Kiến trúc bánh gạo cầu vồng của hwang doo-jin

Hwang Doo – jin là một trong những kiến trúc sư đương đại quan trọng bậc nhất của Hàn Quốc. Ông đang dồn tâm sức thiết kế lại nơi từng là trung tâm thành phố Seoul cho thế hệ tương lai của Hàn Quốc. Các dự án kiến trúc của ông thường tập trung vào việc đem lại sức sống mới cho những khu vực dường như không còn hoạt động gì nữa, già nua, im ắng nhưng lại là hàng xóm của một Seoul rộng lớn, hiện đại, náo nhiệt. Nhờ vậy, các khu vực này, sau khi có sự can thiệp của vị kiến trúc sư tài ba, được tái sinh như là những trung tâm văn hóa sống động, nơi truyền thống và hiện đại cùng tồn tại.

Hơn 100 năm qua, nhiều kiến trúc sư nổi tiếng đưa ra cái nhìn chỉ trích đối với môi trường đô thị, nơi đóng khung sáng tạo của họ. Những nhà bình luận nhìn xa trông rộng này đã gây ảnh hưởng lớn tới sự cấp thiết phải có tri giác mới trong việc định hình và tái định hình khung cảnh đô thị cùng cuộc sống thành phố ở những thập niên tiếp sau. Trong nửa đầu TK XX, giới kiến trúc sư đã nhìn nhận về thành phố nói chung một cách tiêu cực và tìm cách lập trật tự cho sự hỗn loạn đô thị này. Le Corbusier, một trong những nhân vật tiên phong của trào lưu phong cách quốc tế (the International Style), mong muốn dọn dẹp lại thành phố bằng cách sáng tạo nên những cộng đồng theo quy hoạch với các công trình dân sinh bằng bê tông, kính, thép. Ở bên kia Đại Tây Dương, Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư có lẽ xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã có một cái nhìn tương tự về thành phố và bởi vậy, ông chủ trương việc giải trung tâm hóa (decentralization) thông qua sự sáng tạo nên những không gian xanh rộng lớn, làm cho thành phố trở thành nơi sống tốt hơn.

Mọi thứ thay đổi vào cuối TK XX, khi phong cách quốc tế theo chủ nghĩa hiện đại nhường chỗ cho chủ nghĩa hậu hiện đại chiết trung. Giới kiến trúc trở nên quan tâm đến tiềm năng của thành phố ở góc độ, như một nguồn của sự khám phá và kích thích (sự sáng tạo). Một ví dụ, trong thảo luận về New York, Rem Koolhaas, kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Hà Lan, đã ca tụng sự tự nhiên như là tình cờ của cuộc sống thành phố. Sự chuyển đổi theo chủ nghĩa hậu hiện đại trong lý thuyết về đô thị đã dẫn đến một số phong trào liên quan như thuyết đô thị mới (new urbanism), thuyết đi bộ mới (new pedestrianism), những thành phố (sống) chậm (slow cities). Tất cả tập trung vào sự phát triển những không gian đô thị năng động giữa một nền kinh tế địa phương thịnh vượng và cảm thức mạnh mẽ về tính cộng đồng.

Giống như nhiều thứ khác tại Hàn Quốc, tốc độ của sự thay đổi là nguyên do của tình trạng cái cũ và cái mới cùng tồn tại có khi hài hòa có khi căng thẳng. Mặc dù bắt nguồn từ thời kỳ thuộc địa Nhật Bản, chủ nghĩa hiện đại đô thị ở Hàn Quốc vẫn chiếm ưu thế cho đến những năm 1970 TKXX, khi có sự thúc đẩy phải phát triển các khu cộng đồng dân cư theo quy hoạch mới ở Yeouido và Gangnam của thủ đô Seoul. Mô hình gồm những con đường rộng, những khu căn hộ phức hợp lớn nổi lên và hiện vẫn chiếm ưu thế trong quy hoạch đô thị nói chung ở Hàn Quốc.

Và rồi xuất hiện Hwang Doo-jin, một trong những nhân vật đi đầu của thế hệ kiến trúc sư mới, người đề xuất một sự phá cách cho mô hình căn hộ hiện đại. Những phê bình về mô hình căn hộ đã nở rộ vào cuối những năm 2000, cho rằng, mô hình này đã quá lấn át phối cảnh đô thị. Bên cạnh đó, số ít khác lại đưa ra những phương án phá cách khả thi. Tháng 3 – 2011, tôi đã đến gặp Hwang tại studio của anh ở Tongeui-dong, thuộc khu Seochon gần kề Seoul. Chúng tôi cùng thảo luận về đa dạng những sự phá cách trong thiết kế đô thị hiện nay và đồng thời, tôi có thể học hỏi thêm từ một trong những kiến trúc sư có tầm nhìn xa trông rộng nhất của Hàn Quốc.


  Gahoeheon, một nhà hàng Italia ở Bukchon, sự kết hợp độc đáo của không gian Hàn Quốc và Tây phương.

Tái phát triển những khu vực truyền thống cận Seoul

Fouser: Tôi có đọc trong một tờ báo rằng anh thực sự thích Seochon (tiếng Hàn : ngôi làng phía Tây) và quyết định chuyển đến đây. Vậy anh đến đây khi nào, và tại sao?

Hwang: Tôi chuyển đến đây năm 2002. Lúc đó, tôi đang làm cho một tòa nhà ngay cạnh Hyoja-dong và đến thăm khu này thường xuyên. Tôi thực sự thích và quyết định biến nó thành nhà của mình. Tôi thích sự pha trộn của lịch sử, thiên nhiên, ngọn núi Inwang rất gần đây (1), cũng như sự hòa trộn của không gian, không khí sống ở Seochon, nơi anh có thể cảm nhận được các lớp thời gian một cách rõ rệt.

Fouser: Năm 2009, tôi sống gần Nuha-dong và vẫn còn nhớ những tranh luận gay gắt giữa các quan điểm về việc tái phát triển đi ngược lại với bảo tồn. Từ đó, thành phố đã phát triển một kế hoạch bảo tồn những ngôi nhà theo phong cách Hàn Quốc truyền thống trong khu vực ấy. Ý kiến của anh như thế nào về những việc này?

Hwang: Tôi cho rằng không khí chung ở nơi ta sinh sống rất quan trọng. Chúng ta cần nghĩ đến cái gì là đặc biệt về Seochon. Chúng ta cần nghĩ đến cái gì cần bảo tồn hoặc cần được phát triển. Ví dụ, hầu hết mọi người đồng ý rằng chúng ta cần bảo tồn những ngôi nhà theo phong cách Hàn Quốc truyền thống, những lối ngõ truyền thống cũng như những khu vực lịch sử và tất nhiên, cả môi trường tự nhiên. Mặt khác, tôi cho rằng, có những thứ cần được phát triển. Hạ tầng đô thị – hệ thống thoát nước thải, những thứ tương tự – đã cũ và cần được cải thiện. Quan trọng hơn nữa, tôi cho rằng khu vực này có thể được hưởng lợi từ mật độ tập trung dân cư. Ví dụ, từ Gwanghwamun (2) đến trung tâm khu vực này chỉ chưa đầy 10 phút di chuyển, khoảng cách như vậy là dài so với các trung tâm thành phố lớn khác trên thế giới. Sự tập trung dân cư lớn hơn có nghĩa là có nhiều hoạt động hơn và có một cộng đồng kinh tế địa phương vững mạnh hơn. Vì thế, đây là vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó, tuy khu vực này gần gũi với thiên nhiên song vẫn chưa có đủ không gian xanh dành cho công cộng.

Fouser: Nhà theo phong cách Hàn Quốc truyền thống gồm có 1 tầng với 1 mảnh sân ở giữa. Anh làm thế nào để có thể vừa tăng mật độ tập trung dân cư lại vừa bảo tồn được những ngôi nhà vốn cần nhiều diện tích như vậy?

Hwang: Tôi biết là việc này không dễ chút nào, nhưng có những điểm trong Seochon không được sử dụng đúng lắm. Tôi nghĩ rằng, ta có thể bảo tồn những ngôi nhà kiểu cổ này và ở những nơi không có loại nhà ấy, ta sẽ tăng mật độ tập trung dân cư lên.

Anh biết bánh gạo cầu vồng là gì, phải không? Đó là một cái bánh nhìn hấp dẫn với nhiều lớp màu sắc. Và tôi vận dụng ý tưởng này vào kiến trúc để thiết kế những tòa nhà có hai hoặc ba tầng đa dụng. Ví dụ, tầng 1 có thể làm thành cửa hàng, văn phòng, không gian làm việc – một dạng thức kinh doanh – trong khi tầng 2 và 3 dành làm nơi ở. Loại kiến trúc này phù hợp với các quy chuẩn xây dựng hiện hành, và tôi tin rằng nó sẽ rất phù hợp vói Seochon, nơi thực sự diễn ra nhiều hoạt động thương mại. Tôi cho rằng cách làm này gợi mở một mô hình phát triển đa dụng của các khu vực cận đô thị khác ở Hàn Quốc.

Fouser: Rất thú vị. Giờ thì chúng ta hãy chuyển từ Seochon tới Bukchon (ngôi làng phía bắc) một chút. Suy nghĩ của anh về những nỗ lực bảo tồn nhà theo phong cách Hàn Quốc truyền thống ở đó?

Hwang: Những nỗ lực ấy đã được khởi động muộn. Chúng ta gần như mất Bukchon – nhưng tôi nghĩ rằng những nỗ lực ấy sẽ được tiếp nối. Nhiều phần cảnh quan của Bukchon đã và đang được gìn giữ, không ít ngôi nhà truyền thống ở đó trở thành những không gian sống lý thú. Những hướng dẫn bảo tồn tỉ mỉ, vốn phát huy hiệu quả trong giai đoạn đầu, đã dần được điều chỉnh nới lỏng, cho phép sự sáng tạo nhiều hơn trong công việc này. Tôi cho rằng thay đổi ấy là tốt vì đã xảy ra chuyện nhiều ngôi nhà, sau khi được trùng tu, nhìn giống nhau quá.

Fouser: Tôi cũng nhận thấy điều đó. Tôi hiện sống ở Gye-dong, trung tâm của Bukchon. Anh có công trình nào ở Bukchon không?

Hwang: Tôi có thiết kế tám ngôi nhà theo phong cách Hàn Quốc truyền thống ở đó và hai tòa nhà cao tầng theo phong cách Hàn Quốc khác ở tỉnh Gyeonggi. Tôi chưa làm cái nào ở Seochon cả. Trước tiên, tôi theo rất sát các nguyên tắc thiết kế truyền thống, nhưng cùng với kinh nghiệm, tôi kết hợp nhiều yếu tố khác để tạo nên một cái gì đó độc đáo hơn. Ví dụ, trong một số ngôi nhà theo phong cách Hàn Quốc truyền thống, tôi lại kết hợp các tầng hầm với những nội thất hoàn toàn theo phong cách đương đại, hầu như không có chút yếu tố thiết kế truyền thống nào.

Fouser: Nhiều người phàn nàn rằng các nỗ lực bảo tồn hiện vẫn không đủ. Vậy còn ý kiến của anh về chuyện này?

Hwang: Vấn đề nằm ở chỗ là những chỉ trích này định nghĩa tu bổ theo tiêu chuẩn của châu Âu, nhưng họ chỉ nhìn thấy một điều rất đơn giản là thành phố ở đó có mật độ dân cư rất lớn từ nhiều thế kỷ qua. Và điều này chúng ta cũng có thể thấy tại các thành phố lâu đời tại vùng bờ biển phía đông nước Mỹ. Ngược lại, Seoul dưới thời Joseon là nơi hầu như chỉ có loại nhà 1 tầng, với mật độ cư dân khá thấp. Mọi thứ hợp lại chặt chẽ với nhau, nhưng mật độ dân số rất thấp so với các thành phố châu Âu. Việc bảo tồn ở Seoul cần thỏa mãn được những đòi hỏi hiện nay với một mật độ tập trung cư dân cao hơn.


 Jipunhyeon ở Gahoe-dong, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà truyền thống Hàn Quốc hanok với các thiết bị nội thất hiện đại.

Seochon, Bukchon và Gangnam

Fouser: Tôi từng sống ở cả Seochon và Bukchon song vẫn khó lòng mà nói cho được những sự khác nhau về không khí sống của hai khu vực này. Vậy còn anh?

 Hwang: Tôi cũng thấy khó như vậy. Tôi thích cả hai khu này. Tôi thường đến Bukchon. Đối với những người mới, Bukchon hơi đồi dốc một chút, trong khi Seochon thì bằng phẳng. Tính chất địa hình này khiến cho ta dễ có cảm nhận chúng thật khác nhau. Không khí sống ở Bukchon có vẻ nặng nề, chậm chạp hơn, bạn có thể cảm nhận được sức nặng của lịch sử ở đó. Seochon thì đa dạng hơn, và có vẻ sống động hơn. Seochon đem lại cảm giác về một không khí sống đô thị hơn. Đó là quê nhà của tôi và tôi cảm thấy mình là một phần của cộng đồng nơi đây.

Fouser: Tôi muốn mở rộng cuộc nói chuyện này về thành phố Seoul một chút. Anh nghĩ như thế nào về Seoul?

Hwang: Seoul không phải là số một trong bất cứ hạng mục nào, nhưng Seoul lại có vị trí rất cao trong các hạng mục gộp lại với nhau. Đây là một thành phố rất rộng lớn và có sự kết hợp giữa cũ và mới. Seoul cũng giàu có môi trường tự nhiên, điều mà nhiều người thường bỏ qua. Tôi nghĩ rằng Seoul có nhiều năng lượng từ tốc độ sống và động lực tương tác giữa hai thế giới online và offline. Toàn bộ một thành phố công nghệ số online song hành với một thành phố tự nhiên offline; sự tương tác này quả rất tuyệt.

Fouser: Và anh nghĩ gì về khu Gangnam?

Hwang: Gangnam được thiết kế như một khu vực dân cư nhằm giải cứu hiện trạng đông đúc tại Seoul vào những năm 1960 TK XX. Nhưng nó lại được xây dựng quá độ về cơ sở hạ tầng, trong khi môi trường tự nhiên thì không có. Nhưng mặt khác, Gangnam và những khu vực cũ hơn của thành phố, như ở Gangbuk chẳng hạn, rất khác biệt nhau nên cũng khó để mà nhìn nhận chúng thông qua cùng một một phương án, dạng một kích thước phù hợp với tất cả, trong quy hoạch đô thị.


 Kiến trúc sư Hwang Doo-jin 

Các tòa nhà tiêu biểu

 Fouser: Có thể câu hỏi này hơi khó nhưng những kiến trúc sư nào có ảnh hưởng đến ý tưởng và công việc của anh?

Hwang: Ludwig Mies van der Rohe có lẽ là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất. Các công trình của ông ấy, chủ yếu làm bằng kính và thép, đều theo hướng chủ nghĩa tối giản, nghĩa là: ý tưởng đi theo công năng sử dụng. Công trình thiết kế của tôi tuy không theo hướng tối giản song tôi cũng không thích thêm vào các yếu tố không cần thiết. Louis Kahn cũng là một kiến trúc sư mà tôi thích. Tôi cũng rất thích Frank Lloyd Wright vì các công trình của ông ấy thể hiện được sự gắn bó sâu sắc của ông ấy với nơi chốn cụ thể, đó là vùng trung tâm phía bắc Hoa Kỳ. Nói cho cùng thì tôi nghĩ rằng muốn có một tác phẩm kiến trúc tốt, kiến trúc sư phải bám rễ, có sự gắn bó chặt chẽ, với nơi chốn của công trình ấy.


  Phòng khám đông y Choonwondang, nhìn từ bên ngoài 

Fouser: Thật là những ảnh hưởng đáng chú ý. Nhân đây, anh có thể cho tôi biết thêm về cuộc sống cũng như nền tảng nghề nghiệp của anh?

Hwang: Bố mẹ của tôi trốn thoát từ miền Bắc sang đây, trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Bởi thế, tôi như thuộc một cộng đồng khác ở đây. Chúng tôi chưa thể thăm lại họ hàng tổ tiên vì họ ở Triều Tiên. Trước đây, tôi luôn cảm giác mình ít nhiều khác biệt với hầu hết mọi người xung quanh. Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu, điều này đồng nghĩa với việc được học hành đầy đủ. Tôi tốt nghiệp hệ đại học và cao học từ Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University), sau, tôi có thêm một bằng cao học chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Yale (Yale University, Berkeley, Hoa Kỳ). Thoạt tiên, tôi rất thích thú với tính địa phương hóa tại Yale, vì Đại học Yale khi đó đang tích cực vươn tới thành phố New Haven, cũng là một vấn đề rắc rối trong thời điểm ấy. Yale là một cơ sở đào tạo mang tinh thần toàn cầu, sinh viên, giảng viên đến từ mọi nơi trên thế giới, nhưng ngôi trường này vẫn hết sức lưu tâm đến tính địa phương của mình và vì thế, nơi đây gây ấn tượng lớn đối với tôi.

Fouser: Anh có thể cho tôi biết thêm về công việc hiện tại của anh ?

 Hwang: Tôi đã đề cập đến tầm quan trọng của tính địa phương trong kiến trúc, và tính địa phương của tôi là Hàn Quốc, hoặc, chính xác hơn, là Seochon trong lòng Seoul. Tôi nghĩ rằng các tòa nhà hiện tại mà tôi thiết kế có thể và nên thể hiện được tính chất địa phương của tôi. Để tôi cho anh một ví dụ. Năm 2008, tôi thiết kế một tòa nhà để làm Bảo tàng và phòng khám đông y Choonwondang ở Jongno 3-ga. Được thành lập từ năm 1847, Choonwondang là phòng khám đông y lâu đời nhất ở Seoul. Phòng khám này vẫn thuộc về một gia đình duy nhất qua nhiều thế hệ. Đông y cũng là truyền thống, sử dụng các thành phần tự nhiên, kết hợp lại dưới dạng thang thuốc và sắc uống. Sức nặng của lịch sử và các công việc giống như thủ công truyền thống trong quá trình bào chế thuốc đã truyền cảm hứng cho tôi thiết kế một phòng trưng bày việc bào chế thuốc, ngay phần trước của tòa nhà và đằng sau lớp tường kính, mọi người đứng ngoài có thể nhìn thấy được. Trước, việc bào chế thuốc thường được thu xếp ở phía sau nhà, khuất tầm nhìn. Tôi muốn nhấn vào tính truyền thống bằng cách trưng nó ra.

Một dự án khác (năm 2009) là chuỗi 5 quán cafe ở trên cao, nằm ngay tại những lối dẫn lên 3 cây cầu bắt ngang sông Hàn. Các quán cafe này mở ra không gian và cách thức mới trong việc đưa khách đến gần gũi hơn với con sông, nơi chứa đựng đặc điểm tự nhiên quan trọng nhất của Seoul. Khách có thể thấy được nhiều vẻ khác nhau của con sông từ những điểm nhìn tương ứng của chuỗi cafe này.


 Căn phòng Hàn Quốc tại Bảo tàng cổ vật Viễn đông, Stockholm. 

Quan cảnh Thụy Điển nhìn từ Căn phòng Hàn Quốc

Fouser: Chúng ta đã chuyển qua nhiều chủ đề trò chuyện. Giờ thì tôi muốn rời khỏi Hàn Quốc, bước ra thế giới một chút. Anh từng có công việc nào ở nước ngoài không?

Hwang: Có. Tôi đã tham gia một triển lãm ở Frankfurt (CHLB Đức) và cũng có một chuyến thuyết giảng qua nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ. Công trình đầu tiên của tôi ở nước ngoài là thiết kế nội thất cho Căn phòng Hàn Quốc (Korean Room), một không gian triển lãm về nghệ thuật Hàn Quốc tại Viện bảo tàng di tích cổ Viễn Đông (Östasiatiska museet, Stockholm, tháng 10 – 2011). Căn phòng Hàn Quốc ở cuối tòa nhà, một nơi lý thú để thư giãn. Trọng tâm của thiết kế này là một ghế băng dài giúp người ngồi đó có thể nhìn ra bến cảng và khung cảnh thành phố, thông qua khung cửa sổ vừa tầm mắt. Khung cảnh phía ngoài cửa sổ ấy mang đậm nét Thụy Điển và tôi muốn đưa tính chất địa phương đó vào không gian của nghệ thuật Hàn Quốc bên trong căn phòng. Tôi muốn đem tới sự hòa hợp giữa tính Hàn Quốc bên trong căn phòng với tính Thụy Điển ở ngay bên ngoài. Không khí tĩnh lặng của triển lãm gợi lên vẻ khiêm nhường, giản dị có trong thiết kế nội thất truyền thống của Hàn Quốc.

Fouser: Anh có dự định gì về tương lai?

Hwang: Đến thời điểm này, tôi là một kiến trúc sư bản địa, bám chặt vào cội rễ là cộng đồng của mình. Tôi mong muốn được mở rộng cộng đồng của mình và tương tác với nhiều cộng đồng khác ở bên ngoài biên giới đất nước. Tôi muốn chia sẻ những gì mà cộng đồng tôi cần phải đóng góp cùng lúc có thể học hỏi từ cộng đồng khác. Dự án ở Stockholm nói trên của tôi thực sự là cuộc đột nhập đầu tiên vào một cộng đồng khác và tôi nóng lòng đón nhận sự phản hồi (3).

Fouser: Cảm ơn thời gian của anh dành cho tôi. Đến giờ, tâm hồn tôi vẫn vấn vương với Seochon và tôi tin rằng, chúng ta đã trở thành hàng xóm tốt của nhau từ ngày hôm nay.

Cuộc nói chuyện vói Hwan Doo-jin làm tôi nhớ tới Jane Jacobs. Trong một nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn của bà, The Death and Life of Great American Cities (tạm dịch : Cái chết và sự sống của các thành phố lớn tại Mỹ, 1961), Jacobs chỉ trích những phương cách tiếp cận theo chủ nghĩa hiện đại trong thiết kế đô thị như tập trung vào các đường cao tốc, phá hủy hết những cấu trúc đang tồn tại để tạo dựng cái mới, những cái hiện đại. Để giữ được sức sống của thành phố, bà cho rằng chúng cần có bốn sự khởi xướng cho tính đa dạng : mật độ tập trung dân cư, tính đa dụng, các khối nhà thấp, những tòa nhà đã trải qua nhiều thời kỳ và có tình trạng sửa chữa. Nghiên cứu của bà khuyến khích một mối quan tâm mới đến mức độ đóng góp của mật độ tập trung dân cư cũng như của sự hỗn độn vào sức sống của các không gian đô thị.

 Jocobs chưa từng đến Seochon, nhưng nơi đây là một ví dụ hoàn hảo cho quan điểm nêu trên của bà, điều này cũng giải thích vì sao Hwang và nhiều kiến trúc sư khác bị nơi này quyến rũ. Từ những căn nhà mang phong cách Hàn Quốc truyền thống đến những tòa cao tầng đa chức năng kiểu bánh gạo cầu vồng, Hwang Doo-jin đã đề xuất những giải pháp khả thi nhằm làm tăng thêm sinh khí cho các khu vực dân cư lâu đời, cận thành phố lớn ở Hàn Quốc. Nhờ vậy, ông đồng thời truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư bản địa trên toàn thế giới áp dụng phương pháp kiến trúc dựa vào mật độ tập trung dân cư, và các giải pháp mang tính đa dụng cho tùy từng hoàn cảnh đô thị./.

Là Tâm (dịch)

(Nguyên bản : Hwang Doo-jin’s rainbow rice cake architecture, Koreana, Vol. 25, No. 2, Summer 2011, ảnh do Korea  Foundation cung cấp)

_______________

1. Mt. Inwang (núi Inwang, có tên gọi khác là Inwangsan), là một địa điểm du lịch nổi tiếng Hàn Quốc, ở ngay gần thủ đô Seoul.

2. Gwanghwamun : cổng chính và lớn nhất của cung điện Gyeongbokgung, ở khu vực Jongno- gu, thuộc thủ đô Seoul. Đây là một biểu tượng của lịch sử lâu đời của Seoul như là kinh thành của triều đại Joseon trải dài qua năm thế kỷ (1392 – 1897).

            3. Bài viết này được hoàn thành và đăng tải vào mùa hè năm 2011, khá lâu trước khi Căn phòng Hàn Quốc được khai trương ở Stockholm, nên người viết mới đưa vào sự bày tỏ như vậy của Hwang Doo- jin.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : ROBERT J. FOUSER

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *