Văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam
đã được xây dựng, hun đúc từ hàng nghìn năm,
trải qua những thăng trầm của lịch sử, những
giá trị văn hóa đó ngày càng được bồi đắp, trở
nên bền vững hơn. Việc dâng hương ở các cơ sở
thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng đã trở thành nét đẹp
thường thấy mỗi khi Tết đến Xuân về. Tuy nhiên,
do nhiều nguyên nhân khác nhau mà lễ hội
truyền thống ở các làng quê không ít lần bị gián
đoạn. Đặc biệt, từ năm 2020 đến đầu tháng 3-
2021, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có
những diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành
trên cả nước, các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng
đã phải đóng cửa, lễ hội không được tổ chức.
Đối với người dân Việt Nam, các cơ sở thờ tự là nơi thờ cúng những vị thần thánh trong truyền thuyết dân gian, cũng có thể là những vị thiên thần, những vị anh hùng lịch sử có công với đất nước, bên cạnh đó, nơi đây cũng được coi là nơi con người gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, những ước mơ về một cuộc sống sung túc, đủ đầy, là nơi con người cảm thấy mình được chở che về mặt tinh thần. Có thể nói, văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành và bảo lưu một cách đa dạng và phong phú trong văn hóa làng. Diện mạo văn hóa làng thể hiện qua ý thức cộng đồng, tinh thần tự quản, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt qua lễ hội. Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt thể hiện sự gắn kết cộng đồng, lòng biết ơn với tiền nhân và tôn vinh những người có công với dân với nước, lễ hội chứa đựng và bộc lộ một cách tổng hòa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những nét độc đáo trong lễ hội ở các địa phương khác nhau góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa dân tộc.
Đối với hầu hết các làng quê, đặc biệt các làng quê ở vùng châu thổ Bắc Bộ, lễ hội là thời điểm mọi người đều mang trong mình tâm thức thành kính, hướng về vị thần bảo trợ cho ngôi làng mình đang sinh sống. Những người con xa quê, phần lớn đều thu xếp công việc để về sắp lễ, thắp hương thể hiện ý thức về cội nguồn của mình. Bên cạnh đó, dịp lễ Tết, rằm, mùng một, ngoài làm lễ tại gia, người dân trong làng sắm lễ vào đình, mong mọi điều tốt lành. Đây cũng là nét đẹp văn hóa của nhiều làng quê được giữ gìn và phát huy nhiều đời nay.
Lễ hội là kết tinh của những nét đẹp văn hóa dân tộc, thể hiện nét đẹp trong phong tục tập quán của mỗi địa phương. Lễ hội được hình thành từ lâu đời và trên nhiều cơ sở khác nhau như: do phong tục tập quán truyền thống của các địa phương truyền lại, do quy định của thể chế chính trị – xã hội đương thời, do mục tiêu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội đặt ra và do nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Mỗi lễ hội ra đời vào từng thời điểm khác nhau, có thể dựa trên một cơ sở cũng có thể là sự tổng hòa của hai hay tất cả những cơ sở trên. Đến nay, tuy có những tác động từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, nhưng lễ hội truyền thống của làng vẫn giữ được những giá trị quý giá. Lễ hội là dịp gắn kết tình làng nghĩa xóm, cố kết cộng đồng làng, tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại.
Trong lịch sử, không phải lễ hội nào cũng được tổ chức thường niên. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, chống thù trong giặc ngoài. Bên cạnh đó, với khí hậu nóng ẩm, điều kiện kinh tế khó khăn, nước ta xuất hiện nhiều dịch bệnh, thiên tai. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân về cả sinh kế và những sinh hoạt cộng đồng, trong đó có lễ hội.
Nói về sự gián đoạn của sinh hoạt lễ hội, phải kể tới giai đoạn chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và rồi có lúc do những quan niệm ấu trĩ mà suốt một thời gian dài, các lễ hội, vốn là dịp sinh hoạt cộng đồng lớn nhất của làng không được tổ chức.
Về hình thức bên ngoài, các cơ sở thờ tự nhiều nơi bị hư hại, lễ hội không còn là thời điểm dân làng rình rang hát múa, vui chơi. Tuy nhiên, thẳm sâu trong tâm thức của mỗi người, thành hoàng vẫn còn đó, vẫn là đấng siêu nhiên, che chở họ khỏi những khó khăn của cuộc sống, những biến cố của lịch sử, là điểm tựa tinh thần cho họ mỗi khi gặp tai ương. Qua lời kể của các bậc cao niên, những ngày làng vào hội, thay vì diễn ra hàng chục ngày với đầy đủ những lễ tiết, hình thức vui chơi, thì thời gian đó, dân làng vẫn cố gắng soạn lễ dâng thánh, dù không còn được tươm tất như trước. Người trong làng, ai có lòng thành tâm, vẫn dâng hương kính lễ tại nơi đặt ban thờ thánh. Dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn truyền cho nhau, cho người đời sau nghe về các sự tích có liên quan đến vị thánh làng mình, để giáo dục con cháu về cội nguồi, về tình đoàn kết, tính cố kết cộng đồng và nhiều giá trị nhân văn khác. Khi mà đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, cuộc sống của người dân còn đối mặt với nhiều khó khăn. Để tổ chức lễ hội dài ngày như trước là điều khó thực hiện. Khi đó, để đảm bảo đời sống tâm linh cho người dân, nhiều làng quê đã tổ chức lễ hội từ 1 đến 3 ngày, giữ đầy đủ các lễ tiết, thể hiện sự thành kính với thánh thần. Đồng thời, cũng là thời gian đủ để các sinh hoạt cộng đồng diễn ra trọn vẹn, ý nghĩa, Nhiều làng quê lựa chọn tổ chức hội lệ và hội chính, nghĩa là cứ 2, 3, hoặc 5 năm mới tổ chức chính hội một lần (thời gian dài hơn), còn vào các năm khác, làng chỉ tổ chức tế lễ. Với điều kiện lúc bấy giờ, việc duy trì lễ hội hằng năm đã thể hiện một truyền thống tốt đẹp của người dân mỗi vùng quê.
Đến cuối TK XX, khi đất nước bước vào đổi mới, trong xu hướng “về nguồn” các cơ sở thờ tự mới được phục dựng, có thể là xây mới hoặc sửa chữa trên nền móng cũ. Dù được dựng lại với quy mô nhỏ, nhưng những cơ sở thờ tự, đặc biệt là đình làng đã được sống lại với chức năng vốn có của nó. Ở nhiều làng quê, dân làng đã tổ chức rước thánh về đình, đền, để thờ tự một cách trang nghiêm và tổ chức lại lễ hội thường niên.
Ngày nay, khi đất nước bước vào thời kỳ CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, đời sống vật chất của người dân đã được cải thiện đáng kể diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, con người cũng có nhiều cơ hội đến với những ngành nghề mới. Thế nhưng về cơ bản, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp và tâm thức nông nghiệp vẫn luôn hằn sâu trong mỗi con người. Những thay đổi của đời sống xã hội đã tác động ít nhiều đến các giá trị văn hóa, đặc biệt rõ nét hơn ở đô thị, những làng ven đô, hay những vùng có khu công nghiệp, khi mà ranh giới giữa đô thị và nông thôn, truyền thống và hiện đại ngày càng mờ nhạt. Lễ hội vốn diễn ra theo nhịp sống của cư dân nông nghiệp, để tồn tại, khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong tâm thức của dân làng không phải một việc làm dễ dàng. Thế nhưng, qua nhiều năm, lễ hội vẫn được chúng ta nhắc tới, vẫn được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu quan tâm, được người dân háo hức mong chờ, chứng tỏ những dấu ấn về lễ hội cũng như giá trị mà nó mang lại chưa bao giờ phai nhạt.
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, thế giới đón nhận nhiều tin tức không vui về đại dịch COVID-19, dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, diễn ra trên toàn cầu. Sự lây nhiễm virus từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1 năm 2020 (1). Đến nay, đã có tới hơn 109 triệu ca mắc trên toàn cầu, trong đó hơn 2,4 triệu người tử vong (2). Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã liên tục đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ổn định kinh tế. Trước những ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, Việt Nam đã có những chính sách kịp thời, hiệu quả, là điểm sáng trên bản đồ thế giới về phòng, chống dịch COVID-19, theo thống kê, nước ta có 2.575 ca nhiễm, trong đó có 35 trường hợp tử vong (3). Việc phòng, chống dịch bệnh vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với Chính phủ cũng như mỗi người dân Việt Nam.
Khi có ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, Nhà nước ta đã có những bước ứng phó kịp thời và quyết liệt. Đặc biệt, đó cũng là thời gian cả nước đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, với hơn 8.000 lễ hội trên khắp cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng/ chống dịch COVID-19. Thời điểm đó (năm 2020), toàn xã hội phải đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Tất cả các lễ hội không được tổ chức, hạn chế tiếp xúc ở mức tối đa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Đối với người dân, việc tham gia lễ hội đầu năm đã trở thành nếp, nên việc tạm dừng các sinh hoạt cộng đồng, thực sự là một khoảng lặng trong đời sống văn hóa tinh thần. Người dân trên mọi miền Tổ quốc ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và nghiêm túc chấp hành các quy định của Chính phủ. Khi đối mặt với các nguy cơ bùng phát dịch bệnh, việc đảm bảo sức khỏe cho người dân được ưu tiên hàng đấu, như PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã nhận định: “Văn hóa với y tế lúc này không chỉ đơn giản là câu chuyện của y đức. Những nhu cầu vật chất, tâm sinh lý, trong đó sức khỏe là trung tâm, chính là những tiền đề để phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay” (4). Vào thời điểm tổ chức lễ hội, tại các cơ sở thờ tự, thủ nhang cùng ban quản lý di tích, các vị già làng chuẩn bị lễ vật dâng thánh, đồng thời tổ chức tế lễ với số người giản lược nhất có thể, không tổ chức các hoạt động vui chơi.
Năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 365/BVHTTDL-VHCS ngày 29-1 yêu cầu các địa phương có dịch COVID-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa tập trung đông người; đối với các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh, phải giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của ngành Y tế tại nơi tổ chức các hoạt động… Theo đó, các lễ hội nổi tiếng, thu hút rất đông khách thập phương như: lễ khai ấn đền Trần, lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc… đều phải dừng khai hội sau Tết Tân Sửu. Việc không tập trung đông đúc tại các cơ sở thờ tự không có nghĩa rằng niềm tin vào thánh thần phai mờ. Trước tình hình thực tế của dịch bệnh mà người dân đã biết ưu tiên việc gì nên làm và việc gì chưa nên làm. Trong thời gian đóng cửa các di tích, công tác phòng/ chống dịch luôn được chuẩn bị chu đáo, để khi được mở cửa trở lại, người dân có thể yên tâm đến hành hương, để các lễ hội được diễn ra một cách an toàn.
Từ đầu tháng 3 tới nay, nhiều tỉnh, thành đã có công văn cho phép các di tích, danh thắng mở cửa đón khách, thực hiện nghiêm các quy định về phòng/ chống dịch tại nơi diễn ra các hoạt động. Để bảo đảm phục vụ cho nhân dân tham quan và hành hương, các cơ sở thờ tự, danh thắng nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khai báo y tế – Khoảng cách – Không tụ tập đông người) của Bộ Y tế. Trên thực tế, khi được mở cửa trở lại, nhiều di tích có hiện tượng quá tải lượt khách tới tham quan, cúng lễ vào dịp cuối tuần, điển hình như chùa Tam Chúc (Hà Nam), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội)… khiến những quy định về phòng/ chống dịch chưa được đảm bảo chặt chẽ. Khi dịch bệnh chưa được đẩy lùi, chúng ta vẫn không được chủ quan, việc tập trung đông người tại các điểm di tích sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Để lễ hội được diễn ra trong an toàn, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân, đặc biệt, khi nhiều điểm du lịch tâm linh đang chuẩn bị mở cửa trở lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các khóa lễ trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, tham dự các nghi lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính trên các trang web hay nền tảng mạng xã hội… Thay vì tới các cơ sở thờ tự, phật tử và người dân có thể thực hành các nghi lễ tại gia. Đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giải tỏa nhu cầu tâm linh, bồi dưỡng trí tuệ và nguyện cầu cho một năm mới an lành.
Dù không mong muốn, nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực, thời gian tạm dừng các lễ hội giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 được xem là một bước dừng cần thiết. Có thể, sự chững lại tạm thời của các lễ hội truyền thống là cơ hội để mỗi cá nhân, nhà quản lý, nhà nghiên cứu… nhận ra ưu điểm, hạn chế, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực đối với công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Trong thực tế, không ít hoạt động mê tín dị đoan đã núp bóng sau các giá trị văn hóa, đặc biệt là lễ hội. Hiện tượng vay lộc trả lễ, thương mại hóa, mê tín dị đoan… trong lễ hội vẫn diễn ra hằng năm, thậm chí ngày càng biến tướng, khiến cho không gian văn hóa tại các cơ sở thờ tự mất tính linh thiêng, nhân bản vốn có. Nếu như những biến tướng đó được thực hành nhiều lần, nhiều năm, sẽ trở thành thói quen, khó có thể thay đổi được. Hai năm nay, khi các hoạt động lễ hội không còn sôi nổi, người dân có thời gian tự cân bằng các giá trị văn hóa tinh thần, điều chỉnh lại nhu cầu cá nhân. Chỉ khi nhận thức được rõ những giá trị cốt lõi, chúng ta mới loại bỏ được những hoạt động sai lệch, biến tướng đã tồn tại nhiều năm trong công tác tổ chức lễ hội.
_________________
1. ikipedia.org, truy cập ngày 23-3-2021.
2, 3. ncov.moh.gov.vn, số liệu thống kê tới ngày 23-3-2021.
4. Bùi Hoài Sơn, Sáu bài học về văn hóa từ cơn bão bệnh dịch COVID-19, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 429, tháng 1, 2020, tr.4.
Tác giả: Ths Nguyễn Thị Vân Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng