Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương “Thất Sơn hòa điệu”: Đợt “làm đất” cho những mùa xanh

Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2020); chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp nối thành công của Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương “Thất Sơn hòa điệu” lần thứ I, năm 2018, Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương “Thất Sơn hòa điệu” lần thứ II – năm 2020 được Sở VHTTDL tỉnh An Giang tổ chức, góp phần tăng sức sống và lan tỏa sâu rộng hơn loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử của vùng đất “Thành đồng Tổ quốc”.

Ban Tổ chức trao giải Toàn đoàn cho các đội 
 

Xuất phát từ ý tưởng tạo một sân chơi để các nghệ nhân đờn ca tài tử trong tỉnh có dịp trình diễn tài năng, tìm hiểu và giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy và truyền dạy loại hình nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử Nam bộ. Ngay từ cuối năm 2019, Ban Tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương “Thất Sơn hòa điệu” lần thứ II – năm 2020 cùng các bộ phận chuyên trách đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể cho Liên hoan.  Thể lệ đề ra được cân nhắc kỹ các yếu tố của một cuộc liên hoan nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với mục đích góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử Nam bộ; tạo hoạt động văn hóa thiết thực để các nghệ nhân, nghệ sĩ và người mộ điệu gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật đờn ca. Ngoài ra, Liên hoan còn là dịp để nhân dân trong tỉnh tìm hiểu và thưởng thức tinh hoa của nghệ thuật đờn ca tài tử  truyền thống và sự sáng tạo trong những nhạc phẩm đờn ca tài tử. Đồng thời góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, giao lưu, học tập kinh nghiệm, làm phong phú thêm đời sống tinh thần; Tạo sân chơi lành mạnh, tiến bộ, đem lại không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân trong tỉnh.

Để phát huy phong trào cho địa phương, chú trọng việc tạo sân chơi cho người địa phương, Ban Tổ chức quy định, mỗi huyện, thị, thành phố trong tỉnh chọn 1 đội Đờn ca tài tử (từ 8 người đến 15 người) tham gia. Đối tượng tham gia phải là người đang cư trú tại địa bàn của đơn vị và chỉ được tham gia 1 đội. Mỗi đội tham dự phải xây dựng một chương trình hoàn chỉnh với thời lượng không quá 30 phút. Bên cạnh đó chương trình tham dự phải đảm bảo đầy đủ 2 phần: Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương. Phần Đờn ca tài tử phải là những bài bản hòa ca và hòa đờn nằm trong 20 bài bản tổ Đờn ca tài tử Nam Bộ và phải có tối thiểu 1 bài hòa tấu, 1 bài hòa ca. Các tiết mục không được trùng lắp điệu thức (Bắc, Nam, Lễ, Oán). Mỗi tiết mục không quá 10 phút. Ban nhạc mỗi đội khi tham gia phần hòa đờn phải chọn sử dụng từ 3 loại nhạc cụ trở lên trong các loại nhạc cụ sau: kìm, cò, tranh, bầu, tiêu, sáo, sến, violon, gáo, ghi – ta thùng, hạ uy di. Riêng nhạc cụ hạ uy di và đờn bầu cho phép sử dụng bộ khuếch đại âm thanh. Phần trích đoạn cải lương, các đội sử dụng các trích đoạn cải lương được phép lưu hành và phải có ít nhất 2 câu vọng cổ. Các đội đảm bảo phần thi trích đoạn cải lương có phần giới thiệu về trích đoạn: từ tuồng, vở nào, đoạn nào, nhân vật và bối cảnh của đoạn được trích. Ban Tổ chức cho phép sử dụng các nhạc cụ có bộ đệm điện tử (kể cả các nhạc cụ tân nhạc) trong phần thi trích đoạn cải lương. Trang phục, đạo cụ phải phù hợp với vai diễn nhân vật trong trích đoạn cải lương. Các tiết mục tham dự Liên hoan mang nội dung ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hóa của dân tộc; cảnh sắc tươi đẹp của quê hương đất nước; ca ngợi nét đẹp trong lao động sản xuất, thành tựu kinh tế – xã hội của đất nước; ca ngợi tình bạn, tình yêu lứa đôi trong sáng, cao thượng, vị tha…

Từ khi phát hành thể lệ, các đơn vị huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã thăm dò và tìm nguồn nhân lực từ các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại địa phương. Có đơn vị còn tổ chức cả một cuộc chọn lựa để các nghệ nhân có dịp thể hiện tài năng và chọn ra được những nhân tố ưu tú nhất để bồi dưỡng tham dự Liên hoan. Trong đó đơn vị huyện Chợ Mới, ngay từ đầu năm 2020 đã tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương cấp huyện cho nhân dân trong huyện tham gia. Cũng từ liên hoan này, huyện Chợ Mới đã chọn được nhiều nghệ nhân, tài tử đờn, tài cử ca để bồi dưỡng và xây dựng thành một đội hoàn chỉnh tham dự biểu diễn trong các chương trình tại địa phương và đặc biệt là bồi dưỡng để tham dự vòng thi cấp tỉnh. Vì vậy, đội thi Chợ Mới được đánh giá là một trong những đội mạnh và chất lượng nhất của tỉnh.

Các đội Đờn ca tài tử của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều chuẩn bị tốt phần thi, mang đậm bản sắc, dấu ấn riêng của đơn vị mình để đem đến liên hoan. Tại Liên hoan, phần hòa đờn được xem là phần thể hiện tài năng độc đáo của từng đội, là sân thi dành riêng cho các nghệ nhân, tài tử đờn thể hiện được hết tài năng, tiếng đờn và tinh hoa của nhạc cụ được điêu luyện qua quá trình luyện tập lâu dài. Phần hấp dẫn nhất là phần hòa ca và trích đoạn cải lương. Các đội đã mang đến Liên hoan những tiết mục đa dạng từ nội dung đến hình thức thể hiện. Có đội dàn dựng những trích đoạn cải lương kinh điển, có đội dàn dựng từ tác phẩm mới mang nội dung gắn liền với văn hóa, lịch sử và đời sống của cư dân địa phương ngày nay.

Tại Liên hoan, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo đã phát hiện ra nhiều nhân tố mới, nhiều tài năng trẻ triển vọng, cho thấy một thế hệ kế thừa đầy nhựa sống và tiềm năng trong tương lai. Đây sẽ là những hạt nhân góp phần duy trì, phát triển phong trào và góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử ở từng địa bàn của tỉnh.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên – Trưởng Ban Giám khảo nhận xét, hầu hết 11 chương trình của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh An Giang đều thực hiện tốt theo quy định Ban Tổ chức với chất lượng cao hơn lần liên hoan trước. Mặt khác chương trình có đầu tư nên có tính hấp dẫn người xem, trong đó xuất hiện nhân tố mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho nghệ thuật Đờn ca tài tử và cải lương, sự kế thừa của đội ngũ trẻ sẽ khơi dậy sức sống mãnh liệt hơn về tinh thần yêu thích nghệ thuật dân tộc, phát huy tốt hơn giá trị di sản văn hóa vốn được công chúng yêu thích.

Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương “Thất Sơn hòa điệu” lần thứ II – năm 2020 được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 11 đến 13/8/2020). Tuy chỉ trong thời gian ngắn nhưng Liên hoan đã quy tụ sự tham gia của 146 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công và tài tử đến từ 11 đội Đờn ca tài tử trong tỉnh, mang đến 20 bản hòa ca, 11 bản hòa đờn và 11 trích đoạn cải lương. Trong thời gian diễn ra các đêm thi diễn đều có đông đảo khán giả mộ điệu đến ủng hộ và thưởng thức. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn  phát sóng trực tiếp Liên hoan trên trang facebook của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang, thu hút gần 10.000 lượt xem. Điều đó cho thấy rằng, Đờn ca tài tử vẫn là hồn cốt của người dân Nam Bộ, là món ăn tinh thần truyền thống chưa bao giờ phai nhạt trong lòng người dân phương Nam nói chung và nhân dân địa phương An Giang nói riêng.

Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 25 giải tiết mục, 11 giải toàn đoàn và 5 cá nhân. Trong đó giải nhất toàn đoàn thuộc về đơn vị thành phố Long Xuyên; giải Nhì thuộc về đơn vị huyện Thoại Sơn và đơn vị huyện Chợ Mới. Giải nhất phần hòa ca thuộc về đơn vị huyện Chợ Mới; Giải Nhất phần hòa đờn và giải Nhất phần trích đoạn thuộc về đơn vị thành phố Long Xuyên. Ngoài ra Ban Tổ chức còn trao các giải cá nhân như: Giải Tài tử triển vọng thuộc về em Thục Đoan (đơn vị An Phú) và em Y Bình (đơn vị Chợ Mới); Giải Diễn viên xuất sắc thuộc về: tài tử Mỹ Hạnh (đơn vị An Phú) và tài tử Kim Sang (đơn vị Thoại Sơn); Giải Dàn dựng chương trình xuất sắc thuộc về Nghệ nhân Ưu tú – Đạo diễn Đặng Hoàng Linh (đơn vị Chợ Mới).

Có thể nói, Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương “Thất Sơn hòa điệu” lần thứ II – năm 2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp, vượt qua sự mong đợi của Ban Tổ chức. Từ Liên hoan lần này, ngoài việc tạo được một đợt trình diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử để nhân dân trong tỉnh có dịp thưởng thức, như một món ăn tinh thần đặc sắc, Liên hoan còn là hoạt động ý nghĩa và thiết thực góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Liên hoan khép lại, bên cạnh những thành công có được của mỗi đội còn là những dư âm trong lòng kháng giả mộ điệu, nghệ nhân, tài tử và nghệ sĩ. Dư âm ấy như một động lực để các đội trau dồi và phát triển hơn nữa tài nghệ của mình cũng như góp phần đưa phong trào Đờn ca tài tử ở địa phương phát triển bền vững và khởi sắc. Những điều đạt được tại Liên hoan như một đợt “làm đất”, giúp cho ruộng đồng, phì nhiêu, tươi tốt, giúp cho các địa phương trong tỉnh có dịp phát hiện và gieo trồng nhân tố mới. Chính từ đây, những hạt mầm năng khiếu và triển vọng sẽ có nơi gửi gắm học hỏi, trao dồi và phát triển. Như mảnh đất An Giang bao đời màu mỡ, có cày bừa tốt, gieo trồng và chăm sóc tốt, ắt sẽ có những mùa quả ngọt.

Tác giả: Lê Quang Trạng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *