Lễ cưới ở hà nội, quá trình vận động và phát triển

Trong văn hóa truyền thống của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng, lễ cưới là một sự kiện trọng đại, đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc sống hôn nhân, gia đình, lưu giữ những giá trị, chuẩn mực văn hóa của dân tộc. Hiện nay, lễ cưới không nằm ngoài quy luật vận động của đời sống xã hội, nội hàm của nó đã có nhiều biến đổi, thể hiện sự thích ứng, linh hoạt của con người trước thời cuộc. Trong bài viết, chúng tôi đi sâu tìm hiểu sự biến đổi trong lễ cưới của người Hà Nội thông qua việc khảo sát các nghi thức: lễ chạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, đón dâu, tổ chức tiệc cưới, thực hiện nghi thức pháp lý, đặc biệt là nhìn nhận về sự xuất hiện của những nghi thức mới.

1. Duy trì, phục hồi và biến đổi những nghi thức trong lễ cưới ở Hà Nội hiện nay

Lễ cưới ở Hà Nội hiện nay vẫn được tổ chức tuần tự theo các nghi thức truyền thống, bao gồm: lễ chạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, đón dâu, lễ cưới chính thức, lại mặt, tuy nhiên đã có sự thay đổi trong quan niệm và cách thức thực hành. Bên cạnh đó, một số nghi thức mang tính hủ tục, rườm rà như: thách cưới, đòi của hồi môn, lễ tơ hồng đã được loại bỏ.

Lễ chạm ngõ (lễ nạp thái)

Các gia đình đều coi trọng nghi lễ này, xem như một ứng xử văn hóa giúp cho hai gia đình biết cụ thể về hoàn cảnh, điều kiện của nhau. Trước đây, lễ chạm ngõ là thời điểm nhà trai nhờ mai mối tới nhà gái. Ông bà mai là cầu nối liên lạc giữa hai bên gia đình, là người kết duyên cho người con trai và người con gái. Người làm mai phải là người có tuổi, hiểu biết gia cảnh hai bên, phải biết cách ăn nói. Họ làm mai hoàn toàn tự nguyện, hầu như không nhận lễ vật tạ ơn. Trước đây, nhà trai thường tỏ lòng biết ơn với ông bà mai bằng một cái thủ lợn trong lễ nạp thái. Ơn này được hai vợ chồng ghi nhớ suốt đời. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng không sống hạnh phúc với nhau thì người mai mối cũng bị mang tiếng không mát tay và phải chịu nhiều phiền toái. Hiện nay, sự chắp nối của ông bà mai hầu như không còn nữa, nam nữ tự do tìm hiểu nhau trước khi gia đình hai bên quyết định tính chuyện trăm năm.

Việc xem tuổi – ngày giờ trước khi cưới

Người Việt quan niệm, chuyện vui được cử hành vào ngày lành tháng tốt sẽ mang đến hạnh phúc và bình an cho cô dâu, chú rể. Các gia đình thường xem tuổi cô dâu, chú rể theo tam hợp, tránh tứ hành xung, hoặc theo dân gian gái hơn hai, trai hơn một. Trong cuộc sống hiện đại, việc xem tuổi, ngày giờ trước khi cưới vẫn đặc biệt được coi trọng, có 89,5% các bạn trẻ trước khi kết hôn cho rằng việc xem tuổi cưới là điều không thể thiếu (1). Việc xem tuổi, ngày giờ cưới được coi như yếu tố tâm lý giúp con người vững tin về một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, có nhiều gia đình thực hiện nghi thức đón dâu hai lần nhằm hóa giải việc ly tán nếu cô dâu, chú rể kỵ tuổi nhau hoặc quan niệm con gái tuổi Đinh, Nhâm, Quý, Giáp thường có cuộc sống lận đận, thiếu may mắn, thậm chí phải lấy hai đời chồng. Để thực hiện nghi thức này, sau khi ăn hỏi, nhà trai đón cô dâu mới về nhà, hôm sau cô dâu sẽ tự động quay lại nhà mẹ đẻ để nhà trai đón dâu một lần nữa vào lễ cưới chính thức.

Lễ ăn hỏi

Về cơ bản, lễ ăn hỏi vẫn được thực hành theo đúng nghi thức truyền thống, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số biến đổi phù hợp với xã hội hiện đại. Tục thách cưới, của hồi môn con gái mang đi khi lấy chồng hiện nay không còn là điều bắt buộc tuy nhiên nhà trai vẫn hỏi ý kiến nhà gái về số lượng và các lễ vật cần mang tới. Trước đây, đồ sính lễ trong lễ ăn hỏi thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái, mặt khác, cũng biểu thị sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai (2). Ngày nay, ngoài ý nghĩa đó, đồ lễ ăn hỏi còn thể hiện bộ mặt cũng như tiềm lực kinh tế của nhà trai.

Trong những năm gần đây, một số gia đình ở Hà Nội gộp lễ ăn hỏi và lễ cưới chính thức vào một ngày. Ở nhiều nước phương Tây, lễ ăn hỏi được gọi là lễ đính hôn, cũng là ngày hai bên gia đình gặp nhau, mở đầu cho mối quan hệ mới, nhằm chuẩn bị cho một lễ cưới cẩn thận, chu đáo. Nhưng lễ đính hôn thường diễn ra không quá nhiều thủ tục, chủ yếu là nghi thức trao nhẫn, nhận lời chúc phúc từ người thân, bạn bè. Nó đơn giản là một sự cam kết về hạnh phúc của chàng trai đối với cô gái. Còn ở Việt Nam, với bề dày truyền thống văn hóa, với cách sống coi trọng gia phong và những lễ nghi truyền thống, người dân đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo với những lễ vật biểu trưng mang đậm tính văn hóa.

Lễ xin dâu và đón dâu

Lễ xin dâu, đón dâu như lời chấp nhận chính thức cho cô dâu về nhà chồng, là nghi thức quan trọng cả trong xã hội truyền thống và hiện đại. Trước đây, khi đến giờ đón dâu, đại diện nhà trai, thường là mẹ chú rể cùng cô hoặc bác trong họ mang cơi trầu đến nhà cô dâu trước để làm lễ xin dâu. Mẹ cô dâu nhận tráp trầu cau, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. Mặc dù hai gia đình đã có quy ước với nhau từ trước về ngày giờ, thành phần đưa đón, nhưng đề phòng bất trắc, lễ xin dâu vẫn được tiến hành.

Sau lễ xin dâu là lễ đón dâu. Hiện nay, nhiều gia đình giản tiện nghi lễ bằng cách gộp lễ xin dâu và đón dâu vào một ngày. Đây là một cách thực hiện mới so với truyền thống, nội dung thực hiện giữ nguyên, chỉ thay đổi về mặt hình thức.

Tiệc cưới

Đây là nghi lễ nhằm chính thức mối quan hệ giữa đôi nam nữ trước mặt đông đủ họ hàng hai bên, bạn bè, quan khách đồng thời tỏ lòng cảm ơn những người đến chung vui cùng gia đình. Tiệc cưới có thể tổ chức ở nhà gái (trước ngày cưới) và nhà trai (trong ngày cưới), cũng có thể hai nhà tổ chức chung một tiệc. Hiện nay, ở Hà Nội có 52% trên tổng số người được hỏi chọn tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng, khách sạn (3). Con số này cao hơn rất nhiều so với kết quả khảo sát vào năm 1998 của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Văn (2,9%) (4).

Tổ chức tiệc cưới trong nhà hàng, khách sạn, đáp ứng được nhu cầu về không gian rộng rãi, thoáng đãng, đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp. Thông qua việc lựa chọn địa điểm tổ chức cưới, cho thấy đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao. Đối với những gia đình tổ chức tiệc cưới tại nhà riêng hay thuê hội trường, ủy ban, sân bãi… họ sẽ vất vả hơn trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, sự sẵn có của các dịch vụ tổ chức tiệc cưới lại là nhân tố làm giảm sút tính cố kết cộng đồng – vốn là cơ sở quan trọng của lễ cưới truyền thống.

Lễ lại mặt

Sau khi kết thúc lễ cưới từ 2 – 4 ngày (nhị hỷ hay tứ hỷ), mẹ chồng chuẩn bị một mâm lễ nhỏ, “thường là một con gà trống thiến, xôi, rượu, hoa quả để cô dâu và chú rể trở về nhà bố mẹ vợ. Lễ này được đặt lên bàn thờ tổ tiên…” (5), gọi là lễ lại mặt. Lễ này mang ý nghĩa nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới về chữ hiếu không chỉ với nhà chồng mà còn phải quan tâm, chăm sóc tới gia đình nhà vợ. Đặc biệt, lễ lại mặt giúp gia đình hai bên gắn bó, thắt chặt mối quan hệ thông gia. Nhà gái cũng sẽ cảm thấy vui vẻ vì con gái tìm được người chồng ân cần, chu đáo, được sống trong gia đình hiểu biết, quan tâm tới thông gia. Thời gian lại mặt tùy vào khoảng cách địa lý giữa hai nhà cũng như điều kiện, công việc của cô dâu, chú rể. Trước kia, các gia đình gia giáo ở Hà Nội rất coi trọng việc này vì nó gắn liền với trinh tiết của cô dâu, khẳng định giá trị của lễ cưới, hay ít nhất cũng là chỉ báo đầu tiên của hạnh phúc gia đình: “Người phụ nữ sau nhị hỷ mới biết chắc chắn đám cưới tồn tại hay không. Nhị hỷ là sau hôm cưới hai ngày, nhà trai công nhận cô dâu còn trinh tiết…” (6). Không cầu kỳ, phức tạp như lễ lại mặt truyền thống, nhưng lễ lại mặt hiện nay không được đa số ủng hộ. Theo kết quả điều tra, có 48,7% số người được hỏi cho rằng cần phải có lễ lại mặt, 50,7% cho rằng không cần (7). Ngày nay, thời gian, cách thức thực hiện nghi thức này thoáng hơn, phù hợp với điều kiện của đôi trẻ. Cô dâu, chú rể có thể quay về nhà ngay hôm sau hoặc một vài tuần sau khi đi tuần trăng mật về. Lễ vật đem về đơn giản như hoa quả, bánh kẹo…, gia đình nào có điều kiện hơn sẽ chuẩn bị một phong bì nhỏ để thắp hương trên bàn thờ. Bố mẹ vợ sẽ mời đôi vợ chồng trẻ bữa cơm thân mật trong phạm vi gia đình. Việc sắp xếp lễ lại mặt ít hay nhiều, cầu kỳ hay đơn giản tùy thuộc vào phong cách, nếp sống của từng gia đình.

2. Nghi thức pháp lý

Đối với người Việt, bên cạnh những lễ nghi mang tính phong tục tập quán, lễ cưới bắt buộc phải có thủ tục mang tính pháp lý, đó là đăng ký kết hôn theo quy định của Nhà nước. Năm 1960, Luật Hôn nhân và gia đình ra đời đánh dấu một sự bảo đảm mang tính chất pháp lý cho hôn nhân. Ở nước ta, lễ kết hôn được cơ quan nhà nước cho phép về mặt pháp luật, bên cạnh đó là sự chứng kiến, đồng ý tác thành của cộng đồng thông qua những nghi thức được thực hiện. Đúng như nhận xét của Đoàn Văn Chúc: “Hiện thời, trong ý thức của nhân dân ta, khi thực hiện nghi thức theo luật định là người ta thực hiện bổn phận của công dân đối với pháp luật. Và khi thực hiện nghi thức phong tục cổ truyền là người ta thực hiện bổn phận của một thành viên đối với nhóm xã hội mà người ta bắt rễ” (8).

Đa số người dân đều cho rằng đăng ký kết hôn là việc cần thiết, nhưng không nhất thiết phải đăng ký trước khi cưới, mà có thể chung sống trước, đăng ký sau. Nhìn chung, vấn đề hôn nhân ở Hà Nội có tính pháp lý cao, hầu hết người dân đã có ý thức trong việc đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ chỉ chú trọng đến việc làm lễ cưới lớn nhỏ như thế nào. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định, mọi nghi thức kết hôn dù được tổ chức linh đình, trang trọng, được gia đình họ tộc thừa nhận nhưng không đăng ký kết hôn đều không có giá trị về mặt pháp luật.

3. Những nghi thức mới trong lễ cưới

Nghi thức tiệc cưới

Hiện nay, trong tiệc cưới của người Hà Nội xuất hiện nhiều nghi thức mới như: trao nhẫn, mở, rót sâm panh, giao tay nâng rượu, cùng cắt bánh cưới… Ngoài ra, sau khi rời tiệc cưới, khách mời còn được gia chủ tặng những món quà nhỏ xinh, thể hiện sự sẻ chia may mắn, hạnh phúc của cô dâu, chú rể, đồng thời thay cho lời cảm ơn chân thành của gia đình. Đây là xu hướng phổ biến trong các lễ cưới ở Hà Nội, một nét văn hóa mới được du nhập từ phương Tây. Tuy nhiên, mong muốn này chủ yếu của cô dâu, chú rể còn những người lớn tuổi cho rằng nghi thức này rườm rà, khách sáo, không cần thiết, tốn kém. Có thể thấy rằng, văn hóa tặng quà, nhận quà sau tiệc cưới còn khá mới mẻ nên nhiều khách mời bất ngờ và ngạc nhiên. Đây là biểu hiện mang giá trị tích cực, thể hiện sự chu đáo của gia đình dành cho những người tham dự tiệc cưới.

Tuần trăng mật

Trong những năm gần đây, khi đời sống kinh tế phát triển và một phần do ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây nên nhiều đôi bạn trẻ sau lễ cưới thường cùng nhau đi tuần trăng mật. Đó là một chuyến du lịch chỉ dành cho hai người giúp họ tận hưởng những giây phút hạnh phúc đầu tiên bên nhau, khởi đầu cho một cuộc sống gia đình bền vững. Xu hướng này được khá nhiều bạn trẻ ủng hộ. Có 69,9% người được hỏi cho rằng cần có tuần trăng mật, 30,1% người cho rằng không nhất thiết cần (9). Điều đó thể hiện sự tăng trưởng của mức sống, độc lập về kinh tế của vợ chồng trẻ và sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ xã hội.

Thông qua việc khảo sát, nghiên cứu lễ cưới Hà Nội xưa và nay, chúng tôi nhận thấy, lễ cưới hiện nay đang trong quá trình vận động trên cơ sở phục hồi, duy trì những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa mới cho phù hợp với đời sống đương đại. Trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều thay đổi, những vấn đề mới sẽ nảy sinh theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.

_____________

1, 3, 7, 9. Trương Thúy Mai, Lễ cưới ở Hà Nội hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2012.

2, 5. Lê Như Hoa, Hôn lễ xưa và nay ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.104, 71.

4. Lê Ngọc Văn, Cưới và dư luận xã hội về cưới hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.

6. Khuất Thu Hồng, Các mô hình hôn nhân ở đồng bằng sông Hồng từ truyền thống đến hiện đại, Luận án Phó Tiến sĩ Xã hội học, Viện Xã hội học, Hà Nội, 1996, tr.60.

8. Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.202-203.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : TRƯƠNG THÚY MAI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *