Lớp tôi

Năm 1979, nghe tin Nhà hát Chèo Việt Nam mở lớp diễn viên hệ trung cấp, tôi và khoảng 5.000 bạn trẻ ở 9 tỉnh thành đã nô nức đăng ký dự tuyển. Sau ba vòng tuyển chọn kỹ lưỡng của các nhà chuyên môn tinh tường, 36 bạn đã trúng tuyển và tôi may mắn là một trong số đó. 17 tuổi đời, lần đầu tiên phải sống xa nhà, xa bố mẹ và những người thân, tôi không khỏi bỡ ngỡ. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong Nhà hát, tình yêu thương của các thày, các cô, chúng tôi đã yên tâm chuyên cần học tập. Lớp tôi, được sự dạy dỗ, chỉ bảo của các nghệ sĩ nổi tiếng như: GS, NSND Trần Bảng, NSND Năm Ngũ, NSND Dịu Hương, NSND Minh Lý, NSND Bùi Trọng Đang, NSND Chu Văn Thức, NSND Mạnh Tuấn, cô Mai, cô Lệ Hiền, cụ Khúc Văn Đẩu và rất nhiều các bậc thày tâm huyết… 36 chàng trai, cô gái (16 nam và 20 nữ) thi đua học tập. Sáng 6 giờ tập thể dục, 7 giờ tập hình thể, 8 giờ 30 học hát, tối 19 giờ họp lớp và đọc báo, 21 giờ đi ngủ. Thứ 7, chủ nhật học văn hóa. Học và học không có ngày nghỉ. Ngày ấy nghệ thuật đòi hỏi khắt khe lắm, trong bốn năm học, 15 bạn đã phải chia tay vì những lý do khác nhau. Khi tốt nghiệp lớp tôi chỉ còn 21 bạn.

Lớp diễn viên chèo khóa 1979-1983 – Ảnh tư liệu

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (2021), Nhà hát Chèo Việt Nam đã đào tạo được 7 khóa diễn viên và nhạc công hệ trung cấp. Khóa tôi là khóa 4 (1979 -1983). Khi ấy đất nước ta trải qua 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, rồi thủy quân xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nên còn nghèo. Điều kiện học tập của chúng tôi cũng hết sức khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhưng niềm say mê và tinh thần học tập thì hăng hái lắm. GS, NSND Trần Bảng đã tổng kết “muốn có trò giỏi thì phải cần có thày giỏi”. Lớp chúng tôi may mắn được học tập dưới sự hướng dẫn của những bậc thày kỳ tài của làng chèo như các NSND: Năm Ngũ, Dịu Hương, Diễm Lộc, Bùi Trọng Đang, Mạnh Tuấn, các NSƯT: Khúc Văn Đẩu, Xuân Mai). Các thày, các cô đã dạy dỗ và đào tạo nên Đào Huế – Thanh Ngoan, Súy Vân – Thúy Ngần, Thị Màu – Vân Quyền, Trần Phương – Quốc Anh, Lý Trưởng – Quốc Minh, Phù Thủy – Trần Hải … những vai diễn mẫu mực ấy đã đi cùng tên tuổi các nghệ sĩ đến trọn đời.

Do đào tạo theo nhu cầu sử dụng của Nhà hát nên phương pháp đào tạo của lớp tôi cũng có những đặc thù riêng. Sau khi cùng nhau học tập những bài học cơ bản, chúng tôi được chia theo các mô hình nhân vật Đào – Kép – Mụ – Lão – Hề theo sở trường của từng người. Được học chuyên sâu, chúng tôi nắm rất chắc bài bản của từng mô hình nhân vật chèo truyền thống, điều đó tạo tiền đề cho chúng tôi sáng tạo các nhân vật trong nhiều tác phẩm nghệ thuật sau này tốt hơn.

Bốn năm học qua đi như giấc ngủ trưa, năm 1983, chúng tôi tốt nghiệp ra trường và được phân công về đoàn nghệ thuật II của Nhà hát. Hồi ấy, khán giả hâm mộ nghệ thuật và yêu mến các nghệ sĩ lắm. Nhà hát đi đến đâu cũng có băng rôn, biểu ngữ đón chào. Từ 9 giờ sáng, sân kho của hợp tác xã (nơi đoàn làm sân khấu để biểu diễn) đã được bà con đến xếp chỗ, nào thì gạch, rổ, rá rồi nón kín cả một sân, khắp một vùng quê râm ran như ngày hội. Trưa đến, bà con không ngủ, tụ tập bên lũy tre làng, trao đổi với nhau về vở chèo được xem tối hôm trước, khoe với nhau về những cô đào, anh kép, chú hề, ngủ trọ nhà mình đêm qua diễn rất đạt, chúng tôi vui lắm. Được khán giả yêu thương, chúng tôi càng say đắm với nghề thi đua luyện rèn, sáng tạo. Cứ như vậy, chúng tôi sống với nghề và dần trưởng thành. Rồi thế hệ trẻ chúng tôi cũng được hiện diện ở sân khấu lớn và Hội diễn Chèo năm 1988 tại thành Nam với vở chèo Hồ Xuân Hương, các nghệ sĩ diễn thăng hoa, đã làm nổ tung khán phòng bằng những tràng pháo tay, sự tưởng thưởng của bạn nghề và khán giả yêu chèo. Vân Quyền, Thanh Ngoan, Quốc Anh, Trần Hải ghi dấu ấn vai diễn của mình với bạn nghề từ đấy.

Cảnh trong vở Đường trường duyên phận – Nhà hát Chèo Việt Nam

Nhà hát Chèo Việt Nam luôn luôn là cánh chim đầu đàn của làng chèo. Thành công nối tiếp thành công: Từ Thức (1990), Vua Chổm (1995), Kính chiếu yêu (2000), Những vần thơ thép (2005), Giếng thơi trong lòng phố (2011), Đường trường duyên phận (2013), Dây tràng hạt diệu kỳ (2016), Rồng phượng (2019)… là những vở đã đạt giải cao trong các kỳ hội diễn. Hơn 40 năm học tập và công tác tại Nhà hát, lớp chúng tôi, thế hệ chúng tôi đã đi phục vụ đồng bào và chiến sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng như giới thiệu nghệ thuật chèo với đông đảo bạn bè quốc tế.

Năm 2021, Nhà hát kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, 70 năm một mốc son chói lọi. Ngậm ngùi nhớ thày, nhớ cô, nhớ các bạn kẻ còn người mất. Chúng tôi – lớp diễn viên chèo khóa 1979 -1983 phần nào đã hoàn thành sứ mệnh, những cái tên như: NSND Thanh Ngoan, NSND Vân Quyền, NSND Thúy Ngần, NSND Quốc Anh, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Trần Hải, NSƯT Quốc Minh, đạo diễn Ngọc Kình, NSƯT Đoàn Vinh… đã và đang là những viên gạch giữ vững nghiệp chèo sống mãi với thời gian.

ĐẠO DIỄN, NSUT ĐOÀN ĐÌNH VINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *