Lịch sử họ nguyễn tiên điền


 

1. Vấn đề nguồn gốc dòng họ

Về nguồn gốc dòng họ, Hoan Châu Nghi tiên Nguyễn gia thế phả chép một cách sơ lược ở phần tiểu truyện Nam Dương công Nguyễn Nhiệm như sau: “Các vị trưởng lão kể rằng ông là con nhà gia thế. Xưa truyền, nguyên quán của ông ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam. Thủy tổ là Nguyễn Doãn Địch. Ông nội là Nguyễn Thiến, trạng nguyên năm Nhâm Thìn, Mạc Đại Chính (1532) quy thuận Lê triều, làm quan tới chức Lại bộ thượng thư, Ngự sử đài Đô Ngự sử, Đông các Đại học sĩ, Thiếu phó Thư quận công. Thân phụ húy Miễn, làm quan, được phong Phù quận công; Bá phụ húy Quyện, làm quan được phong Thường quận công”.

Như vậy, điều đầu tiên ta thấy, tổ tiên họ Nguyễn Tiên Điền vốn từ ngoài Bắc vào, xuất thân gia thế, có dính dáng tới cả hai thế lực tương tranh quyền lực quyết liệt đương thời là nhà Lê – Trịnh và nhà Mạc.

Tìm hiểu thêm các sử liệu liên quan như Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn), Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hoan Châu ký (Nguyễn Cảnh thị), Lê Quý dật sự (Bùi Dương Lịch), Lịch sử Việt Nam (1), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2),… ta biết thêm Nguyễn Doãn Địch (sinh vào khoảng năm 1480-1481), thời Hồng Đức. Đến đời nhà Mạc, có một người cháu nội tên là Nguyễn Thiến (Thuyến) (? – 1557), biệt hiệu là Cảo Xuyên, đậu trạng nguyên năm Nhâm Thìn (1532), niên hiệu Mạc Đại Chính, được nhà Mạc trọng dụng, bổ nhiệm đến chức Thượng thư bộ Lại, Đông các Đại học sĩ kiêm Đô ngự sử, tước Thư Quận công.

Đến năm Cảnh Lịch thứ 4 nhà Mạc, tức năm Thuận Bình thứ hai nhà Lê trung hưng (1551), ông cùng với cả nhà thông gia là Thái tể Phụng Quốc công Lê Bá Ly và các con ông là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn về đầu hàng nhà Lê ở Thanh Hóa. Cha con ông cùng với cha con Lê Bá Ly đã giúp Lê – Trịnh đánh phá nhà Mạc làm cho triều đình Mạc Tuyên Tông nhiều phen khốn đốn.

Tháng 8-1557 sau khi Nguyễn Thiến qua đời, nghe theo lời thày học là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ trạng nguyên nhà Mạc năm 1535, bạn học với Nguyễn Thiến) hai người con là Quyện và Miễn phản nhà Lê trở về với nhà Mạc, trở thành những danh tướng bách chiến bách thắng, liên tục đưa quân vào vây hãm, đánh phá hậu cứ Thanh – Nghệ của nhà Lê – Trịnh.

Đến năm Hồng Ninh thứ 2 nhà Mạc, tức Quang Hưng thứ 15 nhà Lê trung hưng (1592), Mạc Mậu Hợp bị giết, Nguyễn Quyện thua trận bị quân Lê – Trịnh bắt giam và chết trong ngục; Nguyễn Miễn mất tích, các con cháu số bị tử trận, số hàng Lê sau mưu phản bị giết gần hết, chỉ còn lại một số ít trốn thoát được, trong đó có Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm.

Sau khi cố gắng tập hợp lực lượng phản kích lại quân Lê – Trịnh mấy lần không thành công, Nguyễn Nhiệm chạy vào làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân tự xưng tên là Nam Dương, mai danh ẩn tích, sinh cơ lập nghiệp. Hồi bấy giờ, vùng Tiên Điền còn hết sức hoang vắng. Người địa phương không biết tên ông là gì, nên gọi ông là Nam Dương công. Đó là ông tổ thứ nhất của họ Nguyễn Tiên Điền. Từ đời Nam Dương công đến đời Nghi Hiên công Nguyễn Nghiễm là 6 đời.

Ngoài ra, theo thông tin từ bài Thăng Long với hồn thơ chú cháu Nguyễn Du thì truy xa hơn nữa, “…Nguyễn Du là cháu đời thứ 13 của Nguyễn Xí thuộc chi 10. Mà Nguyễn Xí lại vốn gốc làng Cương Gián (Động Gián) thuộc Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông nội là Nguyễn Hợp di cư sang làng Thượng Xá, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, sau đó về lại quê cũ. Nhưng con trai là Nguyễn Hội thì vẫn ở lại, sinh ra Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Rồi, Nguyễn Xí bằng công lao to lớn trong Lam Sơn khởi nghĩa và dẹp loạn Lê Nghi Dân đưa Lê Thánh Tông lên ngôi vua, mở ra một triều đại thịnh vượng nhất trong lịch sử đất nước Đại Việt, đã gây dựng lên dòng họ Nguyễn Đình – Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí vẻ vang nhất trên đất Nghệ Tĩnh ở thời trung đại mà con cháu thì rải khắp cả nước trong đó có chi phái rất bề thế trên đất Thăng Long liên quan đến họ Nguyễn Tiên Điền, trước cả Nguyễn Nhiệm…”(3). Như vậy, Nguyễn Nhiệm là cháu đời thứ 6 của Nguyễn Xí (4).

Nếu cứ liệu này đúng, ta thấy, việc Nguyễn Nhiệm chạy vào Nghi Xuân, ngoài các lý do về thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà một bậc hào kiệt như ông không thể không tính đến, thì lý do quan trọng nhất là theo tiếng gọi tâm linh, trở về nguồn cội xa xưa, về với nơi phát tích lừng lẫy một thời của tổ tiên mình.

Tuy nhiên, vấn đề nguồn gốc dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ít nhiều vẫn đang còn những yếu tố huyền hoặc khiến chúng ta phải nghi vấn.

Thứ nhất, theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, người sống cùng thời và làm quan cùng triều với Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, và các tài liệu sử khác như Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, Hoan Châu ký thì Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm đã bị quân Lê – Trịnh giết chết trong trận tập kích ở Lãnh Giang năm Tân Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 2 (1601). Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện này như sau: “Mùa xuân, tháng giêng, chúa (Trịnh Tùng) thân đem đại quân dẹp Nguyễn Nhậm (Nhiệm), đánh nhau ở Lãnh Giang. Tướng tiên phong là Chấn quận công chết tại trận. Quan quân dốc sức xông pha, cả phá được giặc, chém được Nhậm và ngụy Nga quận, bắt được chiến thuyền, khí giới trâu bò súc vật, kể có hàng nghìn. Bắt được em của Nhậm là quận Tào, quận Vị ngụy, đem giết hết. Hạ lệnh chiêu an các huyện. Rút quân về kinh sư”(5). Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cũng chép tương tự. Như vậy, theo sử, không thể có chuyện Nam Dương hầu trốn được về Tiên Điền để gây dựng lại dòng tộc.

Nhưng theo lời truyền khẩu trong dòng họ thì ông không chết mà bị thương và nằm kẹt giữa đống tử thi quân sĩ. Đến lúc quân địch rút, ông cùng vài ba người lính sống sót tìm thuyền ra biển vào tận cửa Hội, ngược sông Lam đến ẩn cư tại Tiên Điền.

Vậy giữa sử và phả, nên tin vào đâu?

Chúng tôi nghĩ, sử chép hẳn không sai, đặc biệt sử do Lê Quý Đôn chép thì rất đáng tin cậy. Bởi Lê Quý Đôn là bộ óc bách khoa lúc bấy giờ, lại là người có tinh thần cầu chứng cao, rất cẩn trọng trong việc sưu tra, kê cứu tư liệu. Tuy nhiên, lời truyền trong dòng họ cũng rất có lý. Một mặt, sự sống sót giữa lúc hỗn chiến cũng rất có thể xảy ra, giữa chiến địa ngổn ngang tử thi như thế, việc nhận nhầm (hoặc cố tình nhầm để báo công) một cái xác nào đó cũng là việc bình thường. Vả lại, Nguyễn Nhiệm là một người vừa có sức khỏe lại rất cơ mưu nên việc thoát thân đối với ông cũng chẳng khó gì. Mặt khác, nếu sự thật không phải như thế thì Nguyễn Nghiễm chẳng dại gì mà vơ vào cho tiền nhân cái tội “có dự mưu phục lại nhà Mạc, khi thua trận chạy về Nam, giấu hẳn tên thực”(6), dẫu rằng, đến đời Nguyễn Nghiễm thì vấn đề đã nhạt, lại do công trạng của bản thân ông có thể chiêu tuyết cho tổ tiên, nên ông mới dám nói ít nhiều về lai lịch của cụ tổ nhà mình. Tuy vậy, việc tiết lộ thông tin đó cũng là vạn bất đắc dĩ, chứ không thể nói là không tiềm ẩn nguy cơ gì trong chốn trường quan bể hoạn đầy hang hùm, nọc rắn. Vả chăng, truyền thống chép phả, sử thời xưa là xấu che, tốt khoe, hơn thế, có khi còn thấy người sang bắt quàng làm họ, còn dựng huyền thoại về cội nguồn, tông tộc nhà mình. Do đó, một người lịch duyệt, từng trải trên chính trường như Nguyễn Nghiễm hẳn không dại gì mà vơ vào phả tộc nhà mình những thông tin như thế nếu không phải là sự thật. Từ những căn cứ trên, chúng tôi tin vào lời truyền trong dòng họ về lai lịch Nguyễn Nhiệm và huyền thoại về sự trốn thoát của ông.

 

2. Những suy ngẫm bước đầu về lịch sử dòng họ Nguyễn Tiên Điền

Nghệ An xưa (Nghệ Tĩnh ngày nay) là đất phiên trấn. Nơi đây, từng tiếp nhận nhiều dòng, nhiều đợt di cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp, từ nhiều nơi đến. Trong đó, có các mệnh quan triều đình, sĩ tốt đến trấn thủ, lưu thú; các tội thần bị biếm trích, đày ải; các loạn thần, nghịch tử đến trốn tránh và không ít các anh hùng thảo dã, cường khấu ẩn nấp, hoạt động lâu dài. Những đối tượng đó tìm thấy ở nơi hoang vắng nhưng linh khí thịnh vượng này một khoảng trời tự do để tụ hội, sinh sống; xây dựng căn cứ, cơ đồ để hành hiệp, trượng nghĩa hoặc mưu cầu sự nghiệp. Dần dà, bằng sự phối ngẫu, hòa huyết của các cá thể khác biệt giống nòi nhưng rất xuất chúng này, hình thành các dòng họ kiệt xuất, các cự tộc danh tiếng mà con cháu của họ trở thành chổ dựa vững chắc cho đất nước và các triều đại. Nói tóm lại, xứ sở núi Hồng sông Lam là một trong những nơi tụ hội, hun đúc nhân tài của đất nước từ thưở xa xưa.

Tuy nhiên, các nhân tài phát tích, trưởng thành tại đây muốn thành tài, thành danh thì phải quay ra xứ Bắc, ra Thăng Long. Bởi vì, chính Thăng Long mới là đất dụng võ để họ thi thố tài đức, hoàn thành đại nghiệp. Trường hợp Nguyễn Nhiệm và dòng họ Nguyễn Tiên Điền cũng không thể khác; hơn thế, quỹ đạo phát triển, hưng thịnh của dòng họ này là một trường hợp điển hình của các dòng họ lớn xứ Hoan Châu. Thời loạn, họ về đây nương náu để khởi nghiệp; thời thịnh ra Thăng Long tung hoành.

Xét từ đời Nam Dương công Nguyễn Nhiệm đến đời Bảo Lộc công Nguyễn Thể, bốn đời đầu, cứ tuần tự nhi tiến, chưa có gì hưng phát, nổi bật. Có thể nói, đây là giai đoạn ngọa hổ tàng long của dòng họ này. Cùng với dân chúng bản địa, họ xây dựng làng xóm, tư cơ, bẩm thụ khí thiêng sông núi, con cháu các đời tu thân, tích đức, nuôi dưỡng tài năng, chí khí, thu phục nhân tâm. Tuy chưa phát, nhưng ở chốn thôn quê, đời nào, con cháu của họ cũng có những bậc kiệt hiệt. Thậm chí, có lúc tưởng rằng dòng họ này lại quay về phát nghiệp võ, như trường hợp Bảo Lộc công Nguyễn Thể. Đến Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, dường như sự tích lũy âm phúc, dương công đã đến độ viên mãn nên chuyển võ sang văn, đi thi hương trúng tam trường rồi vì việc nhà mà ông không tiếp tục thi nữa, đóng cửa lo phụng thờ tổ tiên, đọc sách, dạy dỗ con cái và sau có ra làm môn khách cho quan trấn Nghệ An.

Bắt đầu từ đời con của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, đời thứ 6, thì dòng họ Nguyễn Tiên Điền phát đại khoa thực sự. Nguyễn Quỳnh có 6 người con trai, thì ba người đậu đạt. Trong đó, Nguyễn Huệ đậu tiến sĩ, Nguyễn Nghiễm đậu hoàng giáp, Nguyễn Trọng đậu cử nhân. Nguyễn Huệ mất sớm, không có con trai nối dõi, con Nguyễn Trọng không có người nào dự phần khoa bảng. Duy có Nguyễn Nghiễm, con cháu nhiều người phát đạt khoa danh, làm quan to hoặc nổi tiếng trong giới bút mực đương thời.

Nhìn chung, dưới thời Lê Trịnh, họ Nguyễn Tiên Điền có khoảng 40 người làm quan nhưng nổi tiếng nhất vẫn hai cha con Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản, cả hai đều đỗ đại khoa và cùng làm quan to trong triều, từng giữ cương vị nhất nhì trong chính phủ Lê – Trịnh. Trải hai triều Lê – Trịnh và Nguyễn, những vị có tên tuổi nhất là: Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Huệ (tiến sĩ), Nguyễn Nghiễm (hoàng giáp), Nguyễn Khản (tiến sĩ), Nguyễn Điều (đậu tứ trường thi hội, tức phó bảng), Nguyễn Nễ, Nguyễn Du, Nguyễn Thiện và Nguyễn Hành (2 anh em và 2 nhà thơ); con trai của Nguyễn Nghi là Nguyễn Tán (cháu ruột Nguyễn Nghiễm) đỗ tiến sĩ năm 1832 và Nguyễn Mai (hậu duệ Nguyễn Trọng), đỗ tiến sĩ năm 1904. Đặc biệt, trong An Nam ngũ tuyệt thời nhà Nguyễn thì họ Nguyễn Tiên Điền có hai chú cháu: Nguyễn Du và Nguyễn Hành (con Nguyễn Điều).

Họ Nguyễn Tiên Điền không phải chỉ có nhiều người làm quan như trong câu ca dao người đời hay truyền tụng: Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Rum hết nước họ này hết quan, mà còn có nhiều người trứ tác nổi tiếng trên tất cả các lĩnh vực: nho, y, lý, số, kinh, sử, tử, tập, thơ phú,… Nguyễn Quỳnh, ông nội Nguyễn Du, là một người uyên thâm dịch lý và soạn cả sách dịch học, phong thủy; Nguyễn Nghiễm là một nhà thơ đồng thời là một sử gia có hạng (tác giả Việt sử bị lãm, gồm 7 cuốn, được nhiều sử sách đương thời trích dẫn ý kiến, sử liệu; theo Ngô Đức Thọ (7), trong Đại Việt sử ký tiền biên đã sử dụng 26 đoạn bình luận của Việt sử bị lãm). Nguyễn Khản cầm, kỳ, thi, họa đều giỏi, rất sành thơ nôm, hay xướng họa, đối đáp với Trịnh Sâm. Tương truyền, ông cũng là một trong những người dịch Chinh phụ ngâm ra quốc âm; sau Nguyễn Khản, ba người em là Nguyễn Nễ – Nguyễn Du – Nguyễn Nghi, hai người cháu là Nguyễn Thiện – Nguyễn Hành (con Nguyễn Điều) đều là những tác giả nổi tiếng đương thời. Riêng Nguyễn Du thì kiệt tác Đoạn trường tân thanh cùng với các sáng tác Hán – Nôm khác đã đưa ông lên vị trí thi hào dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới.

Đây là dòng họ có truyền thống văn chương và học thuật vào cỡ nhất nhì thiên hạ. Đương thời, họ Nguyễn Tiên Điền cùng với họ Nguyễn Trường Lưu (Can Lộc) đã làm nên sự kiện văn chương độc đáo mà các học giả đời sau gọi là Hồng sơn văn phái. Xét rộng ra, sáng tác của các tác giả hai dòng họ này cùng với các tác giả họ Phan Canh Hoạch (Thạch Hà) đã làm nên một phong khí văn chương đặc sắc, phồn thịnh của xứ sở Hồng – Lam mà ánh hồi quang rực rỡ của nó sẽ còn chiếu rọi đến nhiều đời sau.

Nhìn lại suốt cả quá trình lịch sử, kể cả giai đoạn trước khi đến Tiên Điền, thì dòng họ này có truyền thống văn võ kiêm toàn. Những nhân vật nổi tiếng nhất của dòng họ, phần lớn xuất thân là văn nhưng gặp thời loạn lại chuyển từ văn sang võ. Về võ nghiệp, tiêu biểu có Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, Nguyễn Nhiệm đều là những võ tướng mà võ công vang dội một thời. Những người như Nguyễn Thiến, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản đều là những chính khách mà võ công văn trị đều nổi tiếng ngang nhau. Đấy cũng chính là đặc điểm làm nên tính chất bi tráng của dòng họ này trong suốt tiến trình lịch sử dưới thời phong kiến. So với các cự tộc khác trong vùng, họ Nguyễn Tiên Điền là dòng họ bị cuốn vào các sự kiện chính trị phức tạp của các triều đại nhiều nhất. Cương Quốc công Nguyễn Xí, thân thờ trải bốn đời vua thời Lê sơ, từng đánh giặc cứu nước, phò nguy cứu khốn cho con cháu Lê Lợi trong các cuộc chính biến; cha con, ông cháu Nguyễn Thiến can dự sâu sắc vào cuộc tranh giành quyền lực Lê-Mạc; cha con Nguyễn Nghiễm bị cuốn sâu vào vòng xoáy lịch sử phức tạp thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Có khi trong cùng một nhà, cha con, anh em mỗi người thờ một chủ, đứng ở những chiến tuyến đối lập nhau như cha con Nguyễn Thiến, anh em Nguyễn Du. ở thời đó, đối với các thế lực đó, họ là người có công, nhưng ở thời khác hoặc đối với các thế lực khác, họ lại là kẻ có tội.

Về mặt quý hiển, giàu sang thì giai đoạn Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản còn đắc thế, cuộc sống của gia tộc này cũng vào loại nhất nước. Phủ đệ nguy nga, điền trang, thái ấp có ở nhiều nơi, cảnh sống phong lưu ở kinh kỳ Thăng Long không ai bì kịp. Nguyễn Hành (1771 – 1824), con Nguyễn Điều, cháu Nguyễn Nghiễm, đã viết trong bài Đồng Xuân ngụ ký (Minh quyên thi tập) như sau: “…Các triều đại định đô ở Thăng Long, lập lên 36 phường, duy chỉ có phường Đồng Xuân là đứng đầu. Thời ấy, các danh công, quý thần đều đến dựng nhà ở đây… Nhớ lại năm xưa đang thời bình thịnh, nhà Hành tôi, một ông hai cha (tức ông nội Nguyễn Nghiễm, ông bác Nguyễn Khản và ông thân Nguyễn Điều – TKĐ chú) đều làm việc trong chính phủ, chịu nhiều mưa móc của Triều đình. Các nơi ở Bích Câu trong thành, phủ đệ đối mặt với nhau, xe ngựa, võng lọng ngày ngày chầu chực trước cửa, áo gấm, cơm thịt, dưới có tôi tớ hầu hạ… Hành tôi sinh sau đẻ muộn, vẫn còn được thấy cảnh đó…”(8).

Hình như nhìn thấy được nguy cơ suy sụp đang đến gần đối với gia đình thày học mình, nhà hiền triết La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – học trò Nguyễn Nghiễm, vừa là bạn đồng song vừa là anh đồng hao với Nguyễn Khản – trong một lần đến thăm phủ đệ của thầy, thấy trong dinh đề hai chữ phúđức đã thẳng thắn khuyên can bằng bài tán như sau:

Giàu, giàu, giàu, tiền lúa vật báu, của nhóm người nhóm, dầu là một trong năm phúc, nhưng vẫn là cái kho chứa oán, chớ cầu chớ làm, gặp sao hay vậy.

Đức, đức, đức, nhân, nghĩa, lễ, trí, khuôn dân phép vật, sửa được là thánh hiền, làm sai là quỷ quái, phải lo phải gắng, tự nhiên có đức (9).

Có lẽ Nguyễn Nghiễm cũng dự cảm được điều gì đó, nên trong bài thơ Tự thuật thi vận, làm nhân được triều đình cho nghỉ ba tháng về quê (1771), ông bộc lộ tâm sự sâu kín của mình:

Năm mươi năm lẻ uốn tre non

Bể hoạn cánh chim đã mỏi mòn

Vâng mệnh bốn lần ba bận sợ

Trăm nguy còn một mái nhà con

Tự trời ban xuống dày mưa móc

Cập bến còn e nổi sóng cồn

Mừng thấy thời nay đương vận sáng

Điệu quê, dân Nghệ rộn làng thôn

(Trà Sơn Phạm Quang Ái dịch)

Sau này, khi biến loạn xảy ra, cơ đồ tan nát, gia cảnh sa sút, điêu tàn, Nguyễn Du đã viết về cảnh sống sang trọng, xa hoa một thời của hạng quý tộc như cha-anh mình với giọng điệu chua chát, mỉa mai và thể hiện thái độ lên án:

         Nhà ai nhấp nhố ven sông Nhị

Biệt chiếm màu xuân cả một thành

Hồ Hán, xiêm y đua sắc lạ

Đông Tây, cầu gác ngất trời xanh

Giàm vàng, ngựa béo khoe rau tốt

Rượu quý, lầu son khướt chén quỳnh

Lạc thú phồn hoa vui mải miết

Biển nam nào quản bụi mù tanh

(Ngô Linh Ngọc dịch)

 

Là một danh gia vọng tộc tiếng tăm lừng lẫy một thời, nhưng trải qua nhiều năm tháng bị cuốn vào cơn lốc chính trị đương thời, phủ đường, tư thất bị kiêu binh và quân Tây Sơn tàn phá tan tành, sách vở bị đốt, anh em con cháu ly tán, điêu linh. Vì vậy, ông Nguyễn Mậu, hiện là tộc trưởng dòng họ Nguyễn Tiên Điền, cho biết: “Sau biến cố, nhiều người thường dặn dò con cháu cố giữ lấy nghề thày và nghề thuốc, chứ đừng đeo đuổi chốn quan trường”. Ấy cũng là cái đạo lý tu thân tích đức, sống theo lẽ thế gian vạn sự bất như thường để bảo toàn gia tộc, nòi giống mà La Sơn phu tử từng chân thành khuyên bảo bố con Nguyễn Nghiễm – Nguyễn Khản.

_______________

1. Viện sử học, Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007.

2. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.

3, 8. Nhiều tác giả, Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long – Hà Nội, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011.

4. Theo Hồ sơ về di tích dòng họ Nguyễn Du (tài liệu lưu trữ tại Ban Quản lý di tích Nguyễn Du) của GS Lê Thước, thì truy ngược lên, họ Nguyễn Tiên Điền còn có liên quan đến họ Nguyễn Nhị Khê nhà cụ Ức Trai Nguyễn Trãi.

5. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển XX (bản điện tử), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.713.

6. Hoan Châu, Nghi Tiên, Nguyễn gia thế phả, phần chép về Nam Dương hầu Nguyễn Công.

7. Ngô Đức Thọ, Tìm hiểu tiểu sử sự nghiệp của Đại tư đồ nguyên Tế tửu, nguyên tri Quốc tử giám Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, tham luận tại Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (1708 -2008).

            9. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, Pa-ri, tr.22.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012

Tác giả : Trà Sơn Phạm Quang Ái

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *