Lối sống của phụ nữ tại các thành phố lớn ở việt nam hiện nay

Trong bất kỳ một xã hội nào, người phụ nữ cũng có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn hiện nay, bên cạnh
phần lớn phụ nữ có lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực thì vẫn còn đó một số lượng không nhỏ phụ nữ có lối sống thiếu lành mạnh, suy nghĩ tiêu cực. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay? Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu thực trạng lối sống của phụ nữ, tìm nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên để từ đó đưa ra giải pháp cơ bản góp phần xây dựng lối sống của phụ nữ tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay.

1. Thực trạng lối sống của phụ nữ tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay

Có thể nói rằng, hiện nay, số lượng phụ nữ sinh sống tại các thành phố lớn rất đông. Họ không chỉ là dân thành phố mà còn là dân nhập cư từ các tỉnh thành lân cận về đây tìm kiếm cơ hội việc làm. Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ đều được đào tạo nghề mà vẫn còn một số lượng không nhỏ phụ nữ chưa được qua đào tạo, dẫn đến tình trạng lao động nữ có việc làm ổn định còn thấp. Theo tổng cục thống kê năm 2012, cả nước có 52,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, bao gồm 51,4 triệu người có việc làm và 925,6 nghìn người thất nghiệp. Trong tổng số lực lượng lao động của cả nước, nữ giới chiếm tỷ trọng 48,6%, thấp hơn nam giới. Nạn thiếu việc làm của lao động nữ ở nông thôn dẫn đến một bộ phận lao động nữ nông thôn tràn ra các thành phố kiếm sống, thậm chí làm các nghề mà xã hội ngăn cấm.

Tại các thành phố lớn, người phụ nữ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát huy tốt vai trò và vị thế của mình như: tham gia các lớp học để nâng cao trình độ, tiếp cận được công nghệ thông tin và nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng giới. Người phụ nữ đã góp phần không nhỏ trong việc chung tay xây dựng kinh tế hộ gia đình, tham gia các phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tại các thành phố lớn đã xuất hiện nhiều gương điển hình có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu,… Phần lớn phụ nữ tại các thành phố lớn vẫn giữ được phẩm chất truyền thống tốt đẹp: cần cù, thông minh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở kiến thức khoa học, biết làm giàu cho gia đình và xã hội một cách chân chính. Họ là những người có trách nhiệm, đạo đức, lòng tự trọng cao, có tinh thần vươn lên tự học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Bản thân người phụ nữ khi tham gia vào quá trình sản xuất, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp của họ cũng không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều hạn chế của một số không nhỏ chị em như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp, tác phong công nghiệp chưa cao, chưa thông qua đào tạo nghề.

Người phụ nữ, ngoài chức năng xây dựng kinh tế, còn phải đảm nhận các chức năng khác như: làm vợ, làm mẹ,… trong gia đình. Gánh nặng gia đình đã cản trở phụ nữ trong quá trình tham gia vào sản xuất và các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,…


 Phụ nữ làng Bát Tràng với nghề gốm xứ. Ảnh Thanh Trần

Phần lớn phụ nữ tại các thành phố lớn có trình độ học vấn cao
đã có những hiểu biết tốt về chính trị, quyền
và nghĩa vụ của mình. Họ không ngừng học tập để nâng cao trình độ, tay nghề, và
tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia
vào công tác lãnh đạo ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, phụ nữ thường được ví như
tay hòm chìa khóa trong gia đình, thường gắn liền với nỗi lo cơm áo, gạo tiền
nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của họ. Mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ
là làm sao để gia đình ấm no, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi,…

Các thành phố lớn luôn có những chủ trương, chính sách dành riêng cho phụ nữ. Những chủ trương, chính sách đó đã tác động tích cực đến tư tưởng của họ. Các câu lạc bộ phụ nữ không ngừng được mở rộng về phạm vi và phong phú về chủng loại đã thu hút được nhiều chị em tham gia. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của chị em phụ nữ ở các thành phố lớn cũng còn nhiều vấn đề đặt ra như: quá trình di cư ồ ạt đã dẫn đến tình trạng quá tải ở những thành phố lớn, các sân chơi không đủ đáp ứng nhu cầu của họ. Trong các thành phố lớn hiện nay, thực trạng khủng hoảng tinh thần sau khi sinh con đang đè nặng lên vai các chị em. Theo nghiên cứu của chúng tôi, tại TP.HCM và Bình Dương, cứ 10 chị em sau khi sinh con thì có đến 7 người bị khủng hoảng về tinh thần. Số chị em bị khủng hoảng này phần lớn là dân từ các tỉnh khác đến đây làm ăn, sinh sống. Cũng theo nghiên cứu, trong 7 chị em bị khủng hoảng tinh thần, sau khi sinh họ thường tìm đến chùa chiền để trấn an, một số ít tìm kiếm người để tâm sự.

Thực trạng lối sống thực dụng quá mức đã làm cho nhiều chị em phụ nữ sa vào con đường phạm tội, tự đánh mất nhân phẩm của mình, bất chấp luân thường, đạo lý và pháp luật của Nhà nước. Sự nghèo khó, thất nghiệp, thiếu nhà cửa đã đẩy một số chị em đến con đường phạm tội.

Kết thúc công việc ở cơ quan, chị em phụ nữ sử dụng thời gian còn lại của mình vào các hoạt động như: dọn dẹp nhà cửa, tổ chức bữa ăn cho gia đình, nuôi dạy con cái,… Ở cơ quan, họ là nhân viên, còn trở về nhà, họ lại là người nội trợ. Tuy nhiên, trong vấn đề hôn nhân gia đình, dư luận xã hội đang chú ý và lên án nạn bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em. Tình trạng bạo hành gia đình dưới nhiều hình thức ngày một nở rộ, không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đến tâm lý, tình cảm và đời sống tinh thần của người phụ nữ. Mặc dù Đảng và Nhà nước trong các kỳ Đại hội luôn nêu cao sự bình đẳng, nhưng trên thực tế, sự bất bình đẳng vần tồn tại trong tiềm thức của chính người phụ nữ. Tâm lý của người phụ nữ khi lập gia đình luôn mong muốn có con trai, chính vì thế họ tìm đến bác sĩ hoặc thày bói.

Trong quan niệm về hôn nhân, gia đình, đã xuất hiện rõ tình trạng lấy đồng tiền làm thước đo thay cho tình yêu đôi lứa. Chính những quan niệm sống đó dẫn đến tình trạng phụ nữ kết hôn nhưng không phải xuất phát từ tình yêu đôi lứa ngày càng tăng. Hậu quả của những cuộc hôn nhân không tình yêu ấy là sự tan vỡ hạnh phúc gia đình. Cuối cùng, mọi khổ đau, thiệt thòi đều do người phụ nữ gánh chịu.

Trong mối quan hệ gia đình, một số chị em phụ nữ ở các thành phố lớn đã làm tròn trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối ở các thành phố lớn hiện nay là lối sống thử trước hôn nhân. Các cặp yêu nhau sẵn sàng về sống chung với nhau như vợ chồng, thậm chí còn sinh con đẻ cái mà không cần đăng ký kết hôn. Hình thức sống thử khi tan rã sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: không có cơ sở để tòa phân chia gia sản, khó quy trách nhiệm pháp lý và nó để lại hậu quả nghiêm trọng cho bản thân người phụ nữ, cho gia đình và cho dòng họ.

Hiện nay, bên cạnh những phụ nữ nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, thì vẫn còn không ít phụ nữ chỉ lo hưởng thụ, thờ ơ, lạnh nhạt với cả gia đình và những người chung quanh. Lối sống đó dẫn con người đến sự nhỏ nhen, ích kỉ, nhiều khi là tàn nhẫn. Thông qua việc nghiên cứu thực trạng lối sống của phụ nữ tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi đi tìm những nguyên nhân tác động chủ yếu đến vấn đề này.

2. Những nguyên tác động đến lối sống của phụ nữ tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực, giúp cho người phụ nữ trở nên năng động, sáng tạo và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội. Tuy nhiên, chính quá trình đó đã tác động tiêu cực đến sự phát triển lối sống của người phụ nữ, khiến những giá trị truyền thống dần bị mai một. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng vô đạo đức đã làm nảy sinh tư tưởng coi trọng lợi ích vật chất, chạy theo đồng tiền trong giới nữ. Họ không quan tâm đến những phẩm chất tốt đẹp của giới mình.

Có thể khẳng định rằng, ở một góc khuất nào đó, trong mỗi con người Việt Nam vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng đó vẫn còn tồn tại phổ biến trong gia đình và xã hội, biểu hiện qua sự bất bình đẳng nam – nữ trên các lĩnh vực. Những định kiến về người phụ nữ của xã hội phong kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Do vậy, phụ nữ ở một góc độ nhất định vẫn lệ thuộc vào chồng mọi mặt. Các triết thuyết của Nho giáo như “tam tòng, tứ đức” đã và đang kìm hãm sự phát triển của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ ở các thành phố lớn nói riêng. Ngoài xã hội, phụ nữ có nguy cơ mất việc cao hơn nam giới bởi các nhà tuyển dụng quan niệm phụ nữ ít năng động, không tháo vát, năng lực tổ chức yếu, trình độ nhận thức thấp nên không muốn tiếp nhận nữ. Cùng với đó, việc nghỉ thai sản quá dài ngày cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ phụ nữ dễ mất việc.

Mặc dù tại các thành phố lớn cơ hội học tập để nâng cao trình độ rất thuận tiện nhưng chính sự an phận, thiếu ý chí phấn đấu của người phụ nữ đã làm họ mất đi cơ hội của mình. Một bộ phận phụ nữ sống an phận, không phấn đấu vươn lên trong học tập để nâng cao học vấn, trình độ nhận thức và hiểu biết xã hội. Họ tập trung thời gian và sức lực cho công việc gia đình dẫn đến thờ ơ với những vấn đề của xã hội. Sự hạn chế về trình độ của người phụ nữ đã đẩy họ đi đến những suy nghĩ tiêu cực, tư duy logic dẫn đến lối sống lệch lạc, dễ đánh mất sự tự tin ở bản thân, không biết cách chống đỡ tự bảo vệ mình. Họ dễ sa vào lối sống thực dụng, tha hóa về đạo đức, lối sống.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, giá trị lối sống truyền thống của của người phụ nữ Việt Nam có nhiều thay đổi. Sự thiếu hiểu biết của người phụ nữ đã làm cho họ sai lệch trong việc lựa chọn những giá trị đúng trong lối sống, đi ngược lại giá trị truyền thống dân tộc. Đây là nguyên nhân chủ quan quan trọng nhất dẫn đến thực trạng yếu kém trong quá trình xây dựng lối sống của người phụ nữ.

Việc tổ chức đời sống gia đình của phụ nữ ở các thành phố lớn chưa thực sự khoa học dẫn đến họ không có thời gian dành riêng cho bản thân. Ngoài thời gian làm việc cho xã hội, phần lớn thời gian còn lại phụ nữ dành cho gia đình. Mặc dù, cả chồng và vợ đều tham gia xây dựng kinh tế gia đình, nhưng khi về đến nhà người chồng không tham gia vào việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm sóc người già và công việc nội trợ. Khối lượng công việc gia đình không cân bằng là một trong những chỉ số bất lợi cho phụ nữ khi vừa phải thu xếp công việc gia đình, vừa phải lo toan công việc để kiếm sống và tham gia công tác xã hội. Vì dành nhiều thời gian cho công việc gia đình, phụ nữ không còn thời gian học tập, nâng cao trình độ và dành riêng cho bản thân. Chính việc tổ chức đời sống gia đình không khoa học dẫn đến họ không có thời gian để vui chơi, giải trí phù hợp cho bản thân nên dễ bị stress.

3. Những giải pháp cơ bản cho lối sống của phụ nữ tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay

Xây dựng lối sống của phụ nữ trong các thành phố lớn không thể tách rời việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất. Muốn làm được điều đó, cần phải giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trong đời sống vật chất kinh tế để từng bước tích cực hóa lối sống phụ nữ ở các thành phố lớn hiện nay, bởi lối sống của con người thường bị chi phối mạnh mẽ bởi điều kiện vật chất. Vì vậy, cần phải cải thiện và nâng cao đời sống vật chất để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của phụ nữ. Song song với việc cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, cũng cần phải chăm lo đến đời sống tinh thần cho người phụ nữ bằng hình thức bồi dưỡng họ trở thành những người có lý tưởng cao đẹp, có tinh thần tự học tập, nâng cao trình độ về học vấn cũng như chuyên môn, tay nghề, hiểu biết và tin tưởng vào đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phải biết kế thừa những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu những yếu tố tiến bộ trong lối sống của các dân tộc trên thế giới. Phương châm xây dựng lối sống của người phụ nữ hiện nay phải hướng đến mục tiêu năng động, sáng tạo, tôn trọng pháp luật, tác phong công nghiệp, có ý thức cầu tiến, biết tổ chức cuộc sống khoa học có văn hóa lành mạnh, có ý thức về dân chủ, công bằng xã hội,…

Không ngừng nâng cao trình độ nhận thức cho người phụ nữ. Để làm được điều đó, trước hết phải tăng cường giáo dục, đào tạo cho phụ nữ nhằm nâng cao trình độ học vấn của họ. Phải coi trọng phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cá nhân phụ nữ để đào tạo nhân tài cho đất nước, thực hiện bình đẳng, phát triển, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho xã hội. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về luật pháp, chính sách, về tiến bộ khoa học, công nghệ, môi trường, về tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe và phòng chống tệ nạn xã hội,… Khuyến khích chị em tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, tích cực tham gia hoạt động xã hội, tham gia Đoàn, hội ở đơn vị và nơi lưu trú.

Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Thiếu việc làm và nghèo đói là nguyên nhân cơ bản đẩy người phụ nữ vào con đường phạm pháp, sa vào các tệ nạn xã hội, đánh mất nhân phẩm của mình, làm giảm địa vị và những giá trị đóng góp của họ cho gia đình và cho xã hội. Vì vậy, việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ sẽ tạo cơ hội để họ tiếp cận các nguồn lực kinh tế nhằm ổn định, phát triển đời sống vật chất, là điều kiện cơ bản cho việc xây dựng một lối sống lành mạnh. Phải kết hợp hài hòa lao động xã hội và lao động trong gia đình, muốn làm được điều đó đòi hỏi nam giới phải tham gia chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Người đàn ông phải xem chia sẻ việc gia đình là một trong những trách nhiệm và nghĩa vụ.

Nhà nước phải có những chính sách, biện pháp kịp thời, thiết thực gắn với thực tiễn. Chính sách dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa,.., thường xuyên chú ý đến những khó khăn mang tính đặc thù của phụ nữ. Tạo sự công bằng thực sự giữa nam nữ, từ học tập, việc làm, hưởng thụ văn hóa đến hoạt động chính trị,… Tất cả các chủ trương, chính sách đều nhằm thực hiện mục tiêu ổn định, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Phát huy vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong việc thực hiện chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ. Sự phát triển của phụ nữ là thước đo sự phát triển toàn diện của xã hội. Nó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội. Cần phát huy tốt vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm “nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của gia đình truyền thống người Việt Nam. Gia đình là tế bào xã hội, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển lối sống xã hội và cá nhân. Hồ Chí Minh đã viết: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chú ý hạt nhân cho tốt” (1). Hội phụ nữ phải thường xuyên vận động nam giới chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tăng cường giáo dục pháp luật trong phụ nữ, vận động thực hiện luật hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người phụ nữ, góp phần tích cực ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ.

Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong toàn xã hội. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh một cách rộng rãi từ trong gia đình đến ngoài xã hội là một điều cần thiết. Không ngừng đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Xóa bỏ những tàn dư tư tưởng phong kiến không còn phù hợp như tư tưởng trọng nam khinh nữ, tam tòng,… Đó là những tư tưởng gia trưởng độc đoán, kìm hãm sự phát triển của phụ nữ. Hồ Chí Minh viết: “Phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập, phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật” (2), “không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” (3).

Có thể nói rằng, lối sống của phụ nữ ở các thành phố lớn bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn đó nhiều hạn chế nhất định cần phải khắc phục ngay. Bên cạnh hình ảnh những người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà thì vẫn còn một bộ phận phụ nữ xem trọng giá trị đồng tiền, chạy theo vật chất, lo hưởng thụ, thờ ơ, lạnh nhạt với cả gia đình và những người xung quanh. Những hạn chế về lối sống của người phụ nữ trong các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay là do sự tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, do định kiến về giới vẫn còn tồn tại từ trong gia đình đến ngoài xã hội, do nhận thức của chính người phụ nữ và cách thức tổ chức đời sống gia đình của họ chưa khoa học. Trên cơ sở tìm hiểu những nguyên nhân, chúng tôi cho rằng, cần phải đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp cơ bản như: xây dựng lối sống phụ nữ theo lối hiện đại; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ; kế thừa được những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu những tinh hoa lối sống của các dân tộc trên thế giới. Muốn làm được điều đó, cần phải nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt cho người phụ nữ, phải phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp, thực hiện chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cần phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, phong tục, tập quán lạc hậu. Thực hiện quyền bình đẳng nam – nữ từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ đó, phát huy quyền làm chủ của người phụ nữ, đẩy mạnh công tác giáo dục.

_______________

1, 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.523, 524.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.295.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : VÕ VĂN DŨNG – VÕ TÚ PHƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *