KỸ THUẬT RUNG TIẾNG CỦA KÈN HAUTBOIS

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Trong quá trình diễn tấu âm nhạc, có một kỹ thuật mà những người thổi kèn hautbois rất ưa chuộng, đó là rung tiếng. Kỹ thuật này hay được sử dụng ở ca sĩ, các nhạc cụ đàn dây và đặc biệt ở các nhạc cụ kèn hơi, là nhạc cụ có tính truyền cảm cao rất gần với giọng hát.
Vậy bản chất của rung tiếng là gì? Đó chính là những sự thay đổi có tính chu kỳ về cao độ. Ở nhạc cụ dây, để có tiếng rung, người ta lắc nhẹ ngón tay trên dây đàn, khi tăng rộng hay làm ngắn đoạn dây làm thay đổi chu kỳ tần số của dao động đó. Còn ở nhạc cụ kèn hơi, tiếng rung có được do tác động của dăm kèn, môi, cằm và luồng không khí thổi ra. Chất lượng của rung tiếng cũng khác nhau khi ta dùng những phương pháp khác nhau. Nghệ sĩ kèn hautbois nên luyện tập tất cả các phương pháp này và lựa chọn ra phương pháp có hiệu quả cao nhất.
Cùng thổi một lượng không khí vào kèn, khi ta mím chặt môi hơn bình thường, tức là có sự hỗ trợ của cằm và hàm dưới thì ta có một âm thanh cao hơn, ngược lại, nếu ta nới lỏng môi hơn và nhả cằm, hàm dưới ra thì lại có được một âm thanh thấp hơn. Nếu quá trình này được lặp đi lặp lại thì ta có được tiếng rung. Kỹ thuật này là kỹ thuật dễ thực hiện nhất, nhưng sẽ có một số vấn đề nảy sinh là: chóng mỏi môi nếu sử dụng nhiều tiếng rung, âm thanh nghe hời hợt bên ngoài và đặc biệt làm ảnh hưởng độ bền của chất lượng dăm kèn. Muốn sử dụng kỹ thuật này thì dăm kèn phải thật tốt, chất sậy làm dăm kèn phải mới và có sự đàn hồi cao. Ngược lại, nếu dăm không tốt, không còn mới thì khi ngậm chặt môi sẽ có âm thanh cao hơn, lúc đó miệng dăm bị nhỏ lại và không mở ra như vị trí ban đầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Mà dăm kèn ở Việt Nam nói chung và dăm kèn cho học sinh nói riêng là một vấn đề không nhỏ. Một chiếc dăm Pháp hay Úc giá khoảng mười đô la nên học sinh không thể thường xuyên có dăm mới để sử dụng kỹ thuật này. Ngoài ra kỹ thuật này làm độ bền của dăm kèn bị giảm sút.
Một kỹ thuật khác của tiếng rung mà những nghệ sĩ kèn hautbois hay sử dụng, đó là rung hơi trong cổ. Kỹ thuật này có ưu điểm hơn là không làm ảnh hưởng xấu cho dăm kèn, ít bị phụ thuộc vào chất lượng dăm kèn hơn, nhưng tiếng rung cũng chỉ sâu và dày tiếng được từ cổ trở ra thôi.
Phương pháp rung tiếng bằng cơ bụng là phương pháp có tính ưu việt hơn cả. Phương pháp này ít bị phụ thuộc vào chất lượng dăm kèn, không ảnh hưởng đến độ bền của dăm và đặc biệt có chất lượng tiếng rung cao nhất. Do vậy tôi chỉ xin phép được trình bày cách tập của phương pháp này.
Bước đầu tiên ta phải học kỹ thuật staccato. Đây là kỹ thuật mà so với các nhạc cụ khác, kèn hautbois thực hiện được chính xác và chuẩn hơn cả. Nên cho học sinh bắt đầu tập ở các nốt si hay đô là những nốt ở âm vực trung của kèn hautbois. Staccato là sự kết hợp rất chính xác giữa lưỡi và hơi. Hơi thổi ra phải rất nhanh, mạnh, gọn như là bật hơi ra vậy. Sau khi làm chủ kỹ thuật này mới chuyển sang học tiếng rung. Trước hết phải ngân dài, thẳng tiếng (vẫn bắt đầu bằng nốt si hay đô) không được ngừng lại hay ngắt tiếng giữa chừng, rồi đồng thời sử dụng bật hơi của kỹ thuật staccato ta sẽ có cao độ âm thanh cao hơn và lại thổi hơi như cũ để có được âm thanh ban đầu. Nếu ta thực hiện được những chu kỳ như vậy ta sẽ có được tiếng rung. Tất nhiên, khi mới bắt đầu tập, sẽ nghe thấy tiếng bị thô, nhưng cơ bản phải tập cho đúng phương pháp và chu kỳ tiếng rung thật đều đặn, chậm, sau đó mới cho tập chu kỳ nhanh hơn và sự bật hơi cũng nhẹ nhàng hơn, mềm mại hơn thì chất lượng tiếng rung cũng sẽ đều đặn, dịu dàng và truyền cảm hơn.
Tiếng rung ở tốc độ và nhịp điệu khác nhau cần phải có ở các tần số khác nhau, thí dụ ở những chương nhanh hay bài có tốc độ nhanh thì phải rung nhanh. Ngược lại, ở chương chậm hay bài có tốc độ chậm phải rung chậm. Khi thổi nhỏ thì tần số rung phải hẹp, khi thổi to thì tần số rung phải rộng hơn. Ở những nhịp điệu khác nhau, cũng phải sử dụng kỹ thuật khác nhau: nếu ở nhịp 1/4, 2/4, 3/4 hay 4/4 thì trong một đen ở tốc độ nhanh có thể rung hai lần và ở tốc độ chậm có thể rung bốn lần, nhưng trong trường hợp có chùm ba hay chùm sáu thì cũng phải rung ba hay sáu lần. Còn ở nhịp 3/8, 6/8, 9/8 thì trong một nhịp có tốc độ nhanh có thể rung ba lần, nếu chậm có thể sáu lần. Khi mới học tiếng rung phải tập ở một vài nốt có trường độ lớn như trắng hay tròn, sau đó nâng lên rung cả bài mà không nghỉ rung, để học sinh được tập luyện làm chủ kỹ thuật này: về độ mềm mại, đều đặn và khả năng chịu đựng của cơ bụng và hơi bụng được bền khi rung tiếng. Còn trong diễn tấu của bản nhạc, không phải lúc nào cũng rung, khi hòa tấu cùng dàn nhạc chỉ sử dụng kỹ thuật rung tiếng khi có câu solo, khi thổi hòa cùng các nhạc cụ khác thì người ta thường không rung tiếng (nếu có sử dụng thì phải có sự thống nhất với nhau về sự tăng nhanh, hay chậm, rung mạnh hay rung nhẹ để có sự hòa hợp về âm thanh).
Kỹ thuật rung tiếng là một trong những đặc trưng của kèn hautbois nên người thổi kèn hautbois phải làm chủ và khai thác triệt để kỹ thuật này để khả năng thể hiện tác phẩm âm nhạc được hiệu quả hơn.
Kỹ thuật rung tiếng được thực hiện nhờ các bộ phận cơ thể như: môi, cổ, ngực và bụng. Đó là kỹ thuật rung tiếng cơ bản nhất. Kỹ thuật này được sử dụng từ những thời kỳ âm nhạc như: tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn và ấn tượng. Tiếng rung các thời kỳ này thường đều đặn, tần số rung từ hẹp đến biên độ rung khá lớn. Tốc độ rung tiếng cũng không quá chậm hay quá nhanh. Tiếng rung này phù hợp với các thời kỳ âm nhạc nêu trên. Trong các thời kỳ âm nhạc này, âm nhạc thường được sử dụng để tả thiên nhiên tươi đẹp, những bài hát dân ca, điệu nhảy hay cuộc sống khá thanh bình. Nhưng đến TK XX, XXI với sự phát triển ngày càng mạnh của ngành công nghiệp, nhịp độ cuộc sống nhanh hơn, những tiếng động, những âm thanh trong cuộc sống đương đại dần trở nên mạnh mẽ hơn, phong phú đa dạng hơn. Nhiều nhạc sĩ TK XX, XXI đã sử dụng nhiều chất liệu, màu sắc âm thanh mới để tả cuộc sống đương đại. Nghệ sĩ biểu diễn phải sử dụng vật dụng đời thường (như tiếng va chạm của những đồ bằng sắt, đá) để tạo ra những âm thanh mới lạ giống trong cuộc sống hàng ngày.
Kỹ thuật rung tiếng cũng được nghệ sĩ kèn hautbois áp dụng trong việc thể hiện tác phẩm âm nhạc TK XX, XXI. Nghệ sĩ kèn Hautbois có thể diễn tả những tiếng động âm thanh trong cuộc sống đương đại quanh ta như: tiếng gió thổi, tiếng rú gào thét, tiếng còi tàu, tiếng động của tàu hỏa… Để tạo hiệu quả những âm thanh khác nhau đó, nghệ sĩ kèn hautbois có thể dùng nhiều biện pháp như: tiết tấu của tiếng rung là từ nhanh đến chậm, hoặc ngược lại từ chậm đến nhanh, tiết tấu này có thể nhanh dần đều, chậm dần đều hay hoàn toàn ngẫu hứng theo ý muốn của nghệ sĩ. Một cách khác tạo tiếng rung là chuyển động nhạc cụ để phá vỡ sự yên tĩnh của âm thanh. Người nghệ sĩ có thể cho kèn chuyển động vòng tròn, đưa kèn lên, xuống sang phải trái hay kéo kèn ra xa, đưa vào gần.
Một kỹ thuật để rung tiếng được các nghệ sĩ kèn hautbois đương đại hay sử dụng khi trình bày tác phẩm âm nhạc là: rung lưỡi gà trong cổ họng hay rung trực tiếp tất cả thân lưỡi. Kỹ thuật rung lưỡi gà trong cổ họng thường được sử dụng khi diễn tả âm thanh nhỏ, huyền bí vì độ rung của kỹ thuật này không thể tạo ra âm thanh to, tiếng rung này chỉ hiệu quả trên một nền âm thanh rất yên tĩnh, xa xăm. Nghệ sĩ kèn hautbois thường sử dụng rung toàn thân lưỡi để có hiệu quả tiếng rung thô sơ, to và nhanh. Kỹ thuật rung tiếng bằng lưỡi sẽ được sử dụng để tạo âm thanh miêu tả sự nóng giận, dọa nạt như tiếng gầm gừ vậy. Kỹ thuật này được áp dụng khi nhạc sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn muốn có sự tương phản với sự tĩnh lặng, hiền hòa, dịu dàng trong trình diễn tác phẩm âm nhạc.
Chúng ta cũng hay được thấy kỹ thuật rung tiếng trong nhiều nhạc cụ cổ truyền Việt Nam như: rung tiếng của đàn bầu và các nhạc cụ đàn dây như nguyệt, nhị, thậm chí của cả đàn thập lục, tam thập lục. Rất gần với kỹ thuật rung tiếng của kèn hautbois, chúng ta còn thấy rất rõ ở các nhạc cụ hơi Việt Nam như kèn sona, sáo trúc, sáo mèo, tiêu, khèn…
        Trên đây là một số đặc điểm về kỹ thuật rung tiếng mà tôi trong nhiều năm qua đã tìm hiểu và thực hiện. Tôi mong rằng sẽ có nhiều ý kiến của các nghệ sĩ, giảng viên khác để kỹ thuật rung tiếng của bộ môn kèn hautbois được phong phú và ngày càng hoàn thiện hơn. Với kỹ thuật rung tiếng, nghệ sĩ kèn hautbois sẽ có thêm một kỹ thuật để có thể trình diễn tác phẩm âm nhạc được hấp dẫn và hiệu quả hơn; đáp ứng được yêu cầu của các thời kỳ âm nhạc từ tiền cổ điển, cổ điển lãng mạn, ấn tượng… đến hiện đại và thời kỳ âm nhạc đương đại của cuộc sống TK XXI này.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Ngô Phương Đông

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *