tạm nhỏ xinh của Genji trên đảo cách bờ biển một quãng xa, trong dãy núi, hết sức tiêu điều vắng vẻ. “Những nhà mái cỏ, những hành lang mái sậy nom cũng khá thú vị, trong vườn có rất nhiều hoa màu sắc rực rỡ đã khiến cho Genji có vẻ như một vị khách thần tiên xuống cõi trần chất chứa nhiều nỗi sầu nhân thế” (6).

Không gian vùng Uji được miêu tả là không gian thanh tịnh của vùng núi cao với mây mù sương phủ, dòng sông hiền hòa chảy dưới chân núi, con người hòa nhập với gió ngàn, mây núi tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Đó là không gian yên tĩnh, thanh bình với bầu trời đầy sương, bao phủ vạn vật. “Sương xuống bao phủ núi rừng; trên một dải đất ven sông, một bầy hạc đang đứng rỉa lông cánh” (7). Những ngôi nhà ở đây đều nằm tựa lưng vào sườn núi, khu vườn cũng xinh xắn, cây cối xanh tươi trải tít tận chân trời trông rất vui mắt; trong vườn, cỏ non bắt đầu ngả sang màu xanh. Trong các góc vườn, ngải hương mọc xanh tốt, những đêm trăng xuống sau ngọn núi, chiếu những tia sáng cuối cùng hay những đêm gió thổi ào ào, nghe được tiếng côn trùng rả rích. Không gian vùng Uji còn là nơi diễn ra câu chuyện tình của hai chàng trai trẻ Kaoru, Niou với hai người con gái hoàng tử Tám, sau đó là nàng Ukifune.

Trong sự thanh tịnh của vùng núi cao với mây mù, sương phủ ở vùng Uji là không gian của những ngôi đền linh thiêng có những người tu hành đắc đạo. Đền được trang hoàng lộng lẫy, những tượng Phật được làm bằng gỗ đàn hương chạm trổ tinh vi, đặt cạnh chiếc đỉnh, khói hương nghi ngút trên các mâm để hoa sen xanh, trắng, đỏ tía. “Đối với một người muốn sống cuộc sống thanh tịnh thì chốn này có thể chỉ có tác dụng mài sắc thêm quyết tâm của người đó” (8).

Thời gian nghệ thuật là nhân tố nằm trong mạng lưới nghệ thuật của tác phẩm văn học. Nó thể hiện cái nhìn tâm lý chủ quan về thời gian, cách cảm nhận, ứng xử đối với cuộc sống theo quan điểm, ý đồ riêng của tác giả một cách có hiệu quả nghệ thuật. Thời gian trong Truyện Genji kéo dài ba thế hệ với khoảng hơn 70 năm, trải qua bốn đời thiên hoàng, không chỉ phản ánh bước đi của của thời gian bốn mùa của thiên nhiên, các sự kiện, tâm trạng trong cuộc đời của các nhân vật mà còn là phương thức thể hiện niềm bi cảm trước thiên nhiên, sự vật, là sợi dây xuyên suốt trong mạch liên kết chung của cốt truyện.

Thời gian trong Truyện Genji trôi chảy từ mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác theo quy luật vận hành của tự nhiên. “Mưa mùa thu rơi lâm thâm; các luống hoa gần hàng hiên ngả màu sắc lộn xộn được mưa làm gỉ đi, lần lượt gợi về trong tâm trí Genji những hoài niệm của quá khứ khiến chàng mờ lệ” (9). Mùa đông với giá lạnh của băng tuyết thường gợi cho con người tâm trạng cô đơn. Để quên nỗi buồn chán, Genji chơi nhạc, chàng gảy đàn koto để Koremitsu thổi sáo… Thời gian trôi chảy, sự vật luôn biến đổi không ngừng, cảm xúc con người luôn thay đổi theo thời gian. Tâm trạng của con người thấm vào cảnh vật khiến cho cảnh vật cũng như nói hộ tâm trạng của con người “Trăng lặn bao giờ cũng buồn. Ánh trăng chiếu vào chiếc áo màu đỏ thắm của người tình, chính mặt trăng có vẻ cũng đang khóc” (10).

Truyện Genji kéo dài ba phần tư thế kỷ, với các nhân vật nằm trong mối liên hệ quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời gian bao trùm, tác động đến mọi mối quan hệ với những đổi thay trong vận mệnh cuộc đời mỗi con người cùng bao biến cố thăng trầm. Thời gian trong tác phẩm được miêu tả xoay quanh cuộc đời nhan vật Genji theo trình tự niên biểu. Các nhân vật không chỉ đương thời với Genji mà còn có những hình ảnh thuộc về quá khứ luôn ám ảnh trong trí nhớ, những người sẽ hiện diện trong tương lai. Từ khi Genji mới sinh ra với vẻ đẹp phi thường khiến mọi người choáng ngợp tới khi 3 tuổi thì mẹ mất, 7 tuổi đã thông hiểu sách kinh sử Trung Hoa, 12 tuổi thông thạo các bài học vỡ lòng về nghi lễ, tổ chức kết hôn với Aio, cho tới khi chàng 52 tuổi rồi từ giã cõi đời. Trong suốt cuộc đời, chàng luôn hồi tưởng về những hình ảnh về quá khứ như người mẹ Kiritsubo, thiên hoàng Kiritsubo, hoàng hậu Akikonomo, nàng Yugao bạc mệnh, Fujitsubo dịu hiền vắn số, người vợ Aio xinh đẹp nhưng lạnh lùng… Trong dòng hồi tưởng của Genji, khi nhân vật đang ở hiện tại nếu gặp một yếu tố, sự kiện nào đó tác động sẽ khiến nhân vật nhớ lại một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

Nhân vật ngược dòng ký ức trở lại với sự kiện có tính chất tương đồng hay có mối liên hệ nào đó với thời điểm ở hiện tại. Khi Genji trở lại Oi, nghe tiếng đàn koto Trung Hoa khiến chàng nhớ về thời gian đi đày ở vùng biển Akashi; khi Genji thấy nét chữ trong bức thư Akashi gửi cho chàng khiến chàng nghĩ đến Murasaki ngày xưa từng coi Akashi là tình địch vì nàng rất đa tài, cao thượng, khiêm nhường… Không chỉ có Genji mà trong tác phẩm các nhân vật khác cũng thường xuyên hồi ức lại quá khứ. Rất nhiều người trong quá khứ để lại mối dây liên hệ nào đó với tương lai, nhiều hình ảnh nối từ hiện tại đến tương lai, nhất là Kaoru với vẻ đẹp quyền quý, thánh thiện, có tâm hồn nhân hậu, sinh ra không phải để sống một cuộc sống bình thường mà là hiện thân của đức Phật; Niou với câu chuyện tình yêu vùng Uji.

Quá khứ thường được nhắc lại bằng những hình ảnh quen thuộc, các cặp nhân vật cũng thể hiện sự giao thoa quá khứ, hiện tại. Tình bạn của Genji với Tono Chujo, Yugiri, Kashiwagi, Kaoru, Niou là những mối quan hệ của ba thế hệ có những nét tương đồng khi họ vừa là những người bạn tâm giao nhưng trong tình yêu lại là những tình địch của nhau. Sự gợi nhớ những hình bóng trong quá khứ gợi nên sự xao xuyến, ám ảnh trong tâm hồn con người ở hiện tại. Đây là môtíp Katami, hình nay bóng cũ, giúp người đọc thấy sự bất tử của cái đẹp trên trần gian; đây cũng là nét đặc trưng của công thức văn học truyền thống Nhật Bản.

Không gian, thời gian trong Truyện Genji được M.Shikibu xây dựng sáng tạo. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm như một bức tranh đẹp với kinh đô, cung điện, lâu đài, ngôi nhà, những khu vườn cảnh cho thấy cuộc sống nơi phồn hoa đô hội thời Heian; không gian bao la trời nước với những bờ biển dài; không gian thanh tịnh của những rặng thông xanh, cảnh vật ở vùng núi cao với mây mù sương phủ… Trong không gian bao la ấy là hình ảnh con người nhỏ bé, cô đơn. Điều này gợi lên sự phù du của một kiếp người. Thời gian luôn vận động không ngừng, trôi chảy theo dòng ý thức, xâu chuỗi các thế hệ nhân vật, bao trùm tất cả, tác động đến mọi mối quan hệ, thấm đẫm niềm bi cảm nhân sinh, trở thành phương tiện để bộc lộ tâm trạng của nhân vật.

______________

1. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 1992, tr.138.

2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10. Murasaki Shikibu, Truyện kể Genji, tập 1, 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr.351, 61, 216, 306, 316, 299, 529, 442, 293.

6. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 1998, tr.299. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : LÊ THỊ BÍCH THỦY

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *