Lễ hội katê của người chăm

Katê, lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm, thường được tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 10 dương lịch) để tưởng nhớ, cúng tế các vị thần (tại các đền, tháp), dâng lễ cho ông bà tổ tiên đã khuất (tại tư gia). Giá trị nổi bật của lễ hội Katê, so với các lễ hội khác của người Chăm, chính là ở các giá trị, di sản văn hóa của người Chăm được phô diễn trong lễ hội này như các di tích đền, tháp có lịch sử lâu đời, các tác phẩm văn học dân gian mang tính thần thoại, các nhạc cụ, các loại hình diễn xướng ca – múa nhạc truyền thống…

Các di sản đền, tháp nơi tổ chức lễ hội Katê

Nói đến lễ hội Katê mà không nói đến các công trình kiến trúc tâm linh của người Chăm như các đền, tháp quả thật là một thiếu sót. Bản thân những công trình này đã là một giá trị đặc sắc nổi bật của văn minh Champa (trước đây), văn hóa Chăm (ngày nay). Ngay từ khi mới tiếp cận nghiên cứu Champa, người Pháp đã giành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các tháp Champa, sau đó số lượng những nghiên cứu liên quan đến kiến trúc đền, tháp cũng chiếm vị trí quan trọng trong nghiên cứu về Champa và Chăm nói chung.

Các đền, tháp được xây dựng để phục vụ nhu cầu tâm linh, nhưng nó cũng là nơi hội tụ các giá trị của nền nghệ thuật Champa, là nơi mà thành tựu kiến trúc, điêu khắc đỉnh cao của người Chăm xưa được ghi nhận. Với những giá trị ấy, các đền tháp Champa không chỉ thu hút được các công trình nghiên cứu mà còn được nhà nước quan tâm, bảo tồn, phát huy, trở thành những di sản không chỉ là của quốc gia mà còn của cả nhân loại. Hầu hết các đền, tháp Champa còn tồn tại ngày nay đều được nhà nước công nhận là di tích quốc gia hay di tích quốc gia đặc biệt, trong đó nổi bật hơn cả là quần thể kiến trúc thánh địa Mỹ Sơn, được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Ngày nay, lễ hội Katê chỉ còn được diễn ra tại một số đền, tháp ở 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Ninh Thuận còn có 2 ngôi tháp mà hàng năm đều có lễ hội Katê đó là tháp Po Kloang Garai có niên đại khoảng TK XIII (Phan Rang – Tháp Chàm) và tháp Po Rome được xây khoảng TK XVII (Hậu Sanh, Ninh Phước). Riêng tại Bình Thuận, lễ Katê hàng năm vẫn được tổ chức trên tháp Po Sah Inư (Phố Hài) có niên đại khoảng TK XI. Bên trong kalan (tháp chính) của các tháp này thường có tượng những vị vua (mukhalinga) hoặc biểu tượng linga – yoni là những vật thiêng để thực hiện các nghi thức chính (lễ tấm tượng, mặc y trang…) trong toàn bộ diễn trình lễ hội Katê.

Ngoài các tháp Chăm, các đền, miếu cũng là những nơi thờ tự, thực hiện các nghi thức tâm linh của người Chăm, trong đó có lễ hội Katê. Các đền, miếu của người Chăm hầu như được xây mới vào những năm 50, 60 của TK XX, có kiến trúc, bố cục tương tự các đình làng của người Kinh, gồm có mái ngói, nóc đền có hình lưỡng long chầu nguyệt, tiền đường, hậu đường…, các đền này thường được xây ở đầu làng, gò ruộng, có đồng lúa bao quanh, không gian linh thiêng bên trong đền thường đặt các tượng tạc chân dung các thần như đền Po Inư Nagar (Hữu Đức, Ninh Phước, Ninh Thuận), đền Po Nit (Bình Hiếu, Bắc Bình, Bình Thuận)…; hoặc thờ bằng các phiến đá trơn tru như đền thờ Po Riyak (Mỹ Nghiệp, Ninh Phước, Ninh Thuận), Po Inư Nagar Hamu Kut (Bĩnh Nghĩa, Thuận Bắc, Ninh Thuận)… Trong số các đền thờ này, nhiều đền như Po Nit đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Các công trình đền, tháp của người Chăm là một di sản vật chất vô cùng quý giá của người Chăm, đây chính là không gian để tổ chức phần lớn các lễ hội mang tính tâm linh của người Chăm, trong đó lễ hội Katê là một lễ hội quan trọng nhất gắn liền với các không gian linh thiêng này. Các di tích, không gian diễn ra lễ hội, là một phần tối quan trọng của bất kỳ lễ hội nào, chính vì tầm quan trọng này mà một số nhà nghiên cứu còn cho rằng lễ hội bao gồm 3 phần: lễ, hội và di tích. Bản thân các đền tháp đã là những di sản văn hóa đặc sắc, lễ hội Katê lại diễn ra đồng thời ở hầu hết các đền, tháp của người Chăm, vì vậy, mà giá trị của nó tăng lên đến bội phần.

Lễ hội Katê – nơi lưu giữ và diễn xướng văn học dân gian

Gắn liền với mỗi lễ hội dân gian Chăm là các bài thánh ca, các huyền thoại ghi nhận tiểu sử, ca ngợi công đức các vị thần linh được cầu cúng trong lễ hội, mà lễ hội Katê cũng không ngoại lệ. Theo thống kê của Văn Món (Sakaya) trong Đặc trưng bài hát lễ Chăm trong lễ hội dân gian thông qua thư tịch cổ, các lễ hội của người Chăm có khoảng 75 bài hát lễ về các vị thần, hầu hết trong số này là các huyền thoại, truyền thuyết lịch sử, tồn tại dưới các hình thức chính là: văn xuôi và văn vần (thơ).

Bản thân các bài hát lễ này là một dạng thức của văn học Chăm, gồm các damnưi (thần thoại, truyền thuyết), dalikal (truyện cổ tích) nhưng khi được sử dụng trong các lễ hội Chăm nó được nâng lên một tầm cao mới là các bài thánh ca, thường được gắn liền với các hình thức hát kể, mang nhiều yếu tố trình diễn, tương tự như khi người bản địa Tây Nguyên hát kể sử thi. Khi hát xướng các bài hát lễ này, các nghệ nhân ngoài hát ra còn sử dụng các nhạc cụ phụ trợ hay thực hiện những điệu múa tâm linh (phân biệt với múa nghệ thuật) để biểu diễn, tái hiện hình ảnh các vị thần tương tự như các tập tục hầu đồng, hầu bóng, múa bóng, hát chầu văn của người Kinh… Đến đây, sự kết hợp giữa văn học thần thoại, những yếu tố trình diễn trong nghi lễ làm cho lễ hội trở thành một không gian diễn xướng nghệ thuật dân gian.


 Tháp Poklong Garai ngày hội. Ảnh Tuấn Anh 

Lễ hội Katê với chức năng dâng cúng, cầu nguyện, tạ ơn thần linh, nhất là những vị thần có công sáng thế (Po Inư Nagar), có công dẫn thủy nhập điền, chống giặc ngoại xâm (Po Khoang Garai, Po Rame…). Mỗi vị thần như vậy lại gắn liền với một huyền tích, một truyền thuyết khác nhau, trong đó nó kể lại xuất thân của các vị thần, công lao mà họ đóng góp cho quốc gia, dân tộc để rồi được thần thánh hóa, được dân gian thờ phụng. Khi thực hiện các nghi thức của lễ hội Katê, thầy Kadhar (thày hát lễ) kéo đàn rabap (đàn nhị của người Chăm) và đồng thời hát kể các bài hát lễ liên quan đến từng vị thần được dâng lễ xuyên suốt diễn trình lễ hội.

Những bài hát trong lễ hội Katê, cũng như trong nhiều lễ hội khác, là những áng văn chương tuyệt vời trong kho tàng văn học dân gian Chăm. Đồng thời, sự kết hợp của những bài thánh ca này với nghệ thuật hát kể theo nhịp điệu của thày Kadhar, phần phụ họa của cây đàn rabap còn biến lễ hội Katê thành lễ thức chứa đựng các yếu tố diễn xướng văn hóa đặc sắc. Với ý nghĩa đó, lễ hội Katê không chỉ là nơi phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn học và diễn xướng nghệ thuật trong nền văn hóa Chăm.

Lễ hội Katê – nơi phô diễn nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống Chăm

Katé là một lễ nghi truyền thống xuất hiện từ sau TK XV. Trước năm 1967, Katê chỉ có phần lễ do các tu sĩ thực hiện, sau năm 1967, có thêm phần hội, các hoạt động ca múa nhạc truyền thống, rồi trở thành một lễ hội của người Chăm. Từ đó đến nay, dù chỉ mới xuất hiện, nhưng phần ca múa nhạc truyền thống đã trở thành một yếu tố quan trọng cấu thành toàn bộ diễn trình của lễ hội Katê hàng năm, chính vì vậy đây còn là nơi để phô diễn nghệ thuật ca múa nhạc của người Chăm.

Người Chăm là một dân tộc có nền ca múa nhạc phong phú, phát triển, từng nổi tiếng trong khu vực trong những thời kỳ xa xưa. Trước hết, về nhạc cụ truyền thống, người Chăm sở hữu một hệ thống nhạc cụ đa dạng gồm có đủ bộ: bộ gõ có trống ginang, baranang, cheng; bộ hơi có kèn saranai, tù và; bộ dây có đàn kanhi, đàn rabap và nhiều loại khác thuộc các bộ này. Như đã nêu ở trên, ngoài đàn rabap được sử dụng cho phần nghi thức trong dịp Katê, phần hội hàng năm còn có sự tham dự của đội ca múa mừng lễ diễn ra trước các đền, tháp, bộ nhạc cụ chủ yếu sử dụng trong dàn nhạc này thường là kèn saranai, cặp trống ginang, chiêng, lục lạc…

Về dân ca, dân nhạc, người Chăm có một sức sáng tạo âm nhạc độc đáo, với nhiều bài hát có tiết tấu, nhịp điệu riêng gắn liền với quê hương đất nước, ca ngợi các hình ảnh lao động và sinh hoạt thường ngày do đó mà lời ca lẫn giai điệu đều bình dị, mộc mạc. Nhạc dân ca Chăm đa dạng được chia ra nhiều loại hình như hát giao duyên, hát vãi chài… Bên cạnh nhạc Chăm truyền thống còn có một số các sáng tác hiện đại của các nhạc sĩ về vùng quê hương dân tộc Chăm thường được vang lên mỗi dịp lễ hội Katê ở các đền, tháp như một phần không thể thiếu của lễ hội này.

Đặc sắc nhất là nghệ thuật múa dân gian Chăm, với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, trong đó có thể phân ra 2 nhóm chính: múa phục vụ tâm linh (trong các lễ hội) và múa nghệ thuật trong sinh hoạt đời thường. Về các điệu múa trong các dịp lễ hội như Rija Nagar, Rija Proang…, thì có múa roi, múa dao, kiếm, múa đạp lửa, múa chèo thuyền, múa ru con, múa phồn thực… Các điệu múa trong đời thường thì chủ yếu phục vụ nghệ thuật thuần túy, trong đó phổ biến là các bài sử dụng các dụng cụ như múa quạt, múa khăn, múa đội nước hay múa đội lu… Phần lớn các điệu múa này ngày nay được biên đạo lại thành nhiều bài múa phong phú, đa dạng thường được múa trong các dịp Katê hay các cuộc biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu hàng ngày.

Katê là một trong những lễ hội của người Chăm được tổ chức gắn liền với các hoạt động ca múa nhạc, đây là dịp để phô bày các nhạc cụ truyền thống, đồng thời là nơi để phô diễn các dân ca, dân vũ. Hàng năm cứ vào dịp này, trong các nghi lễ rước y trang hay khi đưa y trang lên tháp, bên cạnh đoàn rước truyền thống là đoàn người vừa tấu nhạc, vừa múa theo sau đoàn rước lễ; đặc biệt trước khi diễn ra các nghi thức chính trên tháp các điệu múa cũng được trình diễn bên cạnh sự tấu lên của dàn nhạc truyền thống Chăm để Katê thật sự là một ngày hội.

Katê là lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức tại các đền, tháp của người Chăm, đây không chỉ là nơi linh thiêng trong đời sống tâm linh Chăm mà còn là không gian cho thấy trình độ văn minh của dân tộc này, yếu tố chính cấu thành các giá trị nổi bật của văn hóa Chăm. Đây cũng là dịp để người Chăm lưu truyền các thần thoại, cổ tích, truyền thuyết qua hình thức hát kể, do đó Katê là nơi lưu giữ, phát huy các hình thức diễn xướng văn học dân gian của họ, là dịp người Chăm phô bày các nhạc cụ, phô diễn nghệ thuật ca múa nhạc, nhằm hướng đến việc bảo tồn, quảng bá các giá trị của nghệ thuật dân gian truyền thống. Với tất cả những ý nghĩa đó, Katê không chỉ là một dịp để thể hiện các nghi thức của văn hóa tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy các di sản đặc sắc của nền văn hóa Chăm.

                                                          

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : ĐỔNG THÀNH DANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *