Long Hồ – miền quê xinh đẹp, trù phú


Sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Long Hồ (Vĩnh Long) chung sức, đồng lòng kiến thiết quê hương. 46 năm qua đi, những miền quê đầy gian khó ngày nào, nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, xinh đẹp và trù phú hơn. Đó là thành quả của sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường kết hợp với phát huy tốt các nguồn lực xã hội.

Giao thông mở đường cho phát triển

Tuyến đê bao kết hợp với giao thông nông thôn có chiều dài hơn 10km đi ngang qua địa bàn 4 xã cù lao (Đồng Phú, Hòa Ninh, An Bình, Bình Hòa Phước) của huyện Long Hồ hiện tại đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng niềm mong đợi từ bao đời nay của người nông dân về một hệ thống giao thông thuận lợi, mở đường cho phát triển kinh tế – xã hội, cho nông thôn đổi mới.

Những năm mới giải phóng, đường đi ở Long Hồ rất lầy lội, đi xe đạp phải dắt, phương tiện qua lại chủ yếu là ghe, xuồng. Mỗi khi triều cường dâng cao, nước ngập lênh láng, ảnh hưởng trực tiếp đến vườn cây ăn trái – nguồn thu chủ yếu của người dân xã cù lao.

Ông Nguyễn Sỹ Hùng, ấp Phú Thuận II (xã Đồng Phú) kể: “Trước đây, mỗi khi mưa xuống thì con đường này sình lầy dữ lắm, không đi đâu được, mà nhỡ thu hoạch trái cây đúng thời điểm này rất cực khổ, gian truân vì rất khó vận chuyển đem đi bán. Giờ có được con lộ này bà con phấn khởi lắm, đời sống đã phát triển hơn trước rất nhiều”.

“Từ khi tuyến đê bao 4 xã cù lao hoàn thành, người dân xã Đồng Phú rất phấn khởi vì đê bao thủy lợi được hoàn thiện giúp bảo vệ vườn cây ăn trái mỗi khi triều cường dâng cao; việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cũng thuận tiện hơn và thúc đẩy phát triển du lịch. Tuyến đường này hoàn thành đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét và nâng cao đời sống người dân” – ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Phú cho biết.

Thay đổi dễ nhận thấy nhất tại huyện Long Hồ là 10 năm trở lại đây – từ khi huyện bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Những vùng quê đầy gian khó ngày nào đã trở nên xinh đẹp và trù phú hơn, nhất là hệ thống giao thông nông thôn có sự đổi thay vượt bậc, kéo theo sự phát triển mọi mặt về đời sống, kinh tế – xã hội…

Từ năm 2011 đến năm 2020, người dân đã đóng góp gần 102 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn, lắp đặt hơn 98 km đèn đường thắp sáng, trên 200 camera ở khu dân cư. Cùng với 36km đường giao thông thuộc 3 tuyến Quốc lộ 1A, 53, 57 và 15km đường tỉnh lộ đi qua địa bàn huyện, đến nay tất cả các xã, thị trấn ở Long Hồ đều có đường ô tô đến trung tâm.

Đến cuối tháng 4/2021, toàn huyện có hơn 144km đường do huyện quản lý được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp A; 267km đường láng nhựa giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn cấp C. Hệ thống giao thông nông thôn liên ấp, đường liên xóm không ngừng được hoàn thiện theo hướng đan hóa, nhựa hóa đảm bảo giao thông đến trung tâm tất cả các ấp, khóm trong 2 mùa mưa, nắng.

Thành thị – nông thôn không còn nhiều cách biệt

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện luôn đạt mức 10%. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hạn hán, nước mặn xâm thực… nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn đạt mức tăng trưởng 1,4% so cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 3,8%. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp bình quân đạt 155 triệu đồng/ha, tăng 5 triệu đồng so với năm trước. Đến nay, huyện có 7/14 xã NTM, trong đó xã Long Phước đạt chuẩn NTM nâng cao, các xã còn lại đạt 12 tiêu chí trở lên.

Có được những con số ấn tượng như trên là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân; việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp sát với tình hình thực tế của từng địa phương, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Ông Dương Anh Dũng – Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Hiệp (xã Tân Hạnh) cho rằng, đó là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành trong đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi khép kín nên người nông dân làm ruộng, vườn được thuận lợi; đường đi thì đã nhựa hóa và có điện thắp sáng; người dân có nước máy sử dụng; trường học được đầu tư khang trang, sạch đẹp; trạm y tế đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh…, giữa thành thị với nông thôn không còn nhiều cách biệt.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực phát triển giao thông, điện, nước, thủy lợi. Trong đó, ưu tiên các công trình phục vụ xây dựng NTM. Cụ thể, Long Hồ sẽ tập trung rà soát lại mạng lưới giao thông của huyện để đầu tư các công trình quan trọng, thiết yếu, tạo sự kết nối đồng bộ để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội mà trọng tâm là phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch, xây dựng khu dân cư an toàn, sáng – xanh – sạch – đẹp, nâng cao đời sống người dân.

Nhìn lại chặng đường 46 năm từ ngày quê hương được giải phóng đến nay, kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện Long Hồ không ngừng phát triển; các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tiến bộ; tình hình an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường, dân chủ được phát huy.

Năm 2020, huyện Long Hồ đã huy động hơn 15 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn; hộ nghèo giảm còn 1,06%; có 100% hộ dân thành thị, 87% hộ dân nông thôn có nước máy sử dụng; trên 99,9% hộ dân có điện sử dụng. 

Những thành tựu đó đã tạo thêm nguồn lực mới cho sự phát triển, là nền tảng vững chắc để Long Hồ vững bước chặng đường tiếp theo với nhiều triển vọng tốt đẹp, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đưa đời sống người dân ngày càng nâng cao. 

Tác giả: Phước Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 468, tháng 7-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *