Ko Un, một trong những nhà thơ nổi bật nhất của văn chương Hàn Quốc, từng hai lần được đề cử trao giải Nobel văn học, là một tài năng văn chương tuyệt vời. Sáng tác của ông được đánh giá cao ở mọi nơi mà chúng hiện diện, dù đó là bản dịch hay nguyên gốc tiếng Hàn. Đang ở tuổi 70 song sáng tác của ông vẫn tràn đầy sinh lực nhờ được truyền lửa nhiệt huyết từ các chủ đề về phản kháng và tranh đấu, bởi ông luôn tìm cách chống lại thời gian thông qua niềm say mê luôn muốn tạo lập những giá trị và danh tiếng văn chương trong suốt cuộc đời mình.
Đòi hỏi vô hạn với cái mới
Quan điểm triết học của Ko Un có thể gói gọn trong đặc điểm: tự nguyện từ bỏ cái quen thuộc và tiện lợi như là một phần của đòi hỏi vô hạn đối với cái mới. Quan điểm này chính là nguồn lực mạnh mẽ giúp tạo nên vị thế lẫy lừng của ông trong thế giới nghệ thuật văn chương. Ông từng khởi đầu với một sự chú ý dành cho chủ nghĩa thẩm mỹ hư vô trong suốt những tháng năm đầu tiên bước chân vào con đường sáng tạo, tiếp đó là niềm say mê hoạt động chính trị trong cả giai đoạn tuổi trung niên, và sau này là với quan điểm hòa giải thế giới dựa theo lý thuyết Phật giáo và Seon (một hình thức thiền kiểu Hàn Quốc). Văn chương của Ko Un đã trải qua một vòng xoay liên tục của sự thay đổi và cách mạng.
Trong lời mở đầu cuốn sách Poetry Left Behind (Thơ ở lại phía sau), xuất bản năm 2002, ông tuyên bố: “Tôi là tương lai của chính tôi!”. Điều này có thể được hiểu như là một tuyên bố cam kết liên tục tiến đến một tương lai “tôi” hơn là một sự ngắm nghía và suy ngẫm về hiện tại “tôi”. Trước đó, ông cũng có một câu nói nổi tiếng không kém: “Tôi đóng góp cho sự tiêu hủy hơn là cho sự sáng tạo”. Câu nói này nhìn chung còn được thừa nhận như là lời đại diện cho thế giới quan hư vô của ông. Dẫu vậy, tư tưởng này cũng lại được hiểu như một sự tự nguyện của ông trong việc loại bỏ những thành tựu và sáng tạo làm nên một cái gì đó mới hơn từ sự từ bỏ này.
Kết liễu đời cha mẹ! Kết liễu đời lũ trẻ
như vậy mà chẳng phải vậy
và bất cứ điều gì khác nữa…
kết liễu và xóa dấu bởi lưỡi đêm sắc ngọt
Mỗi buổi sáng, bầu trời và mặt đất
bị chất đống bởi cái chết đó
Công việc của chúng ta là chôn cất nó suốt ngày dài
và thiết lập một thế giới mới ở đó.
(Sự phá hủy của cuộc sống)
Bài thơ nói trên được in trong tuyển tập thơ At Munui Village (Ở làng Munui), xuất bản năm 1974. Trong đó, Ko Un đã bộc lộ nguồn gốc và định hướng của chủ nghĩa hư vô của mình. Để tránh thế giới trần tục và những tổn thương tâm lý nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, năm 1952 Ko Un đã chọn con đường trở thành một nhà sư. Dòng đầu tiên của bài thơ: Kết liễu đời cha mẹ! Kết liễu đời lũ trẻ! gợi lại trong tâm trí người đọc về những bài giảng độc đáo của Phật giáo thiền Hàn Quốc tác động tới việc một ai đó cần phải tự mình, giết sư hay thậm chí cả Phật nếu anh ta có gặp họ. Tuy nhiên, dòng thơ cuối: Và thiết lập nên một thế giới mới ở đó, được cố tình tách ra khỏi bảy dòng thơ trên bằng một dòng cách, đã làm nổi bật một điều rằng chủ nghĩa hư vô và sự hủy diệt quấn bện với một nỗ lực có ý thức trong việc thiết lập nên một thế giới mới.
Rõ ràng là việc tự sát của Jeon Taeil, nhà hoạt động xã hội đấu tranh phản đối việc bóc lột công nhân của giới cầm quyền, đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của Ko Un về thế giới cũng như quan điểm của ông về văn chương. Vẫn chưa rõ nghĩa của cụm từ “thế giới mới” trong bài thơ trên. Song một thế giới mới mà Ko Un kiếm tìm để mang lại cho quả đất này được nói đến với một văn phong rõ ràng và có phần gây hấn hơn với bài thơ Early Morning Road (Con đường buổi sớm mai), xuất bản năm 1978. Trong mối liên quan nói trên, từ “những mũi tên” có thể được coi như là một ví dụ đại diện cho thơ ca của Ko Un trong suốt giai đoạn ấy.
Thân thể và tâm hồn, hãy đi đi
Hóa thành những mũi tên!
Xuyên qua không khí
Thân thể và tâm hồn, hãy đi đi
Và đừng trở lại
chết đứng
mục nát với nỗi đau của tổ ấm
không bao giờ trở lại
Một hơi thở cuối! Giờ, hãy rời dây cung
bay đi như những mảnh vụn
mọi thứ chúng ta từng có hàng thập niên qua
mọi thứ chúng ta từng hưởng thụ hàng thập niên qua
mọi thứ chúng ta từng chất đống hàng thập niên qua
hạnh phúc
tất cả, toàn bộ
thân thể và tâm hồn, hãy đi đi
biến đổi thành những mũi tên!
bầu không khí đang la hét! Xuyên thủng không khí
Thân thể và tâm hồn, hãy đi đi!
Trong ánh sáng ngày tăm tối, mục tiêu lao về phía chúng ta
Cuối cùng, khi mục tiêu ngã xuống trong cơn mưa máu
hãy để tất cả, chỉ là một, như những mũi tên
chảy máu
Không bao giờ trở lại! Không bao giờ trở lại!
Mưa đá, những mũi tên, những mũi tên của dân tộc chúng ta!
Mưa đá, những chiến binh của dân tộc chúng ta! Những linh hồn!
Tất nhiên, ở đây, từ “mục tiêu” có thể không rõ nghĩa. Dầu sao, khi xem xét đến những hoàn cảnh xã hội phổ biến trong thời gian giữa thập niên 70, TK XX, ở Hàn Quốc cùng sự lan truyền rộng rãi của bài thơ trong giới sinh viên và hoạt động xã hội, hiển nhiên sẽ thấy rằng Ko Un đã bỏ lại phía sau mình chủ nghĩa hư vô của thời trẻ tuổi và hướng tới thử thách trong việc sáng tạo nên một trật tự chính trị mới. Suốt thập niên 80, TK XX, sự kết hợp giữa những cố gắng trong văn chương của ông với những tham dự cá nhân vào các chương trình chính trị, cùng một quyết tâm vững vàng đã trở thành một tác động kết hợp giúp cho những niềm tin của ông đơm hoa kết trái.
Mặc dù thơ ca và những hành động của Ko Un đem lại cho ông một vị thế đầy ảnh hưởng tới những nhân vật tiền phong hoạt động chính trị của Hàn Quốc trong suốt thập niên 80, ông vẫn tìm kiếm sự khám phá một con đường sáng tạo sâu rộng hơn cho riêng bản thân mình. Từ năm 1987 đến 1994, ông dành thời gian cho Baekdusan, bộ sử thi bảy tập đề cập đến vấn đề độc lập của quốc gia Triều Tiên và việc tái thống nhất bán đảo Triều Tiên. Trước đó một năm, năm 1986, ông bắt đầu viết một tác phẩm văn chương bậc thầy khác, Ten Thousands Lives (tức Maninbo, Mười nghìn cuộc đời). Đây là một giai đoạn mà văn chương minjung (theo tiếng Hàn, có thể hiểu đó là một dạng văn học dấn thân) chưa bị phân hóa trong những dòng chảy xã hội và chủ nghĩa dân tộc. Nói cách khác, trong khi phần lớn những tác giả minjung khác cạnh tranh với nhau nhằm làm sáng tỏ định nghĩa về dòng văn chương này, Ko Un đã chạm tới một điểm mà ở đó, ông nhận thức được sự cần thiết đối với minjung là sống đời của họ một cách gương mẫu tại trận tiền của xã hội
Một chốc lát được sinh ra giữa anh và tôi!
ở đó, những vì sao xa nhất mọc lên
những cuộc gặp gỡ của con người-
trong hàng trăm dặm trường của Buyeo (tra cứu)
trong mỗi ngôi làng của 54 quốc gia Mahan cổ
Kể từ đó, những cuộc gặp của con người trong chỉ một vùng đất tổ
Trong vùng đất tổ này
việc chia tách còn có nghĩa là một sự mở rộng
Đám rước cho một đời sống bất tận
Trong đó không có ai tồn tại một mình. Ngày mai!
A, một người có thể là một người, một thế giới, chỉ khi ở giữa những người khác.
(Lời nói đầu trong Maninbo)
Bộ sách 30 tập Maninbo đã làm nảy sinh trong ông một ước vọng là tập hợp lại những hồi ức của ông về mười nghìn con người mà ông từng gặp gỡ trong đời. Tác phẩm này được cho là sẽ ra mắt trong năm 2009. Cho dù số lượng người đã giảm xuống còn ba nghìn, ấn phẩm cuối cùng trong seri các bài thơ của ông, trong sự trọn vẹn của nó, sẽ thể hiện được thành công toàn diện của một tác phẩm văn chương với quy mô chưa từng thấy của Ko Un đồng thời là một minh chứng nhìn thấy được cho tham vọng vô biên của ông.
Sự sáng suốt và trực giác
Mặc dù định hướng thơ ca của Ko Un có thể đã trải qua những thay đổi trong suốt 50 năm sự nghiệp của ông, trực giác và sự sáng suốt dựa trên nền tảng thiền Hàn Quốc (Seon) của ông vẫn kiên định. Thơ của ông, dù được sáng tác khi nào, đều có đặc điểm là một sự không tiếp nối quyết liệt của tư duy, lạc ra ngoài lãnh địa của sự khôn ngoan đầy nghi thức và một sự sáng tạo của những ý niệm nghịch lý. Đặc điểm này, vốn được bén rễ trong khoảng 10 năm tu hành của ông, được thể hiện rõ hơn trong những sáng tác ông viết kể từ thập niên 90, TK XX. Thơ của ông được bạn đọc rộng rãi quan tâm một cách mãnh liệt là vì trong đó hiển hiện rõ một mối nhạy cảm, một tri giác gần với tinh thần thiền phương Đông thấm đẫm màu Hàn Quốc (Oriental Seonlike), và thực tế là mối tình cảm như vậy không thể được tái tạo trong một phối cảnh phương Tây nào đó.
Yi Mungu, một người bạn thân gần của Ko Un và là một tiểu thuyết gia, qua đời năm 2003, từng nói: “Nếu tôi phải nói gắn gọn về bản diện của Ko Un trong một từ, từ đó sẽ là toàn diện“. Đánh giá này được minh chứng bởi khoảng 150 sáng tác của ông đã được xuất bản cho đến ngày hôm nay, trong đó bao gồm những bộ sách lớn thuộc đủ mọi thể loại: thơ, tiểu thuyết hư cấu, tiểu luận, du ký, bình luận, tiểu sử phê bình (về các tác giả khác). Hơn thế nữa, cũng cần thiết phải biết rõ các thành tựu trong những thể loại nghệ thuật khác ngoài thơ của Ko Un, bởi những thành tựu ấy có vẻ như bị sự nổi tiếng trước đó nhờ thơ ca của ông phủ bóng…
Một sự tò mò lớn cùng một nguồn cảm xúc bao la giúp ông có khả năng phá vỡ những đường biên giới giữa các thể loại nghệ thuật và hơn thế, giúp ông vượt qua những ngăn cách giữa ngôn ngữ và hình thức. Năm ngoái, Trung tâm văn hóa của Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation) đã tổ chức triển lãm tranh của ông với tiêu đề Nét vẽ của những động từ, kỷ niệm 50 năm sự nghiệp của một nhân vật văn chương. Triển lãm gồm 37 bức tranh, trong đó có cả tranh chất liệu acrylic, những bức thư pháp, và tranh theo trường phái Seon. Tất cả được vẽ chỉ trong 12 ngày giữa một mùa hè nóng nực của năm 2008. Những bức tranh được mọi người hết lời ca ngợi, lại hé mở cho công chúng biết thêm về một khía cạnh vốn ít được đề cập đến của một bậc kỳ tài sáng tạo.
Có phải điều này gợi ý cho một quan hệ trực tiếp giữa tài năng văn chương và tài năng trong những lĩnh vực khác? Hay tất cả các hình thức nghệ thuật đều bắt nguồn từ một gốc rễ chung? Điều đáng ngạc nhiên hơn khi xem tranh của ông là sự trôi chảy của màu sắc phủ đầy mỗi centimet bề mặt tranh và không để lại một khoảng trống nào. Hội họa của giới nhà văn thường có đặc điểm là mang cảm thức của chủ nghĩa tối giản và sử dụng khoảng trống trên tranh. Tuy nhiên, Ko Un thì khác, ông lờ đi ý niệm Đông phương về khoảng trống. Ông nói: “Tôi rất thích sự chồng lớp phong phú về màu sắc, tính vật chất cùng chủ nghĩa duy cảm lộ ra trên tranh sơn dầu, thêm nữa là khả năng phủ kín bề mặt của loại tranh này với những màu sắc sặc sỡ”. Cách thức tiếp cận không chính thống này của ông với hội họa phản ánh rõ quan điểm triết học của ông.
Ông diễn giải: “Tôi không thể sống phần còn lại của đời mình theo cách đơn giản là hài lòng với những gì mình đã đạt được. Tôi không nhằm giải quyết hay trả lời những câu hỏi bất ngờ xảy đến trong nửa đời trước kia của mình. Tôi sẵn sàng giải quyết những biến chuyển hay thử thách tiếp theo mà cuộc sống ném vào đời tôi. Hơn cả việc tổng kết sự nghiệp trong 50 năm qua, tôi đã có kế hoạch sử dụng phần đời còn lại của mình để sáng tạo nên một tương lai vinh quang”. Suy nghĩ này thể hiện rõ một tinh thần bất khuất của ông và một đòi hỏi vô tận về sự tạo lập lại.
Trẻ mãi
Ko Un lên kế hoạch chinh phục một thử thách mới sau khi tập cuối của Maninbo được xuất bản trong năm nay. Trước mắt, ông sẽ tập trung cho những tác phẩm lớn, chẳng hạn như Virgin (Trinh nữ), một sử thi và là một công trình thi ca giàu tính chất siêu hình dựa trên câu chuyện cổ tích về nhân vật được yêu thích là Sim Cheong, và Destiny (Số phận) – một công trình tìm tòi sâu sắc về khả năng sáng tạo nên một trường tư tưởng mới kết hợp được những giá trị của cả phương Đông và phương Tây. Tuy vậy, như ông nói, ông vẫn đang tự vấn bản thân về khả năng hoàn thành những dự định trên, bởi ông trung thành với khái niệm về “số phận như là một hình thức của việc viết bẩm sinh”.
Ko Un có lẽ là thành viên lỗi lạc nhất của giới văn chương Hàn Quốc, nhìn từ góc độ danh tiếng của ông ở nước ngoài nhờ vào thành tựu sáng tác to lớn của ông suốt hơn nửa thế kỷ qua. Song như trong đánh giá của Yom Moo-ung về bài thơ Sự trống rỗng của Ko Un, có đoạn: “Thơ ca của Ko Un có lẽ chưa khi nào đạt đến đỉnh”. Thực vậy, cam kết của Ko Un với chính quan điểm của ông “tôi là tương lai của chính tôi” là minh chứng hiển nhiên hơn bao giờ hết (1).
(dịch từ tạp chí Koreana, No.4, 2008)
_______________
1. Tiêu đề nguyên văn: Poet Ko Un: I am my own future! (Nhà thơ Ko Un: Tôi là tương lai của chính tôi!).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 299, tháng 5-2009
Tác giả : Choi Jea Bong (An Đông dịch)
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ