Lại bàn về lễ hội ở nước ta hiện nay

Trong những năm gần đây, lễ hội ở nước ta phát triển nhanh chóng về số lượng, quy mô cũng như tính phức tạp. Ước tính một năm ở Việt Nam có trên 8.500 lễ hội được tổ chức, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhưng ở nhiều lễ hội vẫn còn tồn tại những hiện tượng phản cảm, phản văn hóa, đồng thời cũng có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cách nhìn nhận vai trò, vị trí và cách quản lý lễ hội. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải tìm hiểu, nghiên cứu một cách có hệ thống về nguồn gốc, bản chất của lễ hội và quá trình vận động, phát triển của nó trong thời kỳ toàn cầu hóa với những mối quan hệ đa chiều phức tạp. Từ đó, có thể góp phần định hướng cho lễ hội phát triển theo hướng nhân văn, khoa học.


Khái niệm lễ hội

Hiện nay, tồn tại nhiều cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau về lễ hội, nhưng chúng tôi cho rằng, về bản chất khi nói đến lễ hội cần phải nhấn mạnh đến một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo của một cộng đồng dân cư trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Lễ hội truyền thống thường diễn ra trong không gian các làng quê (hội làng hoặc liên làng), hoặc cấp vùng hay cấp quốc gia. Đa số lễ hội gắn liền với cuộc sống và phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, đi rừng, thủ công nghiệp…) theo chu kỳ âm lịch (lịch mặt trăng). Lễ hội được tổ chức chặt chẽ, mang theo sắc thái văn hóa vùng và văn hóa dân tộc, thường được diễn ra vào mùa xuân, thu. Đó là khoảng thời gian nông nhàn và thời tiết khô ráo, mát mẻ, ít mưa bão (1).

Thứ hai, lễ hội là một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời, có thể nói rằng trong lễ có hội, trong hội có lễ. Bởi, khi tiến hành nghi lễ ở đình, chùa, đền, miếu cũng là lúc hội được bắt đầu, mỗi thành viên trong làng tham gia trẩy hội, họ đều hướng tới khát vọng cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Thứ ba, không gian lễ hội là không gian ba chiều, bao gồm không gian địa lý (trời, đất, núi, sông, rừng, biển…), không gian xã hội (cộng đồng dân cư làng, liên làng, siêu làng cùng những thiết chế văn hóa xã hội), không gian tâm linh (đình, chùa, miếu, cùng những tình cảm, suy nghĩ, khát vọng, ước muốn của con người), trong đó không gian tâm linh rất quan trọng.


 Hội làng Chử Xá. Ảnh Hòa An

Thứ tư, căn cứ vào vị thần thánh được thờ phụng và quy mô diễn ra lễ hội mà chúng ta có thể phân chia thành các loại hình lễ hội khác nhau: lễ hội gắn với văn minh nông nghiệp (hội mùa), lễ hội làng nghề (thờ tổ nghề), lễ hội tưởng nhớ tới công lao của các vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước (lễ hội Gò Đống Đa (05 tháng Giêng), lễ hội thờ Hai Bà Trưng (05 – 02), lễ hội tôn giáo (Yên Tử, chùa Hương, Bái Đính, Giáng sinh…). Hiện nay, người ta còn phân chia lễ hội truyền thống với lễ hội hiện đại (Festival, Carnavan…) hoặc phân chia hội làng với lễ hội quốc gia. Do ảnh hưởng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh, đa thần giáo mà nhiều lễ hội Việt Nam có sự đan xen giữa các loại hình với nhau.

Thứ năm, lễ hội là hoạt động mang tính xã hội cao, hội tụ tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể của con người. Chủ thể quản lý lễ hội là nhà nước, kết hợp với sự điều hành trực tiếp của chính quyền sở tại. Thông qua hoạt động lễ hội mà tinh thần yêu nước, tinh thần thượng võ, tính cố kết cộng đồng được đề cao. Lễ hội nào cũng hướng tới sự giáo dục con người về đạo đức, lối sống và cách ứng xử nhân văn. Trong không gian lễ hội luôn luôn có sự song song tồn tại và đan xen giữa những định chế của làng, xã với luật pháp của triều đình trung ương, đồng thời, chúng ta cũng có thể nhận thấy mối liên hệ và sự tương phản của những quan niệm, thiết chế khắt khe ở trung tâm linh thiêng (đình, chùa) với sự tự do, phóng khoáng của cá nhân ở khu vực xung quanh đến mức có thể vượt qua mọi lễ giáo của chế độ phong kiến để vươn tới những khát vọng của mình ở những trò vui chơi trong lễ hội mà ngày thường họ không thể vượt qua.

Khái niệm quản lý nhà nước về lễ hội

Muốn cho đất nước phát triển đúng hướng và ổn định, nhà nước phải thực hiện quản lý trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh… Trong quản lý nhà nước về văn hóa có nhiều lĩnh vực khác nhau và lễ hội là một lĩnh vực không thể thiếu bàn tay quản lý của nhà nước.

Theo nghĩa Hán Việt, “Quản lý là sự trông nom, coi sóc, quản thúc, bó buộc ai đó theo một khuôn mẫu, quy định, nguyên tắc, luật pháp đã đề ra” (2).

Quản lý nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu một bộ phận hoặc một đơn vị. Ngày nay, chúng ta có thể thống kê hàng trăm định nghĩa khác nhau về quản lý, trong đó có định nghĩa nhấn mạnh đến chức năng quản lý, hoặc nhấn mạnh đến sự tác động của quản lý, quyền lực của quản lý…

Tác giả H.Fayol cho rằng, “quản lý là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, phối hợp và kiểm tra” (3). Còn C.Mác quan niệm, “tất cả mọi lao động xã hội trên quy mô tương đối lớn thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ huy để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển bản thân, còn một giàn nhạc bao giờ cũng cần một nhạc trưởng” (4).

Vậy chúng ta có thể hiểu, quản lý là nhu cầu tất yếu của xã hội khi bước vào văn minh, là quá trình chủ thể quản lý thực hiện nhiệm vụ tổ chức, điều hành xã hội theo những quy định của luật pháp và phong tục tập quán, nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Từ đó cho thấy, quản lý nhà nước về lễ hội là sự tác động có tổ chức, bằng quyền lực nhà nước, do các cơ quan trong hệ thống hành chính từ trung ương đến cơ sở tiến hành theo những nội dung, nguyên tắc và phương thức nhất định. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước bằng công cụ luật pháp góp phần tạo ra một môi trường tốt đẹp cho lễ hội phát triển.

Nói cách khác, quản lý nhà nước về lễ hội là nhiệm vụ của cơ quan công quyền các cấp, được thực hiện thông qua luật pháp và các văn bản dưới luật (Nghị định, thông tư, chỉ thị…) nhằm định hướng cho lễ hội hoạt động, duy trì, khuyến khích những mặt tốt đẹp của dân tộc. Quản lý nhà nước về lễ hội mang tầm bao quát, chiến lược, vĩ mô, toàn diện.

Thực trạng hoạt động lễ hội và quản lý lễ hội hiện nay

Sau thời gian chiến tranh kéo dài và thời bao cấp khó khăn, lễ hội ở các địa phương được khôi phục và phát triển nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, cũng như cơ chế chính sách thông thoáng của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Nhu cầu phục hồi sinh hoạt lễ hội của nhân dân được hỗ trợ tích cực bởi sự mở rộng không ngừng của quan hệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa trên nền tảng phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng Internet kết nối toàn cầu.

Trong những năm gần đây, có nhiều ý kiến tỏ ra nuối tiếc trước những giá trị văn hóa tinh hoa trong lễ hội truyền thống và phàn nàn vì những nét phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều trong lễ hội. Điều đó không hoàn toàn đúng, vì lễ hội là một hiện tượng xã hội văn hóa, nên về bản chất nó luôn luôn mang tính hai mặt, luôn có sự đan xen giữa cái mới với cái cũ, tiến bộ với lạc hậu, đúng với sai, phù hợp với không phù hợp… Những giá trị đó phụ thuộc vào quan niệm của từng thời đại. Chính vì vậy, nhiệm vụ của mỗi thế hệ ở từng giai đoạn lịch sử phải được xác định rõ ràng, tác động kịp thời, đúng mức thông qua việc tổ chức, giáo dục, tuyên truyền, giám sát, kiểm tra để hoạt động của lễ hội đi vào quỹ đạo mong muốn.

Về mặt khách quan, những chức năng cơ bản của lễ hội truyền thống vẫn được lễ hội ngày nay bảo tồn và phát huy. Lễ hội thể hiện sức sống mới ở các làng bản và góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, nếu xét dưới góc độ kinh tế, thì nhiều lễ hội đã tạo ra việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn người ở địa phương thông qua dịch vụ đi lại, tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi, bán đồ lưu niệm, đồng thời, lễ hội đã trở thành một kênh sinh động, hiệu quả để giao lưu văn hóa quốc tế, truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tuy vậy, chúng ta có thể nhận ra những mặt còn tồn tại ở một số lễ hội hiện nay như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc, xả rác bừa bãi, cúng thuê, bói toán… Ngay ở nơi tôn nghiêm nhất vẫn có người ăn mặc phản cảm, đánh nhau tranh lộc thánh, dù đó là một búi hoa tre, một cành lá hoặc một cọng chiếu. Thậm chí, khách hành hương, trẩy hội cố tình gài tiền vào chân tay phật, thánh; đốt nhiều vàng mã gây tốn kém tiền bạc và ô nhiễm môi trường. Có một vài lễ hội còn bảo lưu những nghi lễ cổ xưa đã bị phê phán là dã man, phản cảm, vi phạm công ước quốc tế về bảo tồn động vật (nghi thức chém lợn ở làng Ném Thượng, Bắc Ninh hoặc lễ Đâm Trâu…).

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên còn có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng tựu chung lại có hai luồng ý kiến cơ bản: một là do công tác quản lý yếu kém, không cụ thể, còn chồng chéo, thiếu tính khoa học của nhà quản lý; hai là do ý thức của người tham dự lễ hội quá kém. Chúng tôi cho rằng, sự lộn xộn, phản cảm trong lễ hội bao gồm cả hai nguyên nhân trên, đồng thời cũng có những vấn đề do sự khác biệt văn hóa đã tạo ra những cảm nhận, đánh giá không thống nhất.

Một số giải pháp góp phần làm cho lễ hội lành mạnh, văn minh

Có khá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau trong việc tìm ra phương thức để lễ hội Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, các quan điểm đều thống nhất rằng, quản lý lễ hội là một việc làm khó khăn, chúng ta cần nghiên cứu để hiểu rõ bản chất của lễ hội cùng những vấn đề liên quan đến nó trong mối quan hệ biện chứng thì mới có thể quản lý điều hành lễ hội phát triển ổn định, vào nề nếp. Muốn vậy, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp căn cơ sau đây:

Thứ nhất, chúng ta cần phải đổi mới tư duy và nhận thức về lễ hội hiện nay. Có những người còn đồng nhất hội làng từ xa xưa với lễ hội hiện nay, mà quên rằng, trong 30 năm đổi mới, nền tảng kinh tế và xã hội của làng xã đã biến đổi rất nhiều. Hình ảnh lũy tre, cổng làng không thể tồn tại trước sự phát triển của đô thị hóa; nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc đang tan rã từng mảng trước sức mạnh của kinh tế thị trường. Trong mỗi chúng ta hiện nay, dường như có sự mâu thuẫn và thiếu rạch ròi giữa tình yêu thương cây đa, bến nước, con đò truyền thống với những khát vọng vươn lên trở thành một nước phát triển theo hướng công nghiệp. Tầng lớp thị dân ngày càng đông đảo ở các đô thị, thậm chí, hàng chục triệu người sống ở vùng nông thôn, nhưng đã thay đổi cách nhìn, cách cảm khác xa thế hệ trước. Họ đang muốn khẳng định mình và khát khao thay đổi để vươn lên.

Chúng ta cần xem xét lễ hội với tư cách là một thực thể văn hóa, sản phẩm tinh hoa của một cộng đồng đã và đang vận động không ngừng trước những biến đổi của xã hội. Chúng ta không nên quên rằng, lễ hội là tấm gương phản chiếu thời đại, do đó cần phải thận trọng, tỉnh táo khi tiếp cận tìm hiểu.

Giải pháp thứ hai, tuyên truyền giáo dục phải được tiến hành bài bản với những nội dung mới, dựa trên những nguyên tắc và phương pháp mới. Qua đó, người dân mới có thể hiểu và đủ kỹ năng giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh. Nếu chúng ta cứ mải miết tuyên truyền xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hoặc tuyên truyền phải lưu giữ tinh hoa của lễ hội truyền thống mà không hiểu rõ nội dung cụ thể thì mãi là sự tuyên truyền giáo điều, sáo rỗng.

Mỗi lễ hội có một lịch sử ra đời và phát triển riêng, nên cần phải tìm hiểu sâu sắc từng lễ hội để tuyên truyền có hiệu quả. Quảng bá lễ hội là cần thiết, nhưng không phải tất cả mọi hoạt động đều có thể đưa lên báo chí, hoặc chia sẻ trên mạng. Bởi lẽ, theo phong tục tập quán, một số làng quê vẫn còn hèm, đó là những điều kiêng kỵ diễn ra trong một không gian hẹp, kỳ bí, linh thiêng mà chỉ một số người có trách nhiệm trong làng mới biết đến. Nguyên tắc này đã bị báo chí, truyền thông chia sẻ rộng rãi, làm cho niềm tin và sự sùng bái thần linh, trời đất của con người bị trần tục hóa. Nghi lễ chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) đã không trở nên phản cảm, nếu hình ảnh đó không được chia sẻ rộng rãi trên mặt báo. Chúng ta nên nhớ rằng, con người không phải chỉ sống bằng hạt lúa, củ khoai, nguồn nước, suối sông, mà cái quan trọng và cần thiết hơn cả là hệ tình cảm, tâm thức bao gồm cả hiện thực và siêu thực, cả có lý và phi lý. Sẽ là sai lầm, nếu bất cứ điều gì diễn ra trong lễ hội, chúng ta cũng lấy tư duy duy lý để phán xét và càng sai lầm hơn nếu lấy giá trị của nền văn hóa này áp đặt cho nền văn hóa khác. Cái linh diệu, huyền bí và độc đáo của văn hóa Việt Nam được lưu giữ không phải ở đâu xa, mà chính là ở các lễ hội của dân tộc.

Giải pháp thứ ba, công tác quản lý lễ hội cần phải quán triệt sâu sắc và đổi mới mạnh mẽ, phù hợp quy luật thì mới đạt được hiệu quả. Quản lý nhà nước về lễ hội là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, cơ quan công quyền thông qua luật và các văn bản dưới luật (Nghị định, thông tư, chỉ thị, thông báo…), cách quản lý này bao giờ cũng mang tầm chiến lược, vĩ mô. Quản lý hoạt động lễ hội do chính quyền địa phương sở tại đảm nhận thông qua việc thành lập ban tổ chức hoặc ban quản lý lễ hội. Ban tổ chức bao gồm các tiểu ban: an ninh, trật tự, hậu cần nghi lễ, giải trí, môi trường, kinh tế… Chính quyền cấp xã và ban quản lý lễ hội dựa vào các văn bản pháp quy và phong tục tập quán địa phương để điều hành lễ hội. Chính vì thế, quản lý hoạt động của một lễ hội cụ thể thường có độ chênh nhất định giữa văn bản pháp quy của nhà nước với lệ làng ở địa phương. Quản lý hoạt động lễ hội tưởng chừng đơn giản nhưng lại chi tiết và phức tạp. Bởi, khi quản lý từng hành vi cụ thể của đám đông, thường xuất hiện sự đột biến, thăng hoa bất thần của mỗi cá nhân. Công tác quản lý lễ hội không phải chỉ có kiểm tra, giám sát, chấm điểm… mà còn là hoạt động thường xuyên thông qua nhiều hình thức khác nhau như khảo sát, nghiên cứu, hội thảo… để quy hoạch lễ hội trên cả nước sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở từng địa phương. Không nên để lễ hội phát triển tràn lan, tự phát bởi tâm lý ganh đua giữa các địa phương dẫn đến sự nhàm chán, sức dân kiệt quệ, vượt tầm kiểm soát, gây ra những điều phản cảm, phản văn hóa. Từ thời vua Lê Thánh Tông hay đời vua Tự Đức, đã cho thống kê, rà soát lễ hội trên phạm vi cả nước để quản lý và sắc phong cho các thần linh theo ba cấp: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần. Nếu địa phương nào không đủ điều kiện thì không cho mở hội hoặc chỉ cho mở hội theo chu kỳ vài năm một lần. Hội Chèo tàu (Đan Phượng, Hà Nội), 20 năm mới được tổ chức một lần vì chi phí tốn kém.

Quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay được thể hiện theo sơ đồ sau đây:

 

Như vậy, quản lý lễ hội là một chuỗi những hoạt động thống nhất, có tổ chức, có mục tiêu rõ ràng, của bộ máy nhà nước, ban tổ chức cùng người dân tham gia lễ hội. Muốn quản lý lễ hội, hướng tới sự văn minh, cần có sự quan hệ thường xuyên giữa các cơ quan của Bộ VHTTDL với chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu ngành, địa phương với chất lượng của lễ hội.

Tâm linh, tín ngưỡng là một nhu cầu không thể thiếu của nhân dân và lễ hội là môi trường văn hóa để con người có thể thỏa mãn những khát vọng của mình. Trong không gian lễ hội, luôn có sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại, thực với ảo, tiến bộ với lạc hậu, nội tại với ngoại lai, do đó chúng ta cần ứng xử với lễ hội một cách thận trọng. Ứng xử dựa trên sự hiểu biết khoa học sâu sắc, không nên có tâm lý nóng vội, triển khai nhiệm vụ một cách qua loa, đối phó với dư luận trong một thời gian ngắn. Nếu làm được như vậy, chắc chắn lễ hội nước ta sẽ phát triển theo hướng tích cực, nhanh chóng loại bỏ được những gì là phản cảm, phản văn hóa.

_______________

1. PGS, TS Phạm Ngọc Trung, Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2013, tr.189.

2. Trần Thị Thanh Liêm cb, Hán Việt từ điển hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr.489.

3. Viện Nghiên cứu Quản lý, Tinh hoa quản lý, Nxb Lao động, Hà Nội, 2003, tr.59.

4. C.Mác – Ph. Ăng ghen toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.480.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : PHẠM NGỌC TRUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *