Kinh tế trang trại hộ gia đình ở yên bái từ 1991 đến nay


 

Yên Bái là tỉnh miền núi có diện tích đất đai khá rộng với nhiều địa hình và tiểu vùng khí hậu khác nhau. Trong những năm qua, kinh tế Yên Bái, nhất là sản xuất nông lâm nghiệp đã có bước phát triển mới, đa dạng về cơ cấu tổ chức. Vì vậy, kinh tế nông – lâm nghiệp ở Yên Bái đã chuyển dịch theo hướng tiến bộ, làm cho xã hội nông thôn có nhiều khởi sắc. Một trong những thành công của Yên Bái là động viên được nhân dân trong tỉnh làm kinh tế trang trại hộ gia đình, phát huy tính năng động sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khơi dậy tiềm năng và nguồn lực để làm giàu, đi lên từ đất đai, lao động và vốn liếng của mình.

Vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương vào tình hình đặc điểm của địa phương, Tỉnh ủy Yên Bái có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng như Chỉ thị 03/CT-TU ngày 18-5-1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về thực hiện thí điểm đổi mới một số vấn đề cơ bản về cơ chế quản lý nông lâm nghiệp; Nghị quyết 03 – NQ/TU ra ngày 15-3-1993 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Tiếp tục đổi mới và phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới đến năm 2000; Nghị quyết số 06 – NQ/TU ngày 14-4-2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ Về xây dựng và phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2003 – 2005 và định hướng đến năm 2010; và, nhiều chương trình hành động khác. Trong đó, phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình đã trở thành chủ trương của Tỉnh ủy. Như vậy, kinh tế trang trại hộ gia đình từ tự phát, đã được phát triển có định hướng.

Yên Bái chỉ đạo thực hiện tạo lập các yếu tố căn bản cho sự phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình ở tỉnh như: chính sách giao đất nông nghiệp 20 năm, đất lâm nghiệp 50 năm; giao đất trống đồi trọc theo nhu cầu sản xuất của hộ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh nhận đất trống, đồi trọc đầu tư phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; cho hộ vay vốn làm kinh tế trang trại lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với cây trồng (như vay trồng chè, gỗ nguyên liệu giấy…); tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng chè, quế, cây ăn quả, cà phê và nguyên liệu giấy…; đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, điện, thủy lợi, cơ sở chế biến tiêu thụ nông sản của người dân trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các hộ lập trang trại phát triển sản xuất theo quy hoạch của vùng; giao nhiệm vụ cho các đơn vị quốc doanh làm dịch vụ đầu vào và đầu ra cho các trang trại và hộ nông dân; thông qua chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi trọc; chương trình giải quyết việc làm 120, chương trình phát triển vùng nguyên liệu giấy 246 để các hộ có điều kiện phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích, động viên các hộ nông dân, các chủ trang trại làm ăn giỏi, thường xuyên tổng kết kinh nghiệm sản xuất, nhân rộng điển hình để phổ biến, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cho nông dân nói chung và các chủ trang trại nói riêng.

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng kinh tế xã hội của từng vùng, Yên Bái tích cực chỉ đạo quy hoạch vùng kinh tế, tạo điều kiện cho các chủ trang trại có định hướng để phát triển. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIII, XIV, XVI, XVII thể hiện rõ chủ trương phát triển kinh tế vùng lãnh thổ, hình thành các vùng kinh tế tăng trưởng cao và các trục động lực phát triển. UBND tỉnh đã cụ thể hóa chủ trương trên bằng Quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Yên Bái từ 1996 đến 2000 và 2010, mà một trong những mục tiêu chính là tạo ra được nền sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, phát triển tổng hợp đa dạng, kết hợp cả nông lâm nghiệp, thủy sản với công nghiệp chế biến và lưu thông hàng hóa một cách đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế trang trại hộ gia đình phát triển với các giải pháp cụ thể.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, đưa kinh tế trang trại hộ gia đình phát triển phù hợp với qui hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn ở Yên Bái, khắc phục tình trạng tự phát kém hiệu quả, kém bền vững; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, mặt nước, lao động, vốn và các tiềm năng kinh tế khác để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động, UBND tỉnh Yên Bái ra văn bản số 505/UB – NLN ngày 26 – 6 – 2000 về việc Quy hoạch phát triển trang trại. Năm 2002, Dự án quy hoạch phát triển kinh tế trang trại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2002 – 2010, được Viện Quy hoạch Thiết kế Nông Lâm nghiệp tỉnh hoàn thành. Từ đó, Yên Bái hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của từng vùng sinh thái, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, qui hoạch lồng ghép các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đạt hiệu quả và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ đó mà, kinh tế trang trại hộ gia đình ở Yên Bái trong những năm qua thực sự khởi sắc, người dân Yên Bái khai thác có hiệu quả được tiềm năng thế mạnh sẵn có trên con đường làm giàu từ đất đai, lao động và vốn liếng của mình.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình Đảng bộ Yên Bái rất quan tâm đến việc khôi phục các tập quán có ý nghĩa tích cực, đồng thời, khuyến khích các loại hình hợp tác kiểu mới, các hội nghề nghiệp… Trong quá trình làm kinh tế trang trại, không phải không diễn ra sự đấu tranh ngay trong nội bộ từng gia đình, như: giữa vợ và chồng, giữa cha và con… nhằm thay đổi thói quen và tư duy cũ của người sản xuất nhỏ, để đi đến cái mới, phong cách làm ăn mới. Ngược lại, có những truyền thống và tập quán cũ rất tốt đẹp, nhưng một thời bị lãng quên, nay được khuyến khích khôi phục lại tạo thành nề nếp trong nông thôn Yên Bái. Chẳng hạn như, vùng người Dao ở Văn Yên, mỗi cặp vợ chồng khi sinh con, mỗi đôi nam nữ khi xây dựng gia đình đều được bạn bè và họ hàng góp sức nhau trồng cho con, cháu vài ngàn cây quế, coi đây là của hồi môn. Nhiều chủ trang trại trẻ trước khi lập nghiệp được gia đình, bạn bè tạo cho vay vốn hoặc giúp xây dựng cơ sở ban đầu, sau đó, mới giao cho quản lý để nâng cao tính tự lập trong cuộc sống. Sự hình thành và phát triển của mô hình trang trại gia đình không hề giảm đi mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, trái lại, nó làm tăng thêm tình cảm cộng đồng. Xung quanh bàn trà, mâm rượu các chủ trang trại bàn luận, trao đổi với nhau kinh nghiệm canh tác, về giống cây, giống con, về giá cả thị trường. Nhiều chủ trang trại ở Yên Bái trích một phần thu nhập của mình đóng góp vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo với tinh thần lá lành đùm lá rách. Nhờ những cơ chế, chính sách thuận lợi mà các hội nghề nghiệp ở Yên Bái hình thành và gắn liền với hoạt động sản xuất và kinh doanh của trang trại. Một số hội phát triển nhanh mạnh đến nay có vài ngàn hội viên như hội những người làm vườn, hội những người chơi sinh vật cảnh, hội nuôi rắn, ba ba, nuôi ong… Những tổ chức này góp phần không nhỏ cho sự phát triển của kinh tế trang trại hộ gia đình ở Yên Bái.

Thực tiễn phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình ở Yên Bái từ năm 1991 đến nay với những thành công và cả những hạn chế, khiếm khuyết đã để lại những bài học kinh nghiệm sau:

Bài học quan trọng hàng đầu được rút ra qua 15 năm lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, là việc quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng làm cơ sở vững chắc, đảm bảo cho các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh sát, đúng với nhiệm vụ chính trị chung của cả nước, đồng thời phù hợp với thực tiễn của địa phương. Do nắm vững đặc điểm, tình hình thực tế, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về đất đai, con người nên các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, trong đó có chủ trương phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng làm giàu chính đáng của nhân dân, được đông đảo nhân dân tiếp nhận, thực hiện.

Trong quá trình tìm tòi cách thức làm ăn mới, Đảng bộ các cơ sở luôn phải có sự tổng kết thực tiễn nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức cũng như kịp thời hoàn thiện chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình. Trang trại đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử tỉnh Yên Bái nhưng vai trò, vị trí của nó chưa được đánh giá một cách đúng đắn. Sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Yên Bái bước đầu có nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế trang trại, vì đây là mô hình kinh tế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (1992), Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định nhiều nội dung có liên quan đến kinh tế trang trại như sớm ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách đất đai, chính sách khuyến nông, chính sách thuế. Chỉ thị 03/CT – TU (tháng 5-1992) của Ban thường vụ tỉnh Về thực hiện thí điểm đổi mới một số vấn đề cơ bản cơ chế quản lý nông lâm nghiệp, đã bước đầu tạo lập các yếu tố quan trọng cho sự phát triển của kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, Nghị quyết 03 – NQ/TU (tháng 3-1993) của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Tiếp tục đổi mới và phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện, xây dựng nông thôn mới đến năm 2000, đã chính thức khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Như vậy, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã sớm nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mô hình kinh tế này.

Đến cuộc hội thảo khoa học về kinh tế trang trại cuối tháng 3-1999 do Tỉnh ủy – HĐND và UBND tỉnh tổ chức, và Báo cáo số 73/BC – TU về Một số vấn đề cơ bản về tình hình quản lý, sử dụng đất đai và kinh tế trang trại ở Yên Bái, sự nhận thức của Đảng bộ tỉnh về kinh tế trang trại đã tương đối có hệ thống. Đây là kết quả của quá trình không ngừng tổng kết thực tiễn. Từ đó, Đảng bộ đưa ra định hướng và những giải pháp nhằm phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở thống nhất nhận thức về kinh tế trang trại, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã có sự chỉ đạo nhằm khuyến khích phát triển mô hình kinh tế này như thực hiện giao đất giao rừng; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại vay vốn phát triển sản xuất; tổng kết mô hình trang trại và các mô hình sản xuất trên từng lĩnh vực trong nông nghiệp, để phổ biến rộng rãi trong chủ trang trại cũng như các hộ nông dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư dưới nhiều hình thức; đào tạo cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật nói chung, trong đó có các chủ trang trại; đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra năng xuất cao trong nông nghiệp; mở rộng các cơ sở chế biến để tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại; cung cấp thông tin thị trường và dự báo thông tin thị trường hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp để các chủ trang trại sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao… Những kết quả mà kinh tế trang trại hộ gia đình ở tỉnh Yên Bái đạt được từ năm 1991 đến nay đã chứng minh cho sự đúng đắn, tính hiệu quả của các chủ trương, chính sách được Đảng bộ tỉnh chỉ đạo đề ra.

Một yếu tố có tính chất quyết định nhằm năng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng là chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên. Yên Bái là một tỉnh miền núi, nhiều tộc dân thiểu số, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội. Do vậy, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định đến quá trình thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương nói chung và nhiệm vụ phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình nói riêng ở Yên Bái. Trong đó, trước hết chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ tại chỗ một cách hợp lý, kết hợp tốt vai trò cán bộ tại chỗ với cán bộ tăng cường. Trong những năm qua, 8.270 cán bộ của tỉnh được học lý luận chính trị và quản lý nhà nước; có 93,3% cán bộ chủ chốt các ban ngành của tỉnh, 62,5% cán bộ cấp huyện, 62,2% cán bộ quản lý doanh nghiệp có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị; 54 cán bộ cơ sở người Mông của 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải được học tập trung về lý luận, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội.

Đảng bộ Yên Bái còn biết phát huy tính tiên phong của lực lượng đảng viên trong xây dựng và phát triển kinh tế. Theo thống kê của Ban kinh tế Tỉnh ủy, có 28% số trang trại của hộ gia đình đảng viên và có 9,6% tổng số đảng viên làm kinh tế trang trại. Trong số đảng viên làm kinh tế trang trại, theo đánh giá của các huyện Trấn Yên, Yên Bình, có 10% là cán bộ cơ sở; 49% là cán bộ, bộ đội đã về hưu, phục viên ở cơ sở và một số là cán bộ nhân viên ở các cơ quan Nhà nước và các nông, lâm trường có gia đình ở nông thôn.

Một số điển hình cụ thể về các hộ gia đình đảng viên làm kinh tế trang trại ở cơ sở như ông Bàn Tiến Vượng (người Dao), nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn (huyện Văn Yên); ông Bàn Hữu Quyên (người Dao), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyên Văn Yên; ông Nguyễn Kim Giao, Bí thư Chi bộ thuộc Đảng bộ xã Đại Minh, huyện Yên Bình; ông Bồ Kế, nguyên là Chủ tịch xã Việt Cường, huyện Trấn Yên; ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch xã Minh Bảo, TP Yên Bái…

Các tổ chức đảng, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ cụ thể, hướng dẫn cho các đảng viên xây dựng, thực hiện các chương trình kế hoạch về kinh tế – xã hội trong trang trại gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã – hội và phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tạo cho đảng viên yên tâm làm giàu chính đáng bằng phát triển kinh tế trang trại và thực sự là người đi đầu trong phong trào công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.

Trong cơ chế thị trường, năng lực sản xuất, kinh doanh của các chủ trang trại là một yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của từng trang trại. Do đó, Đảng bộ và chính quyền địa phương rất chú trọng đến việc bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, quản lý cho các chủ trang trại. UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, sử dụng tốt lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp, thủy lợi đã được đào tạo, đưa xuống nông thôn hướng dẫn nông dân sản xuất. Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm của tỉnh phối hợp với các huyện, xã , hội nông dân mở các lớp tập huấn ngắn ngày cho các chủ trang trại về kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi. Tổ chức đi tham quan khảo sát thực tế, học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Hình thức, nội dung của công tác khuyến nông đối với nông dân nói chung và các trang trại nói riêng rất đa dạng, phong phú. Đối với các vùng tộc người thiểu số, công tác khuyến nông được triển khai một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm. Nhờ đó, năng lực sản xuất kinh doanh của các chủ trang trại ở Yên Bái được cải thiện rõ rệt.

Nhìn chung, trong những năm qua, kinh tế trang trại ở Yên Bái thể hiện rõ tiềm năng, thế mạnh của mình, có tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế địa phương, khai thác thêm nguồn vốn trong dân, mở mang sản xuất trên diện tích đất trống đồi núi trọc, đất hoang hóa ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Kinh tế trang trại cũng góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa. Một số trang trại đã sản xuất và cung ứng giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng, tạo cơ hội cho người nông dân tiếp cận với cơ chế thị trường, làm thay đổi tư tưởng và cách làm ăn nhỏ của cư dân nông thôn. Rõ ràng đây là mô hình kinh tế phát triển phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Nguyễn Quốc Khương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *