Lễ hội truyền thống là một thành tố không thể thiếu, tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Vượt qua sự kiểm chứng của thời gian, sự thử thách của lịch sử, sự tồn tại, biến đổi, phát triển của các lễ hội truyền thống là minh chứng sinh động cho sức sống của mỗi nền văn hóa. Tuy nhiên, khó có một lễ hội nào mà ở đó, người nông dân, cụ thể là đám trẻ chăn trâu được trực tiếp đứng ra tổ chức, điều hành lễ hội, được cả cộng đồng xem trọng như ở lễ hội mục đồng ở xã Phong Lệ, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ dưới góc nhìn truyền thống
Lịch sử hình thành, phát triển làng Phong Lệ
Làng Phong Lệ là một trong những ngôi làng được hình thành từ rất sớm ở phía nam đèo Hải Vân. Tác giả Võ Văn Hòe đã nhận định: “Vào thời kỳ đầu khai phá, làng có vị trí quan trọng của xứ Đàng Trong, Quảng Nam, Đà Nẵng sau này, bởi đây có thể xem là ngôi làng đóng vai trò phên giậu tiên phong trong tiến trình khai hoang vỡ hóa, mở rộng đất đai về phương nam” (1).
Đăc trưng của địa hình, thổ nhưỡng làng Phong Lệ là sự hội đủ của đồi núi, trung du lẫn đồng bằng, sông ngòi, kênh rạch. Từ buổi đầu khai hoang mở đất, những lớp cư dân Việt đầu tiên từ phía Bắc vào đã chung sống cộng cư với người Chăm bản địa. Dần dần, người Chăm chuyển địa bàn sinh sống vào phía nam, người Phong Lệ bắt đầu quá trình xây dựng xóm làng, tăng gia sản xuất, thiết lập tổ chức làng xã. Dấu ấn đậm nét của người Chăm còn lưu lại tại làng Phong Lệ là dòng họ Ông nổi tiếng với 2 nhân vật đã đi vào lịch sử dân tộc TK XIX là Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường.
Theo bản Đà Sơn, Đà Ly nhị xã Phan tộc phổ chí của tộc Phan, làng Đà Sơn, làng Phong Lệ xưa thuộc xứ Đà Ly, được khai phá từ đời nhà Hồ năm 1404. Lúc bấy giờ, xứ Đà Ly là một vùng đất khá rộng, gần như bao trọn địa bàn huyện Hòa Vang bây giờ, phía nam giáp xứ Trà Kiệu, phía bắc giáp Sơn Trà, tây giáp núi Chúa, phía đông giáp Ngũ Hành Sơn. Sắc phong của làng Phong Lệ còn ghi lại công đức của các bậc Tiền hiền khai canh là Nhâm Quý Công, Lao Quý Công, Mười Quý Công. Năm Thiệu Trị nguyên niên, tên Đà Ly được đổi thành Phong Lệ, có cơ cấu chính quyền điều hành. Năm Thành Thái thứ VIII, vì địa dư của làng quá rộng, cách trở sông đò, đi lại khó khăn nên chính quyền địa phương đã quyết định chia làng Phong Lệ thành 2 làng nhỏ là Phong Lệ Bắc (Phong Bắc), Phong Lệ Nam (Phong Nam).
Là một làng thuần nông, ngoài ra, việc chăn nuôi, đánh bắt thủy sản cũng là kế sinh nhai của người Phong Lệ. Nghề thủ công truyền thống cũng khá phát triển tại đây với nghề làm bánh khô, bánh tráng, bánh gừng, đan tre.
Đời sống văn hóa tinh thần của người Phong Lệ cũng khá phong phú, được thể hiện qua những phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội rước hến Đông Bàu, lễ Hạ Điền, đặc biệt là lễ hội mục đồng.
Truyền thuyết về Thần Nông
Theo truyền thuyết của Trung Hoa, Thần Nông là một vị vua sau Phục Hy, còn gọi là Viêm Đế, có công tìm ra hạt giống ngũ cốc, dạy dân biết cày bừa, trồng trọt. Ông được xem là ông tổ nghề nông, người khai sáng cho nghề nông, trồng trọt ngũ cốc. Người Trung Quốc tôn Thần Nông là một trong ngũ đế, 5 thánh vương thời cổ đại.
Ở Việt Nam, người dân quan niệm đây là vị thần cai quản nghề nông, ban phát mưa nắng, giúp mùa màng bội thu. Vì vậy, mỗi làng nông nghiệp ở Việt Nam đều có miếu thờ Thần Nông. Tại làng Phong Lệ, còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về Thần Nông, đó cũng chính là nguyên nhân ra đời lễ hội mục đồng Phong Lệ.
Truyền thuyết thứ nhất kể lại rằng có một cụ già tóc bạc, râu trắng không biết từ đâu đến làng Phong Lệ. Cụ rất gần gũi, yêu mến đám trẻ chăn trâu, tiên đoán nhiều việc rất linh nghiệm. Về sau, do tuổi cao sức yếu, cụ già khuất núi tại một gò đất mà về sau, giới chăn trâu gọi là Cồn Thần. Giới trẻ chăn trâu trong làng thường hay lui tới săn sóc phần mộ cho cụ. Mục đồng nào có trâu đi lạc chỉ cần đến khấn vái cụ, trâu sẽ tự tìm về. Từ đó về sau, giới mục đồng trong làng ai cũng tin vào sự linh nghiệm của cụ, việc này ngày càng lan xa, được nhiều người biết đến. Nhân dân tôn xưng cụ là Thần Nông, gọi nơi cụ an nghỉ là Cồn Thần, tổ chức lễ hội mục đồng để tưởng nhớ cụ.
Cũng có một truyền thuyết khác được lưu truyền trong dân gian kể rằng có vị Thần Nông từ trên trời giáng xuống gò đất của làng Phong Lệ, tay thần cầm cờ, thường dạo chơi với đám trẻ mục đồng trong làng. Từ đó, giới mục đồng, người dân trong làng truyền nhau rằng gò đất rất thiêng, ai đi qua đấy mà không giữ ý tứ sẽ bị thần quở trách, về nhà sinh bệnh, phải có lễ xin thần mới được tha. Người nào ngồi lên gò đất của thần sẽ bị dính vào đó không sao gỡ lên được, phải cầu xin thần mới hết. Tuy nhiên, những việc này chỉ xảy ra với người làng khác đến, còn người làng Phong Lệ thì không, nhất là đối với đám trẻ chăn trâu. Người làng Phong Lệ cho đó là điềm lành của làng nên đã lập đền thờ Thần Nông, đều đặn 3 năm một lần tổ chức lễ hội để rước Thần Nông về làng, ban phát phong thuận vũ điều, cơm no áo ấm cho dân làng. Những người đóng vai trò chính trong lễ hội này không ai khác chính là giới mục đồng trong làng.
Đình Thần Nông làng Phong Lệ
Nói đến lễ hội mục đồng làng Phong Lệ không thể không nhắc đến đình Thần Nông của làng. Bởi đây chính là trung tâm diễn ra các hoạt động trong lễ hội mục đồng. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, còn được biết đến với tên gọi là đình Mục Đồng. Nguyên thủy, đình được xây dựng vào cuối đời Minh Mạng bằng tranh tre nứa lá. Năm 1933, thực dân Pháp xây dựng đường sắt ngang qua trước mặt đình nên dân làng bàn nhau di dời đình về vị trí hiện nay. Năm Bảo Đại thứ 9, ngôi đình mới được xây dựng lại một cách kiên cố theo lối kiến trúc ba gian, hai chái, với hệ thống vì kèo, cột gỗ được chạm khắc tinh vi. Đặc biệt, 4 mái đình được trang trí không phải bằng mô tip truyền thống là long, ly, quy, phụng mà sử dụng hình tượng chiếc sừng trâu uốn cong rất độc đáo. Đây là biểu tượng cho nghề nông trồng lúa nước của làng, nhắc nhở đến lễ hội mục đồng nổi tiếng của làng Phong Lệ.
Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ
Để đảm bảo cho lễ hội thành công, công tác chuẩn bị vô cùng quan trọng, phải chuẩn bị trước hàng tháng trời. Công việc đầu tiên cần phải làm là họp hội đồng 17 chư phái tộc của làng Phong Lệ. Tại đây, các bô lão, chức sắc trong làng sẽ quyết định việc ra cáo yết về việc tổ chức lễ hội để dân làng được biết, tiến hành phân công cụ thể về chuẩn bị hậu cần cho lễ hội, việc này do thủ bổn của làng lo liệu. Công việc mua sắm các vật phẩm cần thiết như hoa quả, bánh trái, lợn, gà, vịt… được phân công cụ thể cho từng chư phái tộc.
Cùng với đó, việc phân công làm kiệu, cờ cho lễ rước thần cũng được phân công cụ thể. Kiệu để rước thần gồm có kiệu của làng, của các chư phái tộc, được trang trí rất công phu, nhiều màu sắc, đặc biệt có trang hoàng trên kiệu rước những nông cụ trong sản xuất như cày, cuốc, đòn gánh cùng những câu liễn đối cầu cho phong thuận vũ điều, nông tang đắc lợi… Việc làm cờ cho lễ rước cũng công phu, mỗi chư phái tộc đều phải có cờ trong lễ rước, sẽ được chấm giải rất nghiêm túc.
Công việc chuẩn bị cho lễ hội được tiếp tục với việc cử người tham gia các trò chơi của lễ hội, viết bài văn khấn trong lễ tế Thần Nông, chọn, tập luyện cho đội trò lễ trong lễ cúng, chọn người làm chánh bái, bồi bái, tư văn cho làng, thuê gánh hát phục vụ mấy ngày lễ hội. Việc làm không thể quên đối với người Phong Lệ trước lễ hội là quét dọn sạch sẽ, trang hoàng ở Cồn Thần, đình Thần Nông, nhà thờ 17 chư phái tộc cũng như đường làng ngõ xóm. Tất cả các công việc chuẩn bị cần phải được hoàn thành xong 1 ngày trước lễ hội.
Theo truyền thống, lễ hội mục đồng Phong Lệ được đều đặn tổ chức theo tam niên nhất lệ, tức 3 năm một lần. Lễ hội sẽ được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Thời gian cụ thể tổ chức lễ hội thường không cố định vào tiết tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm, tùy thuộc vào thời tiết. Đây là khoảng thời gian tiết trời đẹp nhất trong năm, nắng ráo, mùa màng tạm xong, người nông dân có thời gian nông nhàn để tham gia vào các lễ hội.
Thành phần chính tham gia, trở thành trung tâm của lễ hội chính là đám trẻ chăn trâu trong làng. Các vị bô lão sẽ nhất trí chọn trong đám mục đồng hoặc hương chức trong làng một người làm trùm mục, một mục đồng làm trùm chỉ. Trùm mục là người trông coi toàn bộ lễ hội mục đồng, trùm chỉ là người giúp việc cho trùm mục trong tất cả các hoạt động của lễ hội. Được trở thành trùm mục, trùm chỉ của lễ hội là một vinh dự rất lớn không những cho bản thân người được cử mà cả cho gia đình, gia tộc. Trong những ngày lễ hội, giới mục đồng thấy mình thật sự quan trọng, được đề cao ở trong làng, họ như được cởi bỏ thân phận làm thuê, ở đợ của tầng lớp nghèo khổ, khoác lên mình vai trò của người làm chủ, bày vẽ công việc cho các vị chức sắc trong làng, thậm chí một số mục đồng còn được ngồi tại gian giữa của đình làng để bàn công việc.
Một ngày trước khi lễ hội diễn ra, các vị hương chức trong làng sẽ tiến hành chấm cờ, chấm kiệu của các chư phái tộc tham gia lễ hội. Việc chấm được tiến hành rất nghiêm túc, có phần trao thưởng xứng đáng.
Nghi thức đầu tiên trong phần lễ của lễ hội mục đồng là rước Thần Nông từ Cồn Thần về đình Thần Nông. Từ sáng sớm, tất cả chức sắc trong làng, giới mục đồng, toàn thể nhân dân trong làng đã có mặt đầy đủ để chuẩn bị cho lễ rước. Đi đầu đám rước là đội cờ của làng, cờ lễ hội, tiếp theo là đội mục đồng cầm giáo mác thị uy hai bên, tiếp sau là kiệu thần, cờ mục đồng, cờ của các chư phái tộc cùng lồng đèn. Khi đến Cồn Thần, giới mục đồng trải một tấm chiếu hoa nên cạnh tảng đá thần, bày biện đồ lễ. Vị chánh bái bắt đầu làm lễ, xin Thần Nông giáng hạ để rước về đình an vị, tế lễ. Sau khi gieo một quẻ âm dương được nhất âm nhất dương, mọi người tin là thần đã giáng hạ vào ngự tại kiệu thần, 4 thanh niên khỏe mạnh được giao nhiệm vụ khênh kiệu rước thân về đình làng. Trên suốt quãng đường, chiêng trống, nhạc lễ vang lên rộn rã.
Khi về đến đình Thần Nông, vị chủ bái làm lễ an vị thần, các chư phái tộc thay nhau vào đình dâng hương đảnh lễ thần. Vị trùm mục sẽ chỉ huy việc sắp xếp lại đội hình đám rước, giới chăn trâu sẽ phụ giúp trong việc đảm bảo trật tự lễ hội, đây là lúc họ thể hiện vai trò làm chủ của mình. Sau hồi trống báo hiệu, vị trùm mục xướng to: Hô chúng Mục đồng Phong Lệ ta, rước vua Thần Nông về đồng Phong Lệ ta, tất cả mọi người có mặt trong lễ hội đều đồng thanh hô: Giá hạ! Giá hạ! Vị Trùm mục lại hô tiếp: Xin cho tốt lúa tốt gieo, vũ thuận phong điều. Mừng reo một tiếng. Mọi người lại tiếp tục hô to: Giá hạ! Giá hạ!
Tiếp đó, lễ tế Thần Nông được tiến hành tại đình làng. Các vị chánh bái, bồi bái, tư lễ, tư văn, các học trò lễ vào vị trí để tiến hành lễ tế. Trong hương trầm nghi ngút, không gian linh thiêng, các nghi lễ truyền thống trong lễ tế thần được tiến hành. Sau khi lễ tế kết thúc, các lễ vật trên bàn thờ được hạ xuống, bày biện vào các mâm tiệc để mọi người cùng hưởng lộc của thần. Bên cạnh các chức sắc trong làng thì thành phần đông đảo nhất vẫn là các mục đồng. Sau khi hưởng lộc xong, mọi người lại tất bật chuẩn bị cho cuộc rước thần dạo đồng Phong Lệ.
Cuộc rước Thần Nông dạo đồng Phong Lệ được tiến hành suốt cả một ngày nhưng đông vui hơn cả là vào ban đêm. Người Phong Lệ quan niệm rằng, vào ban đêm thanh vắng, việc rước thần dạo đồng sẽ thuận lợi hơn, đám ruộng nào may mắn được thần dạo qua, năm ấy chắc chắn sẽ được mùa bội thu. Giờ Tý, các đám rước bắt đầu khởi hành qua các ruộng đồng, về Cồn Thần, sau đó tiếp tục đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, đèn đuốc sáng rực cả một vùng. Cùng với tiếng hò reo vang dội, đoàn rước đi xuyên đêm, đến khi mặt trời lên cao quá ngọn tre mới trở về lại đình. Rạng sáng, bà con nhân dân các làng lân cận kéo đến ngày một đông. Tiếp đó, diễn ra lễ chạy cờ hết sức vui nhộn của trẻ chăn trâu, đội chạy cờ sẽ rước cờ chạy khắp cánh đồng, hô vang cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Sau đó, mọi người cùng tập trung về đình làng để cùng nhau sinh hoạt các trò chơi dân gian trong lễ hội, hưởng lộc của thần.
Trong mỗi lễ hội, bên cạnh phần lễ không thể thiếu phần hội, đây là nội dung thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, mang lại không khí tươi vui, sống động. Tại lễ hội mục đồng Phong Lệ, phần hội diễn ra rất đa dạng. Trước hết là các trò chơi của giới mục đồng như rồng rắn lên mây, cờ gánh, đánh cụm, đẩy cây, đấu vật, chơi ô làng, kéo co, đập om…
Đặc biệt, phần hội không thể thiếu hát mục đồng. Thực chất đây chính là thể loại hát bội, được mời về làng biểu diễn. Mục đích của đêm hát là nhằm tạ ơn Thần nông, các vị thần linh đã giáng hạ về làng, phò trì cho nhân dân được khỏe mạnh, no ấm, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi… Đồng thời, tạo cơ hội cho nhân dân trong làng được thưởng thức một đêm hát tuồng để giải trí sau khoảng thời gian vất vả với công việc đồng áng.
Phục hồi, khai thác lễ hội mục đồng làng Phong Lệ trong phát triển du lịch hiện nay
Biến đổi về thời gian tổ chức lễ hội
Theo lệ truyền thống, lễ hội mục đồng Phong Lệ cứ đều đặn 3 năm được tổ chức một lần. Tuy nhiên, sau một thời gian dài bị lãng quên, năm 2007, lễ hội được phục dựng trong hai ngày 1 đến 2-7-2007 tại làng Phong Lệ. Từ đó đến nay, việc tổ chức lễ hội đã được tổ chức hằng năm, cứ 3 năm lại tổ chức hội quy mô lớn, vừa để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, vừa đáp ứng cho công tác phục vụ khách du lịch trong, ngoài nước. Thời gian cụ thể của lễ hội của lễ hội cũng được tổ chức không cố định, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, quan trọng hơn là tình hình, điều kiện của địa phương.
Biến đổi về thành phần tham gia
Ngày nay, thành phần chính tham gia lễ hội mục đồng không còn là những đứa trẻ chăn trâu như ngày xưa nữa mà thay vào đó là những em học sinh của trường tiểu học, THCS Hòa Châu. Không còn các hương chức làng xã thời phong kiến mà thay vào đó là các vị đại diện cho chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể. Những biến đổi này là tất yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Tất nhiên, lễ hội vẫn thu hút sự tham gia đông đảo của con dân làng Phong Lệ, một số địa phương lân cận.
Bên cạnh đó, trong nghi thức tế lễ, các hoạt động từ rước thần từ Cồn Thần về đình, rước Thần Nông dạo đồng hay lễ chạy cờ đều được giản lược theo hướng tiết kiệm, đơn giản hóa nhưng vẫn giữ được những nét chính của phần lễ, không làm mất đi phần đặc sắc của lễ hội.
Thực trạng khai thác lễ hội mục đồng vào phát triển du lịch
Theo số liệu từ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, trong năm 2017, du lịch địa phương đang có những bước tiến vượt bậc khi lượng khách đến, doanh thu du lịch ngày một tăng. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra với du lịch Đà Nẵng đó là thiếu hẳn những chương trình du lịch, tour tuyến khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, bản địa tại đây. Các chương trình du lịch chỉ mới dừng lại ở việc khai thác một số địa chỉ như danh thắng Ngũ Hành Sơn, lễ hội Quan Thế Âm mà dường như bỏ quên các di tích, các lễ hội truyền thống khác. Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ là một trong số đó.
Từ năm 2007, khi lễ mục đồng được làng Phong Lệ khôi phục đến nay đã hơn 10 năm, tuy nhiên vẫn chỉ dừng lại ở một lễ hội truyền thống phục vụ cho nhu cầu tâm linh, thỏa mãn sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương mà chưa thực sự được quan tâm khai thác cho phát triển du lịch. Khi lễ hội được phục dựng, đại diện các hãng lữ hành, công ty du lịch đã đến tham quan ngôi đình, tham gia lễ hội, đánh giá đây là sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo có một không hai của Đà Nẵng, cũng như cả nước; đồng thời hứa hẹn sẽ đưa khách du lịch đến tham quan tại đây nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những lời hứa.
Đây là một thiếu sót lớn bởi lẽ những giá trị của lễ hội mục đồng Phong Lệ là độc đáo, riêng có, biểu trưng cho đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Hiện nay, vẫn chưa có một thống kê nào cho thấy lễ hội mục đồng Phong Lệ được khai thác vào các tour, tuyến du lịch tại Đà Nẵng. Đình Thần Nông Phong Lệ, một kiến trúc độc đáo với biểu tượng chiếc sừng trâu trên mái đình hiện nằm phía sau một trường THCS, việc tiếp cận để khai thác du lịch gặp không ít khó khăn. Đa số du khách tìm về Phong Lệ là khách du lịch tự do, tự tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tìm đến đây để tận mắt chứng kiến một lễ hội truyền thống độc đáo của địa phương.
Giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội mục đồng Phong Lệ
Việc phục dựng lễ hội mục đồng làng Phong Lệ với sự phối hợp của Sở VHTT, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng với các ban ngành, chính quyền địa phương của xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang trong những năm qua đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, cần có sự vào cuộc sâu sát hơn nữa của các nhà nghiên cứu có chuyên môn, cũng như khai thác tối đa nguồn tư liệu sống còn lại ở địa phương, tư liệu thành văn để phục dựng, duy trì lễ hội độc đáo này gần giống với nguyên bản nhất.
Cần tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các học giả đầu ngành về văn hóa dân gian, lễ hội cộng đồng để có thể đi sâu nghiên cứu, tìm thấy các giá trị vật chất cũng như tinh thần của lễ hội để hình thành những tác phẩm nghiên cứu có chiều sâu về một lễ hội độc đáo. Các cấp ngành có liên quan cần đẩy mạnh đầu tư sản xuất các bộ phim tài liệu, triển lãm về lễ hội cộng đồng này để phục vụ cho công tác bảo tồn cũng như quảng bá cho lễ hội mục đồng Phong Lệ.
Đặc biệt, các cấp ngành thành phố cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn trong việc khai thác lễ hội mục đồng Phong Lệ vào phát triển du lịch. Đưa các đoàn khách du lịch về Phong Lệ một cách đều đặn hơn, có chương trình, kế hoạch rõ ràng. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại đây theo hướng khai thác các giá trị văn hóa, làng nghề địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá, thông tin về lễ hội độc đáo này đến du khách thông qua các kênh khác nhau; đưa hình ảnh của lễ hội mục đồng Phong Lệ đến gần hơn với du khách.
_______________
1. Võ Văn Hòe, Văn hóa dân gian Hòa Vang, Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.164.
Tác giả: Tăng Chánh Tín
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%