Lê hội làng Đồng Kỵ xưa và nay


Làng Đồng Kỵ ngày nay là phường Đồng Kỵ thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng là một trong bốn làng năng động, giỏi trong làm ăn kinh tế, được khẳng định qua câu tục ngữ: “Thứ nhất Đồng Kỵ, thứ nhì Đông Khang, thứ ba Đình Bảng, thứ tư Mão Điền”. Lễ hội làng Đồng Kỵ diễn ra từ ngày mồng 4 đến mồng 6 tháng Giêng, trong không gian làng với quần thể các di tích đình, đền và chùa làng. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn vị Thành Hoàng làng Thiên Cương Đại Vương – vị thần có công huy động nhân dân theo giúp vua Hùng thứ Sáu đánh giặc. Trải qua nhiều hăng trầm của lịch sử, hội làng Đồng Kỵ ngày nay cũng có nhiều biến đổi, tuy nhiên, nhiều cổ tục độc đáo vẫn được duy trì, làm nên sắc thái riêng của lễ hội này.

1. Những tục lệ độc đáo trong lễ hội

Theo tục lệ xưa của làng Đồng Kỵ, trong một năm, những người tới 51 tuổi phải tham gia công việc đình đám của làng. Làng cử ra 12 ông quan đám nội để điều hành công việc. Các ông quan đám được chia thành 4 ông quan đám đỏ (là những người mặc áo đỏ, làm chủ lễ, trong đó có một ông làm quan đám Nhất – trưởng Ban khánh tiết, một ông quan đám Nhì làm phó Ban khánh tiết), 4 ông quan đám mặc áo xanh (giúp việc đèn, hương cho chủ lễ) và 4 ông quan đám mặc áo tím (làm bồi lễ). Ngoài ra, còn các quan đám ngoại (là những người cùng 51 tuổi còn lại trong làng tham dự vào ban khánh tiết)… Lệ làng quy định, hằng năm, dân làng thường chọn 12 ông quan đám nội, là những người sinh đầu tiên trong hàng ngũ những người 51 tuổi theo sổ lệ làng. Những người dưới tuổi quan đám chịu sự điều khiển của các quan đám một cách tự giác, có trật tự và sự tôn trọng cao. Trong đó, theo thứ tự trước sau mà quyết định vị trí các quan đám. Việc lựa chọn được quy định trong hương ước của làng.

Lễ hội làng Đồng Kỵ – Ảnh: tác giả cung cấp

Theo phong tục ở làng, mọi tiết lễ trong năm đều có các quan đám tổ chức và điều hành. Quan đám vừa là những người tổ chức, điều khiển hoạt động lễ hội vừa là người thực hiện các nghi lễ của lễ hội. Việc tín ngưỡng có thông suốt hay không hoàn toàn phụ thuộc vào Ban khánh tiết của những quan đám mới này. Vì thế, việc bàn giao giữa quan đám cũ và mới là việc làm đầu tiên, và cũng được thực hiện với những nghi lễ thiêng liêng. Từ 20 tháng Chạp của năm cũ, bắt đầu chuẩn bị công việc của lễ hội, đồng thời là lúc chuyển giao công việc của quan đám năm cũ cho các quan đám mới. Nghi lễ chính thức của cuộc bàn giao bắt đầu bằng việc tiến hành đảo sái nồi nhang (thay cát cho bát hương) cho đến kiểm tra lại mũ áo tế lễ để bàn giao. Cũng trong dịp này, làng còn bầu chọn và cắt cử người tham gia vào các ban lo việc xếp sắp rước và điều hành trong các ngày hội.

Hội làng Đồng Kỵ diễn ra với nhiều nghi lễ đặc sắc như tục ôm cột Thái Bạch diễn ra vào đêm 30 tháng Chạp. Tục này diễn ra với 4 ông đám của 4 giáp trong làng là giáp Tiên, giáp Thượng, giáp Đông và giáp Đoài. Tục ôm cột này phản ánh truyền thuyết chọn tướng tiên phong của Thành Hoàng làng. Theo truyền thuyết, khi các đạo quân đã ra sức luyện tập có kết quả rất tốt. Thiên Cương muốn chọn một vị chỉ huy tiên phong, ngài bèn bầy ra một cuộc đua tài giữa các chỉ huy của 4 đạo xem ai hơn thì được giữ ấn tiên phong. Sau này, để nhắc lại sự kiện ấy, dân làng tổ chức cuộc tranh cột Thái Bạch. Cột Thái Bạch là một trong 4 cột chính ở Tam Bảo của chùa, người ra tranh cột là 4 ông đại diện của 4 giáp. Bốn ông đều ăn mặc chỉnh tề, đợi lễ giao thừa, lần lượt vào lễ thần. Lễ thần xong, các ông đều nhào tới ôm lấy cột. Cái cột nhất (cột Thái Bạch) ông nào cũng muốn ôm lấy, các ông phải tranh nhau xô đẩy, quần áo chỉnh tề của các ông biến thành xộc xệch. Dân các giáp ở ngoài hò reo cổ vũ nhằm nâng cao tinh thần hăng hái của các ông đại diện cho giáp mình. Ông này ôm được cây cột, ông kia đã vén quần, xắn tay áo, vài vạt áo, xông vào lôi mạnh ông kia ra. Một bên cố ôm lấy cột, một bên cố lôi cho ra, có khi trong trường hợp cả 4 giáp đều dự tranh, một ông ôm cột, hai ba ông lôi ra. Ông nào ôm được cột sẽ thắng và năm đó sẽ làm quan đám nhất. Nếu cuộc tranh ôm cột cho tới bình minh, không ai chịu thua ai, ban hội đồng làng với các quan viên sẽ can thiệp để định đoạt. Sự định đoạt có nhiều khi các cụ không chịu, nhưng thiểu số phải phục tùng đa số, lệnh của ban hội đồng với các quan viên là lệnh của làng, các cụ không phục cũng phải chấp nhận. Ngày nay, trò diễn này vẫn được tổ chức nhưng mang yếu tố hình thức, biểu tượng một hình thức kén tướng cho Thành Hoàng làng, nhưng ý nghĩa biểu trưng còn nguyên giá trị.

Sau đêm 30 Tết, người làng đón những ngày đầu tiên của năm mới. Sáng ngày mùng 4 tháng Giêng, dân làng bước vào hội rước pháo từ nhà ông quan đám Nhất ra đình. Đám rước rất linh đình với cờ lệnh, cờ tứ linh, ngũ hành bát quái, binh khí, bát bửu, kiệu, đôi ngựa hồng, ngựa trắng trong tiếng nhạc bát âm và trống chiêng rộn ràng. Nổi bật trong đám rước là những quả pháo do dân làng cùng nhau làm. Để đoàn rước có thứ tự và trật tự, hai quan đám ở ban tổ chức rước cầm cờ sai, một người đi từ đầu đám rước trở lại, một người đi từ cuối đám rước lên. Hai ông vừa dẹp đường, vừa điều khiển đoàn rước theo nhịp trống. Trước đây làng tổ chức rước pháo thật. Từ khi không còn sản xuất pháo đốt, để lưu lại một mỹ tục trong hội làng, người ta làm 2 mô hình pháo bằng gỗ, sơn son thếp vàng dài khoảng 10m gọi là pháo nhất và pháo nhì. Hội rước pháo ngày nay là rước 2 quả pháo này, nhằm bảo tồn một tục lệ độc đáo của làng.

Trước năm 1994, hội làng Đồng Kỵ vẫn tổ chức thi đốt pháo. Về sau, làng không tổ chức do không còn sản xuất pháo, nhưng tục thi đốt pháo vẫn được người làng lưu lại trong ký ức và kể lại cho con cháu. Bên cạnh đó, tục đốt pháo được các nhà khoa học ghi chép lại trong nhiều công trình khảo cứu của mình.

Sau tục đốt pháo, hội làng Đồng Kỵ bước vào tục Dô ông đám. Các trai làng mình trần, khố đỏ đỡ tay dô các quan đám ngay ra sân đình. Trai giáp nào đón được quan đám đỏ của mình trước thì chạy ra trước không phân biệt thứ tự. Trước hàng vạn cặp mắt của dân làng và khách thập phương, trai hàng giáp reo hò, chạy nâng ông đám của mình lên cao chạy vòng quanh sân. Các ông đám mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ, ngồi trên tay các trai làng, lúc xoay đi, lúc xoay lại, lúc lại chạy vòng quanh như một bông hoa. Vì vậy, tích này còn được gọi là múa hoa. Hoa đây không phải là hoa thật, cũng không phải là hoa giấy. Người múa hoa cũng không phải là các thanh nữ trong làng hoặc các ca nhi vẫn vừa hát, vừa thờ thần, vừa múa hoa như tại hội hè các xã khác. Tục Dô ông đám là một cách đề cao tinh thần thượng võ, là dịp các thanh niên phô bày sức khỏe và vẻ đẹp cơ bắp. Tục này còn mang ý nghĩa quân sĩ công kênh các vị tướng trước hàng quân trong ngày chiến thắng mở hội ăn mừng.

Hai ngày còn lại của hội làng vào mùng 5 và 6 tháng Giêng, ngoài những nghi thức tế lễ, làng còn tiến hành thi bánh dày, thi đấu vật, hát tuồng… Tục thi bánh dày diễn ra vào ngày cuối cùng của hội với ý nghĩa đây là ngày chiến thắng, đức Thánh khao quân. Theo lệ làng, các cụ trong làng từ 52 tuổi trở lên mới được dâng lễ lên Thánh. Dưới tuổi ấy, không ai được hân hạnh hưởng vinh dự này. Muốn dâng lễ Thánh, ngoài những lễ vật khác nhau, mỗi cụ phải mang ra đình những nong bánh dầy. Các cụ nghèo có thể đựng bánh trong các nia, mâm, sàng hoặc mẹt nhỏ hơn. Cỗ mang ra đình, sau khi dâng lễ thánh sẽ được các cụ bình, chấm, rồi chia đều từ cụ thượng tới tất cả đinh nam trong làng. Tục thi bánh dày như vậy gắn liền với một lệ tục khác của làng đó là tục lên lão.

Những tục lệ khác đã có các phường đăng cai riêng lo chuẩn bị cho ngày hội. Làng chỉ treo giải cho các phường. Ngoài ra, tùy từng năm mà có thêm các cuộc thi hay mở các trò vui khác, nhưng điều này không bắt buộc thành lệ.

Trước đây, mỗi khi làng mở hội, các phường tuồng đều đến xin đám. Phường tuồng làng Đồng Kỵ là một trong những phường nổi tiếng có tuổi đời gần 200 năm. Hiện làng vẫn thờ Tổ tuồng. Để tổ chức và quản lý phường tuồng, mỗi đoàn có 1 ông trùm (ông trùm trực năm nào chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi mặt cho phường năm ấy: tập tành dựng vở và đi biểu diễn, đi xin đám, giúp đỡ trong phường khi có chuyện hiếu hỷ…) và 4 ông toát (là những người nhiều tuổi nhất trong đoàn, trách nhiệm như Ban tổ chức), việc gì các ông trùm giải quyết không được mới đưa lên các ông toát bàn định. Khi các ông toát đã bàn xong thì mọi người phải chấp hành nghiêm túc. Gia đình nào có con tham gia phường là vinh dự cho nên cả gia đình đôn đốc, thúc giục, tạo điều kiện cho mọi diễn viên tập luyện.

2. Giá trị của lễ hội

 Lễ hội Đồng Kỵ gắn liền với Thành Hoàng của làng, mang những sắc thái riêng. Tuy nhiên, hội đình làng Đồng Kỵ tồn tại trong không gian văn hóa làng quê Việt ở đồng bằng Bắc Bộ nên có nhiều điểm tương đồng trong hệ thống lễ hội truyền thống của người Việt, phản ánh đời sống, ước vọng và các tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, phản ánh tính nguyên hợp, tính đan xem của các lớp tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.

Không chỉ Đồng Kỵ, mà hội làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho đến trước năm 1995 cũng diễn ra những nghi thức đốt pháo nổ. Hội làng gắn với tín ngưỡng thờ cúng đức quốc Tổ Lạc Long Quân diễn ra từ ngày 24-2 đến mùng 6-3 âm lịch hằng năm. Tại một số xã ở Hải Dương như NghĩaAn, Ứng Hòe, Kiến Quốc, Hồng Phong (huyện Ninh Giang), hay Minh Đức, Quang Khải (Tứ Kỳ)… vào dịp lễ hội có tục nổ pháo đất. Nghi thức nổ pháo đất (hay đánh pháo đất) có nguồn gốc xa xưa gắn với danh tướng Lê Chân thời Hai Bà Trưng. Hội cũng gắn với truyền thuyết về dùng tiếng nổ để đuổi giặc cho dù là tiếng nổ pháo hay tiếng nổ của pháo đất. Đằng sau những nội dung đó, tại các hội làng như đã nêu ở trên đều phản ánh tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp khi người dân tin rằng tiếng nổ càng to thì càng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Đồng Kỵ còn nói lên khá rõ đời sống cộng đồng của làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, ở làng Đồng Kỵ, ta thấy, việc tổ chức hội lễ là công việc chung của cả làng. Toàn dân bàn bạc dân chủ và phân công nhau thực hiện. Người càng cao tuổi càng được kính trọng trong các sinh hoạt cộng đồng. Tục lên lão còn được duy trì là dấu vết của việc phân chia cư dân theo cấp tuổi rất xa xưa còn được giữ lại. Hội đồng các bô lão của làng còn có vai trò lớn. Trong các trò chơi dân gian, tất cả dân làng không phân biệt địa vị xã hội và giàu nghèo đều được tham gia. Tục phân chia bình quân vẫn còn dấu vết khi lễ khao vọng được tổ chức xong thì bánh tế được chia cho mọi người trong làng từ cụ già đến em bé.

Nói đến lễ hội là nói đến tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng. Tuy nhiên đằng sau thần tích, những nghi thức thờ thần và những diễn xướng của lễ hội, chúng ta có thể thấy rất rõ những lớp tín ngưỡng cổ xưa của cư dân Việt xuất hiện trong lễ hội đan xen trong đó như: tín ngưỡng cầu mưa, cầu mùa và tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc. Anh hùng dân tộc tại làng Đồng Kỵ là Thánh Cương Công, người có công đánh giặc cứu nước, bảo vệ nhân dân. Bên cạnh các tín ngưỡng đó, lễ hội đình làng Đồng Kỵ còn có dấu ấn của các lớp tôn giáo khác nhau.

Hội làng Đồng Kỵ mang ý nghĩa của một lễ hội xuân cổ truyền với những hồi ức xưa cũ về việc cầu cúng cho mưa thuận gió hòa (bằng việc thi đốt pháo), vừa thực hành được những nghi lễ cầu mùa màng bội thu (bằng những hành động và trò diễn thi bánh dày). Dưới quan niệm dân làng mừng vui đón Thánh khi thắng trận trở về, cả làng lại mở hội ăn mừng. Tiếng pháo chấp hiệu là tiếng pháo ra quân cứu nước. Hội pháo là ngày hội toàn dân xung trận đánh giặc, vừa là ngày hội ăn mừng chiến thắng giặc ngoại xâm. Nhưng ở lớp nghĩa sâu hơn, hội Đồng Kỵ ẩn tàng những dấu ấn cổ tục cầu mưa của cư dân Việt cổ. Tiếng pháo, suy cho cùng, cũng như tiếng trống cái được coi như đồng nhất với tiếng sấm của trời gọi mây, gọi mưa về. Đó cũng là tiếng cầu mong thần linh phù trợ cho dân làng bằng cách đưa nước về cho trần gian.

Cùng với tục thi đốt pháo, lễ hội xuân Đồng Kỵ còn có một trò diễn cũng sôi động, hồ hởi và cuốn hút người xem không kém, đó là tục Dô ông đám. Đây là tục diễn ra để nhắc lại sự tích Thiên Cương kén tướng tiên phong đi dẹp giặc. Như vậy hai nội dung cốt lõi của lễ hội Đồng Kỵ thể hiện rất rõ đó là sản xuất và chiến đấu, là cầu được mùa màng và ca tụng truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Sự hòa quyện, đan xen của các lớp tín ngưỡng khác nhau trong lễ hội đình làng Đồng Kỵ phản ánh tư duy tổng hợp của cư dân nông nghiệp Việt Nam.

3. Hiện trạng lễ hội ngày nay

 Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, năm 2016, lễ hội đình Đồng Kỵ được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội đình Đồng Kỵ những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, lễ hội đình Đồng Kỵ đang diễn ra những thay đổi do tác động của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều nghi thức cũ được giảm bớt đi nhưng cũng xuất hiện nhiều nghi thức mới trong lễ hội với những xu hướng khác nhau.

Sự biến đổi lớn lao hơn cả đó là tục đốt pháo đã bị hủy bỏ bởi quy định của pháp luật. Thực hiện Chỉ thị 406-TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo có hiệu lực từ năm 1995 là nguyên nhân quan trọng tác động đến lễ hội làng Đồng Kỵ. Tục đốt pháo là cốt lõi của lễ hội, chi phối nhiều mặt đời sống dân làng. Bởi lẽ, để có pháo đốt người dân làng phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và vật lực. Vào dịp lễ hội không còn cảnh không gian vui nhộn, không còn những âm thanh ấn tượng của pháo đại, pháo tràng xen lẫn tiếng hô cổ vũ của dân làng. Vì vậy, việc hủy bỏ tục đốt pháo đã làm thay đổi ít nhiều nội dung, tính chất của lễ hội.

Công tác quản lý lễ hội làng Đồng Kỵ hiện nay còn một số tồn tại như việc thiếu phối hợp của cơ quan văn hóa với các ngành liên quan và sự phối hợp giữa nhà nước với nhân dân. Lễ hội dân gian vốn do nhân dân tổ chức, nhưng gần đây các quy định tổ chức lễ hội trong nhiều trường hợp chưa thống nhất với quyền lợi cộng đồng dân cư địa phương.

Trên thực tế, để bảo tồn các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống nói chung và lễ hội Đồng Kỵ nói riêng, cần có nhiều giải pháp phù hợp, linh hoạt, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Theo đó, lễ hội phải được tổ chức vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.

Tài liệu tham khảo

 1. Toan Ánh, Hội hè đình đám, Nxb Trẻ, 2005.

2. Địa chí Hà Bắc, Ty Văn hóa Thông tin Hà Bắc xuất bản, 1982.

3. Sự tích hội Đồng Kỵ, Phòng Văn hóa Thông tin – Thể thao huyện Tiên Sơn xuất bản, 1995.

4. Văn hóa truyền thống làng Đồng Kỵ, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian xuất bản, 1995

Tác giả: Ngô Thị Bích Khuyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *