Kinh nghiệm của Đảng về xây dựng bộ đội chủ lực trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)


Đêm 22 rạng sáng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được sự tiếp tay của quân Anh, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ. Trước âm mưu của thực dân Pháp, Đảng và Chính phủ ta đã phát động toàn dân đứng lên kháng chiến, quyết tâm bảo vệ nền độc lập nước nhà. Sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối lãnh đạo của Đảng đã giúp quân và dân ta giành thắng lợi, để lại nhiều bài học quý giá về xây dựng bộ đội chủ lực cũng như chiến lược quân sự cho công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc sau này.

 

     Đảng chủ trương tổ chức và xây dựng bộ đội chủ lực trên nền tảng lực lượng chính trị hùng hậu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang của quần chúng công nông. Đảng ta dựa trên cơ sở xây dựng và phát triển bộ đội địa phương vững mạnh, dân quân rộng khắp, phát triển bộ đội chủ lực với quy mô thích hợp. Mục tiêu được Đảng xác định: Có số lượng hợp lý, tổ chức biên chế chặt chẽ, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở. Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL về Quân đội quốc gia Việt Nam. Bản quy tắc kèm theo sắc lệnh quy định về tổ chức biên chế quân đội thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, binh đoàn, tập đoàn của bộ binh, các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng (2-1950) cũng nêu rõ: “Bộ đội chủ lực sẽ xây dựng những trung đoàn mạnh, rồi tiến tới đại đoàn, binh đoàn” (1). “Xây dựng Bộ đội chủ lực có đủ ba tính chất: dân tộc, dân chủ và tối tân” (2).

     Quán triệt chủ trương của Đảng, đến Thu – Đông năm 1950, chúng ta xây dựng được 3 đại đoàn, 14 trung đoàn chủ lực. Các binh chủng bảo đảm chiến đấu như: pháo binh, công binh, thông tin được biên chế trong đại đoàn 308; trung đoàn 174, 209 tiếp tục được kiện toàn và nâng cao khả năng chiến đấu hợp đồng quân binh chủng. Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng bộ đội chủ lực cũng được nâng lên.

     Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với bộ đội chủ lực, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Trung ương Quân ủy (1-1946), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp nắm các hoạt động của lực lượng vũ trang, xây dựng bản chất cách mạng, bảo đảm cho bộ đội chủ lực tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Về tổ chức hệ thống chính trị viên, Sắc lệnh 71/SL nêu rõ: “Từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự, có chính trị viên, cấp quân khu có chính trị ủy viên” (3). Đây là những văn kiện đặt cơ sở pháp lý cho việc xác định cơ chế lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với bộ đội chủ lực.

     Sau chiến thắng Biên giới, Đảng có chủ trương nhanh chóng ổn định tình hình, chấn chỉnh bộ đội, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng bộ đội chủ lực lên cấp đại đoàn. Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) xác định: “Phải tích cực xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích, xây dựng Đảng và công tác chính trị trong quân đội” (4).

     Quán triệt chủ trương của Đảng, quân đội ta tiếp tục tổ chức thêm một số đại đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Đại đoàn bộ binh 320, Đại đoàn công pháo 351, Đại đoàn bộ binh 316, Đại đoàn bộ binh 325 lần lượt được thành lập. Các Liên khu, bộ đội chủ lực cũng được củng cố và phát triển thích hợp với điều kiện chiến trường ở các địa phương. Cùng với xây dựng tổ chức, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã tiến hành các biện pháp nâng cao chất lượng bộ đội chủ lực về chính trị, quân sự, hậu cần.

     Qua quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), nhiều bài học, kinh nghiệm đã được rút ra:

     Một là, Đảng luôn coi việc xây dựng quân đội về chính trị là căn bản nhất để không ngừng củng cố và phát huy bản chất giai cấp công nhân, một trong những yếu tố cơ bản nhất quyết định đến sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho quân đội thực sự là công cụ bạo lực tin cậy của Đảng và Nhà nước, trung thành với lợi ích của nhân dân.

     Bản chất giai cấp công nhân được thể hiện ở mục tiêu chiến đấu; cơ cấu tổ chức; cơ chế lãnh đạo; khoa học, nghệ thuật quân sự; phẩm chất, tinh thần, quan hệ chính trị nội bộ và giữa quân đội với nhân dân; kỷ luật tự giác nghiêm minh; tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Để không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, Đảng coi việc không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nguyên tắc căn bản của lực lượng vũ trang cách mạng. Đảng định ra cơ chế lãnh đạo quân đội thích hợp với tình hình cụ thể qua từng giai đoạn. Tháng 10-1948, Đảng quyết định lập Chế độ chính trị ủy viên, đại diện Đảng phụ trách quân đội. Đến cuối năm 1950, trong chiến dịch Biên giới, Đảng thành lập chế độ cấp ủy trong tất cả các đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch. Sau đó, chế độ này được thực hiện rộng rãi trong toàn quân.

     Việc xây dựng Đảng được đặt lên hàng đầu trong công cuộc xây dựng quân đội. Đảng chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức đảng, đặc biệt củng cố vai trò chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo trong tất cả các đơn vị cơ sở. Khi bộ đội tiến lên tập trung, thực hiện phương châm tất cả xuống đại đội, việc củng cố và kiện toàn chi bộ được đặt ra một cách toàn diện từ khâu giáo dục, rèn luyện đảng viên, phát triển Đảng, kiện toàn cấp ủy và cải tiến công tác lãnh đạo của chi bộ. Năm 1949, Hội nghị bí thư chi bộ toàn quân được triệu tập và sau đó cuộc vận động Rèn luyện đảng viên, chấn chỉnh tổ chức được phát động, đã có tác dụng quan trọng để nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ.

     Cùng với việc coi trọng công tác xây dựng Đảng, Đảng thường xuyên chăm lo đến công tác chính trị, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Trong việc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị. Trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến, Đảng luôn xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, phương châm, nguyên tắc và phương pháp tiến hành công tác chính trị, với mục tiêu là cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì lý tưởng, mục tiêu chiến đấu. Hệ thống tổ chức công tác chính trị, gồm chính ủy (hay chính trị viên) và cơ quan chính trị các cấp cùng với các chế độ, chức trách, nền nếp làm việc được xây dựng, củng cố. Tháng 3-1948, Hội nghị chính trị viên lần thứ hai được triệu tập, tiến hành việc rút kinh nghiệm công tác chính trị ở các đơn vị bộ đội tập trung. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư vạch rõ nhiệm vụ của chính trị viên, căn dặn chính trị viên chăm lo trau dồi tư cách.

     Hai là, thường xuyên quan tâm đến công tác huấn luyện quân sự, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng chiến đấu của quân đội. Do vậy, Đảng đã tập trung và từng bước nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ, chiến thuật và khả năng chỉ huy, quản lý cho bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu đánh thắng kẻ thù trong các loại hình và quy mô tác chiến.

     Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng chỉ đạo nhỏ thắng lớn, thực tiễn trang bị và khả năng bảo đảm cho quân đội, Đảng chỉ rõ phương châm, nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện huấn luyện chiến đấu cho bộ đội: Phải học đánh địch từng bước; “diệt cứ điểm nhỏ riêng lẻ của địch trước, mới đánh cứ điểm trung bình và cứ điểm lớn”; “học đánh vận động từng tiểu đoàn đến trung đoàn” phải biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí. Từ năm 1948, Đảng liên tiếp phát động các phong trào thi đua luyện quân sâu rộng trong lực lượng vũ trang. Cuộc vận động Luyện quân lập công năm 1948 đến đầu năm 1949, cuộc vận động Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội giữa năm 1949 đến năm 1950, đã nâng cao bản lĩnh chiến đấu của bộ đội, năng lực tổ chức chỉ huy cho cán bộ và các cơ quan.

     Chiến đấu thắng lợi là mục đích của xây dựng và huấn luyện bộ đội. Vì vậy, huấn luyện bộ đội phải sát thực tế chiến đấu. Học tập kinh nghiệm chiến đấu trở thành một biện pháp huấn luyện quan trọng của quân đội ta. Từ tháng 8-1948, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 5 đề ra yêu cầu: Cán bộ trong các lực lượng vũ trang học tập kinh nghiệm nóng hổi của thực tiễn kháng chiến. Hội nghị đã tổng kết và nêu lên những bài học lớn về xây dựng, huấn luyện, tác chiến cho cán bộ và chiến sĩ ta học tập. Sau mỗi đợt hoạt động, bộ đội ta lại được tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu và lấy kinh nghiệm đó để xây dựng đơn vị, huấn luyện bộ đội. Huấn luyện xong, bộ đội ta lại bước vào đợt chiến đấu mới với những thắng lợi to lớn hơn. Do vậy, thời gian huấn luyện không nhiều nhưng đạt hiệu quả cao, chất lượng chiến đấu của quân đội ta không ngừng được nâng lên, càng đánh càng mạnh. Nếu như đầu năm 1949, bộ đội ta mới đạt tới trình độ đánh tập trung tiểu đoàn, diệt đồn bốt nhỏ, từ giữa năm 1949 đến mùa hè 1950, bộ đội ta tiến lên tác chiến tập trung trung đoàn, diệt các cứ điểm có từ 1 – 2 đại đội địch. Đến Thu – Đông năm 1950, với lực lượng tập trung tương đương 2 đại đoàn, bộ đội chủ lực cơ động ta đã giỏi đánh điểm diệt viện, diệt gọn cả 2 binh đoàn Âu Phi thiện chiến của địch trong chiến dịch Biên giới. Những năm cuối của cuộc kháng chiến, bộ đội chủ lực của ta phát triển rất nhanh, nhiều đại đoàn và một số binh chủng của lục quân được thành lập; quy mô tác chiến được mở rộng với các hình thức tác chiến phong phú (vận động chiến, chiến dịch phản công, tiến công trận địa quy mô lớn). Trước tình hình đó, công tác huấn luyện càng được đẩy mạnh; nhiều tài liệu huấn luyện mới được biên soạn kịp thời; việc huấn luyện được tiến hành cả ngay trong quá trình chuẩn bị chiến dịch. Vì vậy, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, như: chiến dịch Hà Nam Ninh (1951), Tây Bắc (1952) và chiến thắng của chiến cuộc Đông Xuân (1953 – 1954), đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

     Kết quả vừa chiến đấu, vừa xây dựng, huấn luyện, coi trọng việc học tập kinh nghiệm chiến đấu để xây dựng đơn vị, huấn luyện bộ đội, trong đó khâu then chốt là huấn luyện cán bộ, từng bước nâng cao trình độ tác chiến của bộ đội, trở thành một kinh nghiệm quý của quân đội ta.

     Ba là, chăm lo tăng cường sức mạnh vật chất, trang bị cho quân đội. Nhu cầu to lớn về vật chất được Đảng giải quyết một cách sáng tạo trong hoàn cảnh kinh tế nghèo nàn, công nghiệp quốc phòng chưa có, một phần lớn vùng đồng bằng tạm bị địch chiếm đóng, vùng tự do bị địch đánh phá, cuộc kháng chiến của ta lại đang trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.

     Cuộc kháng chiến mở rộng trên toàn quốc, hình thành những vùng tự do rộng lớn, những khu du kích, căn cứ du kích trong vùng địch tạm chiếm. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của hậu phương, Đảng xác định xây dựng hậu phương – căn cứ địa là “một vấn đề chiến lược quan trọng ngang hàng với vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang”. Vì không xây dựng căn cứ địa tức là không tích cực bồi dưỡng nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho việc xây dựng và phát triển quân đội.

     Trong quá trình của cuộc kháng chiến, Đảng thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc xây dựng mọi mặt căn cứ địa và hậu phương. Để động viên sức dân, vấn đề cấp thiết là phải bồi dưỡng sức dân. Ngay từ đầu năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Thi đua ái quốc trong toàn dân, đẩy mạnh việc sản xuất tự túc, tự cấp. Chính phủ lần lượt ban hành các sắc lệnh giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân nghèo. Nhân dân coi ruộng rẫy là chiến trường, ra sức tăng gia sản xuất. Nhờ đời sống được cải thiện hơn trước, nhân dân có thêm điều kiện đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến, xây dựng quân đội.

     Đi đôi với nguồn bảo đảm vật chất chủ yếu là dựa vào nhân dân, Đảng động viên hai lực lượng quan trọng tham gia sản xuất tạo nguồn cung cấp hậu cần. Đó là các cơ sở kinh tế của Nhà nước và lực lượng quân đội. Quán triệt chủ trương của Đảng, toàn quân tích cực tham gia sản xuất, lập các trại nông binh và tự túc nhiều thứ quân trang, quân dụng, giảm nhẹ phần đóng góp của dân. Theo đà phát triển của cuộc kháng chiến, hậu phương càng được củng cố, mở rộng, thì nguồn cung cấp của quân đội càng dồi dào, bảo đảm cho bộ đội chủ lực đứng chân xây dựng và chiến đấu tại căn cứ địa Việt Bắc, các vùng tự do, các Liên khu 3, 4, 5 và các căn cứ miền Đông và Tây Nam Bộ.

     Để tăng cường vũ khí, trang bị cho quân đội và các lực lượng vũ trang, Đảng ta chủ trương dựa vào hai nguồn: Một mặt ra sức phát huy sáng kiến, tự sản xuất; mặt khác tích cực lấy súng giặc đánh giặc. Càng chiến đấu, vũ khí, trang bị của bộ đội ta càng được tăng cường. Chỉ tính 6 tháng đầu của cuộc kháng chiến, bộ đội ta đã có thêm 10.000 khẩu súng lấy được của địch. Trong chiến thắng Biên giới, số vũ khí và đồ dùng quân sự thu của địch đủ trang bị cho một đại đoàn của ta. Từ đó, đất nước ta nối liền với hệ thống xã hội chủ nghĩa, dựa vào viện trợ của các nước anh em để từng bước đổi mới trang bị cho quân đội.

     Nhờ phương hướng đúng đắn, vũ khí, trang bị của quân đội ta, nhất là bộ đội chủ lực cơ động, ngày càng được tăng cường. Gắn liền với công tác bảo đảm vũ khí trang bị, việc giải quyết đúng đắn vấn đề tổ chức biên chế các loại hình đơn vị phù hợp và vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến, bộ đội đã phát huy hiệu quả của vũ khí, trang bị và sức mạnh con người trong chiến đấu.

     Bốn là, trong nhiệm vụ giáo dục chính trị, Đảng ta hết sức coi trọng giáo dục, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa quân đội với nhân dân; giáo dục bộ đội trong việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân và chấp hành kỷ luật dân vận; giáo dục tinh thần trách nhiêm và nghĩa vụ của nhân dân đối với kháng chiến và xây dựng quân đội. Nhờ đó, nhân dân địa phương ở các vùng tự do cũng như các căn cứ du kích, vùng địch tạm chiếm đã hăng hái hưởng ứng khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự đùm bọc hết lòng của nhân dân đối với bộ đội trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt, đời sống vật chất hết sức thiếu thốn, càng làm cho mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân thêm gắn bó bền vững. Đó là yếu tố tác động sâu sắc đến tinh thần chiến đấu, bảo đảm cho quân đội ta luôn làm tròn nhiệm vụ được giao.

     Trải qua 9 năm kháng chiến, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng bộ đội chủ lực về số lượng và chất lượng. Sự trưởng thành của bộ đội chủ lực đã trở thành lực lượng nòng cốt cùng toàn dân, toàn quân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Thắng lợi đó đã khẳng định sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong hoạch định đường lối kháng chiến nói chung, xây dựng bộ đội chủ lực nói riêng. Đồng thời, những kinh nghiệm trên là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục có những chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn, nhằm xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

_____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.137-138.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.207.

3. Tổng cục Chính trị, Tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Biên niên, tập 1 (1930-1954), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.104.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.423.

 

Tác giả: Hồ Mậu Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *