Trong giai đoạn từ TK XVII đến TK XIX, làng Vân là xã Yên Viên, tổng Tiên Lát, huyện Yên Việt, tỉnh Bắc Ninh (1). Từ thời Lê đến nửa triều Nguyễn, làng Vân là lỵ sở của huyện Yên Việt (Việt Yên) và phân phủ Thiên Phúc. Làng có nghề nấu rượu từ lâu đời với thương hiệu nổi tiếng khắp vùng Bắc Bộ, rượu làng Vân. Làng cũng là nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, làng có 107 văn bia, là nguồn tài liệu đồ sộ, có giá trị nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực (2). Văn bia phản ánh nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của làng Vân, trong đó có lệ bầu hậu.
Tục lệ bầu hậu rất phổ biến trong văn hóa làng xã của người Việt ở đồng bằng và trung du miền núi từ TK XVII đến TK XIX. Qua nguồn tài liệu văn bia của một làng quê cụ thể ở đồng bằng Bắc Bộ là làng Vân, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu về lệ bầu hậu này. Trong tổng số 107 văn bia ở làng Vân, có 87 bia lập bầu hậu, gửi giỗ. Hậu được thể hiện qua văn bia là hậu phật, hậu giáp, hậu thần, hậu hiền. Trong đó bia hậu phật có 74, chiếm tỷ lệ 87 %, bia hậu giáp có 8, chiếm tỷ lệ 9,4 %, còn lại là bia hậu thần và bia hậu hiền.
Hậu thần, hậu phật, hậu hiền, hậu giáp là những người đóng góp tiền, ruộng, đất cho làng xã do không có người thờ tự, hoặc để được ghi danh với làng, được làng xã công nhận khắc bia ghi công lao, ghi nhận việc lập hậu. Từ đó, người được lập hậu được phối thờ và thờ sau thần, phật, thánh hiền ở đình, chùa, văn chỉ… Mặc dù đa phần đối tượng xin bầu hậu là do không có người hương hỏa (không có con trai nối dõi) nhưng cũng có trường hợp do tôn sùng đạo Phật nên đã xin bầu hậu để được tạc bia.
Chùa Diên Phúc ở làng có tấm bia khắc hình người được bầu hậu, hậu Phật bi ký (後 佛 碑 記). Văn bia cho biết, bà Diêm Thị Diệm cung tiến 44 sào ruộng vào chùa Diên Phúc, xin được bầu hậu và tạc tượng hậu, đồng thời gửi giỗ những người thân. Lý do để huy động tiền của, lập hậu là do làng, xã cần tiền để nộp thuế, sửa chữa các di tích như đình, chùa… Những người dân trong hoặc ngoài làng có mối quan hệ thân thiết với dân trong làng giúp đỡ tiền, hoặc ruộng và được dân làng xã bầu làm hậu để được cúng giỗ lâu dài sau khi tạ thế. Chùa Diên Phúc có 31 văn bia liên quan đến việc xây dựng các công trình trong chùa, sửa chữa, tôn tạo, hiến đất vườn nhập vào chùa. Nội dung bia hậu phật phản ánh việc hưng công, xây dựng chùa, tiến hành thời điểm bắt đầu được ghi ở văn bia là năm 1635 và thời điểm cuối năm 1891 là năm sửa chữa. Bằng việc huy động số ruộng, tiền của nhiều người xin bầu hậu, cộng đồng cư dân làng Vân đã xây dựng được ba ngôi chùa Diên Phúc, Quảng Lâm, Khánh Độ mà không phải làng nào cũng có thể làm được tương tự.
Trong 74 văn bia hậu Phật, có 53 văn bia có tiêu đề hậu phật bi (後 佛 碑), hoặc Hậu Phật bi ký (後 佛 碑 記). Về cơ bản, các văn bia này đều là bia xin bầu hậu ở chùa. Tuy nhiên, trong đó có một số văn bia cũng phản ánh việc bầu hậu nhưng ghi là Ký kỵ chi bi (寄 忌 之 碑), Ký kị bi ký (寄 忌 碑 記) … Ở một góc độ nhất định, văn bia được coi là văn bản hoặc khoán ước giữa chủ thể của việc xin bầu hậu phật với nhà chùa, chức dịch trong làng xã. Trong mỗi bài văn bia, phần mở đầu đều nói lý do lập bia, đồng thời nêu lên ý nghĩa của việc lập bia, gửi hậu, gửi giỗ…
Văn bia “hậu phật bi” (後 佛 碑 ), ký hiệu tạo năm Tự Đức 3 (1850) có ghi như sau:
盖 聞: 人 以 銅 為 鑑 所 正 其 冠 ; 后 次 石 為 碑 可 傳 於 世 . 此 古 今之 通 使 也 . 迴 德 谓 茲 光 普 度 觀 岸 真 如 ; 人 能 事 卽 福, 可 求 欲 掛古 跡 於 元 賴 心 之 恒 , 即 各 令 其 求 留.
Phiên âm: Cái văn: Nhân dĩ đồng vi giám sở chính kỳ quan; hậu thứ thạch vi bi khả truyền ư thế. Thử cổ kim chi thông sử dã. Hồi đức vị từ quang phổ độ, quan ngạn chân như; nhân năng sự tức phúc, khả cầu dục quải; cổ tích ư nguyên tại tâm chi hằng, tức các lệnh cầu kỳ lưu…
Tạm dịch: Thường nghe: Người ta lấy đồng làm gương để soi mà chỉnh lại mũ áo của mình. Sau nữa lại lấy đá làm bia để truyền cho đời. Từ xưa đến nay đều như vậy cả. Ngoảnh xem ánh từ quang phổ độ chân như bên bến giác, nên người ta cũng theo đó mà làm phúc để có thể cầu được cái điều thường làm cho tấm lòng của mình để lưu lại.
Chủ đề lập hậu phật và hậu giáp được thể hiện phong phú qua văn bia với nhiều hoàn cảnh hơn là văn bia hậu hiền, hậu thần. Hoàn cảnh thông thường nhất là lo cho bản thân và người thân có thể là không có chồng, không có con, hoặc là do hai vợ chồng không có con trai nối dõi. Lý do còn lại để xin được bầu hậu là lo thờ cúng cho người thân như ông bà ngoại, chồng, con, em trai, chị gái, mẹ cả, vợ cả, mẹ kế, bố mẹ nuôi, dì…
Việc bầu hậu giáp thể hiện qua văn bia thường được dùng các tiêu đề: Bản giáp hậu bi ký (本 甲 後 碑 記), bản giáp hậu bi (本 甲 後 碑). Hậu giáp được thờ ở các điếm, cầu, là nơi sinh hoạt chung của giáp. Làng Vân có 4 giáp: Thượng, Đông, Trung, Giữa. Hậu giáp sớm nhất ở làng Vân được ghi trong văn bia Bản giáp hậu bi (本 甲 後 碑), tạo năm Cảnh Hưng 15 (1754). Việc thờ hậu ở giáp có khuôn khổ hẹp hơn ở đình, chùa. Vì thế quy mô ngày giỗ thường nhỏ hơn. Tổng số ruộng hậu giáp qua 8 lần bầu hậu có 4 mẫu, 2 sào, 13 thước ruộng. Xét theo thời gian, trong TK XVIII có 2 văn bia của giáp ghi việc bầu hậu, TK XIX có 3 văn bia, còn lại đầu TK XX có 3 văn bia ghi về việc này. Đặc biệt có 2 trong tổng số 8 văn bia hậu giáp ghi là hậu thần. Đó là văn bia Bản giáp hậu thần bi ký (本 甲 後 神 碑 記), tạo năm Tự Đức 35 (1882), ghi việc: “Các nghi lễ của giáp tiến hành ở điếm, nhưng do điếm dột nát nên giáp bàn cách tu sửa. Ông Nguyễn Bá Đinh cùng với những người trong họ ngoại đã xuất tiền 200 quan, 2 sào ruộng để hỗ trợ sửa điếm. Giáp đã chấp thuận cho ông Nguyễn Bá Đinh được gửi giỗ bà ngoại là Nguyễn Thị, hiệu Từ Khang, ở điếm vào ngày 9 tháng 11”.
Văn bia Bản giáp hậu thần (本 甲 後 神), tạo năm Duy Tân thứ bảy (1913), ghi việc bà Nguyễn Thị, người giáp Trong, xuất 124 nguyên tiền văn và cung tiến ruộng vào giáp Trong. Kỳ lão, chức dịch giáp Trong đã thuận tình lập hậu và cho khắc bia ghi ngày giỗ hai vợ chồng. Vị thần được thờ ở nơi sinh hoạt của giáp là các điếm, cầu, thường là thổ thần của giáp, khác với vị thần là thành hoàng ở đình. Tên gọi hậu giáp hay hậu thần ở giáp Trong của làng Vân đều là một, tức là vị thổ thần của từng giáp.
Hậu thần làng Vân thờ ở đình chỉ có 2 trường hợp được thể hiện qua văn bia. Trường hợp thứ nhất qua văn bia Bản xã hậu thần bi ký (本 社 后 神 碑 記), tạo năm Gia Long thứ 8 (1809) ghi việc xã trưởng xã Yên Viên là Nguyễn Công Dung đã cấp cho dân trong xã 450 quan tiền, 2 mẫu ruộng, do vậy ông được bầu là hậu thần. Đồng thời văn bia này ghi đầy đủ các tiết lệ thờ thần của làng vào tháng 4 và tháng 8 hằng năm, khi đó, hậu thần đều được phối hưởng. Văn bia Ký kỵ bi ký (寄 忌 碑 記 ), tạo năm Tự Đức thứ 11 (1858), ghi việc Phó lý trưởng Nguyễn Đăng Huệ xin bầu hậu cho cha mẹ. Do xã Yên Viên (làng Vân) đào sông, cấp phát lương thực cho dân, vụ thuế chưa nộp xong nên Phó lý Nguyễn Đăng Huệ đã xuất 600 quan để hỗ trợ.
Hậu hiền ở làng Vân được thờ ở từ vũ và ở chùa. Tại từ vũ, qua văn bia Từ vũ bi – khoa mục danh truyền (祠 宇 碑- 科 目 名 傳 ), tạo năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), cho biết 22 người đỗ các khoa đồng thời có công xây dựng từ vũ nên được khắc bia lưu truyền, được gọi là tiên hiền, hay hậu hiền. Thông thường, hậu hiền được thờ ở văn chỉ, từ chỉ nhưng cũng có trường hợp được thờ ở chùa, thể hiện qua văn bia Hiền hậu bi vị (賢 後 碑 位), tạo năm Thành Thái 3 (1891), phản ánh việc bà Đỗ Thị Đệ xuất 85 quan tiền Nam giao cho dân trong xã tu sửa chùa, bà lại cung tiến 1 khu vườn để nhập vào vườn chùa, xin gửi giỗ cho chồng. Sau khi bà mất, xã cho vợ chồng bà gửi giỗ. Chồng bà được bầu là hậu hiền, được cúng ở chùa.
Qua sự phân tích khái quát ở trên về từng thể loại hậu ở làng Vân, có thể thấy việc lập hậu trải qua một quá trình. Thủ tục được lập hậu, từ các thông tin trên văn bia, có thể phục dựng khái quát như sau: Điều kiện để được bầu hậu là phải đóng góp một số tiền và ruộng nhất định cho việc công, theo quy định của làng, chùa, giáp. Trên cơ sở đó, có sự họp mặt thống nhất của đại diện các chức sắc trong làng nếu là việc bầu hậu thần ở đình. Việc bầu hậu phật ở chùa thì có đại diện nhà sư, hậu hiền ở Văn chỉ có đại diện Hội Tư văn, nếu là hậu giáp ở xóm, giáp, có đại diện của xóm. Sau khi thống nhất, có văn bản cam kết giữa bên xin bầu hậu và bên tổ chức bầu hậu. Văn bản ghi rõ cam kết số tiền, ruộng của người xin bầu hậu. Nội dung của văn bản này sẽ được truyền tải vào nội dung của văn bia hậu. Tập thể dân làng cam kết khắc bia, đồng thời thỏa thuận số vật phẩm cúng giỗ và thời gian giỗ hằng năm.
Người tham gia vào văn bản giao kết lập bia bầu hậu là các chức dịch, hương lão, đại diện của cộng đồng làng xã như chánh tổng, lý trưởng, thôn trưởng, xã trưởng, quan viên, hương trưởng … Nếu như ở TK XVII và nửa đầu XVIII, qua văn bia, việc đứng ra hưng công, tham gia trực tiếp giao kết với đối tượng gửi giỗ, bầu hậu là nhà sư trụ trì chùa thì từ nửa TK XVIII đến TK XIX, thậm chí đến đầu TK XX, bộ phận chức sắc làng xã tham gia trực tiếp vào việc bầu hậu và cùng ký (điểm chỉ), giao kết văn bản gửi giỗ, bầu hậu. Trong giai đoạn từ TK XVII đến đầu TK XVIII, các nguồn sử liệu văn bia cho biết nhà chùa đứng ra cam kết với đối tượng xin bầu hậu phật. Từ nửa sau TK XVIII đến TK XIX, đại diện của làng gồm chức dịch, hương lão, quan viên đứng ra cam kết với người xin bầu hậu phật, hậu thần.
Những người xin bầu hậu ở làng Vân không những là người làng mà còn có người ở địa phương khác. Văn bia hậu phật bi (後 佛 碑), tạo năm Chính Hòa thứ 7 (1686), ký hiệu N023850 cho biết hai vợ chồng Trịnh Hữu và Nguyễn Thị Quy, người xã Thổ Hà, do không có con nối dõi nên đã đem 100 quan sử tiền cúng cho chùa Diên Phúc, xin làm hậu phật.
Tham gia vào việc gửi hậu, bầu hậu, gửi giỗ gồm nhiều thành phần khác nhau, từ những người trụ trì chùa, đến các sãi, vãi, quan phủ, huyện, chức dịch tổng, xã. Nếu xét theo giới tính có 53/85 văn bia ghi riêng người nữ, chiếm tỷ lệ 62,3 %. Nam giới có 18/85 chiếm tỷ lệ 21,1 %. Số còn lại là 14/85 văn bia ghi gia đình gồm cả vợ chồng, dòng họ tham gia, chiếm tỷ lệ 16,4 %. Phụ nữ đã tích cực tham gia vào lệ bầu hậu. Việc công đức vào chùa để được làm hậu phật chủ yếu là do phụ nữ thực hiện. Các việc công đức vào đình để được bầu là hậu thần chủ yếu do nam giới thực hiện.
Theo 85 văn bia phản ánh về bầu hậu, có 48 ngày giỗ hậu được ghi cụ thể. Hầu như tháng nào làng Vân cũng có giỗ hậu. Tháng có giỗ hậu nhiều nhất là tháng 5 và tháng 9. Đây cũng là những tháng mà vụ lúa chiêm, lúa mùa được thu hoạch, có thể dùng cơm mới để cúng hậu. Tháng cúng hậu ít nhất là tháng 2 và tháng 3, đây là những tháng cư dân làng Vân nói riêng và cư dân đồng bằng Bắc Bộ nói chung thường có đời sống khó khăn, do lương thực dùng từ năm trước đã hết, lương thực vụ chiêm chưa thu hoạch. Lễ vật cúng hậu phật được phản ánh qua văn bia gồm tiền vàng, trầu cau, xôi, hoa quả. Lễ vật cúng hậu thần, hậu hiền thông thường là xôi, thịt, trầu, cau, hoa quả, chén rượu, dâng trước bia đặt ở đình, từ chỉ, điếm các giáp.
Qua nguồn văn bia cho biết số ruộng và tiền cúng Hậu từ TK XVII đến đầu TK XX có 48 mẫu, 8 sào, 3 thước, trong đó 2 mẫu là ruộng hậu thần, 4 mẫu, 2 sào 13 thước là ruộng của giáp, còn lại ruộng của nhà chùa. Số tiền do những người được bầu hậu cung tiến có 145 quan tiền cổ, 291 quan tiền, 110 quan tiền sử, 890 quan tiền văn, 4.667 quan Thanh tiền, 484 tiền văn, 6 vạn tiền 460 quan, 85 tiền Nam, 100 xâu tiền, 15 mạch. Có thể nói, không phải làng quê nào ở xứ Kinh Bắc cũng có thể có được số tiền cung tiến nhiều như vậy. Nguồn tiền trên là cơ sở để chức dịch làng xã, nhà sư, giáp, hội Tư văn tổ chức xây dựng, tu sửa chùa, đình, điếm… đồng thời dùng để chi phí cho các giỗ hậu theo văn bản đã cam kết.
Xuất phát từ nhu cầu kinh tế của làng xã để lo các việc chung và nhu cầu của đối tượng không có người lo cúng tế sau khi qua đời, lệ bầu hậu ở làng Vân đã được ra đời và phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ. Lệ bầu hậu là phong tục văn hóa cổ truyền rất đáng trân trọng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, là phong tục giàu tính nhân văn. Có thể nói, lệ bầu hậu là một di sản văn hóa độc đáo. Riêng ở Bắc Giang còn có rất nhiều làng quê khác hình thành và duy trì được lệ làng tốt đẹp này qua nhiều thời gian. Chúng tôi mong muốn có thể tiếp tục mở rộng nghiên cứu điền dã này để góp phần minh chứng những giá trị văn hóa cộng đồng đặc sắc ở làng của người Việt. Đặc biệt hiện nay, khi chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lệ làng truyền thống tốt đẹp như bầu hậu hoàn toàn có thể được vận dụng dưới những mô hình thích hợp hoàn cảnh xã hội hiện đại để khuyến khích, vận động mọi người dân đóng góp nhân lực, tiền của, trí tuệ, cùng tham gia vào việc bảo tồn, xây dựng các công trình văn hóa phục vụ cộng đồng.
_______________
1. Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), huyện Yên Việt đổi tên là huyện Việt Yên.
2. Qua hiện vật còn lại và các nguồn tài liệu thác bản văn bia, làng Vân có tổng số 107 văn bia. Qua khảo sát thực địa, hiện làng Vân còn lại 91 bia hiện vật, trong khi đó thác bản có 107, tức có 16 bia đã không còn. Văn bia có niên đại sớm nhất là vào năm 1635, văn bia có niên đại muộn nhất là năm 1926. Chủ yếu văn bia có niên đại vào TK XVII đến TK XIX. Chùa Diên Phúc có số lượng văn bia nhiều nhất làng Vân với 85 bia. Điếm của các giáp ở Yên Viên có 8 bia. Chùa Quảng Lâm có 5 bia. Chùa Khánh Độ có 3 bia. Đình có 1 bia. Từ chỉ có 3 bia. Đền có 2 bia. Đến năm 2003, trong cuốn Địa chí Bắc Giang – Di sản Hán Nôm do UBND tỉnh Bắc Giang xuất bản, có công bố xã Yên Viên (làng Vân) có 117 thác bản. Chúng tôi căn cứ vào thác bản đã có số ký hiệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm để kiểm nghiệm. Qua so sánh với văn bia hiện vật còn lại và các nguồn tài liệu chép văn bia, thấy rằng, tổng số văn bia ở làng Vân là 107.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : NGÔ VĂN CƯỜNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn