Lễ cấp sắc 12 đèn của nhóm dao tiền khăn trắng ở bắc cạn, cao bằng

Cấp sắc là nghi lễ mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của người Dao, có ba cấp bậc để thực hành là 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Tùy từng nhóm Dao mà các cấp độ này có thể được thực hiện riêng biệt hoặc tổ chức gộp trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, các nghiên cứu về lễ cấp sắc 12 đèn trong đời sống văn hóa của người Dao còn thiếu, lý do là: tần số tổ chức nghi lễ trong đời sống của nhóm Dao tiền thường kéo dài trong khoảng 30 năm/lần, do tính phức tạp của nghi lễ, quá trình chuẩn bị, trai giới… nên không phải tất cả các dòng họ cư trú ở khu vực hai huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn), Nguyên Bình (Cao Bằng) đều có thể đủ điều kiện kinh tế, sự thống nhất để chuẩn bị. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức nghi lễ, những người ngoài dòng họ không được phép tham dự, quan sát… Những lý do trên đã khiến cho quá trình nghiên cứu về lễ cấp sắc 12 đèn ở Việt Nam hiện nay gần như là vấn đề còn rất mới.

Quan niệm của người Dao ở Việt Nam đối với từng cấp độ của nghi lễ cấp sắc

Lễ cấp sắc 3 đèn

Người Dao ở Việt Nam quan niệm lễ cấp sắc 3 đèn là để người đệ tử thụ pháp, được đặt tên âm (pháp danh), được cấp 3 ngọn đèn nhằm soi tỏ miếu đàn của mình ở bên cõi âm. Đồng thời với việc cấp đèn, người đệ tử thụ lễ sẽ được cấp 36 binh mã. Thông qua pháp danh của mình, người đệ tử sẽ điều hành 36 binh mã để thực hiện các nghi lễ, nghi thức ở bên cõi âm mỗi khi cầu cúng, lúc đó anh ta mới được cộng đồng coi là người trưởng thành, được xách lửa vào nhà mới, mở đầu các kỳ tra hạt ở nương rẫy, là người có tiếng nói trong gia đình, dòng họ, khi chết đi thì linh hồn của anh ta cùng vợ mình sẽ được đoàn tụ tại Dương Châu, Kinh Châu đại điện cùng tổ tiên. Trường hợp vì lý do nào đó, khi chết đi vẫn chưa được cấp sắc, đặt tên âm… thì linh hồn của người đó chỉ được về đoàn tụ tại động Đào Hoa, Lâm Châu, nơi cư trú tạm thời của những linh hồn trẻ con chết yểu.

Lễ cấp sắc 7 đèn

Tùy từng nhóm Dao mà nghi lễ này có thể được tổ chức riêng hoặc gộp trong nghi lễ cấp sắc 3 đèn. Cụ thể như: nhóm Dao Lô gang, cư trú ở Lạng Sơn, Thái Nguyên tổ chức gộp trong lễ cấp sắc 3 đèn. Cấp sắc 7 đèn được tiến hành sau khi người đệ tử đã được cấp sắc 3 đèn, phụ thuộc vào việc cúng bái. Trong đám lễ, thường có 3 người cùng được cấp sắc 3 đèn, trong đó sẽ có 1 người được bói, chọn để tiến hành nghi lễ cấp sắc 7 đèn. Với nhóm Dao đỏ, Dao Quế Lâm cư trú tại huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn thì lễ cấp sắc 7 đèn được tổ chức độc lập, kéo dài khoảng 4 ngày 3 đêm. Riêng nhóm Dao Quế Lâm còn tổ chức cấp sắc lại cho linh hồn của ông bà, cha mẹ… đã chết. Việc cấp sắc lại cho linh hồn của người chết được tiến hành trong lễ Pù Hung, chỉ có việc cấp thêm các đạo sắc cho linh hồn chứ không có việc cấp đèn, binh mã nữa.

Lễ cấp sắc 12 đèn

Khác với lễ cấp sắc 3 đèn, 7 đèn, lễ cấp sắc 12 đèn của nhóm Dao tiền ở huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn), Nguyên Bình (Cao Bằng) được tổ chức với sự tham gia của toàn bộ dòng họ, dưới sự chủ trì của ông trưởng họ. Thông thường, lễ cấp sắc 12 đèn sẽ tổ chức cấp cho 12 hoặc 14 cặp vợ chồng đệ tử thụ lễ. Sau lễ cấp sắc này, những người đệ tử sẽ trở thành những đại pháp sư ở bên cõi âm, khi chết đi linh hồn của họ sẽ cùng đoàn tụ với tổ tiên, trở thành các đại tướng quân giúp ông tổ Bàn Vương điều hành các công việc của cộng đồng tổ tiên. Cũng tại lễ cấp sắc này, những người đệ tử thụ lễ sẽ được cấp 12 ngọn đèn, 120 binh mã.

Nội dung chính của lễ cấp sắc 12 đèn

Để chuẩn bị cho lễ cấp sắc 12 đèn, trưởng họ sẽ chủ trì để bàn cùng với các hộ gia đình về việc chuẩn bị, khoảng thời gian tiến hành nghi lễ. Sau khi lựa chọn được khoảng thời gian dự kiến, trưởng họ sẽ cùng các bậc cao niên sẽ lựa chọn những người đàn ông trong họ đã trải qua lễ cấp sắc 3 đèn trên tinh thần tự nguyện để thụ lễ. Lựa chọn xong, các đệ tử sẽ phải khẩn trương chuẩn bị quần áo, đồ dùng, học thêm chữ nghĩa tại các sách cúng… để sau này khi được cấp sắc sẽ đủ sự thông tuệ khi đã được phong làm đại pháp sư. Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao tiền khăn trắng (nhánh váy dài) cư trú tại hai huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn), Nguyên Bình (Cao Bằng) được chia thành hai nghi lễ nhỏ: sìn pè đàng, tẩu sai.

Sìn pè đàng

Sau khi chuẩn bị xong các công việc như: quần áo mặc tại nghi lễ, rượu, gạo, rau cỏ, nhu yếu phẩm, hương, giấy bản để viết sớ… đích thân trưởng họ sẽ đi đến nhà một ông thày (thường là người ở ngoài dòng họ) để xem ngày tổ chức lễ. Lễ sìn pè đàng thường được tổ chức trước ngày tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn khoảng từ 1 đến 3 tháng. Mục đích của lễ này là nhằm để thông báo tới Ngọc Hoàng, Tam Thanh, tổ tiên về việc dòng họ đã chuẩn bị xong các công việc cho đại lễ. Kể từ nay, toàn bộ dòng họ sẽ cùng khất nguyện, trai giới để đảm bảo sự thanh sạch cho toàn bộ các cá nhân, gia đình trước khi tiến hành đại lễ. Sau khi tiến hành xong lễ, mọi người trong dòng họ không được đi chơi xa, cãi vã, quan hệ nam nữ, vợ chồng. Nghi lễ này thường được tiến hành trong thời gian 2 ngày 1 đêm, với sự tham gia của 3 thày cúng.

Tẩu sai

Sau khi hoàn tất việc tổ chức lễ sìn pè đàng, dòng họ sẽ bước vào quá trình trai giới, kiêng cữ… để chuẩn bị cho lễ tẩu sai. Thời gian giữa hai lễ này thường kéo dài trong khoảng từ một đến ba tháng, hãn hữu mới có trường hợp kéo dài hơn. Trong thời gian này, các hộ gia đình trong dòng họ phải khẩn trương thực hiện các công việc sau: chuẩn bị quần áo cho nghi lễ, riêng cặp vợ chồng của người đệ tử thụ lễ sẽ phải chuẩn bị quần áo riêng, trang phục của người chồng có thêm mũ hình mào gà, váy choàng, thắt lưng ở hai đầu đính các dải tua rua, tựa như hình những chùm bông kê, trang phục của người vợ có thêm mũ quan; chuẩn bị tiền, gạo, rượu, rau xanh, hương, tiền giấy bản, giấy bản dùng để viết sớ, kiêng không được quan hệ nam nữ,  vợ chồng trong thời gian chuẩn bị tiến hành lễ cấp sắc 12 đèn…

Trong thời gian này, dòng họ tuyệt đối không được để xảy ra việc tang. Nếu chẳng may có tang, kể cả khi dòng họ đã tổ chức lễ sìn pè đàng cũng phải dừng lại, chờ cho đến khi hết tang thì tổ chức lại.

Tại lễ cấp sắc 12 đèn có tới 14 thày cúng để viết sớ, mỗi thày khi đi hành lễ thường mang theo từ một đến ba người đệ tử giúp việc. Trong các loại sớ, quan trọng nhất là hai loại sớ: sớ dành cho cõi dương, sớ dành cho cõi âm. Cùng với việc viết sớ, ông thày làm tiền giấy cũng được mời về nhà trưởng họ để thực hiện công việc.

Thời gian tiến hành lễ cấp sắc 12 đèn thường kéo dài khoảng 7 ngày 6 đêm với nhiều thủ tục, lễ thức rất phức tạp.

Lý do tồn tại của lễ cấp sắc 12 đèn trong nhóm Dao Tiền tại Bắc Cạn, Cao Bằng

Người Dao tiền cư trú tại địa bàn hai huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn), Nguyên Bình (Cao Bằng) cơ bản có các dòng họ như: Bàn, Triệu, Đặng, Lý, Chu, Hoàng… Trong đó, dòng họ có số lượng đông nhất là họ Bàn, Triệu. Thông thường trong khoảng một đến ba năm, tại khu vực này sẽ có ít nhất một dòng họ tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn. Tuy nhiên, các công việc này vẫn chỉ mang tính dự kiến vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc tang ở trong dòng họ.

Từ chiếc váy, nghệ thuật chấm hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Dao tiền đến những hóa thạch văn hóa

Theo Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, thời Nam Tống ghi chép về các phương diện địa lý, nhân văn, biên phòng, phong thổ ở khu vực Quảng Tây, các khu vực ngoại biên của Trung Quốc ngày đó như An Nam, Chiêm Thành… thì cộng đồng người Dao ở đây được biết đến như một tộc người có nghệ thuật tạo ra hoa văn trên trang phục hết sức đặc trưng. “Người Dao lấy chàm nhuộm vải, làm thành những đường hoa văn cực nhỏ, cách làm là lấy hai miếng ván gỗ khắc thành hình hoa nhỏ để kẹp vải, nấu sáp chảy ra, rồi trút vào trong lỗ khắc, sau mới bỏ miếng vải ra, lấy vải nhúng vào chàm; vải đã thấm chàm rồi thì đem nấu cho sáp chảy ra, được những hoa văn sặc sỡ rất tinh tế, sáng sủa; cách nhuộm màu sặc sỡ không đâu bằng người Dao” (1).

Sau gần 1000 năm, hiện nay duy chỉ còn nhóm Dao tiền ở Việt Nam lưu giữ nghệ thuật chấm hoa văn bằng sáp ong trên vải. Như vậy, hẳn nhiên đây phải được coi là một hóa thạch văn hóa của người Dao ở Việt Nam sau quá trình thiên di.

Căn cứ vào trang phục của cộng đồng người Dao tiền, có thể chia thành hai chi: Dao tiền khăn trắng, khăn đen. Trong chi Dao tiền khăn trắng, căn cứ vào trang phục, lại có hai nhánh nhỏ là váy ngắn đến ngang bắp chân, trang trí trên vạt áo hình một nửa chiếc khuy bạc; váy dài đến ngang đầu gối, trang trí trên vạt áo được trang trí cả chiếc khuy bạc hình tròn, đường kính khoảng 10cm.

Từ hình ảnh chiếc váy trong trang phục của người phụ nữ Dao tiền, một hóa thạch văn hóa, chúng ta có thể thấy rõ rằng đối với các chi ngành đã cư trú ổn định tại địa bàn mới, sự thay đổi trang phục để thích ứng với môi trường thiên di dường như là không cần thiết. Bằng chứng cho lập luận này là trang phục của phụ nữ các nhóm Dao còn lại đã chuyển từ mặc váy sang mặc quần, một loại hình trang phục dễ thích ứng với môi trường đi lại, thiên di của các nhóm nhỏ tại địa hình đồi núi. Lý giải về hình ảnh chiếc váy ngắn trong trang phục của người phụ nữ Dao tiền, có lẽ cũng không có giải thích nào hợp lý hơn ngoài tư duy của văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, do di cư, nên chiếc váy của một số nhóm Dao tiền đã được cộng đồng tự điều chỉnh cho ngắn đi nhằm thích hợp hơn với việc đi lại ở khu vực đồi núi cao.

Tất cả những lập luận trên giúp hình dung rõ vấn đề Dao tiền khăn trắng váy dài là một nhóm nhỏ có lịch sử thiên di sớm nhưng cư trú khá ổn định tại một địa bàn nhất định. Như vậy, các di sản văn hóa của nhóm Dao tiền khăn trắng váy dài, trong đó có lễ cấp sắc 12 đèn, cần được hiểu như một tập hợp các hóa thạch văn hóa tại khu vực ngoại vi.

Truyền thuyết vượt biển, những biểu tượng liên quan đến văn hóa vùng sông nước

Trong lễ cấp sắc 12 đèn, các dòng họ ở đây phải chuẩn bị các hoa bài hình con cá. Các con cá này có nhiệm vụ dẫn đường cho linh hồn về đoàn tụ cùng tiên tổ. Xem xét hệ thống hoa văn trên váy của người phụ nữ Dao tiền, chúng ta thấy rõ hệ thống hoa văn hình sóng nước được in thông qua nghệ thuật chấm sáp ong trên vải. Tất cả những biểu tượng đó giúp chúng ta hình dung về một quá khứ mà ở đó địa bàn cư trú, ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao là vùng đầm lầy hoặc vùng sông nước thuộc khu vực đồng bằng hoặc vùng tiếp giáp đồng bằng của Trung Hoa cổ xưa. Điều này càng trở nên hợp lý hơn khi tiếp cận đến các vấn đề về khảo cổ học địa chất ở các khu vực đồng bằng, trong đó có khu vực Trung Nguyên của người Hoa Hạ sau này, biển lùi, đồng bằng dần hiện ra trong quá trình kiến tạo địa chất của vỏ trái đất.

Tập hợp các biểu tượng trên, một lần nữa ta thấy rõ các hóa thạch văn hóa đã, đang tồn tại trực tiếp, biểu đạt cụ thể trong đời sống văn hóa, nghi lễ của nhóm Dao tiền khăn trắng váy dài cư trú tại địa bàn hai huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn), Nguyên Bình (Cao Bằng). Tất cả các biểu đạt đó, giúp trả lời cho câu hỏi tại sao người Dao Tiền ở đây vẫn lưu giữ và thực hành nghi lễ cấp sắc 12 đèn một cách phổ biến, trong khi các nhóm Dao khác ở Việt Nam đã cơ bản thất truyền.

Lễ cấp sắc của người Dao cần được hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn nghiên cứu, lập hồ sơ, trình Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là việc làm thực hiện sớm trong thời gian tới để từ đó xây dựng chính sách bảo tồn di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao nói chung, nhóm Dao Tiền cư trú tại đây nói riêng.

Cùng với sự vận động, phát triển của xã hội, gần đây quan điểm bảo tồn nguyên gốc đã được nhiều quốc gia, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hạn chế đề cập đến. Lý do là bởi sự vận động, nhu cầu liên tục thích ứng với cái mới của con người. Tuy nhiên, với người Dao nói chung, người Dao Tiền nói riêng, hệ thống bài bản cũng như trình tự thực hiện các nghi lễ, trong đó có lễ cấp sắc luôn được đồng bào ghi chép lại trong cuốn Hành tạp, phần nào giúp cho nó luôn được thực hiện đầy đủ như trong quá khứ. Đây đồng thời cũng là nhân tố giúp đảm bảo tính nguyên gốc của di sản văn hóa dân tộc Dao.

Đối với người Dao, mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp của Đạo giáo, nhưng trong lịch sử thiên di, đã kết hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng bản địa, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Do đó, nghiên cứu về các nghi lễ, trong đó có lễ cấp sắc 12 đèn sẽ góp phần quan trọng vào việc giải mã các tầng nấc, biểu đạt văn hóa của người Dao trong quá khứ; giúp giải thích rõ hơn câu hỏi: họ là ai, từ đâu tới, chịu ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng nào trong quá trình hình thành tư duy, tâm lý cộng đồng tộc người… Do đó, cần có thêm các sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là với hệ thống nghi lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao ở Việt Nam, một lĩnh vực, đề tài quan trọng nhưng cho đến nay vẫn còn rất hiếm tác giả nghiên cứu, đề cập đến.

_____________

1. Nhiều tác giả, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.175.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : BÀN TUẤN NĂNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *