Loại hình tác giả nhà nho tân học trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX


Văn học Việt Nam đầu TK XX có một vị trí rất đặc biệt trong tiến trình văn học lịch sử nước nhà. Đây là giai đoạn văn học đánh dấu bước ngoặt mới văn học chuyển tiếp từ văn học trung đại sang cận – hiện đại. Trong quá trình chuyển tiếp của lực lượng, quan niệm, phương pháp sáng tác và công chúng văn học, lực lượng sáng tác giữ vị trí đầu tiên và quyết định đánh dấu sự chuyển mình của văn học. Trong lực lượng sáng tác của bối cảnh ấy, nhà nho tân học nổi lên là một trong những nhân tố then chốt nhất. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày những nét khái quát về loại hình tác giả và một số tác giả tiêu biểu của loại hình nhà nho tân học trong văn học Việt Nam đầu TK XX như: Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà.

1. Loại hình và loại hình tác giả trong quá trình phát triển văn học

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, trong văn học so sánh, “loại hình chỉ một nhóm nhà văn, một nhóm tác phẩm hoặc yếu tố (chủ đề, đề tài, thể loại, nhân vật) có những đặc trưng chung nhưng xuất hiện tại các nước khác nhau” (1), “loại hình học là ngành nghiên cứu những điểm tương đồng, những điểm khác biệt và biến đổi cùng các nguyên nhân và ý nghĩa của chúng” (2), “về thực chất, tác giả văn học là người làm ra cái mới, người sáng tạo ra các giá trị văn học mới…” (3).

Tác giả văn học trung đại Việt Nam có lẽ xuất hiện cùng lúc với sự ra đời của văn học viết bằng chữ Hán. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng của khu vực văn hóa chữ Hán, đương nhiên tác giả văn học trung đại mang bóng dáng, dấu vết của nền văn hóa này.

Theo Trần Đình Sử: “Khi làm văn theo chức trách, tác giả bao giờ cũng cung kính, nghiêm trang, tuân theo quy tắc, luật lệ. Khi làm thơ văn cho mình và bạn bè họ lại có thể vui đùa ngông ngạo, nghịch ngợm, suồng sã. Do đó khi nói tới kiểu tác giả trung đại Việt Nam là chủ yếu nói tới kiểu tác giả theo nghĩa hẹp” (4).

Trong khi đó, Đỗ Thu Hiền trong bài viết Các loại hình tác giả trong văn học thời Lý – Trần đã chỉ ra bốn kiểu loại hình tác giả trong văn học Việt Nam thời Lý – Trần là: nhà sư, vua, quý tộc, võ tướng, nhà nho và các loại khác không nói rõ ở đây (5).

2. Đặc điểm loại hình tác giả nhà nho tân học trong văn học Việt Nam đầu TK XX

Về nguồn gốc, xuất thân, một điều dễ nhận thấy là hầu hết các tác giả nhà nho tân học đều xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học, khoa bảng, có truyền thống thi thư. Bản thân họ là các nhà nho, được đào tạo một cách bài bản trong nhà trường phong kiến.

Về thời đại, hầu hết các tác giả nhà nho tân học đều sống và hoạt động trong giai đoạn nửa đầu TK XX. Đây là giai đoạn giao thoa giữa cái cũ và cái mới trên cả phương diện tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ và văn học nghệ thuật. Cái cũ là tư tưởng Nho giáo với quan niệm thẩm mỹ và quan niệm văn học chưa thoát ra khỏi văn học trung đại. Trong khi đó, cái mới là ảnh hưởng của phương Tây về văn hóa, thẩm mỹ và văn học dựa trên ý thức hệ tư sản.

Về cuộc đời hoạt động, các tác giả nhà nho tân học trong văn học Việt Nam giai đoạn giao thời đều có một chặng đường học hành chữ Nho. Nhưng với sự chấm dứt chế độ khoa cử Hán học vào năm 1919, con đường tiến thân lập nghiệp của những người này không còn nữa nên họ buộc phải thích nghi với cái mới để mưu sinh, cũng là giải tỏa tâm hồn. Các tác giả nhà nho tân học đã hướng theo cái mới và dần dà hòa hợp. Nhưng sự hòa hợp giữa cái cũ và cái mới trong các nhà nho tân học đôi khi cũng rất khiên cưỡng, thậm chí là những sự lắp ghép một cách máy móc.

Về tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của các tác giả nhà nho tân học có sự tồn tại song song giữa quan niệm văn chương của một nhà nho và quan niệm của trí thức Tây học.

Trước hết, quan niệm chủ yếu và phổ biến của nhà nho trong thời kỳ trung đại là: “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí”, vẫn tồn tại trong văn học Việt Nam nửa đầu TK XX. Phan Bội Châu, một người có nhiều tư tưởng tiến bộ nhưng vẫn vướng víu với quan niệm cổ hủ này, khi cho rằng sáng tác văn chương là để lập công, lập chí, lập ngôn. Tản Ðà, người đã mạnh dạn cách tân phương pháp sáng tác cũ, tiến hành một cuộc cách mạng trong nghệ thuật thơ ca nhưng vẫn có tư tưởng phân biệt loại văn vị đời và văn chơi.

Văn học trung đại sùng cổ nhân, trọng quá khứ, nhân vật lý tưởng của nó là những trang tài tử giai nhân hoặc anh hùng cái thế. Nhưng nhân vật của văn học mới là những con người rất bình thường, bao gồm đủ mọi thành phần trong xã hội. Nói chung, nhân vật trong văn học mới rất đa dạng, vượt khỏi khuôn khổ chật hẹp của văn học phong kiến.

Khác với quan niệm văn chương cũ, trí thức tân học lại cho rằng văn học không còn tính chất bình kín trong một nhóm người nhỏ hẹp, mà được công bố rộng rãi bằng nhiều hình thức. Giờ đây, người ta tìm cách in ấn và sử dụng in ấn để xuất bản tác phẩm văn học. Khi đã có xuất bản, văn chương không còn là của riêng ai hay của một giai cấp nào, mà được xem là những giá trị văn hóa của toàn xã hội.

Quan niệm về thể loại cũng khác trước, tiểu thuyết và kịch được công nhận là một thể loại văn học, không còn bị khinh rẻ. Nho sĩ ngày trước chuộng thơ, gửi gắm tâm hồn trong thơ, bộc bạch tâm sự chí khí bằng thơ. Lớp nghệ sĩ mới hôm nay lại say mê văn xuôi, hướng về văn xuôi nhiều hơn. Họ nhận thấy văn xuôi có nhiều khả năng phản ánh chân thật, cụ thể đa dạng cuộc sống tư sản hóa đầy những cảnh đời phức tạp, bon chen. Ðối với các nhà nho, vấn đề mô tả hiện thực cuộc sống không phải là điều mà họ quan tâm đến. Ngược lại, các tư tưởng của nền văn học mới để hết tâm sức vào vấn đề phản ánh hiện thực. Mặc dù vấn đề phản ánh hiện thực khách quan trong văn học ở giai đoạn này còn bị chi phối bởi quan niệm đạo đức nhưng vẫn thể hiện được sự nâng cao vai trò nhận thức của văn học đối với cuộc sống ở họ so với trước. Ðây cũng là một giai đoạn xuất hiện quan niệm mới, xem việc sáng tác văn chương là một nghề kiếm sống, “nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng” (Tản Ðà).

Nhìn chung, sự phân hóa trong quan niệm sáng tác “tìm thấy trong toàn bộ đời sống của nền văn học mới, trong loại tác giả này và loại tác giả khác, tuy cùng thời nhưng khác nhau về quan điểm tư tưởng – thẩm mỹ, về nguồn gốc xuất thân và học vấn, tài năng, tuy hai bình diện đối lập nhau của một thể thống nhất của một tác giả” và “đó là một quá trình lâu dài, chồng chéo lên nhau, giằng co, tranh chấp giữa cái cũ và cái mới” (6).

3. Một số tác giả nhà nho tân học tiêu biểu trong văn học trung đại Việt Nam

Nguyễn Trọng Thuật

Nguyễn Trọng Thuật là người ở xã Mạn Nhuế, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ban đầu, ông học chữ Hán, sau mới học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, rồi trở thành thày giáo. Năm 1917, ông làm cộng tác viên tờ Nam Phong tạp chí. Trong khoảng thời gian này, ông biên soạn quyển Danh nhân Hải Dương (1919).

Khi Việt Nam Quốc Dân Đảng được bí mật thành lập (1927) ở Hà Nội, ông hăng hái tham gia. Khoảng ba năm sau (1930), đảng này tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái nhưng thất bại. Sau đó, lãnh tụ đảng là Nguyễn Thái Học bị hành quyết cùng với 12 đảng viên khác tại Yên Bái (17-6-1930), thì Nguyễn Trọng Thuật cũng thôi hoạt động chính trị, chuyển sang nghề viết văn. Về sau, ông còn làm biên tập viên cho tờ Đuốc tuệ, thuộc Hội Phật giáo Bắc Kỳ (thành lập tháng 11-1934). Ngoài ra, ông còn làm Thư ký Ban Khảo cứu và giảng diễn Phật học của hội này, cộng tác với nhóm Phật học Tùng thư do nhà sư Trí Hải đứng đầu ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Năm 1940, Nguyễn Trọng Thuật qua đời vì bệnh tại Hà Nội, hưởng dương 57 tuổi.

Ông có tiểu thuyết Quả dưa đỏ được giải thưởng của Hội Khai trí Tiến Ðức năm 1925. Tiểu thuyết này chịu ảnh hưởng của cuốn Robinson Crusoe của Ðaniel Dejoe nhưng không phải là phiêu lưu tiểu thuyết như tác giả gán cho tác phẩm của mình. Tác giả có dụng ý phản ánh sở thích phiêu lưu, mạo hiểm trong tâm lý của công chúng thời đó. Ông không thành công trong thể loại tiểu thuyết lịch sử khi mô tả cụ thể lịch sử thời quá khứ. Quả dưa đỏ chỉ là tiểu thuyết chương hồi mà nhân vật chính là: An Tiêm. Giọng văn còn mang nhiều ảnh hưởng của Hán văn.

Nguyễn Chánh Sắt

Nguyễn Chánh Sắt, tự Bá Nghiêm, hiệu Tân Châu, bút hiệu Du Nhiên Tử, Vĩnh An Hà. Ông là nhà văn kỳ cựu, một tiểu thuyết gia tiên phong, một dịch giả sung sức trong giai đoạn chữ quốc ngữ mới phát triển tại Việt Nam (7).

Nguyễn Chánh Sắt sinh ở làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc; nay thuộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Cha ông là Nguyễn Văn Tài, một nông dân nghèo. Thuở nhỏ, Nguyễn Chánh Sắt đến làm con nuôi ông Nguyễn Văn Bửu và bà Trần Thị Nghiêm, một gia đình khá giả trong xóm, nhưng không có con để nối nghiệp. Đến tuổi đi học, ông theo học chữ Hán với thày Trần Hữu Thường, rồi Trường tiểu học Pháp – Việt Châu Đốc. Đỗ xong bằng tiểu học, cha nuôi cưới vợ cho ông. Vợ ông tên là Văng Thị Yên (1872-1944), người cùng làng; bà với ông đã có cả thảy 2 trai, 7 gái. Để kiếm sống, vợ ông phải làm nghề mua bán nhỏ ở chợ Tân Châu, còn ông thì ở nhà trông nom gia đình và tự học thêm chữ Hán, chữ Pháp.

Trong thời gian này, Nguyễn Chánh Sắt quen được viên thiếu tá người Pháp tên là De Colbert, có sở Kén (nuôi tằm lấy tơ) tại Tân Châu. Vì làm ăn thất bại, De Colbert được nhà cầm quyền Pháp, cử làm giám đốc nhà lao Côn Lôn (Côn Đảo), ông Sắt được mời đi theo làm thông ngôn. Ở đảo, ông có dịp gần gũi các sĩ phu yêu nước bị lưu đày và học thêm chữ Hán. Bốn năm sau, De Colbert bị bệnh phải đưa về Sài Gòn chữa trị, nhưng không khỏi nên qua đời. Mất chỗ dựa, Nguyễn Chánh Sắt xin nghỉ việc ở Côn Lôn, về Sài Gòn lần lượt làm ở các sở Canh nông, Công chánh, Ðịa chánh, rồi chuyển sang dạy chữ Hán tại Trường trung học Tabert. Đi dạy, ông Sắt quen được ông Canavaggio rồi nhận lời xuống Bạc Liêu, trông coi việc khai thác ruộng muối cho ông này.

Năm 1890, Nguyễn Chánh Sắt trở lên Sài Gòn, cộng tác với tờ Nông cổ mín đàm và bắt đầu dịch nhiều truyện Tàu (truyện dịch đầu tiên là truyện Tây Hớn, gồm 3 quyển, do nhà xuất bản J. Viết ấn hành).

Năm 1906, ông làm chủ bút báo Lục tỉnh tân văn và cộng tác với Trần Chánh Chiếu lập Nam Kỳ kỹ nghệ công ty, để vừa cạnh tranh với tư bản nước ngoài, khuếch trương công nghệ trong nước, vừa bí mật ủng hộ phong trào Đông du của chí sĩ Phan Bội Châu.

Năm 1908, hội Minh Tân đổ vỡ, Trần Chánh Chiếu bị bắt, riêng ông may mắn thoát được.

Năm 1912, Nguyễn Chánh Sắt lại xuống Bạc Liêu làm ruộng. Bị thất mùa nhiều vụ, năm 1916, ông trở lại Sài Gòn, tiếp tục làm chủ bút tờ Nông cổ mín đàm và cùng với ông Nguyễn Văn Của lập Nam Kỳ nhựt báo ái hữu hội. Trong thời gian này, ông sáng tác tiểu thuyết Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920), mang nhiều tình tiết éo le, gay cấn nên rất lôi cuốn đông đảo độc giả; và người ta đã lấy tên một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết này, để đặt cho ông biệt danh Monsieur Chăng Cà Mum.

Năm 1920, nhân chuyến về thăm quê nhà, ông được nhân dân địa phương cử giữ chức hương quản xã Long Phú (thuộc Tân Châu). Năm 1921, ông được cử Phụ thẩm Tòa án Sài Gòn.

Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn. Ông sáng tác văn học rất nhiều và để lại hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác, như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc như: Tình sử, Kim cổ kỳ quan… đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại.

Hồ Biểu Chánh sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu TK XX với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Cách diễn đạt của ông nôm na, bình dị. Ông đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai. Ông để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu, phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch.

Về đề tài, khác hẳn với tiểu thuyết kinh điển, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh không theo lối mòn của những người cầm bút trước đây. Ông không đặt ra những vấn đề như tài và mệnh luôn đối lập nhau, hiếu và tình luôn xung đột nhau. Cốt truyện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng rất đời thường. Đường dây dẫn chuyện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thường mang tính phiêu lưu, khám phá. Tình tiết của những câu chuyện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tuy đau đớn nhưng rất lãng mạn và trữ tình. Nếu là độc giả thường xuyên của Hồ Biểu Chánh, người ta sẽ dễ dàng nhận ra tác phẩm của ông phải có cảnh chết chóc thương tâm. So với những nhà văn khác cùng thời với Hồ Biểu Chánh, ông luôn có lối đi riêng khác biệt.

Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh không mô tả nhân vật theo lối cũ, những hạng người quý phái trưởng giả, những tầng lớp được xã hội đương thời kính trọng. Hồ Biểu Chánh cũng không thích mượn những hình ảnh về những câu chuyện nơi phồn hoa đô hội để đưa vào tác phẩm. Ông thường đưa người đọc quay về nông thôn như đưa độc giả đi quan sát, ngắm nhìn đồng ruộng, dòng sông, con đò, lũy tre… nơi thôn dã. Những nhân vật trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thường là những người đang còn sống bên lề của thời đại văn minh, chưa biết đến những phát minh mới lạ của khoa học công nghệ. Phần đông, họ chưa bị cám dỗ, chưa bị lôi cuốn bởi sự xa hoa nơi thành thị. Những nhân vật này lại được Hồ Biểu Chánh khắc họa rất sâu sắc, rất đặc biệt, bởi họ là những người thật thà và chất phác. Cuộc sống tình cảm của họ không rạo rực và mãnh liệt như những tiểu thuyết đương thời khác. Vì vậy, độc giả đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thường như đọc tâm tình của nhân vật trong bối cảnh cuộc sống êm đềm, lặng lẽ ở miền quê.

Về cách viết, Hồ Biểu Chánh luôn tìm cho mình một hướng đi riêng biệt, khác lạ. Văn của Hồ Biểu Chánh thường dùng chữ Nho đan xen vào những từ nói mang tính đài các. Không chỉ có vậy, độc giả còn tìm thấy ở cách viết của Hồ Biểu Chánh theo lối biền ngẫu, dùng nhiều điệp từ, điệp ngữ để đưa vào văn xuôi. Những đoạn văn vần vô lối cũng thường xuất hiện trong tác phẩm của ông. Người đọc lại thấy hay, thấy thích thú theo lối chơi chữ đó của Hồ Biểu Chánh trong tác phẩm. Có lẽ, Hồ Biểu Chánh là người đầu tiên phá vỡ cái khuôn khổ văn chương vốn đài các và sang trọng trước đó để mở lời thoại cho những nhân vật của mình bằng những ngôn ngữ đơn sơ, chất phác.

Tản Đà

Trong văn đàn Việt Nam đầu TK XX, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”.

Những cống hiến của Tản Đà trong lĩnh vực văn chương đã làm giàu cho thơ ca dân tộc, chuẩn bị cả về mặt nội dung, cả về mặt nghệ thuật cho Thơ mới ra đời. Tuyển chọn Thơ mới những năm 1932 – 1940, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đặt Tản Đà vào một vị trí đặc biệt: nhà thơ đàn anh, chứng giám cho cuộc họp mặt của Hội Tao đàn lớp sau. Nếu không có Tản Đà, thì các nhà Thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư… giữa đất nước và tổ tiên trở thành lạc loài. Tản Đà là đầu nối giữa họ và những nhà thơ lớn trước đây. Trong lịch sử nếu không có Tản Đà, thì cả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ cũng sẽ trở thành những hiện tượng ngẫu nhiên cá biệt. Có Tản Đà, chúng ta mới thấy một mạch từ cuối TK XVIII đến phong trào Thơ mới: chủ nghĩa cá nhân tư sản tìm được tiếng đồng vọng về cái lụy của tài, tình, tiếng kêu của nhà nho tài tử trong đô thị phong kiến xưa. Hoài Thanh quy cho Tản Đà vinh dự “dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa”. Cuộc hòa nhạc về sau không có cái hòa âm mà Hoài Thanh lúc đó dự liệu. Và Tản Đà, nhà nho tài tử, tuy trong điều kiện cuộc sống tư sản, đã xích lại gần các nhà Thơ mới, nhưng vẫn không trút bỏ được “lốt y phục, lốt tư tưởng”. Đến ngưỡng cửa của phòng hòa nhạc, ông quay lại với thơ thất ngôn, chứ không tham gia vào hàng ngũ các nhà thơ mới.

Không phải chỉ trong thơ ca, Tản Đà mới là dấu nối của văn học 1930 – 1945. Tuy về văn xuôi thành công của Tản Đà không lớn như trong thơ, nhưng bằng cách nói cái nếm trải của riêng mình, Tản Đà đã chuyển sang nhìn cuộc sống, nói về cuộc sống cụ thể, bình thường của con người trong xã hội. Điều đó làm ông gặp các nhà văn lớp sau. Vì vậy, những người tiêu biểu như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân đều thấy mình chịu ảnh hưởng của Tản Đà.

Cả thơ, cả văn xuôi của Tản Đà đều cố gắng đề cập đến cuộc sống bình thường, cụ thể; quan tâm đến sự đau khổ và nghèo khó của con người. Làm như vậy, ông góp phần cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực. Với bản tính đa tình và cái tôi trữ tình lan tỏa trong thơ và văn xuôi của ông, Tản Đà góp phần chuẩn bị cho sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn. Điều đó phản ánh một tình hình là văn học của thời đại đứng trước một sự lựa chọn tất yếu: chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa lãng mạn. Tản Đà đã đến sát sự lựa chọn đó và đứng giữa ngã ba đường. Thế giới quan và quan niệm văn học của ông không cho phép ông đi xa hơn.

4. Kết luận

Có nhiều quan niệm khác nhau về kiểu tác giả, loại hình tác giả trong văn học trung đại Việt Nam như: loại hình tác giả văn, loại hình tác giả thơ; loại hình tác giả nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, nhà nho tài tử; loại hình tác giả thiền sư, vua quan, quý tộc, võ tướng…

Loại hình tác giả nhà nho tân học trong văn học Việt Nam đầu TK XX có những đặc điểm chung về nguồn gốc xuất thân, về thời đại, về cuộc đời hoạt động và về tư tưởng, quan niệm văn chương nghệ thuật. Có nhiều tác giả nhà nho tân học tiêu biểu trong văn học Việt Nam đầu TK XX như: Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà… Mỗi một tác giả có những nét riêng về cuộc đời và đóng góp vào thể loại tiểu thuyết nói riêng và lịch sử văn học dân tộc nói chung.

_______________

1, 2, 3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.182, 289.

4. Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.115.

5. Trần Ngọc Vương, Loại hình học tác giả văn học – nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, tr.383.

6. Trần Ðình Hượu và Lê Trí Dũng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1988, tr.138.

7. Wikipedia.org.vn.

 

Tác giả: Bùi Thị Lan Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *