Lễ hội đập trống của người Ma Coong được sáng tạo và lưu truyền, gìn giữ như một báu vật linh thiêng, như một hoạt động độc đáo tôn vinh sức mạnh, tinh thần đoàn kết, ý chí và khát vọng sống mãnh liệt, dung hòa giữa con người với thiên nhiên của người Ma coong.
Đường với lễ hội
Cùng đi trong chuyến công tác của lãnh đạo huyện, chúng tôi rời huyện lỵ, ngược dãy Trường Sơn men theo đường 20 Quyết Thắng, vào xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Con đường 20, địa danh một thời máu lửa, đã đi vào huyền thoại, giờ vẫn chon von, hiểm trở với những vách đá dựng ngược và vực sâu đến rợn người. Hơn nửa ngày nhào lộn trên chiếc xe U oát 2 cầu, đến chập tối chúng tôi mới đặt chân đến được đồn biên phòng Cà Roòng 593 – km44, đến đây khí hậu đã có sự khác biệt “bên nắng đốt, bên mưa bay…”. Qua đêm tại đồn biên phòng, sáng hôm sau các anh biên phòng đưa tôi xuống thẳng bản Cà Roòng nơi diễn ra lễ hội, mảnh đất linh thiêng của người Ma coong.
Đồng bào Ma Coong hiện có khoảng 381 hộ với 1.888 khẩu, mật độ 2,7 người/km2 (1) cư trú tại 18 bản làng rải rác dọc biên giới Việt – Lào đến giáp xã Tân Trạch. Đời sống của đồng bào ở đây còn vô cùng thiếu thốn, vất vả, chủ yếu giữa vào canh tác, trồng lúa, ngô trên nương rẫy và hộ trợ của chính phủ. Nếu để tìm ra gia đình này giàu hay nghèo hơn thì quả là khó, họ sống vẫn còn theo bản năng và tính cộng đồng cao.
Lễ hội đập trống là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc của người dân Ma coong, một tộc người đã từng sống lay lắt ở vùng núi xa xôi, heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, với cuộc sống đầy khó khăn gian khổ, đói rét và chịu sự đe dọa của thú dữ, của nhiều thế lực siêu thiên nhiên.
Bên lề lễ hội
Những người già trong bản Cà Roòng kể cho tôi nghe về huyền tích của lễ hội. Theo lưu truyền không biết từ bao giờ, vùng đất của người Ma coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm thường vào rẫy ăn ngô, lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma coong liên tục mất mùa, đau ốm. Đời sống người Ma coong vì thế triền miên đói khổ. Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ ác này đi. Và một hôm khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trống đánh chiêng đuổi khỉ. Tiếng trống tiếng chiêng của cộng đồng người Ma coong cùng với sự giúp đỡ của giàng khiến khỉ ác đã phải rời xa vùng đất này và từ đó dân bản được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.
Để nhớ công lao vị già bản tiên tổ người Ma coong và cầu cho quanh năm bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm cứ đến ngày 16 tháng giêng âm lịch, họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên giàng những của ngon vật lạ mà họ kiếm được.
Truyền thuyết là vậy, còn theo ông Đing Xon, chủ lễ, thì ngày xưa nơi đây núi rừng heo hút và nhiều thú dữ lắm. Người Ma coong sống rải rác dọc dãy Trường Sơn, phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và với thú dữ nên họ cần có cộng đồng. Tiếng trống sẽ xua thú dữ, xua đi sự sợ hãi và kêu gọi những người Ma coong anh em đoàn kết cùng nhau chống chọi với thiên nhiên. Không nhớ nữa từ lâu rồi, ở bản Bụt có một người đàn bà tên là Adạ Am Phang (phiên âm theo tiếng Ma coong), đã khai sinh ra lễ hội này, chính vì thế mà đến bây giờ chủ lễ tế mặc áo trang phục của người đàn bà,và trước đây vật cúng tế chỉ có trái chuối rừng, bắp chuối, đọt mây, đọt cây đoác để cúng, vào tối ngày rằm tháng chạp âm lịch. Đã trải qua rất nhiếu đời, đến đời ông Đinh Keo (bố của ông Đinh Xon), sinh 1924, được gửi đi học hết lớp 1, về làm bí thư xã Thượnh Trạch đầu tiên, ông là người con ưu tú, là niềm tự hào của người Ma coong làm lễ cúng mất một con lợn và 2 con gà để xin giàng cho chuyển sang tối ngày 16 tháng giêng âm lịch,vì ngày này trời ít mây, trăng sáng và hiếm thấy trời mưa.Từ đó đến bây giờ, lễ hội đập trống đã trở thành biểu tượng và linh hồn của người Ma coong.
Chuẩn bị lễ hội
Để bắt đầu lễ hội, người dân Ma coong phải chuẩn bị công việc quan trọng là làm trống. Rạng sáng ngày rằm, chủ lễ Đinh Xon cùng các già làng trong bản Cà Roong 1 làm lễ động rừng tại sân bản, cho 5 thanh niên lực lưỡng vào rừng Bụt chặt cây tre đực, cây mây già về. Để làm được trống hội, trước đây những người đàn ông phải vào rừng kiếm cho được cây gỗ bộp để làm tang trống. Gỗ Bộp bền, không bị nứt nên tang trống có thể dùng được trong nhiều năm. Còn mặt trống phải thay mỗi năm một lần nên từ tết năm trước, dân bản đã mổ bò, lấy da, phơi khô, Người Ma coong làm trống theo cách dùng mây rừng luộc nước sôi, xâu chéo với nhau, lấy nêm tre đực nêm chặt lại, kéo căng mặt trống, đến khi chủ lễ kiểm tra đạt yêu cầu, mới cho treo trống lên ở vị trí làm lễ ở giữa sân bản.
Đúng 3h sáng 16, ông Đinh Xon cùng một số thanh niên, đại diện cho các dòng họ có uy tín trong bản, đến một khúc suối thiêng A Ky, cấm đánh bắt trước đó 5 tháng, thả lưới bắt đủ 32 con cá về để làm lễ cúng buổi tối. Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân ai có gì đóng góp nấy cho làng, nhưng không thể không đóng góp gạo nếp để làng nấu rượu hiêng – thứ rượu được nấu bằng nếp nương với men lá, có màu trắng như sữa, chỉ được dùng cúng và mời khách quý. Năm nay, dân bản góp mỗi hộ 2 lon gạo, 18 bản góp 18 con gà sống, và nhiều thứ khác. Bộ phận chủ lễ thường có 5 người, là những người đứng đầu 5 dòng họ trong vùng, được coi là những dòng họ có công khai phá ra vùng đất mà người Ma coong đang sống hiện nay. Trên khoảnh sân rộng nhất của bản, dưới tán cây cổ thụ, người làng xúm tay dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống. Khi đêm buông xuống, công việc chuẩn bị đã xong, mọi người tụm năm tụm ba chờ trăng lên.
Trên bàn lễ làm bằng tre rừng bày sẵn 8 mâm cỗ nhỏ, mỗi mâm có 2 con gà nướng, 1 nong xôi, ít đọt măng rừng, đọt mây, đọt cây đoác,và mỗi mâm có 4 con cá tế bốn vị thần mà người Ma coong kính trọng: thần núi, thần sông, giàng và ma xó. Trước mâm cỗ bày 3 hũ rượu hiêng được cất từ năm trước cùng 18 ché rượu cần, tượng trưng cho 18 bản.
Diễn trình lễ hội
Ngay từ chiều, đồng bào ở khắp 18 bản trong vùng, nô nức kéo về bản Cà Roòng 1, nơi diễn ra lễ hội đập trống. Đồng bào Ma coong từ nước bạn Lào phải đi từ sáng sớm. Các bản xa như Cồn Roàng, A Ki, Cờ Đỏ, bản 61 phải đi bộ, men theo những lối mòn, dòng suối hơn nửa ngày đường mới tới nơi. Cuối buổi chiều, bên suối Cà Roòng chảy quanh bản, rộn ràng trai gái đua nhau tắm gội, với áo váy sắc màu, xúng xính… Khi mặt trời vừa tắt, trăng nhú lên đỉnh núi cũng là lúc lễ hội bắt đầu. Lễ thức của lễ hội đập trống diễn ra theo những quy định của dân bản, rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bản trao quyền cho chủ đất Đinh Xon (người trong dòng họ có công tìm ra vùng đất này). Đúng 6h30 tối, khi trăng nhú lên trên rặng núi sau lưng bản, đồ vật cúng đã được mang ra sắp đặt. Chủ lễ Đinh Xon trong lễ phục váy đỏ pha những đường xanh chạy dọc, cùng già làng trong bản vào vị trí làm lễ. Già làng đốt những ngọn nến bằng sáp ong cháy, hắt ra thứ ánh sáng lung linh huyền ảo, cất tiếng khấn mời giàng: Lạy giàng từ phía mặt trời lặn, lạy giàng từ phía mặt trời mọc… Xin giàng chứng kiến, cùng mời con ma mót về ăn nắm xôi, uống cần rượu, coi lễ hội để phù hộ cho người Ma coong được mùa, được cái ăn, cái mặc, dựng nhà dựng cửa, trai gái bén duyên nhau sinh sôi như cây trên rừng, dẻo dai như dòng suối… Sau vài lượt khấn, già làng, chủ lễ đến bên ché rượu hiêng uống hơi rượu đầu tiên, tiếp đó lần lượt đến các người già và chức sắc được mời uống, rồi mọi người từ khách đến chủ, lần lượt…
…Rồi cả sân bản nín thở trong giây lát, già làng cầm một chiếc dùi trống làm từ gốc cây mây, và mặt trống rung lên một hồi dài 4 tiếng rồi hô to: “Rọa lữ giàng ơi, tạ lữ giàng ơi, xắp la nà pa rang năm rọa lữ giàng ơi” (vui lắm trời ơi, sướng lắm trời ơi, đánh trống cho khoẻ trời ơi). Cả hàng ngàn người như vỡ òa ra trong tiếng trống mở đầu ấy. Cùng lúc, từng tốp vào cầm dùi trống, đánh vào hai mặt trống, với tiếng hô trên, với một tiết tấu được lặp lại, thi thoảng có biến đổi, và pha trộn với tiếng thanh la, tiếng cồng. Mọi người vừa đánh trống, vừa kết hợp với vũ đạo, chân tay rất đều, cứ như thể họ đã tập với nhau, đã ngấm vào máu thịt người Ma coong rồi. Có một điệu múa rất lạ: hai bàn tay chụm lại, chịa xuống dưới đất với vũ đạo rất hoang dã. Tôi tò mò, các già nói, điệu múa mong được mùa, bàn tay quay xuống là mong bông lúa trên nương trĩu hạt. Xung quanh trống, ở giữa sân bản, cũng thành từng tốp nhảy múa, dao duyên với nhau theo nhịp trống, chiêng, và từng tốp bên ché rượu cần, vừa uống vừa hát những làn điệu dân ca Ma coong, để rồi chờ đến lượt mình, thay nhau vào đánh trống…
Giây phút đón đợi…
Một tục lễ, được người Ma coong nâng niu, trân trọng là đánh trống từ khi làm lễ xong, cho đến sáng, lúc nào trống vỡ, thì bắt đầu giàng cho yêu”. Năm nay, trống vỡ sớm hơn mọi năm, nhìn đồng hồ gần 12h đêm, trăng đã tới đỉnh đầu. Trống vỡ, cả ngàn người đang rừng rực nhảy múa, hát hò, sau đó là tiếng hét rền vang cả núi Cà Roòng… lặng lẽ, từng đôi nam nữ cầm tay, níu áo như đã quen nhau từ lâu, con trai con gái chưa có gia đình thì lôi nhau vào rừng, bờ suối, đến những gốc cây, hốc đá, con suối để tình tự… Ở đó họ bắt đầu hẹn hò, đính ước để bố mẹ làm lễ bỏ của. Đêm nay chỉ có họ mới được biết với nhau. Những người của ngày xưa chưa đến được với nhau, thì đêm nay giàng cho phép được tìm nhau, bỏ nhà một đêm. Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện dài như con suối. Đêm nay không có ghen tuông, không có giận hờn… Họ bên nhau, và chỉ có rừng mới hiểu.
Cho đến sáng mai, khi con gà rừng đã thức dậy, thì họ mới bịn rịn rời nhau, ai về nhà nấy, để rồi cùng vợ, cùng chồng lên nương, xuống suối lại tiếp tục công việc thường nhật của mình… Mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc lễ hội đập trống của người Ma coong dần dần khép lại.
Sáng hôm sau, tôi tìm gặp ông Đinh Hợp chủ tịch xã, và các người già trong bản, đưa những tò mò của mình ra hỏi: ở đây chưa có phấn son… sao các cô gái đến với lễ hội, môi đỏ, má hồng, có mùi thơm rất dịu… và qua mỗi mùa lễ hội, như vậy mà sao tỷ lệ dân số tăng không cao…? Các già chỉ tay lên núi xa; lá rừng đấy, phấn của cây dẻ, hoa thơm mọc ở lèn đá… Tuy vậy, cách đây hai mùa lễ hội, ở một bản xa, có một thiếu nữ mang bầu sau khi đi hội đập trống về. Hỏi ra mới biết, do lá năng đắng quá, cô gái chỉ ăn có hai lá, trong khi đó phải ăn trên mười lá thì mới có tác dụng. Lá năng có trong rừng sâu, các cô gái đi lễ hội thường hái mỗi người một nắm, nhai với muối trên đường đến lễ hội. Già nói, ăn lá năng rồi mà vẫn có con là giàng cho, là điều mừng. Cả bản cùng nuôi con cho nó mà.
Theo ông Đinh Xon, từ khi bố ông làm chủ lễ cho đến nay, qua 50 năm rồi có ba lần trống không vỡ, những lần đó, sáng hôm sau cả ngàn người Ma coong, từng tốp vào các nhà trong bản Cà Roòng, được chủ nhà coi như người anh em, khoản đãi một bữa rượu vò, cơm nếp vui vẻ, rồi hẹn ước mùa hội sau.
Bản sắc và giá trị
Năm 2007, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã đưa lễ hội đập trống vào danh sách 9 lễ hội dân gian quốc gia được phục hồi. Lễ hội đập trống của người Ma coong mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, nó trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn, thể hiện dũng khí và bản lĩnh, giúp cộng đồng người Ma coong đoàn kết, vượt mọi khó khăn. Người Ma coong còn gọi lễ hội đập trống là “đêm yêu nhau”, “đêm thả cửa”, giống như phiên chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang hay chợ tình Sa Pa ở Lào Cai. Người Ma coong có lễ hội đập trống, mang màu sắc riêng, giàu tính bản địa với ý nghĩa sâu sắc là sự cầu may, cầu sức mạnh, vượt qua tai họa, cầu sự phù hộ, dung hòa giữa con người với thiên nhiên. Cho đến nay người Ma coong vẫn bảo tồn, lưu giữ được giá trị di sản văn hóa phi vật thể vô cùng qúy báu này với những nét độc đáo và sự khác biệt. Lễ hội đập trống phản ánh niềm tin, sự lạc quan, cách ứng xử đặc biệt của người Ma coong trong mối quan hệ với lực lượng siêu thiên nhiên, và cũng cố những mối quan hệ giao lưu giữa các thành viên trong cộng đồng các dân tộc anh em.
_______________
1. Niên giám thống kê huyện Bố Trạch – Quảng Bình, năm 2009.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 311, tháng 5-2010
Tác giả : Nguyễn Văn Trung
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng