Lãng mạn sương mờ Đà Lạt


Đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước; tìm hiểu hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, ít có nơi nào được bạn bè bốn phương yêu mến dành tặng nhiều mỹ danh như Thành phố Đà Lạt, đó là: “Miền đất lạnh”, “Xứ hoa Anh đào”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố tình yêu”, “Thành phố mộng mơ”, “Thành phố sương mù”…


 

Thiên nhiên ưu đãi

Với đặc trưng: rừng thông, núi, đồi, hồ, thác…, có độ cao trung bình 1.500m so với mực nước biển nên khí hậu Đà Lạt quanh năm mát lạnh, dễ chịu.

Và điểm khác biệt so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đó là sự “trái mùa” – ví như trong khi các địa phương khác đang giữa mùa hè nắng nóng oi bức, ngột ngạt thì Đà Lạt vào mùa mưa. Mỗi năm, mùa mưa Đà Lạt thường dài hơn mùa khô (mùa mưa thường kéo dài từ tháng 4 cho đến tháng 10); chưa kể, (do có địa hình cao), mỗi khi ở các tỉnh, thành trong cả nước và khu vực Biển Đông có bão hay áp thấp nhiệt đới, Đà Lạt bị ảnh hưởng nên mưa nhiều. Mưa trở thành “đặc sản” của Đà Lạt. Bởi vậy, đã có nhiều người nói rằng: “Không mưa đâu phải Đà Lạt”.

Khí hậu mát lành, đất đai màu mỡ và mưa nhiều, độ ẩm cao, Đà Lạt trở thành vùng đất lý tưởng cho các loại rau, hoa phát triển. Đã có hàng ngàn giống hoa quý, có giá trị kinh tế cao từ khắp các châu lục đã được di thực đến Đà Lạt và đều thích nghi, thậm chí có nhiều loài hoa sinh trưởng và phát triển còn tốt hơn khi nó ở “cố hương”.

Đà Lạt không chỉ là một thành phố đẹp, nên thơ mà còn là thành phố… giàu. Sự giàu có của thành phố cao nguyên này xuất phát từ sự ưu đãi khá hào phóng của thiên nhiên. Về khí hậu, có lẽ không nơi nào sánh bằng Đà Lạt – một “tiểu Paris” quanh năm trong lành, mát mẻ và yên bình. Về cảnh quan thiên nhiên: rừng núi trập trùng, trời xanh, mây trắng, cây lá xanh tươi, hoa nở bốn mùa, hương thơm quyến rũ. Đà Lạt có sức hút diệu kỳ, níu chân, gọi mời bao lữ thứ đa tình tìm đến tham quan, nghỉ ngơi, trải nghiệm. Đặc biệt, Đà Lạt có cách “gây thương nhớ” rất riêng và luôn thôi thúc những ai đã đặt chân đến thành phố này, ra đi chắc chắn sẽ quay trở lại.

Ấy là nét duyên của “Miền đất lạnh”, của “Thành phố mộng mơ”, “Thành phố sương mù”… trầm lắng, dịu dàng nhưng mê hoặc lòng người.

 

Lãng mạn sương mờ

Không ngẫu nhiên, Đà Lạt có nhiều tên gọi khác nhau mà mỗi mỹ danh đều gắn với những đặc trưng rất riêng và vốn có của Đà Lạt. Thậm chí, chỉ cần nhắc đến các mỹ danh, bất cứ ai cũng đều biết nói đến Đà Lạt. Tôi định cư ở Đà Lạt gần 30 năm, mỗi lần về thăm quê cũ, người thân, bạn bè thường chào hỏi bằng những câu văn hoa nghe rất tự hào:  “Người xứ hoa”, “Người về từ thành phố mộng mơ”…

Trong những mỹ từ của Đà Lạt, có lẽ “Thành phố sương mù” xuất hiện sớm nhất dù gần đây, người ta thường nhắc đến “Thành phố ngàn hoa”. Vấn đề này cũng dễ lý giải. Sau gần 16 năm, từ khi tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt lần đầu tiên (vào năm 2005), đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận Đà Lạt là “Thành phố festival hoa của Việt Nam”; từ đó thương hiệu “Hoa Đà Lạt” được bạn bè trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Có lẽ vậy nên cái tên “Thành phố ngàn hoa” nổi trội, “lấn át” các thương hiệu khác của Đà Lạt.

Mỗi mỹ danh, mỗi tên gọi khác nhau (dù trước, dù sau) dường như cũng đều gắn với những đặc trưng riêng và những giá trị lâu dài của Đà Lạt.

Nói đến “Thành phố sương mù”,  người ta rất dễ nhầm đó là London hoa lệ của Vương quốc Anh xa xôi. Kỳ thực, có một Đà Lạt của Việt Nam từ rất xa xưa được mệnh danh “Xứ sở sương mù”, “Thành phố trong sương” – một không gian Đà Lạt kỳ ảo, huyền bí, hoang sơ và đẹp đến nao lòng.

Theo các bậc cao niên ở xứ sở này, trước đây, sương mù hiện hữu quanh năm, dù mùa khô hay mùa mưa, từ sáng sớm tinh mơ đến buổi chiều bảng lảng, cả ngày lẫn đêm… sương mù giăng trắng xóa khắp núi đồi, rừng thông, phố xá, lũng sâu… Tất cả tạo nên một bức rèm sương mềm mại, mông lung và đẹp một cách huyền ảo, kỳ thú. Từ trung tâm thành phố, khu vực hồ Xuân Hương, đến vùng chè Cầu Đất, đồi Trại Mát, hồ Suối Vàng,  trên con đường đèo 27 C (nối thành phố hoa với thành phố biển)… luôn hiện hữu sương mù; đặc biệt, trên đỉnh LangBiang (có độ cao 2.176 m) dường như bốn mùa phủ trắng sương mù.

Hơn 10 năm trở lại đây, Đà Lạt phát triển công nghệ nhà kính, để điều chỉnh thời gian sinh trưởng của rau, hoa, người ta mắc đèn chiếu sáng trong các vườn, trang trại rau, hoa… Nếu chọn một vị trí cao, bạn có thể chiêm ngưỡng một không gian đêm Đà Lạt bồng bềnh trong sương trắng, lung linh ánh đèn huyền ảo…

Tuy nhiên, trước sự phát triển của Đà Lạt, trước tác động của con người vào môi trường đã làm không gian, hệ sinh thái tự nhiên của Đà Lạt dần thay đổi. Hiện nay, dường như Đà Lạt ít sương hơn; sương mù dường như thưa dần, “nhạt dần”. Thi thoảng vào những buổi bình minh, sau những cơn mưa chiều, hay vào những đêm lắng gió, bất chợt sương mù lãng đãng, bồng bềnh.

Bởi vậy, có thi sĩ đã viết:

Hiếm hoi lắm, một chiều sương

Hiếm hoi lắm, một đêm sương trắng trời…

Người ta nói, cái gì hiếm mới quý. Dù Đà Lạt bây giờ sương mờ ít hơn trước, hiếm hoi lắm mới được trải nghiệm một chiều sương, một đêm sương nhưng sương mờ vẫn hiện hữu, vẫn lưu luyến với miền đất lạnh, để tô điểm thêm một không gian Đà Lạt huyền ảo, mộng mơ, tình tứ và lãng mạn trong lòng du khách thập phương.

Khoan thai dạo bước trong chiều sương Đà Lạt, tôi chợt vẳng nghe giai điệu tha thiết của ca khúc nổi tiếng một thời, vọng lại: “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ/Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ…”.

 

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *