Mây – biểu tượng tạo hình của mỹ thuật phật giáo thời lý – trần


 

Môtip mây là biểu tượng không thể thiếu trong các công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống. Sự xuất hiện hằng xuyên của môtip mây làm cho tác phẩm hay các công trình tôn giáo thêm giá trị thẩm mỹ, đồng thời cũng không làm mất đi tính dân tộc sẵn có. Chạm khắc môtip mây thời Lý – Trần không chỉ mang chức năng trang trí cho các công trình kiến trúc mà còn tạo điều kiện cho người đương thời và cđời sau tiếp xúc và cảm nhận nghệ thuật chạm khắc này bằng mỹ cảm dân tộc, bằng sự duy trì phong cách tạo hình riêng biệt, tinh tế, khỏe, rõ ràng.

Mây là để chỉ hiện tượng thiên nhiên, mây với vai trò làm ra mưa nên liên quan đến hoạt động của trời. Đối với cư dân nông nghiệp, mây mang đến những dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc bởi mây là dấu hiệu, báo hiệu có mưa… Có lẽ từ những khái niệm về mây như vậy mà chúng ta thấy các nghệ nhân dân gian xưa ghép môtip mây vào cùng những đồ án trang trí mang tính linh thiêng như: mây – rồng, mây – tiên nữ, mây – phượng, mây – mặt trời, mây – lửa. Dân gian thường dùng hình tượng rồng, mây như rồng mây gặp hội (long vân khánh hội) để nói về cơ hội may mắn của con người, chỉ đến việc rồng gặp mây như sự đỗ đạt, vua sáng gặp tôi hiền.

Xét riêng trong văn hóa Phật giáo khái niệm về mây được đức Phật quy về tầng vũ trụ, bao la vi diệu. Sư Âu Đạo Huệ thời Lý có viết:

Đất, nước, lửa, gió và ý thức

Vốn dĩ đều là không

Như đám mây hợp rồi lại tan (1)

Trong quan niệm của đạo Phật, hình tượng mây mang theo sự vô lượng, có và không, biểu thị cho con người và vũ trụ. Đám mây là không dù cho đám mây đang bay trên bầu trời thì nó vẫn đang là không như thường chứ không phải chờ mây tan rồi mới nói là không. Như vậy, bản chất của mây là di chuyển và biến hình, nó đối lập với trạng thái đứng yên, tĩnh tại hằng định.

Vì lẽ đó, trong nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc Phật giáo thời Lý – Trần, môtip mây được thể hiện khá phổ biến nhằm diễn tả tầng không cho các đề tài mang tính thần thoại, linh thiêng. “Hình mây có mặt rất sớm trên các đồ án trang trí Lý – Trần và kéo dài suốt cả chặng đường lịch sử của các thời sau. Hễ có rồng là hầu như có mây. Mây phụ họa với rồng và nhiều linh vật khác, dường như để bảo cho người xem rằng, không gian của đồ án không phải là không gian của trần thế mà là thế giới của cực lạc, của chốn thần tiên, cao siêu huyền bí…” (2).

Theo tác giả Trần Lâm Biền, mây, mưa, sấm, chớp là những lực lượng tự nhiên gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp và lịch sử tư tưởng văn hóa, xã hội Việt Nam từ xa xưa. Hình tượng rồng – mây hình thành trong tâm thức người Việt như một hiện thân của nguồn hạnh phúc (3).

Khảo trong hai cuốn Mỹ thuật thời Lý (1973), Mỹ thuật thời Trần (1977), cho thấy nhiều thông tin thống kê quý giá về môtip mây đuWocj sử dụng trong các thời kỳ này. Trong mỹ thuật Lý, qua thống kê sơ bộ từ 14 di tích với các loại hình kiến trúc, điêu khắc và trang trí, 4 di tích và 21 hiện vật có trang trí môtip mây. Thời Trần có tổng số 31 di tích, trong đó có 25 hiện vật có sử dụng môtip mây. Như vậy, có thể thấy môtip mây được thể hiện rất rõ qua nghệ thuật tạo hình truyền thống. Ở thời Lý là những dải mây nhỏ, một đầu cuộn tròn, đầu kia vuốt mảnh, uốn lượn mềm mại, như dải lụa mềm, có khi hai hoặc ba dải cùng chụm vào một chấm tròn. Trang trí này có trên bệ tượng, chân tảng ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), bệ tháp Chương Sơn (Nam Định). Từ hình dải lụa đến biến điệu cuộn lại như chiếc khánh, là cách thể hiện mây thuộc thời Trần, được thấy trên cốn gỗ chùa Thái Lạc (Hưng Yên), tháp, chùa Phổ Minh (Nam Định); bệ tượng Phật chùa Bãi, chùa Bối Khê (Hà Nội)…

Môtip mây dải lụa thời Lý

Môtip mây trang trí trong mỗi đồ án trên các di tích thời Lý là những chi tiết hỗ trợ cho từng tác phẩm. Những môtip phổ biến thời Lý là: rồng, phượng, hoa mai, hoa cúc, mây, sóng nước, tiên nữ, nhạc công được tạo hình mang phong cách mềm mại, uyển chuyển, tinh tế. Tùy từng bố cục của mảng chạm mà môtip mây được tạo dáng cho phù hợp.

Hình thức mây trong các hiện vật thời Lý được chạm với kích thước nhỏ, to xen kẽ trên bề mặt mảng chạm. Nếu hình rồng được chạm nổi bật, thể hiện như nhân vật chính thì mây lại phù trợ tạo dáng uốn lượn bên hình rồng như ở bệ tượng Phật, chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Mây thời Lý có dáng thon, nhỏ dần về phía đuôi, độ uốn lượn hình sin từ ba đến năm nhịp, độ nở của khối được thể hiện ở điểm cong nhất của nhịp lên hoặc xuống rồi thắt lại ở điểm chuyển từ nhịp này đến nhịp kia. Cứ như vậy tạo sự uyển chuyển, mềm mại nên rất gần với hình dải lụa đang bay. Có lẽ vì vậy mà các nghiên cứu của Chu Quang Trứ trong Mỹ thuật Lý – Trần- Mỹ thuật Phật giáo, Tống Trung Tín với Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và Trần (thế kỷ XI – XIV) đã đồng nhất cách gọi là mây dải. Tuy nhiên tác giả Nguyễn Du Chi, trong Hoa văn Việt Nam, lại phân thành mây dải và mây lá vì tác giả thấy có những mây nhỏ, mỏng giống hình lá. Nhưng thực chất, chúng đều có kiểu kết cấu giống nhau và giống hình dải lụa uốn lượn như những nhịp sóng nhiều hơn và được chạm với những kiểu thức khi thì đơn một dải, khi thì kép hai hay ba dải chụm đầu vào một điểm đuôi, uốn lượn hướng bay tự do. Dạng dải mây kép được thấy rõ trên diềm bia chùa Long Đọi (Hà Nam), được đặt trong bố cục chung là hình thoi, trong đó, hình rồng uốn lượn theo bố cục tròn để bốn góc là những dải mây nhọn tỏa ra các hướng đầu cùng chụm về một điểm tròn, được ví như vì tinh tú đang xoay tròn hay những hạt ngọc (4). Có khi mây lại ẩn hiện như vừa bay ra từ chân rồng, rất tự nhiên, được thấy trên bệ tượng chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Hai dải mây bay ngang cùng chầu vào chấm tròn bên cạnh viên ngọc sáng, làm cho hai hình rồng như bay lượn theo một trật tự có sẵn, chạm trên cánh sen chùa tháp Chương Sơn (Nam Định). Rõ ràng, ở đây, ta thấy sự nhìn nhận thống nhất của hai tác giả Nguyễn Du Chi và Chu Quang Trứ đều cho đó là vì tinh tú, được ví như hạt ngọc của trời. Căn cứ vào những điều trên, ta thấy nội dung bức chạm rất phù hợp với không gian của mây trời, biểu tượng cho thế giới thần tiên thuộc tầng trời.

Đôi khi những dải mây dải lụa dạng kép này được chạm điểm xuyết cùng những dải mây nhỏ, đơn lẻ như đang bay, làm lấp đầy khoảng không của đồ án trang trí. Độ cao vừa phải của dải mây làm nổi bật nét cong của hình rồng, kết hợp tạo ra sự uyển chuyển, uốn lượn, ăn khớp các môtip với nhau. Khi mây được chạm cùng tiên nữ ở tảng kê chân cột chùa Phật Tích, là nhắc đến diễn biến và sự chuyển động của các nhạc công (gandhava). Khi đặt bố cục đăng đối mỗi bên 5 nhân vật cùng hướng vào hình lá đề, hình mây khéo léo điểm xuyết cho những khoảng trống thích hợp nhất, môtip mây ở đây được mô tả theo nhiều hướng tạo ra cái động cho tổng thể bức chạm. Tuy mỗi nhân vật cầm một loại nhạc cụ khác nhau nhưng tạo dáng người đứng lại hoàn toàn giống nhau về cấu trúc, nên thấy rõ sự đơn điệu nếu không có môtip mây xuất hiện ở bức chạm này.

Có hình mây làm cho tất cả bức chạm có sự chuyển động về nhịp điệu, uyển chuyển trong mỗi động tác của các nhạc công đang trong điệu tribhanga trên không, như mách bảo người xem đó chính là thế giới của Phật pháp, của sự linh thiêng nhưng cũng hết sức gần gũi với cuộc sống của con người nơi trần thế. Phải chăng, người nghệ nhân, khi sáng tác, đã khai thác cái đẹp lý tưởng của hình tượng con người có thật, nhạc cụ có thật nên nội dung toát nên tinh thần vừa hiện thực vừa thánh thiện.

Việc chạm những môtip mây đan xen cùng môtip rồng hay tiên nữ, hình lá đề ở thời Lý không chỉ đơn giản là làm chặt hay tạo giá trị thẩm mỹ cho bố cục của bức chạm mà nó luôn được gắn vào đó ý nghĩa làm tôn lên ý niệm về vũ trụ vốn được người đương thời tôn sùng. Đó cũng chính là sự đề cao uy lực của trời, của vua và theo cùng là giá trị biểu tượng về Phật giáo.

Môtip mây hình khánh thời Trần

Mây hình khánh với nhiều cách gọi: mây cuộn, mây xoắn ốc hai đầu, mây có kiểu dáng như cỏ linh chi, đôi khi lại được kết hợp giữa hình khánh và mây dải. Đó là những biến thể của môtip mây thời Trần có tiếp thu, sáng tạo từ dạng mây dải lụa thời Lý.

Biến thể mây hình khánh thường có bố cục bay lượn tự do trong phạm vi định sẵn. Cấu tạo của loại mây này gồm những đường cong móc vào nhau liên tiếp, tạo thành mây cuộn lớn, xuất hiện trên các mảng chạm có niên đại thời Trần. Loại mây này còn được mô tả như được tạo khối cong khuyết, có ba ngấn, kiểu hình ômega. Trên các mảng chạm trang trí thời Trần, biến thể mây hình khánh thường được kết hợp cùng hình rồng, phượng, tiên nữ nhạc công, tiên nữ dâng hoa như ở chùa Thái Lạc. Chủ đề này đôi khi còn được kết hợp với môtip hoa sen, cũng là biểu tượng cho Phật giáo, cho tầng trời, thế giới thần tiên. Sự biến thể của mây hình khánh thời Trần được phân theo ba dạng.

Dạng thứ nhất là mây hình khánh có dải ở phần đuôi, chạm trên các cốn gỗ chùa Thái Lạc, trang trí trong ô chạm cùng hình rồng ở bệ tượng chùa Bãi, chùa Bối Khê, chùa Long Hoa. Dạng mây này chính là sự kết hợp giữa hình khánh và mây dải, có thể đây là sự chuyển tiếp từ mây dải lụa thời Lý sang thời Trần. Bởi vì đây là hai giai đoạn tiếp thu của nhau rất thuận lợi từ tình hình lịch sử, xã hội cũng như văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn này, nhiều ngôi chùa được xây dựng và tu bổ từ dấu tích thời Lý, tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian tiếp thu, sáng tạo. Mây hình khánh chạm trên cốn gỗ chùa Thái Lạc có cách bố cục dàn trải, xâm lấn, tạo lớp lang cho tổng thể mảng chạm. Hình tượng hai nhạc công ngồi trên lưng phượng cũng tượng trưng cho thế giới thần Phật, nhạc công đầu người mình chim được chạm ở thế cân đối, chắc chắn như đang bay trên mây. Chất bay bổng, uyển chuyển trong bức chạm chính là nhờ sự xuất hiện của môtip mây. Hình mây có chuôi là dải không làm mất đi tính trang trí của bức chạm mà còn góp phần tạo nên một tác phẩm độc đáo trong cách chạm, thể hiện sự tài tình trong kỹ thuật xử lý chất liệu của người đương thời.

Môtip mây khánh chùa Thái Lạc được tạo khối lớp lang, phân biệt rõ các khối lồi – lõm, chuyển thể phù hợp, ăn khớp với các môtip như nhạc công, phượng, đàn… Cả mảng chạm toát phong cách chạm khắc thời Trần chắc, khỏe mà ở đó yếu tố nét chiếm chủ đạo trên toàn bộ bề mặt của miếng gỗ. Nổi bật nhất là bức chạm Chơi đàn trong mây, chạm trên cốn thượng điện cũng của ngôi chùa này. Bức chạm mô tả hình ảnh ba tiên nữ đang đánh đàn trong mây với ba loại đàn nguyệt, tranh, tỳ bà, tinh thần toát ra như họ đang rất tập trung thể hiện nhạc thiền trên cảnh mây trời. Cảnh mây trời, sự chuyển động của các nhân vật được bộc lộ rõ nét chính là nhờ vào những hình mây khánh có dải dàn trải trên khắp bề mặt bức chạm. Có thể thấy cách tạo khối cho mây hình khánh khúc triết, càng làm tôn thêm nét độc đáo của bức chạm. Yếu tố đậm, nhạt hay lồi, lõm, như cân nhắc đến yếu tố hài hòa âm, dương, trời đất và con người. Chủ đề và hình khối của bức chạm khiến người xem cũng dễ liên tưởng đến không gian của chốn bồng lai tiên cảnh. Tất cả đều được thể hiện vừa và đủ trong bức chạm này.

Môtip mây, rồng được chạm trên ô hình chữ nhật ở bệ đá chùa Bãi, chùa Dương Liễu (Hà Nội) lại là một sự diễn tả độc đáo khác. Môtip rồng, mây ở đây thật đơn giản, bố cục thoáng đãng, làm nổi bật khối có độ cao vừa phải. Mây tuy phụ họa cho rồng nhưng qua bức chạm này cho ta thấy rồng và mây như đang đùa giỡn, vì rồng được tạo dáng rất động, mây có sự chuyển của phần dải phía dưới, như đối lập giữa khối tròn (tĩnh) và dải dài đang bay (động) song lại rất phù hợp, làm đẹp cho nhau. Cũng từ dạng biến thể này đã nảy sinh sự khác biệt cho môtip mây hình khánh không có chuôi dải, cũng xuất hiện ở chùa Thái Lạc và một số di tích khác.

Dạng thứ hai, có thể thấy loại mây này có nét đặc trưng là bố cục đơn giản, đúng như hình chiếc khánh cuộn lại ở hai đầu, mà cũng rất giống hình nấm linh chi. Một số bức chạm rồng chầu dâng ngọc quý, tiên nữ đầu người mình chim đang dâng hoa ở chùa Thái Lạc, chạm đá trên bệ tượng Phật chùa Nhạn Tháp (Hưng Yên), chạm trên cốn vì nóc chùa Bối Khê (Hà Nội). Xét từ bản thân các tác phẩm đương thời và các tài liệu đã công bố cho thấy, môtip mây hình khánh ở dạng thứ hai xuất hiện khá nhiều trên các mảng chạm chất liệu gỗ và đá. Môtip mây dạng này được chạm khi dàn trải thưa thoáng có trên bệ đá chùa Thày (Hà Nội), chùa Nhạn Tháp, khi lại tụ hội lớp lang, ken nhau bên hình mặt trời, lá đề, có ở vì nóc chùa Bối Khê và đặc biệt trên cốn gỗ chùa Thái Lạc.

Dạng thứ ba là cách tạo hình kết thành khối nhiều lớp, tạo cảm giác vừa xốp lại vừa như có nhiều tầng lớp xếp chồng, nối tiếp nhau theo thể tự do hoặc theo trật tự, từ các nét xoắn ốc giữa lớp trong và lớp ngoài. Trong đó, lớp ngoài chia nhịp đều và lan tỏa sang khối bên. Các vòng xoắn tạo mây có lớp trong lớp ngoài, to nhỏ khác nhau như ôm ấp, bao bọc, nét chạm mảnh, thiên về yếu tố đồ họa nhiều, ít thấy khối. Dạng mây này nổi bật nhất trên trang trí ở lan can tháp chùa Phổ Minh (Nam Định).

Như vậy, môtip mây thời Lý – Trần được hình thành với hai loại đồ án chính, mây dải lụamây hình khánh với nhiều biến thể tạo hình, nét cong mềm mại khi hướng sang phải, khi uốn sang trái, lúc tụ lại lúc tan ra, lúc thưa như hình mây trên bệ tượng chùa Bãi, hay có lúc lại tầng lớp chồng lên nhau như trang trí ở tháp chùa Phổ Minh, chùa Thái Lạc, hoặc thành hai dải mây hướng vào vòng tròn ở hình rồng chầu mặt trời, chạm đá, ở tháp Phổ Minh,… Tuy nhiên, trên một số bức chạm thời Trần vẫn đan xen hình mây dải cùng mây khánh có chung một đồ án trang trí. Môtip mây trong mỹ thuật Lý – Trần cũng được các nghệ sĩ tưởng tượng, biến hóa vô cùng phù hợp cho mảng chạm nhưng cũng chứa đựng sự mênh mang của vũ trụ. Có bức chạm vừa có môtip mây khánh, cuộn hai đầu không có dải phía dưới, nhưng cũng có bức chạm vừa có mây khánh cuộn hai đầu vừa có mây khánh kết hợp dải. Sự biến đổi tinh tế và linh hoạt về tạo dáng, về cấu trúc đã đem lại cho vẻ đẹp tạo hình của mây sự hoàn chỉnh điển hình như chính tư tưởng văn hóa thấm đượm tinh thần Phật giáo đương thời.

 Trong hầu khắp các đồ án trang trí có môtip mây thời Lý – Trần, dù là bố cục dọc ở chân tháp, ngang ở bệ tượng, trán bia hay nghiêng ở lan can thành bậc thì môtip mây luôn được đặt ở phía trên của bức chạm. Phải chăng mây là biểu tượng của vũ trụ ở tầng trên, không thể vắng bóng dáng của mây khi có hình tượng rồng hay tiên nữ. Điều này cho phép hình dung về tư duy tạo hình và quan niệm thẩm mỹ của con người đương thời, không thể tách mình ra khỏi tự nhiên, đồng thời đó cũng là khát vọng bình đẳng bác ái đã từng thấm đượm trong tâm tưởng của mỗi con người trong xã hội Lý – Trần. Mặt khác biểu tượng mây còn được tiếp thu, biến thể khá phong phú ở các thế kỷ sau, nó không chỉ xuất hiện trên bia đá, bệ tượng trong không gian chùa làng mà nó ẩn hiện trên khắp các thể loại tôn giáo như đình, đền, lăng, đồ ứng dụng…

Môtip mây là biểu tượng không thể thiếu trong các công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống. Sự xuất hiện hằng xuyên của môtip mây làm cho tác phẩm hay các công trình tôn giáo thêm giá trị thẩm mỹ, đồng thời cũng không làm mất đi tính dân tộc sẵn có. Mặc dù ở các địa danh khác nhau nhưng cùng mang niên đại đã cho thấy sự thống nhất trong cách chạm và biến thể. Từ những môtip kết hợp mây với rồng, nhạc công, tiên nữ, hoa lá, được bố cục ở nhiều hình, vuông, chữ nhật, tròn, hay tạo dáng chung như lá đề, cho thấy chạm khắc môtip mây thời Lý – Trần không chỉ mang chức năng trang trí cho các công trình kiến trúc mà nó còn tạo điều kiện cho người đương thời và cả đời sau tiếp xúc và cảm nhận nghệ thuật chạm khắc này bằng mỹ cảm dân tộc, bằng sự duy trì phong cách tạo hình riêng biệt, tinh tế, khỏe, rõ ràng.

_______________

1. Thơ văn Lý – Trần, tập I, Nxb Hà Nội, 1997, tr.487.

2. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Viện Mỹ thuật, 2003, tr.200.

3. Nhân buổi nói chuyện của PGS Trần Lâm Biền về đề tài Rồng – Tiên trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam, ngày 14-12-2012, tại đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.

4. Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Lý – Trần – Mỹ thuật Phật giáo, Nxb Thuận Hóa, 1998, tr.175.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Trần Thị Biển

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *