Mô hình hệ thống chia sẻ nguồn lực thông tin dữ liệu giữa các thư viện đại học Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0


Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra nhanh chóng, gây tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong kỷ nguyên số hóa, giáo dục đại học (GDĐH) thay đổi sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học đến phương pháp dạy học. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với thách thức lớn về thiếu hụt lao động trình độ cao, có chuyên môn, kỹ năng. Để đổi mới GDĐH, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển GDĐH; đổi mới chương trình và phương thức đào tạo; áp dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy; đổi mới mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Với yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ thông tin trong các trường đại học, thư viện Việt Nam đã đặt ra sự cần thiết phải triển khai phương thức chia sẻ thông tin, dữ liệu thông qua việc kết nối các hệ thống thông tin (HTTT) của các đơn vị. Bài viết khái quát về lý thuyết hệ thống thông tin, thực trạng việc chia sẻ nguồn lực thông tin (NLTT) và đề xuất mô hình hệ thống thông tin chia sẻ NLTT, dữ liệu giữa các thư viện trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái quát về lý thuyết HTTT

Về mặt kỹ thuật, HTTT được xác định như một tập hợp các thành phần được tổ chức để thu thập, xử lý, lưu trữ, phân phối và biểu diễn thông tin, trợ giúp việc ra quyết định và kiểm soát hoạt động trong một tổ chức. Ngoài ra, nó giúp người quản lý phân tích các vấn đề, cho phép nhìn thấy những đối tượng phức tạp, tạo ra các sản phẩm mới.

HTTT được phân loại theo chức năng phục vụ hoạt động nghiệp vụ như sau: HTTT phục vụ hoạt động nội bộ (quản trị, vận hành nội bộ của cơ quan, tổ chức); HTTT phục vụ người dân, doanh nghiệp (dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ trực tuyến khác trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục…); HTTT cơ sở hạ tầng thông tin (trang thiết bị, đường truyền dẫn kết nối phục vụ chung hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức); HTTT điều khiển công nghiệp (có chức năng giám sát thu thập dữ liệu, quản lý và kiểm soát các hạng mục quan trọng phục vụ điều khiển, vận hành hoạt động của các công trình xây dựng); HTT khác…

HTTT cung cấp thông tin trợ giúp người dùng, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý trong việc sử dụng, ra quyết định và quản lý công việc trong tổ chức. HTTT quản lý hợp nhất các cơ sở dữ liệu và các dòng thông tin làm tối ưu việc thu thập, lưu trữ, truyền dẫn và phân tích thông tin, thông qua tổ chức nhiều cấp có các nhóm thành phần thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, để đạt được mục tiêu thống nhất của hoạt động quản lý.

Các đặc trưng của HTTT quản lý là: hỗ trợ chức năng xử lý dữ liệu trong giao dịch và lưu trữ; sử dụng cơ sở dữ liệu thống nhất, có nhiều chức năng xử lý dữ liệu; cung cấp đầy đủ thông tin để nhà quản lý truy cập dữ liệu; có khả năng thích ứng với những thay đổi của quy trình xử lý thông tin; đảm bảo an toàn và toàn vẹn dữ liệu (1).

2. Khái niệm về chia sẻ NLTT

Trước đây, với công nghệ lạc hậu, các thư viện còn xử lý những khâu nghiệp vụ bằng lao động thủ công nên các việc liên kết, chia sẻ giữa các thư viện thường tiêu hao nhiều sức lực, thời gian và kém hiệu quả. Ngày nay, với sự ra đời của tài liệu điện tử, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong quy trình tác nghiệp của các thư viện, việc liên kết, chia sẻ giữa các thư viện được thực hiện nhanh chóng và đạt những kết quả to lớn.

Liên kết, chia sẻ là một thuật ngữ chung chỉ sự hợp tác giữa các thư viện trong việc phân chia diện bổ sung tài liệu, trao đổi danh mục tài liệu đặt mua, cùng nhau đàm phán với các nhà xuất bản để mua được tài liệu với giá hợp lý và tiến hành chia sẻ thông qua việc cho mượn giữa các thư viện, giúp thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người dùng tin. Như vậy, mục đích chính của liên kết, chia sẻ là nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí, giảm đến mức thấp nhất việc bổ sung trùng lặp, giúp các thư viện với nguồn kinh phí cho phép có thể thỏa mãn tốt nhất nhu cầu thông tin của người dùng tin (2).

Phương thức tổ chức về sự liên kết, kết hợp hoặc cộng tác giữa các đơn vị thông tin – thư viện nổi lên thời gian qua là Consortium liên hiệp thư viện. Năm 1992, Twiest D.H. và Badke W.B. đã đưa ra định nghĩa đơn giản về Consortium là “sự liên kết, sự kết hợp hoặc sự cộng tác”.

Theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, “Liên hiệp thư viện là hiệp hội hợp tác trên phạm vi, khu vực, quốc gia, hoặc địa phương giữa các thư viện nhằm mục đích liên kết một cách có hệ thống và hiệu quả tài nguyên thông tin của các thư viện đại học, thư viện trường học, thư viện chuyên ngành, thư viện công cộng và các trung tâm thông tin để cải tiến dịch vụ cho khách hàng của các thư viện” (3).

Chia sẻ tài nguyên giữa các thư viện là việc các thư viện tham gia chia sẻ tài nguyên với nhau trên cơ sở nguyên tắc hợp tác. Điều này được áp dụng trong việc chia sẻ tài liệu, dữ liệu, nhân lực, dịch vụ, không gian thiết bị và hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như hạ tầng thông tin (4).

Năm 2000, tác giả Jalloh B đã đưa ra định nghĩa về liên hiệp thư viện: “Sự hợp tác chính thức của các thư viện, nhưng thường được giới hạn cho các vùng địa lý, một số các thư viện, các loại tài liệu, hoặc một chủ đề quan tâm, được thiết lập để phát triển và thực hiện chia sẻ tài nguyên giữa các thành viên” (5).

Theo khảo sát trên thế giới hiện nay có rất nhiều liên hiệp thư viện: Liên hợp thư viện tại Hoa Kỳ, năm 2007 (ALA) nước này có khoảng 200 liên hiệp thư viện đang hoạt động dưới hình thức liên kết giữa các thư viện thành viên với nhau; Liên hợp thư viện tại Cộng hòa Liên bang Đức; Liên hợp thư viện tại Canada; Liên hợp thư viện tại Hy Lạp; Liên hợp thư viện tại Hàn Quốc…

Ngày nay, trong môi trường bùng nổ thông tin, thực tế không thể có thư viện nào có thể tự chủ được. Trong khi nhu cầu của người dùng tin ngày càng lớn và nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt, không một thư viện nào có đủ khả năng cung cấp tài liệu theo yêu cầu. Chia sẻ tài nguyên là một phương pháp khắc phục những hạn chế của từng thư viện đối với tài nguyên của họ bằng cách hợp tác và phối hợp giữa các thư viện tham gia (6).

Như vậy, việc liên kết, chia sẻ NLTT, dữ liệu giữa các thư viện tồn tại dưới nhiều hình thức, trong hầu hết các nước trên thế giới và Việt Nam diễn ra nhiều năm qua. Tương tự như vậy, việc liên kết chia sẻ giữa các thư viện cũng có thể được hiểu như sau: Liên kết chia sẻ NLTT, bổ sung tập trung, liên hợp thư viện, mạng lưới thư viện, hệ thống thư viện, hoặc tổ hợp thư viện.

3. Nhu cầu chia sẻ NLTT – dữ liệu giữa các thư viện đại học

Trường đại học giữ vai trò quan trọng trong hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển nhanh như vũ bão. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế (4-11-2013). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 (4-5-2017). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030; Chiến lược Phát triển tổng thể GDĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống GDĐH (7).

Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học phải đối mặt với yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới trước sự phát triển của CMCN 4.0. Nhiều tập đoàn công nghệ có tiềm lực khoa học, nhân lực và tài chính rất lớn, có lợi thế trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống, có nhiều trải nghiệm thực tế mà những nhà nghiên cứu, những giảng viên đại học không có. Bên cạnh đó, tự do thương mại dịch vụ GDĐH toàn cầu tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường đại học trong và ngoài nước trong thu hút sinh viên (8).

Để hiểu về nhu cầu chia sẻ NLTT của người dùng tin, tác giả tiến hành điều tra các nhóm người dùng tin (300 người) với câu hỏi: “Anh/ chị đánh giá như thế nào về hiện trạng chia sẻ NLTT ở các thư viện đại học hiện nay”? Kết quả 3 nhóm người dùng tin đã đánh giá việc chia sẻ NLTT đáp ứng nhu cầu tin ở 3 mức độ: tốt, trung bình và yếu như sau:

 

 

 

Nhóm đánh giá Tốt Trung bình Yếu
Cán bộ quản lý 19,4% 76,8% 3,9%
Giảng viên, nghiên cứu viên 33,9% 62,3% 3,9%
Sinh viên 42,4% 50,1% 7,5%

 

 

Kết quả nghiên cứu này có thể khẳng định cả 3 nhóm người dùng tin đều đánh giá chia sẻ NLTT đáp ứng nhu cầu tin ở mức trung bình. Vì vậy, cần có sự hợp tác xây dựng mô hình liên kết chia sẻ NLTT, dữ liệu tại thư viện các trường đại học.

Hiện nay, chia sẻ NLTT là một trong những khuynh hướng nổi bật của các thư viện trên thế giới vì những lợi ích mà hoạt động này mang lại. Thư viện Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Thực tế, chia sẻ NLTT giữa các thư viện đại học ở Việt Nam chủ yếu còn dựa trên những mối quan hệ sẵn có và riêng rẽ, chưa mang tính hệ thống, nhưng xu hướng này đang ngày càng phát triển và có những sự thay đổi tích cực (9).

Chia sẻ NLTT đã mang lại nhiều kết quả như: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các thư viện đại học ở Việt Nam có những bước phát triển đáng kể, hiện đại. Nhiều thư viện đã được đầu tư phần mềm quản trị thư viện và kết nối mạng Internet; một số chuẩn quốc tế về lĩnh vực thư viện như DDC, MARC 21, AACR2 cũng được biên dịch và áp dụng ở các thư viện; nhiều thư viện đã triển khai việc liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin, bước đầu đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thông tin phục vụ công tác đào tạo.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ NLTT tại thư viện các trường đại học hiện nay gặp phải một số thách thức như: việc đầu tư về cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin ở các thư viện không đồng đều, không theo những chuẩn chung về phần cứng, phần mềm; các thư viện đại học khối kỹ thuật chưa triển khai liên kết chia sẻ với nhau dễ bị lãng phí kinh phí, trùng lặp tài liệu; các thư viện không ứng dụng chung phần mềm thư viện và các chuẩn xử lý dữ liệu; nhiều thư viện không tham gia liên kết chia sẻ NLTT, có thư viện tham gia liên hiệp mang tính hình thức, chưa hiệu quả vì chưa nắm rõ tầm quan trọng của việc liên kết chia sẻ; các thư viện chủ yếu chia sẻ NLTT và các biểu ghi thư mục, chưa có dịch vụ mượn liên thư viện. Về cơ bản các thư viện vẫn biên mục lặp đi, lặp lại cùng một tài liệu.

4. Mô hình hệ thống chia sẻ NLTT – dữ liệu tiếp cận lý thuyết hệ thống thông tin giữa các thư viện đại học Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0

Trên thế giới tồn tại 2 mô hình hợp tác chia sẻ dữ liệu phổ biến là mô hình tập trung và mô hình phân tán.

Mô hình tập trung (các hệ cơ sở dữ liệu tập trung)

Với hệ cơ sở dữ liệu tập trung, toàn bộ dữ liệu được lưu trữ tại một máy hoặc một dàn máy. Những người dùng từ xa có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu thông qua các phương tiện truyền thông dữ liệu.

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu tập trung giúp tính toàn vẹn của dữ liệu được tối đa hóa vì toàn bộ cơ sở dữ liệu được lưu trữ tại một vị trí vật lý duy nhất. Điều này có nghĩa là việc điều phối dữ liệu sẽ dễ dàng hơn, chính xác và nhất quán nhất có thể. Dữ liệu dư thừa là tối thiểu trong cơ sở dữ liệu tập trung (10).

Mô hình phân tán (các hệ cơ sở dữ liệu phân tán)

Sự khác biệt chính giữa cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán là cơ sở dữ liệu tập trung hoạt động với một tệp cơ sở dữ liệu duy nhất trong khi cơ sở dữ liệu phân tán hoạt động với nhiều tệp cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu là một tập hợp các dữ liệu liên quan. Nhiều tổ chức sử dụng cơ sở dữ liệu để lưu trữ, quản lý và truy xuất dữ liệu một cách dễ dàng.

So với mô hình tập trung, mô hình này khó để duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu phân tán vì bản chất của nó. Cũng có thể có sự dư thừa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu vì nó được lưu trữ tại nhiều vị trí. Cơ sở dữ liệu phân tán rất phức tạp và khó tìm được những người có kinh nghiệm cần thiết có thể quản lý và duy trì. Nhưng ưu điểm chính của việc sử dụng cơ sở dữ liệu phân tán là bằng cách chia sẻ cơ sở dữ liệu trên nhiều nút có thể có được phần mở rộng không gian lưu trữ và cũng có thể hưởng lợi từ nhiều tài nguyên xử lý (11).

Mục tiêu của việc chia sẻ NLTT là đáp ứng nhu cầu của người dùng tin trong trường đại học. Do vậy, từ sơ đồ chức năng của hệ thống có thể thiết kế mô hình hoạt động của hệ thống này:

 

Mô hình hoạt động của thư viện

Trong bài báo này, tác giả xin đề mô hình đề xuất hệ thống chia sẻ NLTT trong việc tích hợp dữ liệu giữa các thư viện đại học Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 tiếp cận lý thuyết HTTT.

Mô hình hệ thống chia sẻ NLTT – dữ liệu

Mục đích của mô hình: Dữ liệu trong hệ thống được chuẩn hóa lưu trữ thống nhất NLTT, khổ mẫu hình thành một “tổng kho” sử dụng chung cơ sở dữ liệu.

Nội dung của mô hình: Thư viện các trường hoàn toàn chủ động trong việc thu thập, xử lý, cung cấp và khai thác thông tin trong phạm vi của mình, đồng thời tập hợp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung.

Cơ cấu của mô hình: hoàn thiện việc thiết lập mạng cục bộ của từng thư viện và kết nối mạng giữa các thư viện đại học. Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong phạm vi khối các trường và hướng dẫn các đơn vị thành viên áp dụng. Xây dựng một số cơ sở dữ liệu dùng chung không chỉ cho các thư viện trong khối mà có thể phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức khác. Đào tạo cán bộ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến tổ chức, xử lý, phân phối chia sẻ nguồn lực thông tin cũng như các nguyên tắc, quy trình, thủ tục tiến hành hoạt động phối hợp này.

Ưu điểm của mô hình: các thư viện đại học có thể chia sẻ NLTT, bao gồm cả nguồn tài liệu truyền thống và nguồn tài liệu điện tử, nhờ đó các thư viện tiết kiệm nguồn kinh phí bổ sung, không gian lưu trữ tài liệu truyền thống và máy chủ để lưu trữ thông tin điện tử. Chia sẻ các biểu ghi thư mục, giúp các thư viện không phải phân loại và biên mục lại các tài liệu mà thư viện thành viên có, tạo điều kiện xây dựng mục lục liên hợp. Cải thiện chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ thông tin – thư viện nhờ việc chia sẻ NLTT, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm quản lý dịch vụ. Ngoài ra, các thư viện còn có cơ hội để phát triển và đẩy mạnh việc sử dụng các chuẩn nghiệp vụ trong các hoạt động của mình. Cung cấp cơ hội cho người làm thư viện thành viên phát triển kỹ năng mới thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo, hội nghị, tham quan, khảo sát. Người dùng tin dễ dàng truy cập đến bộ sưu tập của các thư viện thành viên nhờ mục lục liên hợp được xây dựng trên cơ sở cổng thông tin và tích hợp dịch vụ thư viện thông tin của các thư viện thành viên. Chia sẻ NLTT, cho phép người dùng tin truy cập số lượng các nguồn tin nhiều hơn, ở mức chi phí thấp hơn, có cơ hội sử dụng các dịch vụ thư viện chất lượng hơn như: tra cứu tin, tham khảo, phổ biến thông tin chọn lọc.

Nhược điểm của mô hình: đầu tư ban đầu để mua giấy phép quyền truy cập tài liệu điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông tương đối lớn, đòi hỏi năng lực tài chính cao của các thư viện. Người làm thư viện chưa được đào tạo kiến thức, kỹ năng liên quan đến chia sẻ NLTT. Chưa có chế tài thống nhất và chi tiết về quy chế hoạt động chia sẻ NLTT giữa thư viện các trường đại học ở Việt Nam.

Kết luận

Từ kết quả nghiên cứu trên chúng ta thấy rằng, hoạt động chia sẻ NLTT – dữ liệu tiếp cận lý thuyết HTTT giữa các thư viện đại học Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 là nhu cầu – xu thế tất yếu, là một giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong trường đại học. Với mô hình đề xuất chia sẻ NLTT – dữ liệu trên, hy vọng thư viện các trường đại học sẽ nghiên cứu ứng dụng nhằm tiết kiệm kinh phí, tăng cường NLTT, tránh trùng lặp thông tin và thỏa mãn nhu cầu thông tin của người dùng tin trong khi các trường đại học đang mạnh mẽ chuyển đổi dữ liệu số, mô hình đại học thông minh trong thời đại 4.0.
_______________
1. Nguyễn Văn Ba, Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.

2. Đỗ Tiến Vượng, Nghiên cứu mô hình liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học khối Kỹ thuật ở Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2013, số 1, tr.36-40, 26.

3. Hirson A, Library consortium: where did we come from? Where are we going? (Liên hợp thư viện: chúng tôi đến từ đâu? Chúng ta đang đi đâu vậy?), Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội và Tổ chức Thư viện, 2001.

4. Adeyinka Tella, Resource Sharing: Vehicle for Effective Library Information Dissemination and Services in The Digital Age (Chia sẻ tài nguyên: Phương tiện phổ biến và dịch vụ thông tin thư viện hiệu quả trong kỷ nguyên kỹ thuật số), igi-global.com, 2020.

5. Jalloh B, A plan for the establishment of a library network or consortium for Swaziland: Preliminary investigations and formulations (Kế hoạch thiết lập mạng lưới thư viện hoặc tập đoàn cho Swaziland: Điều tra sơ bộ và lập công thức), Quản lý liên hợp thư viện, 2000, số 8, tr.165-176.

6. Admin, Resource Sharing and Modern Library (Chia sẻ tài nguyên và Thư viện hiện đại), lisbdnet.com, ngày 12-8-2016.

7. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu, Tiếp cận hệ thống trong môi trường và phát triển, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007.

8. Đỗ Văn Hùng, Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện đại học trong kỷ nguyên số, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

9. Bùi Thu Hằng, Lê Vũ Ngọc Duyên, Mô hình liên thông nguồn học liệu giữa thư viện nhánh và thư viện trung tâm tại các trường đại học, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2019, số 6, tr.21-26.

10. De Genaro, Richard, Resource sharing in a network environment (Chia sẻ tài nguyên trong môi trường mạng), Tạp chí Thư viện, 2019, số 3, tr.353-355.

11.XingyuBungarten,Whataretheadvantagesanddisadvantages of using a distributed versus centralized database design? (Ưu – nhược điểm của việc sử dụng thiết kế cơ sở dữ liệu phân tán so với tập trung?), findanyanswer.com, ngày 13-03-2020.

Tác giả: Đỗ Tiến Vượng – Nguyễn Trần Hiếu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *