Kiểu nhân vật trẻ thơ – người lớn trong tiểu thuyết mạc ngôn


          Tiểu thuyết Mạc Ngôn là một sân khấu rộng lớn có khả năng quy tụ về đó một dàn diễn viên đông đảo, phong phú và sinh động. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, vì vậy, là một thế giới ồn ào và phức tạp, cả lưu manh lẫn anh hùng, kẻ khốn cùng lẫn bậc đại phú quý, con người lẫn súc vật, thần tiên lẫn ma quỷ,… Thế nhưng, dù rất đông đúc, song mỗi nhân vật đều là một cá thể sinh động. Nó khước từ vai trò của một nhân vật loại hình hay có chức năng thúc đẩy cốt truyện, trở thành một nhân tố tích cực trong việc kiến tạo bức tranh xã hội rộng lớn, đa diện, nhiều chiều.

Trong thế giới nhân vật của tiểu thuyết Mạc Ngôn, bên cạnh những người bình thường, nổi bật lên những nhân vật dị thường, từ ngoại hình đến tính cách, từ hành tung bí ẩn đến khả năng siêu phàm, từ không gian tồn tại đến quá trình sống bất thường,… Những nhân vật như vậy được chúng tôi gọi là kỳ nhân và một trong số đó là kiểu nhân vật trẻ thơ – người lớn…

Đó là những nhân vật mà yếu tố trẻ thơ và yếu tố người trưởng thành cùng tồn tại. Dạng thứ nhất, nhân vật là trẻ thơ khi xét về vóc dáng, tuổi tác, nhưng tâm hồn, suy nghĩ, hành động lại rất người lớn. Dạng thứ hai, nhân vật có vóc dáng, tuổi tác của một người trưởng thành nhưng suy nghĩ, hành động thì ngây thơ, khờ khạo. Ngoài hai dạng này còn có một vài nhân vật có sự giao thoa giữa trẻ thơ và người lớn.

Dạng nhân vật mà chất trẻ thơ tồn tại trong hình hài một người trưởng thành gồm có Giáp Con trong Đàn hương hình, Kim Đồng trong Báu vật của đời

Giáp Con là con trai duy nhất của đao phủ Triệu Giáp và là chồng của Tôn Mi Nương. Giáp Con tuy “cao to, đầu hói quá nửa, cằm nhẵn thín” nhưng tư chất lại ngây ngô, ngờ nghệch. Mối quan tâm của Giáp Con xoay quanh công việc giết chó mổ lợn, ăn, ngủ và những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Là chồng của một người phụ nữ đẹp, tràn đầy sinh lực và khá lẳng lơ, nhưng Giáp Con lại hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ cha nuôi – con gái mờ ám giữa Mi Nương và Tiền Đinh, thậm chí còn thấy thích thú, tự hào vì vợ mình thân với quan huyện. Trong chuyện chăn gối, Giáp Con không hề ý thức được sự bất lực của mình. Mi Nương, không khác gì mẹ của hắn, bảo sao, hắn nghe vậy. Vì thế, Mi Nương, Triệu Giáp và nhiều người trong thôn đều gọi Giáp Con là đại ngốc. Bản thân Giáp Con cũng tự nhận mình là một chàng ngốc.

Chất trẻ thơ của Giáp Con còn biểu hiện ở tính hiếu kỳ, ham thích sự lạ. Lúc nào rỗi là Giáp Con lại xoắn lấy bố đòi kể chuyện, không khác một đứa trẻ lên ba. Những câu chuyện xoay quanh cuộc đời kỳ lạ của bố có sức cuốn hút mạnh mẽ với Giáp Con, làm hắn vừa kính sợ, vừa ngưỡng mộ.

Suốt thiên truyện, Giáp Con đóng vai trò khán giả trung thành, nhiệt tình và công bằng trước màn trình diễn của các nhân vật, không có hành động, lời nói nào thúc đẩy diễn biến của cốt truyện. Ngoài việc đóng vai một anh chàng dở dở ương ương, mở rộng đường cho mối quan hệ bất chính giữa vợ và quan huyện, đóng vai trò một trợ thủ đắc lực cho Triệu Giáp trong việc thi hành án đàn hương hình với Tôn Bính, Giáp Con bị đẩy ra ngoài mối bận tâm của các nhân vật cũng như độc giả.

Thực ra, đất diễn của Giáp Con lại khá nhiều. Mạc Ngôn đã để cho các nhân vật tự thuật trong phần mở đầu và phần kết thúc. Và ở cả hai phần, Giáp Con đều góp mặt. Mạc Ngôn đã trao cho Giáp Con chức năng của một người kể chuyện cùng với Tôn Bính, Mi Nương, Tiền Đinh và Triệu Giáp. Những sự kiện, tình tiết được tường thuật bằng giọng điệu của Giáp Con cũng rất quan trọng: màn giao đấu bằng mắt giữa bố và quan huyện khi quan đến mời bố đi gặp Viên Thế Khải, chuẩn bị cho việc hành hình Tôn Bính; quá trình chuẩn bị và phần trình diễn đàn hương hình đầy kịch tính.

Giáp Con là một chàng ngốc nhưng lại mong muốn nắm bắt được bản chất của người khác. Ước mơ này dường như quá sức đối với một kẻ ngô nghê như hắn. Do đó, khi nghe mẹ kể về chiếc râu hổ thần kỳ, có nó thì sẽ nhìn thấy được bản tướng của người khác, Giáp Con đòi Mi Nương tìm về cho bằng được. Sau khi sở hữu được chiếc râu kỳ diệu, Giáp Con đã nhìn thấy được bản tướng của Mi Nương là rắn, của bố là báo đen, của Tiền Đinh là bạch hổ,… và cực kỳ hoảng sợ trước những bản tướng đó. Rõ ràng, chiếc râu hổ đã mang đến cho hắn một khả năng đặc biệt là nhìn xuyên thấu bản chất của những người xung quanh. Chính vì vậy, Giáp Con từ một anh chàng đại ngốc, ngây ngô bỗng trở thành một con người thông tuệ, minh triết nhất trong thế giới nhân vật của Đàn hương hình.

Có lẽ cái giúp Giáp Con nhìn được bản chất người khác nằm trong tính cách và tâm hồn ngây thơ, trẻ con, chiếc râu hổ chỉ đóng chức năng hiện thực hóa, cụ thể hóa cái nhìn của hắn trong màn sương huyền ảo, giúp chi tiết truyện thêm ly kỳ, lạ lùng hơn.

Ngoài ra, Giáp Con cũng thể hiện mình không phải là một kẻ ngốc thật sự. Ở hai màn lảm nhảmđấu hót, mặc dù giọng điệu hết sức ngô nghê, nhưng về bản chất, chúng chứa đựng những suy lý xác đáng, thông minh.

Đối với cái chết của Ba Tống, cả nhân vật lẫn độc giả đều dự đoán Tiền Đinh là thủ phạm. Tiền Đinh mưu toan sát hại Triệu Giáp, không cho hắn thực hiện hình phạt man rợ đàn hương hình, phá tan ý đồ dùng cái chết của Tôn Bính để thị uy, giải thoát Tôn Bính khỏi cái chết đau đớn và khốc liệt, tiêu diệt công cụ giết người man rợ của triều đình là Triệu Giáp,… Đây là hành động giải quyết nhiều mâu thuẫn đang giằng xé tâm can Tiền Đinh. Nhưng Triệu Giáp may mắn thoát chết vì Ba Tống tham ăn nên làm người thế mạng. Giáp Con biết thủ phạm của vụ ám sát, song theo một suy đoán đơn giản hơn rất nhiều…

Không chỉ riêng sự kiện này mà trong các màn độc thoại của Giáp Con liên tục xuất hiện những suy nghĩ khá thông suốt, trí tuệ như vậy, dù không phải không có nghịch lý. Khi lảm nhảm, Giáp Con tự nhận mình ngốc, nhưng lúc đấu hót, lại chẳng thấy anh ngốc đó đâu nữa. Ngược lại, trong con mắt của Giáp Con, mọi người xung quanh lại hóa ra ngớ ngẩn.

Lựa chọn điểm nhìn từ bên trong, để nhân vật vừa tự thuật về bản thân, vừa kể về người khác, Mạc Ngôn giúp người đọc có cái nhìn toàn diện, đa chiều, sâu sắc về sự kiện và nhân vật. Trường hợp Giáp Con thể hiện rõ nét hiệu quả nghệ thuật đó. Qua lời kể của Mi Nương, Triệu Giáp, Tôn Bính hay Tiền Đinh, Giáp Con là kẻ dở dở ương ương. Nhưng qua màn tự thuật của chính Giáp Con, độc giả lại thấy hắn có tư chất thông minh. Di chuyển điểm nhìn, Giáp Con có màn lột xác ngoạn mục: từ đại ngốc sang đại trí, từ ngu ngơ sang lanh lợi, từ khờ khạo sang hoạt bát.

Cũng thuộc dạng nhân vật trẻ thơ – người lớn, nhưng Kim Đồng không tương đồng nhiều với Giáp Con. Kim Đồng, nhân vật trung tâm của Báu vật của đời, được miêu tả từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành. Gọi Kim Đồng là nhân vật trẻ thơ – người lớn là xét nhân vật từ giai đoạn trưởng thành về sau.

Kiểu trẻ thơ của Kim Đồng được thể hiện ở cả hai phương diện sinh lý lẫn tâm lý. Về mặt sinh lý, Kim Đồng giống trẻ con ở chỗ hắn có niềm quyến luyến đặc biệt với bầu vú qua căn bệnh luyến nhũ yếm thực. Cuộc đời Kim Đồng thịnh suy, khỏe yếu đều gắn liền với bầu vú và nguồn sữa mẹ. Cũng vì say mê bầu vú mà hắn chẳng thiết tha tới quan hệ nam nữ. Không kể lần làm tình có tính ban phát với cái xác trại trưởng Long Thanh Bình tại trại gà, đến năm 42 tuổi, Kim Đồng chưa từng quan hệ với ai. Về mặt tâm lý, Kim Đồng có một tâm hồn ngây thơ, chất phác và thành thật như một đứa bé. Những đứa con gái nhà Thượng Quan cùng các chàng rể, kể cả các thế hệ con cháu đều quyết liệt lựa chọn và theo đuổi hướng đi cho riêng mình, viết nên những trang sử sôi động lẫn đau thương. Chỉ riêng Kim Đồng sống một đời mờ nhạt, yếu đuối, phải dựa dẫm vào người khác, mà chủ yếu là phụ nữ, và trở nên thảm hại khi mất đi chỗ dựa quan trọng ấy. Trong đời sống, Kim Đồng cũng không hề biết đến một mưu mô, thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Khi đi học, Kim Đồng bị ăn hiếp, bị dồn đánh. Lúc ở trại gà, chị Bảy (Kiêu Kỳ Sa) phải chỉ cho anh cách ăn trộm trứng, vượt qua cơn đói. Mãn hạn tù, Kim Đồng hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ đã ở tuổi xế chiều, Kim Một Vú, trở thành con rối trong tay cô vợ ghê gớm Uông Ngân Chi, cô cháu dâu nhiều mánh lới Cảnh Liên Liên. Khi mẹ mất, Kim Đồng mất hết phương hướng…

Kim Đồng là một nhân vật phải nhận nhiều sự bình phẩm khác nhau vì bản chất trẻ con của mình. Nhìn một cách tích cực, chất trẻ con đó là phẩm chất đáng quý trong cấu trúc nhân cách của anh ta. Sống trong thời đại nhiều loạn lạc, các giá trị tinh thần, đạo đức đều phải nhường chỗ cho khát vọng sinh tồn, ước muốn hư vinh thì sự thật thà, ngây thơ đến thánh thiện của Kim Đồng là biểu hiện của một tâm hồn miễn dịch với cái xấu, tội lỗi và độc ác. Nhưng ở một góc độ khác, chất trẻ con đó là biểu hiện của sự bạc nhược, yếu đuối, hèn nhát đến mức khờ khạo, ngu ngơ. Kim Đồng không có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, không có khả năng tự lập. Anh ta luôn cần đến sự dẫn dắt, bón mớm của người khác. Rõ ràng, luyến nhũ yếm thực không chỉ là căn bệnh sinh lý. Về mặt tâm lý, dị tật đó hiện rõ trong việc Kim Đồng cả đời không thoát ra nổi vòng tay phụ nữ.

So với Giáp Con, Kim Đồng thật ngốc hơn. Kim Đồng thông minh, giỏi giang trong học tập, song lại quá ngốc, quá khờ trong cuộc sống. Cái trẻ con của Kim Đồng là sự bất lực giữa phong ba cuộc đời, là nhu cầu của một thiếu niên luôn cần được bảo trợ, chở che. Bởi thế, cái ngốc của Giáp Con khiến chúng ta nghi ngờ, thậm chí e ngại vì khả năng nhìn thấu chân tướng của hắn thì cái ngốc của Kim Đồng lại khơi dậy nơi người đọc cảm xúc cay đắng, xót xa và đầy thương cảm…

Dạng nhân vật thứ hai là những đứa trẻ sở hữu một trí tuệ vượt tuổi, có những suy nghĩ, hành động khiến người trưởng thành phải ngạc nhiên. Đại diện cho dạng này có thể kể đến Lam Ngàn Năm Đầu To trong Sống đọa thác đày, Thanh Cẩu trong Tổ tiên có màng chân hay La Tiểu Thông trong Tứ thập nhất pháo.

Lam Ngàn Năm Đầu To là đứa trẻ mang những đặc điểm khác thường do gốc gác đặc biệt của nó. Từ góc độ sinh học, cậu bé là một quái thai, sản phẩm của mối tình loạn luân giữa Bàng Phượng Hoàng và Lam Khai Phóng – hai anh em con cô bác ruột, có chung bà nội. Khi biết sự thật, Lam Khai Phóng từ đỉnh cao hạnh phúc rơi xuống vực sâu bi kịch. Quá đau đớn, anh tự sát, để lại Bàng Phượng Hoàng với một sinh linh đang hoài thai. Đúng ngay thời khắc chuyển giao thế kỷ, Bàng Phượng Hoàng hạ sinh Lam Ngàn Năm Đầu To rồi ra đi. Là nạn nhân của những tội lỗi mà thế hệ trước gây ra, đứa con phải mang trên mình một hình hài, một thể chất dị thường: một cái đầu to quá mức, không tương xứng với vóc dáng và tuổi tác, bị mắc bệnh máu không đông. Cái đầu to khác thường của Lam Ngàn Năm Đầu To có lẽ là vì nó phải chất chứa một ký ức kéo dài năm mươi năm và kinh qua nhiều kiếp tồn sinh đầy sóng gió. Khuyết tật về thể xác được giải thích bằng lý thuyết di truyền học; siêu việt về trí nhớ được giải thích bằng tư tưởng luân hồi trong Phật giáo. Chính ở phương diện này, Lam Ngàn Năm Đầu To trở nên siêu thực vì nó là nhân vật có sự dung hợp giữa thực và ảo vô cùng đậm nét. Nhân vật này đứng ở ranh giới giữa đôi bờ siêu nhiên, kỳ ảo và phàm trần, dị biệt.

Lam Ngàn Năm Đầu To kể câu chuyện của mình khi vừa tròn sinh nhật 5 tuổi, do vậy, từ góc độ nào đó, cậu thuộc dạng nhân vật kỳ tài với trí nhớ phi phàm và khả năng nói thao thao bất tuyệt. Cái chất người lớn của nhân vật còn được thể hiện thông qua câu chuyện mà nhân vật kể. Những kiếp trầm luân đọa đày đã được kể lại bằng một giọng điệu bi phẫn, của một người đích thân trải nghiệm tất cả những đau khổ ấy. Một đứa trẻ năm tuổi bình thường tất nhiên không thể nào có được điều đó. Sự kết hợp giữa một thể xác trẻ thơ với một ký ức trải nghiệm một đời đã tạo nên một kỳ nhân Lam Ngàn Năm Đầu To đầy ám ảnh.

Không cần phải viện cớ về luân hồi và tái sinh để hợp thức hóa chất trưởng thành trong hình hài một đứa trẻ, Thanh Cẩu trong Tổ tiên có màng chân là một đứa bé bẩm sinh đã khôn ngoan vượt tuổi. Mới sáu tuổi, Thanh Cẩu vẫn ham chơi, không chịu đi học song lại tỏ ra khá hung dữ. Vẻ già dặn của Thanh Cẩu được biểu hiện rõ nhất thông qua cách hành xử với bố. Cậu tỏ ra căm ghét và rất coi thường ông ta vì cậu nhìn thấu bản chất của con người này. Bố Thanh Cẩu là một kẻ luôn bị hấp lực của phái nữ thu hút, luôn có nguy cơ thực hiện hành vi phản bội vợ, trái luân thường đạo lý khi tiếp xúc với những người phụ nữ khác. Thanh Cẩu luôn nắm bắt được ý nghĩ của người cha phong lưu, vạch trần những lời biện hộ ngụy tạo, theo dõi, xuất hiện và ngăn chặn kịp thời hành động sai trái của ông ta. Vì lẽ đó mà hắn trở thành nỗi ám ảnh, sự sợ hãi của người cha. Đứng trước con trai, ông bố luôn cảm thấy xấu hổ, e ngại vì khả năng xuyên thấu tâm can của nó.

Thanh Cẩu khác người chính nhờ khả năng đánh giá những biểu hiện phi đạo đức của người khác. So với tuổi lên sáu, Thanh Cẩu quá già dặn, dù còn đôi nét trẻ con như ham chơi, nghịch ngợm. Thanh Cẩu dường như dị ứng và phản ứng quyết liệt với hành vi đồi bại, bất chính của người lớn. Và chính thái độ đó đã ngăn người bố rơi vào vũng lầy tội lỗi. Để cho nhân vật trẻ thơ làm nhiệm vụ của một phán quan, Mạc Ngôn đã tăng tác dụng lời cảnh tỉnh ấy hơn nhiều lần, vì lời của trẻ con bao giờ cũng khiến người lớn phải suy ngẫm nhiều hơn cả.

Cũng là một thiếu niên, nhưng La Tiểu Thông trong Tứ thập nhất pháo thể hiện một sự thông minh vượt trội. La Tiểu Thông lập kỳ tích khi chỉ mới mười hai tuổi, cậu đã phát minh ra phương pháp bơm nước, cải tạo một phân xưởng theo ý đồ của mình, lại có thể điều hành hơn hai mươi công nhân tổ chức sản xuất hiệu quả. Ý thức được sự giỏi giang của mình, La Tiểu Thông trở nên kiêu ngạo và ranh mãnh. Chung quy, La Tiểu Thông không có chất trẻ thơ trong sáng, ngây thơ. Sống giữa thế giới người lớn tha hóa vì tiền bạc và danh vọng, La Tiểu Thông đã sớm chịu ảnh hưởng. Quá trình đánh mất nhân cách của cha, mẹ diễn ra ngay trước mắt và đã được cậu bé tiếp thu, vận dụng nhanh chóng. Rõ ràng, La Tiểu Thông thông minh, sáng dạ, nhưng nó đã đem ưu thế ấy để làm những việc gian trá, lọc lừa trong niềm kiêu hãnh, tự phụ mạnh mẽ. Những biểu hiện đó là dấu hiệu của sự tha hóa trong con người, một cậu bé vẫn còn ở tuổi thơ trẻ.

La Tiểu Thông còn đánh mất tuổi thơ của mình khi chứng kiến mẹ chết, cha vào tù. Ý thức được người đã gián tiếp gây ra kết cục đau thương cho gia đình mình là lão Lan, cậu nuôi ý định báo thù và tìm mọi cách để thực hiện nó. Tuy những lần báo thù đều bất thành, nhưng khi trong lòng cậu đã có quá nhiều chấn thương thì cậu sẽ mãi mãi không thể có được tâm hồn trẻ thơ nữa.

Lam Ngàn Năm Đầu To, Thanh Cẩu và La Tiểu Thông là những nhân vật được tạo nên bởi sự kết hợp giữa thể xác, vóc dáng trẻ thơ nhưng dung chứa tâm hồn và bản chất của những người trưởng thành, từng trải. Trên cái mẫu số chung ấy, mỗi nhân vật là một tử số khác biệt, bộc lộ cá tính và biểu đạt ý nghĩa khác nhau. Với Lam Ngàn Năm Đầu To là những trải nghiệm lâu dài và khổ sở; với Thanh Cẩu là luật pháp của lương tri, đạo đức; với La Tiểu Thông là sự lão luyện, lọc lừa. Những nhân vật này không mang đến cho người đọc cảm giác tươi trẻ, đáng yêu của một đứa trẻ mà khiến chúng ta xót xa cho kiếp người, cảnh giác trước sự suy đồi đạo đức và tự nhận thức lại chính mình.

Dưới ngòi bút của Mạc Ngôn, các nhân vật nông sâu đều mang đồng tâm – tâm hồn con trẻ. Giáp Con là nhân vật có đồng tâm sắc nét nhất, có khả năng nhận ra chân tướng của tha nhân, biết những điều không ai biết. Đồng tâm của Kim Đồng thể hiện qua bản chất trong sáng, thật thà chất phác…

Đồng tâm có hai mặt. Mặt tích cực, đồng tâm là phương tiện, là con đường để nhận chân sự vật, hiện tượng, trở thành con mắt trong, con mắt thần của việc lĩnh hội thế giới xung quanh. Mặt tiêu cực, đồng tâm là vật cản của sự trưởng thành về sinh lý, tâm lý và nhận thức, những tiêu cực của đồng tâm đều có trong Giáp Con, Kim Đồng.

Giáp Con ý thức được sự thua kém về trí tuệ và sự khôn khéo của mình giữa rừng người – thú nên cái tin bố về làm anh chàng này sung sướng tột độ. Giáp Con vừa yêu quý, vừa kính sợ bố. Hào quang của công việc đao phủ qua lời kể của Triệu Giáp, kết hợp với những gì Giáp Con tận mục sở thị đã gieo vào lòng Giáp Con sự ngưỡng mộ, tôn sùng và phục tùng đối với bố. Ở một góc độ nào đó, điều này thể hiện sự ấu trĩ, phiến diện của nhân vật trẻ con này. Sự tàn bạo, dã man, phi nhân tính của nghề đao phủ đã bị che khuất bởi ánh hào quang tiền bạc và quyền lực. Đồng tâm của Giáp Con không thể nhìn ra phần bị che khuất đó.

Kim Đồng luôn sống trong sự che chở và bảo vệ của gia đình khi không có khả năng tự lập. Tính cách yếu ớt của Kim Đồng là mặt tiêu cực trong tâm hồn con trẻ của nhân vật này. Nó là nguyên nhân chủ quan, trực tiếp dẫn đến kết cục u ám: Kim Đồng hoàn toàn bế tắc giữa cuộc sống đầy biến động.

Thời niên thiếu có ảnh hưởng quan trọng tới sự hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Lam Ngàn Năm Đầu To, Thanh Cẩu và La Tiểu Thông là những minh chứng sinh động. Trong mỗi tác phẩm, Mạc Ngôn đều cấp cho các nhân vật trẻ thơ một tuổi thơ không bình yên. Môi trường mà chúng tồn tại đầy sự thiếu thốn về vật chất, sự hỗn tạp về nhân cách, sự suy yếu của đạo đức. Tuổi thơ của Lam Ngàn Năm Đầu To được tính bằng cả sáu kiếp luân hồi với biết bao đau khổ, bất hạnh. Những kiếp sống trầm luân qua quá trình đầu thai chuyển kiếp lại trở thành ký ức bám riết lấy cậu bé mới chỉ lên năm tuổi này. Với một ký ức dị thường như vậy, Lam Ngàn Năm Đầu To tất nhiên không thể có một tâm hồn thơ ngộ, trong sáng được. Với trường hợp của Thanh Cẩu và La Tiểu Thông, tuy cả hai không phải gánh vác một quá khứ nặng nề, nhưng chúng lại bị vây bọc bởi hàng loạt những biểu hiện suy đồi đạo đức, tha hóa nhân cách của người lớn trước cám dỗ của tiền bạc, địa vị, tình dục và quyền lực. Chính những hành vi bất thiện của người lớn đã khắc sâu vào tâm trí trẻ thơ, vô hình kiến tạo nên những tâm linh cong veo, làm cho đồng tâm của các nhân vật bị biến dạng, khuyết tật, thậm chí bị hủy diệt.

Dễ nhận thấy, những đặc điểm của các nhân vật trẻ thơ – người lớn trong tiểu thuyết Mạc Ngôn không mang nhiều yếu tố kỳ ảo, siêu thực. Cái kỳ của những nhân vật kiểu này nằm ở sự dị biệt và độc đáo mà tác giả đã dày công xây dựng nhằm chuyển tải những ý vị tư tưởng, nghệ thuật cũng như giải tỏa những mộng ước bất thành trong lòng mình: níu giữ cái quãng thời niên thiếu, cự tuyệt sự trưởng thành. Tất nhiên, hình tượng đi vào tác phẩm, một mặt, đáp ứng nguyện vọng của nhà văn khi sáng tạo nên nó, một mặt, nó có đời sống riêng trong lòng người đọc với những ý nghĩa vượt ra ngoài sự kiểm soát, sự hình dung của tác giả. Thế giới nhân vật trẻ thơ – người lớn trong tiểu thuyết Mạc Ngôn không chỉ thể hiện cái đồng tâm của chính tác giả, những trải nghiệm của nhà văn trong thời thơ ấu,… mà mỗi nhân vật trẻ thơ như thế lại có khả năng biểu đạt nhiều nét tư tưởng. Người đọc sẽ thấy rằng, xây dựng đám nhi đồng mà La Tiểu Thông là thủ lĩnh trong tiểu thuyết của mình, bên cạnh là phương thức để Mạc Ngôn quay về thời niên thiếu, nó còn là phương thức phản ánh hiện thực độc đáo và ấn tượng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 330, tháng 12-2011

Tác giả : Võ Nguyễn Bích Duyên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *