LÝ THUYẾT HUYỀN THOẠI HỌC VÀ NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG TRONG TRUYỀN THUYẾT

Lý thuyết huyền thoại học là sự tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học về huyền thoại. Huyền thoại, cũng như sự ra đời của nó đã được các nhà khoa học xem xét, nghiên cứu từ rất sớm. Triết học cổ đại bắt đầu xem xét lại một cách duy lý tài liệu huyền thoại, đến những nhà triết học tư biện cắt nghĩa huyền thoại một cách ẩn dụ, hay Aristotle đề cập đến việc giải thích huyền thoại trong cuốn Nghệ thuật thi ca như giải thích một câu chuyện ngụ ngôn… Vào thời kỳ Phục Hưng, huyền thoại cổ đại được giải thích với tư cách là những ẩn dụ thi ca đạo đức, là sự thể hiện cảm xúc, khát vọng của nhân cách con người được giải phóng, cũng như sự thể hiện ẩn dụ một số niềm tin tôn giáo, khoa học hay triết học. Những nhà khai sáng TK XVIII giữ quan điểm tiêu cực với huyền thoại, xem đây là kết quả của sự ngu dốt và dối lừa. Đầu TK XVII, các công trình được công bố như Phong tục của những thổ dân châu Mỹ so với phong tục thời nguyên thủy của J.F.Lafitte, Nguồn gốc của những hư cấu của B.Fontenelle và Cơ sở của nền khoa học mới về bản chất chung của các dân tộc của G.Vico. Triết học lãng mạn chủ nghĩa về huyền thoại được hình thành bởi các công trình của H.Heine, K.F.Moritz, Schelegel…, được hoàn chỉnh bởi F.V.Schelling. Trong triết học lãng mạn, huyền thoại chủ yếu được cắt nghĩa như một hiện tượng thẩm mỹ, nhưng đồng thời, một ý nghĩa đặc biệt được bổ sung với tư cách là nguyên mẫu của sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Cách hiểu huyền thoại của các nhà triết học Đức, tiêu biểu là Marx, đã đánh giá cao giá trị nghệ thuật của huyền thoại cổ đại, coi đó như cơ sở và suối nguồn nghệ thuật. Ông nhìn thấy tính quy luật xác định trong việc huyền thoại và anh hùng ca nảy sinh ở một trình độ phát triển tương đối thấp, bảo lưu ý nghĩa của mẫu mực thẩm mỹ đối với các thế hệ sau, và chúng không thể phục sinh trên nền của thứ văn xuôi tư sản. Marx ủng hộ cách nhìn của Moritz và Grimm đối với trí tưởng tượng dân gian và tư tưởng của Schelling về mối liên hệ của huyền thoại với thời thơ ấu của nhân loại.

Nửa sau TK XIX, về cơ bản có hai trường phái nghiên cứu huyền thoại. Một trường phái được cổ vũ bởi Huyền thoại học Đức của Grimm, không đoạn tuyệt hoàn toàn các truyền thống lãng mạn với những người tiêu biểu như: A.Kuhn, W.Schwartz, Muller, A.De Gubernatis… Trường phái này ở phương Tây gọi là tự nhiên chủ nghĩa hay trường phái huyền thoại. Những người ủng hộ trường phái này quy các cốt truyện cổ tích và sử thi về các cốt truyện huyền thoại, các biểu tượng dông tố và mặt trời, các chu kỳ thời tiết và mặt trăng. Trường phái thứ hai là trường phái nhân chủng học hình thành ở Anh với đại diện là A.Taylor và A.Langer. Trường phái này có ảnh hưởng quan trọng trong phạm vi các công trình dân tộc học khác nhau nhưng cách hiểu về huyền thoại khá hạn hẹp do thuyết tiến hóa theo đường thẳng, không đánh giá đúng đặc trưng về chất của tâm lý học xã hội, cũng như do việc đồng nhất huyền thoại với khoa học nguyên thủy duy lý, không thừa nhận nó dẫu chỉ là nghệ thuật độc đáo.

TK XX được gọi là thời kỳ tái huyền thoại hóa, sự phục hưng huyền thoại trên nhiều mặt khác nhau của văn hóa châu Âu. Có thể kể đến R.Niebuhr, R.Barthes, H.Hatfield, J.Marcus… viết về huyền thoại chính trị, giải thích sự ra đời của các huyền thoại chính trị nhờ lý thuyết về việc huyền thoại biến lịch sử thành tư tưởng hệ. Đồng thời cách tiếp cận huyền thoại mới ở TK XX cũng được ghi dấu bởi Boas, Frazer, Durkheim, thể hiện trọn vẹn trong chủ nghĩa chức năng nghi lễ của Malinowski, trong lý thuyết tiền logic về những quan niệm tập thể nguyên thủy của Lévy Bruhl, trong chủ nghĩa biểu tượng logic của Cassirer, chủ nghĩa biểu tượng tâm lý của Jung, trong sự phân tích cấu trúc của Lesvi Strauss…

Ở Việt Nam, theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, huyền thoại là “câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ hoàn toàn do tưởng tượng” và thần thoại là “truyện kể dân gian về các vị thần, phản ánh những khát vọng của con người thời cổ trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên”. Khi chuyển ngữ sang tiếng Anh, huyền thoại có thể là myth hoặc legend, trong khi thần thoại thường được chuyển ngữ một cách phổ biến là myth. Như vậy thần thoại hay huyền thoại tương đương là myth trong tiếng Anh (mythe trong tiếng Pháp). Chuyện truyền thuyết có tính chất huyền hoặc, hoang đường được định nghĩa là huyền sử. Theo từ điển tiếng Việt thì truyền thuyết “là truyện kể dân gian truyền miệng về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử, thường mang nhiều yếu tố thần kỳ” (1).

Có thể thấy, thần thoại, truyền thuyết và huyền sử là những danh từ độc lập, dùng để mô tả những câu chuyện truyền miệng, tưởng tượng về các sự kiện, hiện tượng, con người, các vị thần, thánh trong thế giới siêu nhiên, tổ tiên, các vị anh hùng… qua thế giới quan của con người ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, khó có thể tách bạch hoàn toàn các thuật ngữ này với nhau vì giữa chúng thường xuyên có sự đan xen. Ví dụ khi nghiên cứu các truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương, ta thấy rõ về hiện tượng này.

Trong khi biên soạn về Tổng tập văn học dân gian người Việt, tác giả Kiều Thu Hoạch cũng nhận xét: “Có lẽ không một tác giả nào khi viết về truyền thuyết mà lại không đề cập đến cái ranh giới khá mơ hồ giữa truyền thuyết với thần thoại và cổ tích, nhất là giữa truyền thuyết với thần thoại… Một truyện thần Tản Viên, gốc là thần thoại suy nguyên, chủ yếu nhằm giải thích nguồn gốc các hiện tượng trên núi Ba Vì cùng với hiện tượng lũ lụt vùng sông Đà, về sau cốt truyện được lịch sử hóa và hòa nhập vào chùm truyền thuyết Hùng Vương, thần thoại thần Tản Viên đã trở thành truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, mang đậm màu sắc lịch sử của thời Hùng… Do vậy, không có gì làm khiên cưỡng khi ta tiếp cận cốt truyện này từ góc độ thần thoại học hay truyền thuyết học” (2).

Trong quá trình nghiên cứu biểu tượng Thánh Gióng, Đinh Hồng Hải đã chỉ ra nét gạch nối từ huyền thoại đến lịch sử thành văn. Ông cho rằng xét về mặt lý thuyết, lịch sử không được dung nạp các yếu tố huyền hoặc, kỳ lạ, tưởng tượng, hoang đường, mơ hồ của huyền thoại vì huyền thoại tước bỏ hết lịch sử khỏi đối tượng mà nó nói đến. Tuy nhiên, trên thực tế, các yếu tố mang tính huyền thoại vẫn khá dày trong những gì được gọi là lịch sử, tới mức huyền thoại trở thành lịch sử. Chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ lịch sử hóa huyền thoại để mô tả hiện tượng này. Ngược lại, có thể bắt gặp những chứng cứ cụ thể nhưng lại được đề cập đến như những huyền thoại như huyền thoại Napoleon, huyền thoại Singapore… có nghĩa những con người có thật hay những sự vật hiện tượng cụ thể (những yếu tố lịch sử) lại được huyền thoại hóa thành những huyền thoại.

Xét về mặt đặc trưng nghệ thuật của thể loại, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng truyền thuyết vay mượn nghệ thuật của thần thoại và cổ tích. Tác giả Chiêng Xom An viết: “Ở những thời đại khác nhau, biểu hiện của truyền thuyết cũng khác nhau. Truyền thuyết nào ra đời sớm hơn, tùy chủ đề khác với thần thoại nhưng các biện pháp nghệ thuật thường là sự vay mượn của thần thoại. Còn đối với những truyền thuyết được hình thành dưới chế độ phong kiến thì phương thức biểu hiện mang những bóng dáng của truyện cổ tích”. Nhà nghiên cứu V.Ia.Propp và K.C.Đavơletov cũng đã có những điểm gặp gỡ khi cho rằng: truyền thuyết, sử thi kế thừa thần thoại về mặt nội dung còn cổ tích thì lại kế thừa thần thoại về mặt nội dung (3).

Tượng đài Thánh Gióng trong quần thể di tích đền Sóc. Ảnh Thu Hiền

Tác giả Trần Thị An đặt vấn đề khảo sát thái độ tinh thần đặc thù đối với không gian của tác giả dân gian, trong mối liên hệ với những trầm tích văn hóa của những thời đại sản sinh ra truyền thuyết. Theo tác giả, giữa thần thoại và truyền thuyết thường có một ranh giới nhòe mờ. Thần thoại được xác định là quan hệ giữa con người và thiên nhiên, trong khi nội dung của truyền thuyết là dân tộc và lịch sử. Do đó, không gian trong truyền thuyết là vấn đề khá nhạy cảm, khó tách bạch giữa hai thể loại, bởi nó chứa đựng những mối giao thoa lớn, đặc biệt về nghệ thuật. Chính vì vậy, tác giả chọn một góc nhỏ – những biểu tượng không gian thiêng – là nơi chứa đựng rất nhiều sự gần gũi, ngộ nhận giữa hai thể loại thần thoại và truyền thuyết để tiến hành khảo sát như núi, đá, cây, mây mù, sông và sóng nước. Tác giả nhận xét rằng, thế giới của truyền thuyết là thế giới thần thiêng, trú ngụ ở những chốn linh thiêng. Chốn linh thiêng là những đơn vị không gian cụ thể, nó nằm sâu trong quan niệm của con người cổ đại. Quan niệm này đã trở thành những biểu tượng văn hóa nhân loại chứa đựng “những bí ẩn vô hình của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và vô tận”(4).

Núi – nơi trú ngụ của thần linh. Trong truyền thuyết người Việt, hình ảnh núi có một vị trí quan trọng. Theo cách nhìn trực quan, núi đồng nghĩa với sự to lớn, hùng vĩ, đó cũng là cơ sở cho việc ra đời những biểu tượng núi trong huyền thoại và truyền thuyết. Trong lớp nghĩa cổ xưa nhất, núi được coi là biểu tượng của nơi tận cùng thế giới, ranh giới giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình, nơi trời đất gặp nhau. Người Việt có truyền thuyết về núi Nùng. Trần Quốc Vượng viết: “Người Thăng Long xưa quan niệm núi Nùng ở giữ trời đất là Long Đỗ, núi Rốn rồng. Trên đỉnh có lỗ thông hơi của núi Chằm. Trên núi đó cũng có một ngôi đền núi, hẳn là ngôi đền xưa nhất của Thăng Long từ thuở đất này chưa mang tên ấy” (5). Núi Nùng ban đầu chỉ là một gò đất nổi bên sông, sau do những quan niệm huyền thoại của người Việt mà ngôi đền núi thờ thần Long Đỗ được coi là rốn rồng, thông với trời. Cùng ý nghĩa này nhưng có lẽ ít nơi trên thế giới lưu giữ được hình ảnh lỗ thông hơi như huyền thoại núi Nùng. Ở đây, ý nghĩa không bị chìm dưới sự khuất lấp của các biểu tượng mà được biểu hiện bằng hình ảnh hồn nhiên, gợi cảm. Biết bao dâu bể thời gian đã phủ lên huyền thoại những lớp bụi mờ, ý nghĩa biểu trưng cũng vì thế mà bị lấp vùi, song hình ảnh còn đó như một thông điệp bí ẩn, gợi mở ra không gian huyền thoại. Sau nữa “Nùng sơn chính khí” trở thành biểu tượng thiêng liêng sông núi trong tâm thức người Việt, trong những truyền thuyết về núi sông. Kết tụ trầm tích văn hóa sâu xa nhất, núi Nùng đã hòa mình vào thế giới huyền thoại của nhân loại với dáng vẻ đặc sắc. Cũng như các nước khác, núi trong quan niệm người Việt cổ là nơi trú ngụ của thần linh, đó là một biểu tượng thần thoại tối cổ. Đỉnh Olimpia (Hy Lạp), Phú Sĩ (Nhật Bản), Neru (Ấn Độ), Côn Lôn (Trung Quốc)… là những trục lớn của thế giới, được coi là nơi hội tụ của thế giới thần linh cổ đại. Theo một cách thức tư duy tương đồng như vậy, ở Việt Nam có Ba Vì, Tam Đảo, Nghĩa Lĩnh, Hồng Lĩnh, những dãy núi gắn liền với các vùng đất cổ đậm đặc huyền thoại thời khởi thủy cũng như truyền thuyết thời dựng nước. Trần Thị An nhận xét tổng kết về không gian núi trong truyền thuyết, cho rằng núi còn là nơi hiển linh của nhiều sự tích: núi Trâu (Vũ Ninh) là nơi ghi kỳ tích của Thánh Gióng chống ngoại xâm, núi Phù Mã (Sóc Sơn) là nơi ngài hiển thánh, núi Mộ Dạ (Diễn Châu) gắn với An Dương Vương…

Từ thần thoại sang truyền thuyết, biểu tượng núi vẫn mang những nét lung linh huyền thoại trong không gian thiêng, mang tính cộng đồng dân tộc. Núi biểu tượng cho quyền uy tối thượng. Đây cũng là điều mà Emile Durkheim và Marcel Mauss tâm đắc khi xác lập mối quan hệ giữa không gian địa lý, không gian xã hội với không gian huyền thoại (6)… Có thể hình dung khá rõ về sự chuyển hóa thể loại từ thần thoại sang truyền thuyết qua hình tượng không gian vẫn được coi là công cụ đặc quyền của thần thoại.

Không chỉ ở không gian thiêng mà ở đối tượng, nhân vật của truyền thuyết cũng thể hiện đậm nét các yếu tố huyền thoại, đó là các nhân vật Thần. Theo Kiều Thu Hoạch, thể loại truyền thuyết anh hùng chống ngoại xâm phổ biến và chiếm số lượng lớn, trong đó, nhân vật chính đều là các anh hùng chống giặc ngoại xâm trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bản thân họ đều được nhân dân xây dựng là những anh hùng “sinh vi tướng, tử vi thần”. Chúng ta có thể tìm thấy những biểu tượng anh hùng dân tộc có thật được xem như huyền thoại, truyền thuyết chống ngoại xâm như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… đến những anh hùng từ thuở dựng nước như Thánh Gióng, các vị thần chống giặc ngoại xâm thời Hùng Vương được ghi lại trong các tài liệu cổ như Thiền uyển tập anh, Viện điện u linh, Lĩnh Nam chích quái… vẫn đang được thờ phụng trong các đình, đền, chùa, miếu… Có thể nói, biểu tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết cũng là một biểu tượng kết tinh từ huyền thoại, được hình thành từ các quá trình bồi tụ văn hóa từ bản địa đến ngoại nhập. Từ các nghiên cứu sâu sắc về biểu tượng này, tác giả Đinh Hồng Hải đã kết luận: Quá trình lịch sử hóa huyền thoại Thánh Gióng là một quá trình xuyên suốt lịch sử Việt Nam từ giai đoạn nhà Lý cho đến thời hiện đại, biểu tượng Thánh Gióng là một biểu tượng văn hóa điển hình của người Việt trong quá trình xây dựng nền độc lập của quốc gia Đại Việt.

Như vậy, việc phân định rạch ròi ranh giới giữa các thể loại thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích, nhất là thần thoại và truyền thuyết chưa có những kết luận tuyệt đối. Các truyện kể Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh, một số truyện kể khác về thời Hùng Vương là thần thoại hay truyền thuyết? – “khó mà khẳng định hoàn toàn dứt khoát rằng truyện Thánh Gióng là thần thoại hay truyền thuyết” (7). Việc phân biệt đặc trưng thể loại còn khó khăn cho thấy giải mã các biểu tượng trong các thể loại này nói chung và biểu tượng trong truyền thuyết nói riêng phải sử dụng đến lý thuyết của các thể loại có mối quan hệ tương đồng, đan xen như đã trình bày. Mặt khác, chỉ ra mối quan hệ giữa huyền thoại và lịch sử, cũng chính là chỉ ra mối quan hệ giữa huyền thoại – lịch sử – truyền thuyết. Nói cách khác, quá trình huyền thoại hóa lịch sử chính là quá trình hình thành truyền thuyết, do đó, khi nghiên cứu về biểu tượng trong truyền thuyết không thể không sử dụng đến các lý thuyết về huyền thoại học của các học giả trong và ngoài nước.

_______________

1, 6. Georges Condominas, Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.150, 19.

2. Kiều Thu Hoạch (chủ biên), Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 4, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.77.

3, 7. Trần Thị An, Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014, tr.43, 44.

4. Nhiều tác giả, Những vấn đề lý luận và lịch sử văn họcViện Văn học, Hà Nội, 1999, tr.34.

5. Trần Quốc Vượng – Vũ Tuấn Sơn, Hà Nội nghìn xưaSở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Hà Nội, 1975, tr.26.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018

Tác giả : NGÔ THỊ HỒNG GIANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *