Khuynh hướng xuất bản của thế giới và một số thị trường sách tiêu biểu

Khuynh hướng xuất bản của thế giới

Theo thống kê từ báo cáo của các Hội xuất bản quốc tế, 7 quốc gia có ngành Xuất bản lớn nhất trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ấn Độ, các ấn phẩm được xuất bản chiếm 2/3 doanh số xuất bản trên thế giới. Từ thực trạng hoạt động xuất bản của các quốc gia này, có thể đưa ra một số khuynh hướng xuất bản hiện nay trên thế giới:

Sự biến đổi vai trò của xuất bản, các nhà xuất bản lớn trên thế giới như Hachette Book Group, Penguin Random House đang bị cạnh tranh bởi các trang mạng xã hội là Google, Amazon, Apple, Facebook… Với các trang mạng xã hội, người sử dụng dễ dàng tạo nhiều nội dung và sử dụng thông tin do các trang này cung cấp.

Hiện nay, có nhiều cách truy cập tới các nội dung có bản quyền, có thể tạo mô hình kinh doanh mới. Tại các nước phát triển, vấn đề bản quyền và xử lý vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ (SHTT) được thực hiện nghiêm túc bởi các cơ quan luật pháp. Tuy nhiên, ngành sách đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Một số lượng lớn khách hàng giảm mức kinh phí cho việc mua sách đọc và có xu hướng sẵn sàng chi trả các khoản phí cho các kênh phim ảnh như Netflix, Facebook, Google, Amazon. Ở các nước phương Tây, độc giả đọc sách suy giảm về số lượng, điển hình ở Đức, quốc gia đứng thứ ba trong 7 nước có số tác phẩm xuất bản lớn nhất thế giới đã báo cáo có sự sụt giảm 2% doanh số mỗi năm. Theo thống kê, trong khoảng vài năm gần đây, Đức mất khoảng 8 triệu người đọc vì các hình thức giải trí, truyền thông như Facebook, Skype… Hiện tượng này cũng xảy ra đối với các nước còn lại trong 7 nước có nền xuất bản lớn nhất trên thế giới.

Sự phát triển của công nghệ số và kỹ thuật số hóa nội dung sách cũng là một thách thức cho ngành Xuất bản. Trong tương lai, các xuất bản phẩm sẽ đi trực tiếp từ nhà xuất bản đến độc giả chứ không phải từ nhà xuất bản đến các cửa hàng sách theo phương thức truyền thống. Bên cạnh đó, khả năng tự xuất bản dựa trên nền tảng công nghệ cũng là một xu hướng tạo ra thách thức cho xuất bản truyền thống.

Trước những xu hướng trên, ngành Xuất bản sách vẫn có những dấu hiệu tích cực. Tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2018, một số chuyên gia của các tập đoàn xuất bản trên thế giới đã đánh giá ngành sách trên thế giới đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất trong 50 năm qua, thậm chí là phát triển nhất từ khi xuất hiện 500 năm trước. Các thị trường sách ở khu vực và trên thế giới đang tăng trưởng mạnh ở các quốc gia. Ngành sách có mô hình kinh doanh tương đối ổn định, hệ thống phân phối bền vững. Việc kết hợp mạnh mẽ giữa sách truyền thống và E-book giúp thị phần ngành Xuất bản ngày càng lớn mạnh. Dân số thế giới tăng nhanh với tỷ lệ người biết đọc ngày càng cao là tín hiệu tốt cho ngành In ấn. Nhiều nước trên thế giới có dân số trẻ, đặc biệt lĩnh vực sách dành cho trẻ em, thanh thiếu niên phát triển trong 10 năm qua. Đây cũng là xu hướng sách xuất bản trong tương lai.

Một số thị trường sách tiêu biểu trên thế giới

Thị trường sách tại Anh

Ở các nước phương Tây, sách vẫn giữ một vị trí quan trọng. Báo cáo cho thấy tỷ lệ người đọc sách nhiều nhất thế giới nằm ở các nước phát triển. Đọc sách không còn chỉ là thú vui rảnh rỗi mà có thể coi là một dòng chảy văn hóa trong đời sống hằng ngày. Nhiều người tranh thủ thời gian rảnh có được để đọc sách. Nhu cầu đọc lớn tạo những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh sách. Các nhà sách tại Anh đều có dịch vụ tốt, cửa hàng đẹp, không gian đọc tại chỗ và đây còn là là địa điểm tổ chức sự kiện, trao đổi tọa đàm về sách. Văn hóa đọc được coi trọng, không chỉ nhìn thấy từ cách kinh doanh. 89% số người Anh trả lời trong một khảo sát nói rằng, họ được cha mẹ đọc sách cho lúc nhỏ, hình thành thói quen đọc và sau này cũng rèn lại thói quen này cho con mình. Đây cũng là lý do văn học thiếu nhi ở Anh vô cùng phát triển, rất nhiều tác phẩm kinh điển nổi tiếng thế giới dành cho thiếu nhi đều là văn học Anh như: Peter Pan, Alice in Wonderland, Mary Poppins, Harry Potter… Ở Anh, việc phát triển văn hóa đọc không phải chỉ trong nhà trường, trong gia đình, mà thậm chí là trách nhiệm của chính quyền. Các nghiên cứu cũng cho thấy, người càng bận rộn, thành công, thì lượng sách đọc thậm chí lại cao hơn so với phần còn lại của xã hội. Đọc sách cũng giống nhiều thói quen khác trong ngày. Thói quen đọc sách được rèn luyện từ bé đã tạo nên một thị trường sách vô cùng sôi động tại Anh. Năm 2016 được ghi nhận là năm kỷ lục của thị trường sách tại Anh với doanh số bán sách và tạp chí đạt 4,8 tỷ bảng Anh. Tổng doanh số kỹ thuật số tăng 6% lên 1,7 tỷ bảng Anh mặc dù tiếp tục giảm doanh số sách điện tử giảm 3%. Doanh số bán hàng tăng 8% lên 3 tỷ bảng Anh vào năm ngoái tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012. Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 35% xuất khẩu. Sức mạnh của doanh số xuất khẩu đặc biệt rõ ràng trong các nhà xuất bản học thuật và nghiên cứu. Số liệu xuất khẩu cho thấy 87% doanh thu đến từ xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực xuất bản khác cũng đã thấy sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu của họ: xuất khẩu sách thiếu nhi tăng 34% lên 116 triệu bảng Anh. Các nhà xuất bản tài liệu học tập tiểu học và trung học đã thấy doanh số xuất khẩu tăng 11% lên 144 triệu bảng Anh, với xuất khẩu kỹ thuật số tăng 136%; xuất khẩu phi hư cấu đã tăng 10% lên 264 triệu bảng Anh; doanh số bán cho Đông và Nam Á đã tăng 10% lên tới 230 triệu bảng Anh. Tăng trưởng trở lại Bắc Mỹ với doanh số tăng 19% lên 136 triệu bảng Anh.

Thị trường sách tại Mỹ

Mỹ là quốc gia có thị trường sách lớn nhất thế giới. Cũng như ở Anh, văn hóa đọc tại Mỹ được hình thành từ rất sớm, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học sinh ở Mỹ thường được yêu cầu đọc các tác phẩm trong giáo trình trước khi đến lớp. Thay vì đọc trích đoạn, học sinh thường được yêu cầu đọc toàn bộ tác phẩm, các tác phẩm này có nội dung vô cùng đa dạng về thể loại từ văn hóa, chính trị xã hội, kinh tế, đời sống, lãng mạn…

Khoảng 73% người đọc sách ở Mỹ cho biết họ đọc sách ở bất kỳ định dạng nào. Người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi đọc trung bình 12 cuốn sách/ năm, trong khi số lượng sách trung bình mà người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đọc cao hơn một chút – tổng cộng 13 cuốn sách/ năm. Khoảng 23% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát năm 2017 nói rằng, họ đọc sách in và sách điện tử như nhau, trong khi 20% nói rằng họ đọc sách điện tử nhiều hơn. Bí ẩn, phim kinh dị và thể loại tội phạm là thể loại sách hàng đầu ở Mỹ, vì gần một nửa người tiêu dùng Mỹ thích thể loại này. Khoảng 33% trong số họ cho biết lịch sử là thể loại sách yêu thích của họ và 31% người Mỹ cho biết tiểu sử và hồi ký là loại sách ưa thích của họ.

Doanh thu từ ngành công nghiệp này ở Mỹ dự kiến ​​đạt gần 44 tỷ USD vào năm 2020, tăng đáng kể so với năm 2016. Khoảng 2,7 tỷ cuốn sách đã được bán ở Mỹ vào năm 2015, một con số vẫn khá ổn định trong vài năm qua. Cuốn sách Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa của J.K Rowling là cuốn sách in bán chạy nhất ở Mỹ năm 2016, với gần 4,13 triệu bản được bán trong năm đó. Những cuốn sách in bán chạy nhất năm đó bao gồm cả Cô gái trên tàu của Paula Hawkins và Người đàn ông mang tên Ove của Fredrik Backman. Khoảng 73% các nhà xuất bản và tác giả đã xuất bản sách của họ ở Mỹ vào năm 2015 và gần 80% cho biết kế hoạch xuất bản sách điện tử vào năm 2016. Mặc dù mức độ phổ biến của sách điện tử trong các nhà xuất bản ở Mỹ ngày càng tăng, nhưng số lượng người đọc dự kiến sẽ giảm nhẹ trong những năm tới. Trong năm 2015, có 92,64 triệu người đọc sách điện tử trong nước. Đến năm 2021, con số này được dự đoán sẽ giảm xuống 88,45 triệu. Các thiết bị phổ biến được sử dụng để đọc sách điện tử ở Mỹ bao gồm Kindle của Amazon, Barnes & Noble’s Nook và Kobo. Audiobooks lần đầu tiên trở nên phổ biến trong thị trường tiêu dùng trong kỷ nguyên băng cassette và CD, đã trở lại trong kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số. Số lượng audiobook được xuất bản ở Mỹ đã tăng đáng kể trong vài năm qua, từ khoảng 7.200 tên sách được xuất bản năm 2011 lên hơn 35.500 tên sách được xuất bản vào năm 2015. Audiobook tâm linh đặc biệt phổ biến ở Mỹ, vì 35% thính giả audiobook ở Mỹ tuyên bố thích thể loại audiobook này.

 Mặc dù có sự gia tăng của các định dạng sách kỹ thuật số nhưng sách in vẫn có chỗ đứng trong thị trường. Doanh số bán sách in tại Mỹ đã giảm từ năm 2008 đến năm 2012, đạt mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Sau năm 2012, doanh số bán sách in bắt đầu tăng mạnh và tăng nhẹ cho đến năm 2015. Không nói đến doanh số bán hàng, sách in vẫn là định dạng ưa thích của 65% người đọc sách ở Mỹ.

Thị trường sách tại Malaysia

Mỗi người ở Malaysia trung bình đọc 12 cuốn sách/ năm, với dân số khoảng 30 triệu người thì đây là thị trường sách rất lớn. Tỷ lệ người sử dụng eBook năm 2015 tại Malaysia là 1%. Malaysia hướng tới mục tiêu phổ cập eBook vào năm 2025, học sinh, sinh viên đến trường không phải mang sách vở. Tại đất nước Malaysia mọi người đều có thể tự xuất bản sách sau khi đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Nền công nghiệp sách của Malaysia dựa trên 3 yếu tố cơ bản: tác giả – nhà xuất bản – bạn đọc. Những người phát hành sách chỉ là hệ thống hỗ trợ cho ngành công nghiệp sách này.

Malaysia có thị trường sách sống động – Ảnh minh họa

Kota Buku là “Thành phố sách” của Malaysia. Xuất bản sách thiếu nhi được đề cao hàng đầu và sách thiếu nhi là mặt hàng sách trọng tâm bởi nội dung sách thiếu nhi mang tính toàn cầu, tất cả các nước đều có thể sử dụng, không có sự khác biệt nhiều ngoài ngôn ngữ. Malaysia tập trung và đầu tư vào việc xuất bản sách thiếu nhi, sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh, hướng tới kết nối các nhà xuất bản trong khu vực ASEAN trước, sau đó sẽ phát triển trên thế giới. Đó là con đường để xuất khẩu sách của 10 nước ASEAN ra toàn thế giới, bắt đầu từ sách thiếu nhi. Tại đất nước Malaysia, rất nhiều ngôn ngữ được sử dụng như tiếng Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Arập. Sách cũng được xuất bản dưới nhiều ngôn ngữ nên dễ dàng xuất khẩu sang các nước ASEAN trước. Sau đó Malaysia phấn đấu là trung tâm sách của ASEAN để đưa sách của ASEAN đi khắp thế giới.

Kuala Lumpur Trade and Copyright Centre: hội sách tại Malaysia tập trung vào việc tìm kiếm đối tác, mua bán bản quyền giữa các nước. Năm 2018, 103 nhà xuất bản tham gia hội sách. Một trong những quy định của hội sách này là đại diện các nhà xuất bản ngồi với nhau khoảng 15 phút rồi chuyển sang trao đổi với đối tác khác. Điều đó góp phần tạo cơ hội lớn cho việc hợp tác bởi các đơn vị đều có thể tìm hiểu tất cả các nhà xuất bản tham gia hội sách. Tại Hội sách trên, sách không chỉ bán hàng cho ngành Xuất bản sách mà các hãng phim như Disney Chanel, Cartoon Network… cũng tìm mua nội dung sách để làm phim. Như vậy, tại Malaysia, có thể bán nội dung sách cho các nhà xuất bản trong nước, nhà xuất bản của các nước trên thế giới, eBook và các công ty có thể kinh doanh trên nội dung sách. Malaysia hướng theo mô hình kinh doanh của Harry Porter: bán được hơn 10 hợp đồng bản quyền xuất bản sách dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau, bán cho nhà làm phim, bán cho các nhà sản xuất để họ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có hình ảnh Harry Porter… Năm 2015, tiền bán bản quyền Malaysia có được là 10 triệu USD, phần lớn doanh thu có được từ việc bán bản quyền cho các hãng phim.

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Phương Huyền, Nuôi dưỡng văn hóa đọc ở Anh, vtv.vn, ngày 29-5-2018.

2. publishers.org.uk.

3. statista.com.

Tác giả: Phạm Hương Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *