Làn sóng mới của khởi nghiệp toàn cầu và hàm ý chính sách đối với Việt Nam


   Cuộc cách mạng khởi nghiệp toàn cầu đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ; các hoạt động đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp đã ở mức cao nhất trong thập kỷ qua (140 tỷ USD trong năm 2017); tổng giá trị tạo ra từ các công ty khởi nghiệp trên phạm vi toàn cầu giai đoạn 2015-2017 đạt 2.300 tỷ USD, tăng 25,6% so với giai đoạn 2014-2016. Đó là nhận định và con số mà báo cáo hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2018 với chủ đề “Thành công trong kỷ nguyên công nghệ mới” do tổ chức Startup Genome thực hiện đã công bố mới đây (1). Báo cáo năm nay đã chỉ rõ những cơ hội và thách thức của hoạt động khởi nghiệp cũng như những lĩnh vực khởi nghiệp toàn cầu trong “làn sóng thứ ba”.

 

   Làn sóng thứ ba và cuộc chơi mới

   Các trung tâm khởi nghiệp hàng đầu như Thung lũng Silicon, London hay New York tiếp tục thống trị và duy trì vị thế hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh mạng, công nghệ tài chính, blockchain. Sự dịch chuyển trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu, cả về mặt địa lý và kinh tế là tín hiệu cho thấy chúng ta đang hướng tới một kỷ nguyên công nghệ mới.

   Trong cuốn sách Làn sóng thứ ba: Tầm nhìn của một doanh nhân về tương lai của Steve Case – đồng sáng lập của AOL đã nhấn mạnh: “Làn sóng thứ ba là kỷ nguyên mà internet sẽ không còn thuộc về các công ty internet nữa. Đó là kỷ nguyên mà trong đó các sản phẩm sẽ yêu cầu sự có mặt của mạng internet, kể cả khi internet không nằm trong định nghĩa của những sản phẩm đó. Đó là kỷ nguyên mà thuật ngữ “internet hóa” sẽ trở nên bình thường như thuật ngữ “điện khí hóa” trước đây, như thể chẳng có sự khác biệt nổi bật nào giữa hai thuật ngữ trên. Đó là kỷ nguyên của Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT)” (2).

   Các cuộc cách mạng kinh doanh trong quá khứ và gần đây được xây dựng trên nền tảng của internet và công nghệ thông tin, truyền thông. Các giá trị của những cuộc cách mạng này được thung lũng Silicon nắm giữ – nơi được coi là công xưởng hàng đầu thế giới về chế tạo các vi mạch và là nền tảng phát triển như vũ bão của internet.

   Làn sóng đầu tiên là xây dựng nền tảng internet với sự vào cuộc của các công ty như AOL. Google và Facebook là những nhà tiên phong, đã tạo nên làn sóng thứ hai bằng việc xây dựng các công cụ truyền thông xã hội, tìm kiếm trên internet cũng như các sản phẩm email cho web; các doanh nghiệp như Snapchat đã phát triển ứng dụng dựa trên điện thoại thông minh. Làn sóng thứ ba hứa hẹn tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc sống của con người; làn sóng này sẽ mang những giá trị của “thế giới ảo” vào “thế giới thực”.

   Làn sóng khởi nghiệp được xây dựng trên công nghệ nền tảng của làn sóng thứ ba đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những kỳ tích mới, trong đó tập trung hướng đến việc phát triển các giải pháp của IoT. IoT có thể áp dụng từ sản xuất, giao thông vận tải, nông nghiệp cho đến y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác, giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại công nghệ mới đột phá trong thu thập và xử lý dữ liệu, điều khiển các hệ thống trong phạm vi quốc gia để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Trong làn sóng thứ ba, IoT đang trở thành xu hướng công nghệ ảnh hưởng ngày càng lớn đến cuộc sống của toàn nhân loại; làm thay đổi phương thức giao tiếp, kinh doanh, dịch vụ… Hệ thống mạng xã hội phát triển vượt bậc, thiết bị tính toán tính di động tràn ngập, mức độ dữ liệu tăng nhanh, các hệ thống máy tính chủ được kết nối bằng công nghệ ảo hóa để hình thành các đám mây dữ liệu. Thế giới hiện có khoảng 15 tỷ thiết bị được kết nối với internet, dự tính con số này sẽ tăng lên 50 tỷ thiết bị vào năm 2020.

   IoT sẽ làm thay đổi căn bản cách thức vận hành của nền kinh tế khi các doanh nghiệp hướng tới chuyển đổi vào thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới ra đời, tạo nguồn lợi nhuận khổng lồ. Rand Europe (Anh) dự báo, đến năm 2020, IoT sẽ đem lại doanh thu tiềm năng khổng lồ cho các ngành trên thế giới vào khoảng 1.400-14.400 tỷ USD. Còn theo Business Insider Intelligence, đến năm 2020, nhiều ngành kinh tế cơ bản sẽ tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái IoT với tổng số tiền lên tới 6.000 tỷ USD.

   Nhiều lĩnh vực khởi nghiệp bị suy giảm trong làn sóng thứ ba

   Các công ty công nghệ trong giai đoạn 1990-2000 đã kinh doanh và “sống” hoàn toàn dựa vào web và thiết bị di dộng với những thứ như tìm kiếm trên internet, email, phương tiện truyền thông xã hội và video trực tuyến. Tuy nhiên, các công nghệ nổi bật của tương lai sẽ sống trong “thế giới thực”. Chúng sẽ biến đổi không chỉ những gì chúng ta thực hiện qua web mà còn tập trung lan tỏa mạnh mẽ trực tiếp vào cuộc sống. Những lĩnh vực sẽ có sự chuyển biến lớn như: vận chuyển, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, công nghiệp nặng.

   Trong kỷ nguyên công nghệ mới, các công ty khởi nghiệp thành công sẽ phải thực hiện một trong hai vấn đề: giải quyết các trụ cột của làn sóng thứ ba hoặc xây dựng doanh nghiệp thông qua những đột phá công nghệ (sổ cái phân tán, trí tuệ nhân tạo hoặc khoa học sự sống…). Có thể thấy rõ sự phát triển của làn sóng thứ ba và công nghệ nền tảng trong dữ liệu tăng trưởng các phân ngành. Các phân ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất đều trong danh mục của làn sóng thứ ba và công nghệ nền tảng, trong khi các phân ngành khác lại chủ yếu liên quan đến các công ty khởi nghiệp thuộc làn sóng công nghệ thứ nhất và thứ hai.

   Các phân ngành, giống như các sản phẩm, nó phát triển thông qua vòng đời: giai đoạn đầu tiên của vòng đời được thúc đẩy bởi một số loại “xúc tác” như tiến bộ công nghệ mới, thay đổi chính sách…; giai đoạn thứ hai, phân ngành đó nổi lên như một sự khác biệt và phát triển; sang giai đoạn ba là giai đoạn trưởng thành của phân ngành; và cuối cùng là phân ngành đi vào giai đoạn suy thoái. Khởi nghiệp phân ngành trong giai đoạn suy thoái thường trải qua thời kỳ tăng trưởng âm trong các giao dịch tài trợ ban đầu, mặc dù vẫn có nhiều cơ hội tăng lên. Ngoài ra, vì tổng vốn đầu tư mạo hiểm đang tăng trưởng và đạt mức cao kỷ lục trên 140 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu, nên một số phân ngành này vẫn được đầu tư mạnh và khởi nghiệp tốt, mặc dù thực tế là kém hiệu quả hơn so với những phân ngành khác. Tương tự như các phân ngành trưởng thành, các phân ngành trong giai đoạn suy thoái vẫn có thể tăng trưởng tại một số khu vực trên thế giới. Ví dụ, châu Á có rất nhiều hoạt động và phát triển ở công nghệ quảng cáo (Adtech), trong khi công nghệ này lại suy giảm ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tất nhiên, bất cứ lúc nào công nghệ mới cũng có thể kéo dài thời gian tồn tại của một phân ngành và đưa nó trở lại giai đoạn tăng trưởng. Chẳng hạn, trong khi hoạt động cho Adtech đang giảm, các kênh mới như thực tế ảo và thực tế tăng cường có thể truyền năng lượng mới và giúp nó tăng trưởng.

   Top 4 phân ngành có sự tăng trưởng lớn bao gồm: robot và sản xuất tiên tiến; công nghệ nông nghiệp và thực phẩm mới; blockchain; trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu. Các phân ngành này cũng có sự tăng trưởng khác nhau. Chẳng hạn, sản xuất tiên tiến, công nghệ nông nghiệp và blockchain vẫn đang trong giai đoạn mới nổi của vòng đời. Ước tính, các phân ngành này chiếm khoảng 0,6-1,5% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ và tập trung ở những công ty khởi nghiệp trong giai đoạn “trưởng thành”, chiếm 5% các công ty khởi nghiệp toàn cầu. Đặc biệt, các công ty về trí tuệ nhân tạo đang có sự phát triển ngoạn mục.

   Những phân ngành trong giai đoạn trưởng thành gồm: công nghệ sinh học, khoa học sự sống và y tế, công nghệ tài chính, công nghệ sạch, công nghệ giáo dục, an ninh mạng. Các phân ngành khởi nghiệp trong giai đoạn trưởng thành bao phủ tương đối lớn đến nhiều lĩnh vực và tạo ra giá trị khởi nghiệp toàn cầu lớn nhất. Các phân ngành trong giai đoạn trưởng thành đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong đó, công nghệ giáo dục đang có sự phát triển nhanh ở châu Á hay công nghệ tài chính được đánh giá là đang có nhiều bứt phá lớn.

   Những phân ngành có sự giảm mạnh là công nghệ quảng cáo, game, truyền thông kỹ thuật số. Các phân ngành giảm chủ yếu liên quan đến làn sóng thứ nhất và thứ hai của internet. Trái ngược với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, blockchain và tự động hóa, một số ngành khởi nghiệp công nghệ có dấu hiệu chững lại và suy giảm. Cụ thể là ngành Adtech, trong 5 năm vừa qua, ghi nhận tổng số gọi vốn tụt giảm 35%. Facebook và Google được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này khi nắm giữ đến 73% thị phần quảng cáo kỹ thuật số tại Mỹ năm 2017. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa các các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Adtech không còn cơ hội phát triển. Để tiếp tục tồn tại, những lĩnh vực này cần áp dụng công nghệ mới nhằm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

   Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

   Làn sóng thứ ba với xu hướng vạn vật kết nối internet đã và đang làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp của cả xã hội, tác động lớn đến khởi nghiệp – từ lựa chọn sản phẩm, chiến lược kinh doanh đến tổ chức vận hành. Theo đánh giá của các nhà quản lý, Việt Nam có nhiều tiềm năng để khởi nghiệp trong làn sóng thứ ba: hơn 45.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông năm 2017; Việt Nam xếp thứ 23 trên thế giới về kỹ năng lập trình, đứng trên Mỹ (xếp thứ 28) và Ấn Độ (xếp thứ 31); năm 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 22 trên thế giới trong bảng xếp hạng kết quả của PISA (một bài kiểm tra toàn cầu nhằm đánh giá trình độ khoa học, toán học, đọc hiểu, giải quyết vấn đề và kiến thức về tài chính của các em học sinh ở độ tuổi 15), vượt qua tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Singapore; sinh viên Việt Nam được làm quen với lập trình sớm hơn sinh viên ở nhiều nước phát triển khác (3)… Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, Chính phủ đã tích cực khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng việc ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Nhờ vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện đang phát triển nhanh với 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, 24 vườn ươm doanh nghiệp, 10 chương trình thúc đẩy kinh doanh và 30 không gian làm việc chung (4).

   Tuy nhiên, cần nhìn nhận vào thực tế là Việt Nam luôn tiếp nhận các làn sóng công nghệ với một độ trễ đáng kể (các làn sóng đã đạt đến sự phát triển đỉnh điểm). Cũng giống như với các làn sóng thứ nhất và thứ hai, Chính phủ và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị chu đáo để đón nhận và khai thác những lợi thế của làn sóng thứ ba.

   Trước hết, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách sao cho thuận lợi với cộng đồng khởi nghiệp và tương thích với thông lệ quốc tế (nền tảng kinh doanh mới, trong đó có thương mại điện tử, sử hữu trí tuệ…). Bên cạnh những lợi ích mà IoT mang lại, những thách thức đặt ra cũng không nhỏ, cần được quan tâm xử lý khi mà nguy cơ về xâm phạm thông tin cá nhân, an ninh mạng, đánh cắp dữ liệu… đang trở nên hiện hữu.

   Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần nâng cao năng lực đón nhận và hấp thụ những công nghệ mới của làn sóng thứ ba, tận dụng những lợi thế mà nó mang lại đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu. Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức để có cách tiếp cận phù hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường của mình.

_____________

   1. Startup Genome, Global startup ecosystem report 2018: Succeeding in the new era of technology, 2018.

   2. Steve Case, The third wave: An entrepreneur’s vision of the future, 2017, tr.46.

   3. Bộ Khoa học và Công nghệ, Báo cáo TechDemo 2017, Đà Nẵng, 2017.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *