Lễ hội truyền thống làng nghề ở Hà Nội – những đặc điểm cơ bản

1. Đặc điểm của lễ hội truyền thống làng nghề ở Thành phố Hà Nội

Hà Nội là địa phương có bảo lưu các lễ hội phố nghề

Lễ hội phố nghề là lễ hội được tổ chức tại phố – nơi tồn tại các không gian, địa điểm thực hành lễ hội. Loại lễ hội này chiếm số lượng không nhiều, song lại trở thành đặc trưng riêng. Có thể dẫn ra trường hợp như lễ hội đình Kim Ngân tại phố Hàng Bạc. Lễ hội này được hình thành từ lâu đời bởi người thợ thủ công từ các làng nghề đến Thăng Long – Hà Nội lập nghiệp. Người dân ở đây đã xây dựng ngôi đình Kim Ngân để thờ phụng và tổ chức lễ hội tưởng niệm Tổ nghề Nguyễn Minh Không (hay còn gọi là Nguyễn Chí Thành). Hằng năm, vào ngày 22-4, tại đình Kim Ngân tổ chức lễ giỗ Tổ nghề. Theo kết quả khảo sát vào tháng 5-2020: trước năm 2012, lễ giỗ Tổ nghề ở ngôi đình này do 28 hộ gia đình sinh sống trong không gian di tích và cư dân phố Hàng Bạc đứng ra tổ chức. Từ năm 2012 đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đứng ra tổ chức và điều hành các hoạt động cùng với sự phối hợp của các bên liên quan như ngành Văn hóa quận, công an quận, các đoàn thể thuộc UBND phường Hàng Bạc cùng với trên 200 hộ gia đình sinh sống tại phố Hàng Bạc tham gia. Trong thời gian diễn ra lễ hội, tại phố Hàng Bạc, Ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội còn tổ chức các hoạt động văn hóa được diễn ra từ ngày 23-4 đến 2-5, tâm điểm là đình Kim Ngân và dọc tuyến phố Hàng Bạc. Như vậy, ngoài những nét chung phổ quát, lễ hội đình Kim Ngân cũng có những nét riêng cá biệt so với lễ hội làng nghề khác trên các phương diện: ban tổ chức lễ hội; thành phần tham dự lễ hội; đóng góp tài chính cho hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội.

Thực tế cho thấy, ngay trong lễ hội phố nghề cũng có sự khác nhau. Các phố nghề thuộc 4 quận nội thành trung tâm cũng khác với các phố/phường thuộc các quận mới được nâng cấp từ huyện như: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… Mặc dù có nhiều làng đã lên phố, nhưng sự biểu hiện của đô thị cũng có sự khác nhau. Tại các quận mới đang trong quá trình đô thị hóa, ở thời điểm hiện tại các khu vực này vẫn còn bảo lưu được nhiều yếu tố đặc trưng của làng xã. Nhìn chung, lễ hội vẫn được tổ chức theo truyền thống và ít có sự thay đổi trên các phương diện như: kịch bản lễ hội, thành phần cư dân, lối sống, nếp sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đặc biệt lối sống cư dân tại chỗ còn chưa tiếp cận cách sống/ lối sống đô thị.

Tại Hà Nội, các lễ hội phố nghề thường có mối quan hệ khá chặt chẽ với lễ hội ở các làng quê – nơi các thợ thủ công di cư ra phố để lập nghiệp. Mặc dù việc liên hệ với các làng quê có nghề gốc trong lịch sử cũng như hiện nay luôn diễn ra trên các phương diện: làng nghề sản xuất ra sản phẩm, một phần sản phẩm được bày bán cho các khách hàng ở phố nghề. Về đào tạo nguồn nhân lực, các nghệ nhân ở làng quê truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp ở một góc độ nào đó, phố nghề lại có thể cung cấp thông tin về nhu cầu khách hàng, về lựa chọn mẫu mã sản phẩm, về nguồn tài chính để phát triển nghề nghiệp. Trong điều kiện cụ thể, người dân phố nghề cũng có thể cấp vốn cho thợ làm nghề tại làng nghề. Nhìn từ phương diện lễ hội, sự gắn bó chặt chẽ với làng quê gốc đã thể hiện tinh thần hướng về cội nguồn quê hương. Có thể dẫn trường hợp lễ hội hai phố nghề: đình Kim Ngân, đình Ngũ Xã để minh chứng về đặc điểm này.

Lễ hội đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, trước đây, vào ngày diễn ra lễ hội, cư dân của các làng như Châu Khê (Hải Dương), Đồng Sâm (Thái Bình) và Định Công (Hà Nội), trong đó, lòng cốt là người dân ở làng Châu Khê đóng vai trò quan trọng trong tổ chức lễ giỗ Tổ nghề bách nghệ. Gần đây nhất vào năm 2015, lễ hội đình Kim Ngân đã được UBND quận Hoàn Kiếm giao cho Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và các đơn vị có liên quan đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức và kêu gọi người dân của 3 làng trên sinh sống tại phố Hàng Bạc, phố Phúc Tân cùng người dân gốc từ Châu Khê, Đồng Sâm, Định Công cùng tham gia vào các hoạt động như rước, tế và hoạt động văn hóa, văn nghệ… Ngược lại, khi tổ chức lễ hội giỗ Tổ nghề ở từng làng, người dân ở phố Hàng Bạc có quê gốc tại đó đều chủ động bố trí thời gian về tham gia lễ hội của làng và đơn vị Ban Quản lý phố cổ cũng cử đoàn đại diện về tham dự lễ hội tại từng làng Châu Khê, Đồng Sâm và Định Công…

Tiếp đến là lễ hội truyền thống đình Ngũ Xã: “Làng Ngũ Xã được hình thành từ việc người dân từ 5 thôn: Đông Mai (làng Me), Châu Mỹ (làng Hè), Long Thượng (làng Rồng), Đào Viên (Di Thượng) và Điền Viên (Di Hạ)(ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) di cư đến đây sinh cơ lập nghiệp”. Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, một đoàn người dân làng nghề Ngũ Xã đều về quê cũ tham gia vào các hoạt động của lễ hội và đại diện của làng Ngũ Xã là thành viên trong ban tổ chức lễ hội. Theo một bậc cao niên ở làng Ngũ Xã, trước năm 2000, dân làng Ngũ Xã còn quyên góp tiền của để mua đồ cúng tiến về quê hương. Ngược lại, khi làng Ngũ Xã tổ chức lễ hội vào ngày 1-11 âm lịch hằng năm, một đoàn đại biểu ở quê gốc thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh lên Ngũ Xã để tham dự lễ hội. Mối quan hệ giữa người dân ở Ngũ Xã và quê gốc đã được duy trì từ truyền thống cho đến nay.

Cùng với các quận, huyện, lễ hội truyền thống làng nghề còn diễn ra ở các địa bàn đã có quá trình đô thị hóa từ khá sớm như thị xã Sơn Tây trước đây là khu vực trung tâm hành chính của tỉnh Hà Tây cũ, nhưng từ năm 2008 đến nay đã sáp nhập với Thủ đô Hà Nội, Sơn Tây là thị xã trực thuộc. Nơi đây có lễ hội làng gốm Hồng Hậu, lễ hội đánh cá làng Yên Định. Đây là hai lễ hội truyền thống làng nghề diễn ra ở các làng thuộc phường Phú Thịnh. Ngoài những nghi thức, nghi lễ diễn ra với những nét chung, ở hai lễ hội này còn bảo lưu được những nghi lễ của một làng nghề như lễ dâng đồ khéo (sản phẩm gốm), sản vật (cá). Theo quy định để chuẩn bị cho nghi lễ này, các gia đình thợ thủ công phải tự chuẩn bị một sản phẩm có kỹ thuật, mỹ thuật cao. Vào dịp lễ hội, các sản phẩm được đưa ra nơi thờ Tổ nghề để dâng lễ. Mục đích của nghi lễ là để tỏ lòng thành với Tổ nghề và sự tiến bộ của các nghệ nhân, thợ thủ công trong thao tác nghề nghiệp. Với ý nghĩa đó, việc dâng đồ khéo là dịp để các thợ thủ công đánh giá trình độ của các chủ sản phẩm, từ đó có thể học hỏi, phổ biến kinh nghiệm về kỹ thuật, mỹ thuật, tạo tác cho cộng đồng thợ thủ công làng nghề. Đây là một nét riêng đặc thù trong lễ hội truyền thống làng nghề cần phát huy và quan tâm trong tổ chức và quản lý lễ hội làng nghề hiện nay.

Hà Nội là địa phương bảo lưu nhiều lễ hội truyền thống làng nghề

Thực tế cho thấy, loại lễ hội diễn ra ở các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm số lượng khá lớn. Theo thống kê của Phòng Quản lý di sản, Sở VHTT thành phố Hà Nội, hiện có 39 lễ hội truyền thống làng nghề. Tuy nhiên, trong số đó có các lễ hội diễn ra ở các quận/huyện/thị xã – vùng ngoại vi trung tâm như các quận: Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; các huyện: Thạch Thất, Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên… Mặc dù địa bàn hành chính đã trở thành quận, nhưng lễ hội vẫn mang tính chất là lễ hội làng. Trường hợp như lễ hội làng nghề lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Theo các đại biểu trong Hiệp hội làng nghề, việc tổ chức lễ hội của làng (nay là tổ dân phố số 38, 39) chủ yếu vẫn do cộng đồng cư dân làng nghề tổ chức, trong đó có vai trò của Hiệp hội làng nghề trong Ban Tổ chức lễ hội gồm: Đại diện lãnh đạo UBND quận, phòng, ban liên quan; UBND phường Vạn Phúc; Ban Đại diện làng nghề; Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc; các đoàn thể trong phường… Quy trình tổ chức lễ hội từ các nghi thức, nghi lễ được tổ chức khá bài bản và phản ánh sắc thái riêng của lễ hội làng nghề. Trường hợp lễ hội làng chạm khắc gỗ Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất). Đây là lễ hội có tính chất cộng đồng làng xã còn bảo lưu khá đầy đủ trên các phương diện về nghi thức, nghi lễ và các trò chơi, trò diễn trong truyền thống như: nghi lễ dâng đồ khéo được các thợ thủ công của làng dâng cúng Thành hoàng làng và trưng bày tại đình làng trong dịp lễ hội. Hay trường hợp lễ hội làng nghề thêu Quất Động (xã Quất Động) và Đông Cứu (xã Dũng Tiến) của huyện Thường Tín, vào ngày diễn ra lễ hội, các nghệ nhân và thợ thủ công đều chuẩn bị những sản phẩm thêu đẹp trên các đồ vải theo chủ đề đặt ra hằng năm để dâng cúng Thành hoàng làng và trưng bày trong thời gian diễn ra lễ hội. Các sản phẩm này được thêu tinh xảo thường được lựa chọn để thay thế cho các đồ thờ trong di tích như: cờ, quạt, tán, nọng…

Các lễ hội làng nghề ở Hà Nội có sự biến đổi nhanh do tác động của quá trình phát triển, chỉnh trang độ thị và đô thị hóa

Qua khảo sát, lễ hội làng nghề ở thành phố Hà Nội có sự biến đổi khá nhanh. Có thể nhận diện được sự biến đổi, về thành phần tham dự lễ hội, các lễ vật dâng cúng trong lễ hội, đặc biệt là biến đổi về chủ thể quản lý cũng như sự tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng. Khảo sát thực tế ở lễ hội đình Kim Ngân cho thấy, chủ thể quản lý lễ hội đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây, cộng đồng đứng ra tổ chức lễ giỗ Tổ nghề, thì từ sau năm 2012 đến nay, lễ giỗ này được nâng cấp thành lễ hội cấp quận và được giao cho đơn vị Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đảm trách, lúc này cộng đồng cư dân ở Hàng Bạc đều chịu sự chỉ đạo tham gia vào từng hoạt động của lễ hội. Có lẽ sự tương tác giữa các chủ thể ở lễ hội này cho thấy, vai trò của cơ quan quản lý đã thể hiện khá rõ nét gần như có tính quyết định, trong khi đó vai trò của cộng đồng cư dân phố nghề Hàng Bạc lại chuyển sang một biểu hiện khác, làm giảm đi vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo. Trường hợp lễ hội truyền thống làng nghề đúc đồng Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), nếu như trước năm 2015, lễ hội do cư dân trong làng đứng ra tổ chức, thì từ năm 2015 đến nay, lễ hội được UBND phường Trúc Bạch đứng ra tổ chức, chỉ đạo các hoạt động trong lễ hội, song nòng cốt để phối hợp và thực hiện vẫn là cộng đồng cư dân Ngũ Xã. Trên thực tế, do điều kiện của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều lễ hội ở các địa điểm phố phường, lễ hội phố nghề đã phải lược bớt nghi lễ (rước thần, lễ hiến xảo…), thành phần tham dự lễ hội là một chỉ số rõ nét nhất để nhận diện sự biến đổi lễ hội. Quá trình đô thị hóa, các làng nghề, phố nghề ở địa bàn thành phố đã có sự biến động dân số khá rõ nét, người dân từ các nơi di cư tới các vùng ven đô, đô thị để làm ăn, sinh sống. Nếu như trước đây, tham gia lễ hội tưởng niệm Tổ nghề chủ yếu là người dân của làng nghề thì hiện nay, thành phần tham dự không chỉ là gia đình các thợ thủ công mà còn có các thành phần khác với các nghề nghiệp khác nhau, trong đó có khách du lịch. Đối với các thành phần này, ý thức của họ về Tổ nghề gắn với nghề nghiệp khác với các thợ thủ công nói riêng và người dân trong làng nói chung. Họ tham gia vào lễ hội như một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Qua phỏng vấn sâu một số trường hợp tại đây đều cho biết: họ làm công chức nhà nước, cách đây nhiều năm, họ về đây mua nhà để ở và thường xuyên đến di tích để thực hành nghi lễ vào các ngày sóc, vọng, lễ hội để cầu mong mọi điều tốt đẹp. Ngoài sự biến đổi thành phần tham dự lễ hội còn có những biến đổi khácnhư: lễ vật dâng cúng, phục hồi lại các nghi thức, nghi lễ đã bị mai một từ lâu, trường hợp như lễ hiến xảo, lễ dâng đồ khéo, lễ rước công cụkhông còn tồn tại ở các làng nghề như: Hạ Thái (Phú Xuyên), Ngũ Xã (Ba Đình), Đại Yên (Ba Đình), Mễ Trì (Nam Từ Liêm)…

Sự biến đổi nhanh của các lễ hội nói chung và lễ hội truyền thống làng nghề nói riêng ở thành phố Hà Nội đã và đang diễn ra ở các địa bàn quận, huyện, thị xã có sự khác nhau. Ở các địa bàn có xu hướng đô thị hóa càng mạnh, lễ hội cũng có sự biến đổi theo xu hướng chung đó. Điều này cũng là một vấn đề đặt ra trong tổ chức và quản lý lễ hội ở thành phố Hà Nội hiện nay.

Những nét riêng trong lễ hội truyền thống làng nghề, phố nghề ở Hà Nội cho thấy, từ góc độ quản lý di sản, cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng cần quan tâm và có các động thái tích cực để bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội làng nghề truyền thống phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Tuy nhiên, do đặc điểm của loại hình di sản văn hóa phi vật thể, vai trò của cộng đồng luôn là một yếu tố tích cực trong tổ chức và quản lý lễ hội. Giải quyết tốt sự tương tác giữa các chủ thể quản lý là vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh phát triển của thành phố Hà Nội hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009.

2. Phương Thảo, Lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội, Tạp chí Thế giới di sản điện tử, 2010.

3. Bộ VHTTDL – Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội thảo khoa học Lễ hội – Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, Hà Nội, 2012.

4. Trong bài viết có sử dụng tư liệu khảo sát do tác giả thực hiện tháng 5 – 2020.

Tác giả: Nguyễn Thu Phượng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *