Luận điểm “xóa bỏ tư hữu” và phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam


Kinh tế tư nhân đang trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, tạo lực đẩy cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đó là kết quả quá trình nhận thức của Đảng trong lãnh đạo đổi mới và phát triển kinh tế, là sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam và ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn trong thực tiễn xây dựng đất nước.

Nghị quyết số 10/NQ-TW (6-2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau. Bài viết luận giải những vấn đề lý luận, thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.

Khi nghiên cứu xã hội tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã nhìn thấy sự tồn tại nhiều mâu thuẫn mà nổi bật là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đồ sộ, xã hội hóa rộng lớn và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Các nhà tư bản tìm mọi cách để bóc lột ngày càng nhiều hơn giá trị thặng dư, đẩy giai cấp công nhân và nhân dân lao động đến cuộc sống nghèo khổ mà Ph.Ăngghen miêu tả như “cừu ăn thịt người”. Vì lẽ đó, nhất thiết phải thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng quan hệ sản xuất cộng sản chủ nghĩa mà bộ phận quan trọng nhất trong đó là quan hệ sở hữu. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra luận điểm nổi tiếng cũng là mục đích cao cả của giai cấp vô sản: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu” (1). Tuy nhiên, cần phải hiểu quan điểm trên một cách biện chứng: mục tiêu của giai cấp vô sản không phải nhằm xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung, mà chỉ xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản, chế độ đẻ ra nạn người bóc lột người. C.Mác đã khẳng định: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản” (2).

C.Mác và Ph.Ăngghen còn khẳng định, việc xóa bỏ chế độ tư hữu không phải dễ dàng, trong thời gian ngắn mà sẽ phải “kinh qua một quá trình rất khó khăn và lâu dài trong hiện thực”. Trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen cho rằng: Không thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức cũng như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Việc xóa bỏ chế độ tư hữu phải tuân theo các quy luật khách quan của sự vận động và phát triển xã hội, được thực hiện triệt để khi sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa.

Kế thừa những quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sở hữu, V.I.Lênin đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Ông khẳng định: “Để thực sự giải phóng giai cấp công nhân, cần phải có cuộc cách mạng xã hội, xuất phát một cách tự nhiên từ toàn bộ sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là phải thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, chuyển các tư liệu đó thành sở hữu công cộng và thay thế nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa bằng việc tổ chức sản xuất sản phẩm theo lối xã hội chủ nghĩa…” (3). V.I.Lênin cũng cho rằng phải hiểu cặn kẽ chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là xóa bỏ tất cả các quyền sở hữu của quần chúng nhân dân, mà chỉ xóa bỏ quyền sở hữu của địa chủ và tư bản. Trên cương vị lãnh tụ nước Liên Xô, V.I.Lênin đã đề ra và chỉ đạo thi hành Chính sách kinh tế mới (NEP). Với việc thực hiện chính sách đó, Liên Xô đã huy động được mọi nguồn lực, làm sống lại nền kinh tế của đất nước với chế độ đa sở hữu, đa thành phần kinh tế, kể cả các thành phần phú nông và tư sản, đem lại sự khởi sắc cho nền kinh tế, xã hội sau chiến tranh.

Như vậy, trong các tác phẩm cũng như trong thực tiễn hoạt động cách mạng, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin không bao giờ phủ nhận sạch trơn tư hữu nói chung mà chỉ xóa bỏ tư hữu tư sản. Thậm chí, V.I.Lênin còn thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, trong đó, tạo điều kiện cho tư sản, phú nông và nông dân phát triển, tạo động lực quan trọng để Liên Xô vượt qua thời khắc khó khăn. Cố tình xóa bỏ tư hữu nói chung, hạn chế kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là trái với tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về sở hữu.

Ở Việt Nam, trong 10 năm đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1976-1985), chúng ta đã nhận thức chưa đúng về quan hệ sở hữu, về các thành phần kinh tế. Đại hội IV và Đại hội V của Đảng đều ghi vào nghị quyết nhiệm vụ căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ đó, song cả hai nhiệm kỳ đều không thực hiện được. Thực tế là, chúng ta đã nóng vội và có phần duy ý chí khi chỉ chấp nhận hai hình thức sở hữu là: nhà nước và tập thể, với hai thành phần kinh tế là: quốc doanh và tập thể. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội bắt đầu từ cuối những năm 70 TK XX và ngày càng trầm trọng, kéo dài.

Đại hội VI của Đảng (12-1986), Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định: “Bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa” (4). Đây thực sự là nhận thức mới của Đảng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Kể từ đây, nhận thức của Đảng về quan hệ sở hữu, về thành phần kinh tế ngày càng đầy đủ và hoàn thiện hơn, các thành phần kinh tế có điều kiện thuận lợi để phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI (1-2011) xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng có đặc trưng nổi bật về kinh tế là: “… có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (5). Đây chính là định hướng cơ bản của Đảng về lựa chọn chế độ sở hữu phù hợp với tình hình đất nước trong giai đoạn hiện nay; đồng thời khẳng định tầm tư duy lãnh đạo và bản lĩnh chính trị của Đảng.

Cụ thể hóa Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đại hội XII của Đảng (1-2016) khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” (6). Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TW (6-2017), trong đó đưa ra các quan điểm chỉ đạo để phát triển kinh tế tư nhân. Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các chủ doanh nghiệp. Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao. Những quan điểm trên về phát triển kinh tế tư nhân thực chất là Đảng đã vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin về vấn đề sở hữu vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, phù hợp với lực lượng sản xuất trong nước, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW (6-2017), kinh tế tư nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động cả nước (7). Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 – 65%. Những đóng góp của kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm qua bao gồm: góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; huy động các nguồn vốn trong nhân dân, trong xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước; tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, các tập đoàn kinh tế tư nhân, nhân tố quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông… Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Như vậy, đưa kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước tiến lớn về nhận thức, là bước đổi mới tư duy của Đảng về phát triển kinh tế, không mâu thuẫn với luận điểm “xóa bỏ tư hữu” mà là sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Phát triển kinh tế tư nhân không những tạo ra động lực, huy động sức sản xuất để đưa Việt Nam tiến lên mà còn góp phần làm phong phú thêm, khẳng định sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

_____________

1, 2. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.616, tr.615.

3. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tập 6, tr.518.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (khóa VI, VII, VIII, IX, X), Phần I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.41.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.102-103.

7. Thủ tướng dự Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, vpcp.chinhphu.vn

Tác giả: Vũ Văn Long

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *