Kiến trúc và con người


Quan hệ giữa kiến trúc với con người là một tương quan hữu cơ. Kiến trúc sinh ra bởi nhu cầu sơ khai của con người về chỗ ăn ở, phát triển khi nhu cầu sử dụng dần cao lên. Tâm tính người lại hình thành từ đặc điểm của kiến trúc. Các nhu cầu sử dụng tách ra hai dạng về đời sống sinh hoạt hàng ngày và đời sống tinh thần, mỗi dạng lại chia tách, phát triển những yêu cầu riêng đòi hỏi xuất hiện thêm nhiều loại hình kiến trúc tương ứng. Các loại hình ấy hình thành như thế nào, kết cấu ra sao lại phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng, đầu óc tưởng tượng và khả năng tổ chức của con người.

Khi khuôn mẫu kiến trúc trở nên phổ biến thì nó trở thành hình ảnh lưu niệm của tình cảm, khi kiến trúc cô đọng như một biểu tượng nó là sự hướng thượng lên thế giới thần thánh, là kết tinh một phần đời sống xã hội. Ngôi nhà tranh hay nhà gỗ của người Việt tiêu biểu cho đời sống thôn dã, ngôi chùa hay ngôi đình tiêu biểu cho đời sống sinh hoạt tôn giáo và văn hóa. Mỗi loại kiến trúc từ dân dụng, công sở và tôn giáo đều có những phần thông thường và những phần tinh túy, có khả năng cô đọng các giá trị đời sống của xã hội qua một hay nhiều thời đại tùy theo thời gian tồn tại lâu hay chóng của nó.

Dạo chơi khắp các làng quê trên dải đồng bằng Bắc Bộ, bước chân vào một ngôi chùa hay ngôi đình bất kỳ, ta có thể cảm nhận một cách trọn vẹn cái không gian và dư vị đích thực của đời sống nông thôn Việt Nam. Cái không gian thôn dã ấy ngày nay có thể đổi thay ít nhiều bởi cuộc sống hiện đại, nhưng dường như tại nơi đây, lòng ngưỡng vọng tôn giáo và các giá trị văn hóa cổ vẫn luôn bền vững và các công trình tôn giáo như đình, chùa vẫn có vị trí vững chắc trong đời sống tinh thần của người Việt. Nhà tranh vách đất, hoặc nhà ngói sân gạch, mảnh vườn gà lợn tung tăng, khoảng ao nhỏ bụi dứa gai lởm chởm, lũy tre xanh ngắt,… tất cả chẳng là bao về giá trị vật chất nhưng là dư vị tinh thần trong lòng người nông dân, và khi rời cái khung cảnh ấy ra, ta mới thấu hiểu thế nào là quê hương. Đôi khi ta thèm củ khoai, hoặc thích vào cái bếp đầy khói, ngồi cạnh bà, và gian bên là gà lợn đang kêu đòi ăn. Kiến trúc dân dụng chính là sự thỏa mãn ấm cúng cho tinh thần thường nhật. Còn kiến trúc tôn giáo hướng đến cái gì xa vời và siêu hình, nó vừa là câu hỏi vừa là câu trả lời con người sẽ đi về đâu.

Kiến trúc đình, chùa biểu hiện ở mặt vật chất là một kết cấu không gian sinh hoạt điển hình, về mặt tinh thần thì như là những cấu trúc sinh hoạt thường ngày của người nông dân Việt Nam. Thể thức vì kèo luôn là một kết cấu mở, làm cho không gian bên trong ngôi nhà co giãn, phát triển ngang dọc, rộng sâu đều được. Bước vào trong thì có cảm giác mở rộng khôn cùng khi từng lớp vì kèo liên tiếp nối liền nhau tạo ra những khoảng không gian phân chia tượng trưng. Các không gian ấy lại liên tục kết nối ngang dọc hoàn toàn tự do tùy ý, khi ở trong không thích thì bước ra ngoài lúc nào cũng được. Và ra ngoài thì thấy toàn thể khối hình kiến trúc dường như nhỏ bé hơn so với chính thực thể của nó. Mái chùa không bao giờ vượt quá cao độ tầm mắt cho phép, lẩn khuất dưới các hàng cây. Chùa nằm trải dài theo làng, song song với cánh đồng hay dọc theo triền đê. Diện tích chùa rộng nhưng không bao giờ quá lớn. Người ta có thể đi vào chùa lễ Phật rồi vãn cảnh, tại vườn thiền ngay trong chùa, chán thì đi ra lúc nào cũng được. Hứng thú thì đi dạo hết cả chùa, chiêm ngưỡng các tượng phật, lễ lạt tha hồ mà không sợ mỏi chân vì không quá rộng. Các nếp nhà song song nối liền nhau, dẫn thiện nam tín nữ lần lượt qua các công trình và cũng là các không gian tôn giáo từ tam quan tới gác chuông rồi tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu đường. Nhịp kiến trúc lên xuống, chuyển động và thay đổi khi ta lướt qua từng nếp nhà, bước đi được dẫn dắt bởi những đường nhỏ lách qua các pho tượng phật và hàng hàng lớp lớp vì kèo tiếp nối, kéo dài không gian giãn nở mãi không cùng. Thi thoảng, trong các góc khuất lại hé mở một cửa ngách nhìn ra vườn thiền quang đãng ngay cạnh, thanh tịnh như một bức tranh cắt cảnh, những bức tường cánh gà hững hờ ngăn cách không gian, góc đầu đao cao cong vút lên gợi ý niệm bay bổng nhẹ nhõm, hoặc nét điểm xuyết của lớp cửa chấn song con tiện, cửa sổ tạo hình chữ pháp, chữ thọ hắt ánh sáng phản quang vào điện thờ âm u, nhìn nên thơ và tinh tế lạ thường. Trừ cái thứ tự tiền đường – thiêu hương – thượng điện, các công trình phụ như gác chuông, nhà tổ, hậu đường có thể thay đổi, thậm chí có thể thêm hay bớt đi một vài hạng mục tùy theo quan niệm tôn giáo và hoàn cảnh kinh tế của làng. Đóng mở linh hoạt, thêm bớt bất kỳ, vào ra tùy nghi tự tại, ngôi chùa rất đặc trưng cho quan niệm kiến trúc hoàn toàn mở về kết cấu không gian và tư tưởng tôn giáo.

Ngôi đình lại là một kiến trúc vừa mở vừa đóng. Không gian bên trong rất rộng và cao, vào các dịp lễ hội hay việc làng, toàn bộ dân trong làng tụ họp ở đây mà không sợ chật chội. Đình xây theo lối cổ thường không có tường bao, hướng mở ra tứ phía, người ta có thể bước vào đây bất cứ lúc nào, và từ bất cứ hướng nào. Toàn bộ khối đình như con thuyền nổi trên mặt nước, mái cong như mũi thuyền. Hàng cột có sàn như những mái chèo khua xuống nước. Vì kèo cao, cấu trúc mạch lạc, chịu lực bằng các hàng cột đặt trên thạch tảng, khi cần thiết thì nhấc cả khối kết cấu lên xoay sang hướng khác hay di chuyển mà không có vấn đề gì. Hệ thống vì kèo đình ngoài thường cao và thông thoáng, tạo cảm giác không gian rất rộng rãi, bởi các hàng chân cột đẩy kết cấu kèo chịu lực đè của giàn mái lên rất cao. Ngay bên dưới hệ chịu lực, ở tầm cao vừa phải là các mảng phù điêu trang trí chạm khắc đề tài sinh hoạt đời sống làng xã, pha trộn giữa tinh thần hiện thực và huyền thoại, trải dài trên các mảng cốn, buồng kìm, ván gió, ván bưng… là những thành phần ít, hoặc đã giải phóng được công năng kiến trúc. Tạo cao độ thoáng đãng bên ngoài, nhịp kiến trúc hạ thấp ở hậu cung, khép kín và tách biệt giữa không gian sinh hoạt bên ngoài và không gian thờ cúng bên trong. Hậu cung được bưng kín bởi lớp vách ngăn gỗ, đặc biệt ở gian chính diện có lớp cửa võng trang trí chạm khắc và sơn son thếp vàng rực rỡ. Bên trong luôn đóng kín, là nơi quan trọng, nghiêm trang nhất, ít người vào được. Bản thân kiến trúc đình khi cần cũng có thể đóng kín bằng hệ thống tường bao và cửa bức bàn, một kết cấu kiến trúc đặc biệt, vừa đóng, vừa mở, xoay cả hai chiều. Khi mở thì rất thông thoáng, không gian bên trong như ùa ra ngoài, khi đóng thì vô cùng kín đáo, bên ngoài không thể tự ý xâm nhập. Cửa bức bàn giống như cái dại cửa che hiên nhà, bên ngoài chẳng nhìn được vào trong, bên trong tha hồ dõi ra ngoài. Và trong suốt quá trình tồn tại, dù đang là dịp hội hè, sinh hoạt văn hóa hay trong đời sống thường nhật, ngôi đình luôn tồn tại trạng thái nửa đóng nửa mở như vậy.

Là trung tâm tôn giáo, ngôi chùa lưu giữ những tư tưởng, quan niệm, suy nghĩ và lối sống tôn giáo của người nông dân. Là trung tâm hoạt động hành chính, với vai trò là một ngôi nhà tổng hợp nhiều chức năng sinh hoạt thường nhật và văn hóa, ngôi đình lưu giữ những phong tục tập quán, nếp sống, ứng xử, các giá trị có tính cấu trúc trong sinh hoạt đời sống của người nông dân. Ta có thể thấy mối liên hệ song song qua lại từ kết cấu kiến trúc đến đời sống con người. Chùa có thể vào ra thoải mái bằng cổng chính, qua tam quan, gác chuông lên tiền đường, thiêu hương, thượng điện như như một quá trình hành lễ và tuân theo đúng chuẩn mực lễ nghi tôn giáo và triết lý nhà Phật nhưng cũng có thể đi vào bằng các cửa ngách, cửa bên. Cấu trúc ngôi chùa, điện chính thờ Phật, hậu đường thờ thánh và đạo Mẫu, có thể gắn liền cả với đình hay đền thờ thành hoàng làng. Sự phân chia hệ thống tượng theo thứ tự cao, thấp, trước, sau chỉ mang tính hình thức hơn là cách phân chia theo thứ bậc tôn giáo. Có khi việc thờ thánh là trọng hơn thờ Phật thì người ta cho điện thánh lên trước, đẩy điện Phật ra đằng sau như kết cấu của các chùa trong hệ tín ngưỡng Tứ pháp (nhóm chùa Tứ pháp Dâu – Đậu – Tướng – Dàn ở Thuận Thành, Bắc Ninh). Kết cấu một ngôi chùa như vậy rất gắn bó và đặc trưng cho đời sống tôn giáo tự do, hòa đồng, tam giáo có thể chung sống trong cùng một mái nhà.

Đời sống tôn giáo thì rất tự do nhưng đời sống hàng ngày thì không được như vậy. Nó giống như ngôi đình, vừa đóng vừa mở, con người cũng vừa rộng rãi nhưng cũng rất khép kín. Trong ngôi nhà đa năng và kỳ lạ này, hơi thở của đời sống thế tục làng xã thấm nhuần và lắng đọng vào từng kết cấu kiến trúc, để rồi dường như mỗi bộ phận, mỗi chi tiết nhỏ đều có sức đại diện cho tinh thần của tổng thể. Ở đình Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), có treo một cái mõ cá rất to, như cái dương vật lớn. Các ngôi đình nổi tiếng thuộc địa phận Hà Nội hiện nay như Tây Đằng (Tây Đằng, Ba Vì), Chu Quyến (Chu Minh, Ba Vì), Liên Hiệp (Liên Hiệp, Phúc Thọ), hoặc ở một số địa phương khác như Hương Canh, Ngọc Canh (Vĩnh Yên), An Hòa (Hà Nam), Hưng Lộc (Nam Định)… có nhiều chạm khắc mà nội dung pha trộn đan xen giữa cuộc sống thực tại với những biểu tượng và hình ảnh huyền hoặc. Tuy vậy, trong đình luôn tồn tại một phần kín đáo, vĩnh hằng, cố kết và không thể xâm phạm như một hậu cung nghiêm cẩn, người ngoài có thể nhìn ngắm nhưng không thể bước vào và bị nghiêm cấm bàn luận về điều đó. Bình thường mở rộng tứ phía hóng gió bốn phương, lúc chán lại quây kín bốn mặt vào, sống khép mình ở thế giới bên trong. Nhân ái, an hòa, cởi mở, rộng rãi xen lẫn sự kín đáo, cố cựu, thoải mái và khoái chí như các bức chạm vung chân múa tay mà vô cùng khép kín và nhiều khi bảo thủ như chính bản thân kiến trúc đình vậy. Khó có thể nói rằng ngôi đình hay ngôi chùa gồm chứa hết tất cả đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Việt nhưng rõ ràng, chúng lưu giữ những giá trị tinh túy nhất của sinh hoạt thường ngày hàm chứa trong mỗi con người riêng lẻ và trong cả cộng đồng người Việt rộng lớn.

        Kiến trúc luôn là bộ mặt có tính vật chất nhưng biểu hiện về đời sống tinh thần con người. Ví như kiến trúc đạo Hồi cơ bản, nguyên gốc là tòa nhà bên trong vòm lõm hướng về thành Mecka, tín đồ và người hành lễ ngồi hay đứng đều hướng về đấy, thể hiện một quan niệm tôn giáo trong sáng, đơn giản và độc tôn. Kiến trúc Thiên chúa giáo với những nhà thờ gôtich lớn vừa là một nơi che chở, một trung tâm hành lễ, vạch ra ba đường thẳng (chính và hai hành lang) đi đến bàn thờ chúa, là chỗ dựa tinh thần to lớn nhưng cũng biểu hiện cho một quan niệm tôn giáo và đời sống có tính chuyên chế áp đặt. Các kiến trúc của người Việt cổ vừa thống nhất, lại vừa đa dạng về hình thức, phức hợp trong công năng sử dụng và luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên xung quanh. Cứ như thế, mái đình, mái chùa bao đời nay che phủ lên đời sống vật chất và tinh thần của người Việt, dẫu đầy rẫy những điều vọng tưởng dị đoan, nhưng tính tôn giáo không nặng nề áp đặt, như là chỗ nghỉ và di dưỡng tâm trạng xã hội nhất là khi trong khói lửa binh đao.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 319, tháng 1-2011

Tác giả : Nguyễn Anh Tuấn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *