Ký ức chợ quê ngày Tết

Vào những ngày này của tháng chạp, nhịp sống như trở nên gấp rút hơn, nhất là ở các khu chợ. Chợ quê những ngày cuối năm cũng nhộn nhịp, đông vui nhưng vẫn giữ được nét bình dị, ấm cúng. Gần đến Tết, tôi tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi để cùng mẹ đi mua sắm. Ra đến chợ, tôi như tìm lại được những mảng ký ức xưa, ký ức của tình người, tình quê, mộc mạc và chân thành.

Như chỉ mới đây thôi, góc chợ quê còn nép mình bên dòng sông chỉ lơ thơ vài túp lều tranh được dựng tạm bợ thì hôm nay, góc chợ cũ kĩ ngày nào đã được chuyển sang khu đất mới có phần rộng rãi hơn, được xây dựng khá khang trang. Cuộc sống nông thôn ngày càng hiện đại, nhu cầu mua sắm của mọi người cũng dần tăng lên, nhất là vào dịp Tết. Trước mắt tôi là những gian hàng tấp nập trải dọc theo con đường dẫn vào chợ, với đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép đến rau quả, bánh trái.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần được theo mẹ đi chợ Tết, tôi lại nắm chặt bàn tay chai sần của mẹ, chỉ vì sợ lạc mất mẹ trong lúc mê mải ngắm nhìn những bộ quần áo đẹp được treo trong các gian hàng. Tết về có nhiều thứ cần sắm sửa nên chi tiêu trong gia đình được mẹ suy nghĩ cân nhắc. Mặc dù vậy, mẹ vẫn muốn mua cho các con những bộ quần áo mới. Mẹ dẫn tôi đến gian hàng bán quần áo, dịu dàng bảo tôi chọn bộ đồ mà tôi thích nhất rồi mặc thử cho mẹ xem. Lòng tôi mừng rơn vì sắp được khoác lên mình bộ quần áo đẹp. Trở về nhà với áo quần mới, cảm giác hạnh phúc vẫn còn vương vấn mà không để ý chiếc áo mẹ mặc cũng đã cũ sờn. Rồi tôi lớn lên, đời sống dần khấm khá, tôi vẫn thích được tự tay lựa những loại vải có màu sắc, hoa văn hợp với mẹ để biếu mẹ những khi được về nhà. Mỗi lần như thế, tôi lại bồi hồi nghĩ về những bộ quần áo mới ngày xưa được mẹ chắt chiu, dành dụm để mua cho đàn con một thuở nhọc nhằn.

Còn nhớ những năm trước đây, gia đình tôi thường trồng hoa lay ơn đúng vào dịp Tết để bán. Mới sáng sớm khi màn sương còn phủ kín lối đi, tôi đã theo mẹ ra chợ phụ bán hoa. Trong ký ức của tôi, chợ ngày ấy cũng đông vui và nhộn nhịp lắm. Mẹ xếp những đóa hoa tươi, màu phơn phớt hồng trên tấm bạt mỏng được lót trên nền đất. Người đến mua ngồi xuống để chọn lựa. Được cùng mẹ ra chợ bán hoa vào những ngày giáp Tết, lòng tôi lâng lâng những cảm xúc khó tả, vừa vui mừng, hạnh phúc khi có nhiều người đến mua hoa của mẹ, vừa háo hức, nôn nao mong Tết đến thật nhanh. Giờ đây, gia đình tôi không còn trồng hoa lay ơn nữa nhưng ký ức về những buổi chợ Tết năm nào vẫn luôn là hình ảnh đẹp trong trái tim tôi.

Mỗi khi đi chợ Tết, gian hàng bán đèn dầu luôn thu hút ánh nhìn của tôi. Chúng gợi nhớ trong tôi về một thời thiếu thốn khi mọi người chưa có điện để dùng. Cuộc sống hôm nay tuy đã nhiều phần hiện đại nhưng chiếc đèn dầu vẫn được bày bán để thắp lên bàn thờ ông bà trong 3 ngày Tết. Tết năm nào, mẹ tôi cũng chọn mua một chiếc đèn dầu mới – vật dụng thắp lên ngọn lửa ấm áp về cội nguồn và lòng tưởng nhớ ông bà.

Ngoài đèn dầu, ở một góc chợ quê, tôi cùng mẹ cũng thường đến gian hàng nhỏ bán những chiếc rế được đặt trong đôi gióng con con. Ngày xưa, mỗi khi đi chợ sắm Tết, mẹ tôi đều chọn mua những chiếc rế nhỏ cùng đôi gióng mây. Ngày ấy, tủ lạnh chưa ra đời, mẹ treo nồi thức ăn lên cao bằng chiếc gióng mây để tránh bị chuột hay chó mèo ăn vụng. Những chiếc rế nhỏ cùng đôi gióng mây luôn tạo cho tôi một cảm giác thân thương và gần gũi biết bao, giờ có lẽ chỉ còn trong ký ức.

Vào những ngày cuối năm, đi chợ quê mới cảm nhận hết sự gần gũi, thân thương rất đỗi mộc mạc, chân phương của thôn quê. Đi chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở tôi hướng về cội nguồn và không quên gìn giữ những nét đẹp truyền thống. Có bao mảng màu hài hòa, pha trộn trong góc chợ ngày Tết, mỗi hình ảnh lại gắn với những kỷ niệm để tôi biết trân quý những thứ từng gắn bó với tuổi thơ, thấy thương mẹ xiết bao cả một đời gồng gánh nhọc nhằn.

Tác giả: Trần Thị Thắm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *