Mô hình quản lý trò chơi dân gian ở đồng bằng bắc bộ

Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự lan rộng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhiều trò chơi dân gian bị mai một theo quy luật đào thải khách quan. Nỗ lực gìn giữ những trò chơi dân gian là yêu cầu cấp thiết nhằm mang lại giá trị nhiều mặt cho sự phát triển cộng đồng. Bởi vậy, bài viết này đặt ra mô hình quản lý tham dự trong công tác bảo tồn và phát huy trò chơi dân gian, áp dụng quản lý trường hợp tục chơi diều trong bối cảnh đương đại. Mô hình này được xem xét trong ứng dụng thực tế trường hợp tục chơi diều từ đó có thể nhân rộng trong quản lý các trò chơi dân gian, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) khác.

1. Mô hình quản lý tham dự trong bảo tồn và phát huy trò chơi diều ở đồng bằng Bắc Bộ

Hiện nay, giải pháp tổ chức và quản lý tục chơi diều ở đồng bằng Bắc Bộ được xây dựng dựa vào mô hình quản lý tham dự trong phát triển cộng đồng. Việc xây dựng mô hình này căn cứ vào những tồn tại trong thực trạng khai thác giá trị của việc thực hành trò chơi diều hiện nay, căn cứ định hướng và chỉ đạo trong các văn bản quản lý nhà nước cùng với việc tham khảo bài học kinh nghiệm quản lý di sản này ở một số quốc gia lân cận. Cụ thể, mô hình này được xây dựng nhằm trả lời câu hỏi: tục chơi diều do ai sở hữu và dành cho ai; vì sao cần tổ chức và quản lý hoạt động chơi diều trong bối cảnh mới (1). Về nguyên tắc, mô hình được xây dựng, hoàn thiện, trên cơ sở tạo thế cân bằng giữa hai yếu tố quản lý nhà nước và tự quản cộng đồng.


 

Mô hình này cho thấy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan tham gia quản lý nguồn lực DSVH PVT phục vụ phát triển cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy vai trò chủ đạo của cộng đồng trong việc tự nguyện gìn giữ, phát triển giá trị tục chơi diều từ xưa đến nay. Tự thân người chơi và người chế tác hình thành nên các câu lạc bộ, phát động phong trào giao lưu, thi đấu dưới hình thức liên hoan, lễ hội… bộc lộ sự tâm huyết của họ đối với trò chơi diều. Tuy nhiên, mô hình quản lý tham dự cần thế cân bằng giữa hai yếu tố cộng đồng và nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò quản lý nhà nước chưa hiển thị rõ trong phương thức quản lý sinh hoạt văn hóa chơi diều của cộng đồng. Chức năng quản lý nhà nước mới thể hiện thông qua sự hậu thuẫn chính sách cho phép sự tồn tại và mở rộng hình thức hội, quán, trung tâm, câu lạc bộ…, và thực tế, đã hạn chế việc phát huy giá trị của tục chơi diều đối với cộng đồng chung. Cộng đồng nắm giữ di sản nhưng nhà nước cần tham gia quản lý trong từng bước, từng giai đoạn phát triển, có như vậy mới tạo động lực thúc đẩy tục chơi diều phát triển trong cả nước. Trước tiên, quản lý nhà nước các cấp cần nhận thức đầy đủ và toàn diện những giá trị mà tục chơi diều mang lại, từ đó tham gia hỗ trợ, thúc đẩy sinh hoạt văn hóa này phát triển cùng cộng đồng người chơi. Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy vai trò tham dự của hai yếu tố còn lại trong mô hình là thị trường và các nhân tố khác.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường đóng vai trò điều tiết tất cả hoạt động kinh tế xã hội. Sự tồn tại và phát triển các hình thức văn hóa xã hội đều phụ thuộc vào thị trường. Hiện nay, mọi hoạt động tạo ra thị trường trong sinh hoạt văn hóa chơi diều của cộng đồng đều tự phát như mua bán sản phẩm, tổ chức lễ hội, sự kiện, giao lưu trong cộng đồng người chơi… đã làm phát sinh các dịch vụ đi kèm mang lại lợi ích kinh tế cho những đối tượng không trực tiếp tham gia thực hành di sản. Vì vậy, hai hình thức khai thác cần đẩy mạnh tạo ra thị trường trong nước, quốc tế cho trò chơi diều là tổ chức lễ hội, sự kiện và xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch ở địa phương. Điều này quyết định sự phát triển mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng trên cơ sở khai thác giá trị của di sản.

Đóng vai trò không kém phần quan trọng trong mô hình là sự tham dự của nhiều nhân tố, trong đó nhấn mạnh chức năng nghiên cứu của nhóm chuyên gia và nhà khoa học. Thực trạng quản lý hiện nay chưa thấy hiện hữu vai trò của những người không trực tiếp thực hành di sản. Họ mới tham gia với tư cách được hưởng lợi thêm từ việc phát huy di sản của cộng đồng chủ thể. Những người kinh doanh dịch vụ phụ trong các liên hoan, lễ hội tham dự với hình thức ăn theo, do vậy trách nhiệm tôn vinh, quảng bá di sản không được đề cao. Đặc biệt, sự phát huy giá trị tục chơi diều chưa nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nên việc tôn vinh, quản lý di sản còn hạn chế. Vì thế, không thể phủ nhận vai trò của đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học trong nghiên cứu, tham vấn cho các kế hoạch phát huy di sản trong phát triển cộng đồng.

Mô hình quản lý tham dự đặt ra trách nhiệm và lợi ích của các bên liên quan trong việc tham gia quản lý tục chơi diều, đồng thời thể hiện mối quan hệ của nhiều nhóm đối tượng với nhau. Mối quan hệ này cho thấy vai trò chủ đạo của quản lý nhà nước. Mặc dù để duy trì sự tồn tại của thực hành tục chơi diều, cộng đồng giữ vai trò chính nhưng nếu thiếu sự định hướng và quản lý của Nhà nước, hoạt động này chỉ mang tính chất tự phát, không bền vững. Thông qua hệ thống chính sách, Nhà nước có khả năng lôi kéo sự tham dự của nhà đầu tư nhằm phát triển thị trường và các nhân tố xã hội khác. Nếu Nhà nước thực hiện chức năng một cách hiệu quả, thì vai trò của các đối tượng khác tự động được phát huy để mang lại lợi ích cho nhau.

2. Giải pháp quản lý trò chơi diều trong phát triển cộng đồng ở đồng bằng Bắc Bộ

Tổ chức hoạt động

Để phát huy giá trị của di sản, cần hướng tới việc mở rộng tổ chức các sự kiện văn hóa, liên hoan, lễ hội hiện đại…, thêm vào đó, học hỏi phương thức tổ chức của các quốc gia lân cận, khai thác hoạt động du lịch tại các điểm đến. Việc giao dịch kinh doanh mua bán sản phẩm thủ công cần được mở rộng thành thị trường rộng lớn, quy mô và chuyên nghiệp hơn với thương hiệu Diều sáo Việt Nam. Từ khi phong trào chơi diều được mở rộng, việc mua bán những sản phẩm thủ công diễn ra tự phát từ nhu cầu của người chế tác và người chơi. Bởi vậy việc hướng tới một hình thức tổ chức quy mô và quản lý bài bản để mở rộng thị trường, mang lại nguồn lợi chính đáng cho cộng đồng là việc làm cần thiết hiện nay.

Giải pháp cho các bên liên quan

Dựa vào mô hình quản lý tham dự, tất cả đối tượng liên quan đều có vai trò và chức năng nhất định. Việc đề xuất giải pháp cho từng đối tượng là sự cụ thể hóa nhiệm vụ tham gia nhằm phát huy giá trị của tục chơi diều trong phát triển cộng đồng ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay.

Đối với quản lý nhà nước: mối quan hệ giữa các nhóm đối tượng liên quan trong mô hình quản lý tham dự cho thấy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc quản lý tục chơi diều phục vụ phát triển cộng đồng. Nhà nước tham gia quản lý dưới hình thức tạo cơ chế thông qua chính sách cho cộng đồng chủ thể tự quản. Các văn bản quản lý chính là sự hậu thuẫn cho việc ra đời Trung tâm Bảo tồn tục chơi diều, đơn vị kết nối giữa cộng đồng chủ thể và cơ quan quản lý nhà nước. Với mục đích hỗ trợ cộng đồng tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý nhà nước cần tham gia sâu rộng trong một số việc: đánh giá chính xác giá trị của di sản, việc này sẽ giúp quản lý nhà nước các cấp hậu thuẫn hiệu quả cho sự phát huy di sản. Ngoài ra, việc đánh giá được giá trị sẽ là động lực để tôn vinh di sản và người gìn giữ chúng một cách xứng đáng; lắng nghe và tiếp nhận đề xuất từ cộng đồng trong việc tạo điều kiện cho người chơi được thực hành thường xuyên trò chơi diều ở các bãi đất trống thuộc quyền quản lý của nhà nước như bãi biển, khu bảo tồn thiên nhiên hoặc văn hóa…; liên kết hoạt động vui chơi với các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác tạo nên bộ mặt phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc; thường xuyên đánh giá, giám sát, mặc dù hoạt động chơi diều tổ chức dưới hình thức tự quản của cộng đồng nhưng không thể thiếu vai trò đánh giá, giám sát của quản lý nhà nước. Công việc này giúp Nhà nước luôn song hành cùng cộng đồng để đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất kế hoạch phát triển cho tương lai…

Đối với cộng đồng chủ thể: bao gồm người chế tác và người chơi giữ vai trò chính yếu trong mô hình quản lý tham dự, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi của người dân khi tham gia vào hoạt động chơi diều.

Cần nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi gắn với di sản. Khi nhận thấy những lợi ích thiết thực mà trò chơi mang lại, người chơi sẽ tích cực tham gia, vì thế di sản được bảo tồn một cách tự nhiên. Tuy nhiên, để có thể phát huy di sản, cần nâng cao nhận thức của người chơi về trách nhiệm lưu giữ và bảo tồn một vốn di sản quý báu của dân tộc. Từ nhận thức này, người chơi mới ý thức được vai trò chủ thể, sở hữu và chuyển giao để giữ gìn và duy trì di sản một cách bền vững.

Cần nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi gắn với môi trường. Những đánh giá sự ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội do nhận thức của người chơi chưa toàn diện. Việc có hình thức tuyên truyền như các quy định về sân chơi, bãi thả phần nào hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực. Song bản thân người chơi khi tham gia cần xây dựng tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ di sản.

Cần nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi gắn với bản thân và cộng đồng. Tai nạn đối với người chơi là vấn đề đáng lo ngại. Khi phong trào ngày càng lớn mạnh, bản thân cộng đồng chủ thể đã có hoạt động tuyên truyền người dân về an toàn khi tham gia chơi. Bên cạnh đó, để mang lại lợi ích cho cộng đồng hiệu quả hơn, cần sự tham gia một cách quy củ và bài bản của chủ thể trong các khâu: đề xuất ý tưởng, xây dựng và thực hiện kế hoạch, đánh giá và giám sát…

Đối với nhà đầu tư: trong bối cảnh xã hội hiện nay, thị trường đóng vai trò quy định sự tồn tại của bất kỳ hình thức văn hóa xã hội nào. Để duy trì được vai trò đó của thị trường, cần có sự tham dự của nhà đầu tư. Tuy nhiên, cần giúp họ nhận biết được lợi ích và trách nhiệm khi tham gia.

 Về lợi ích, nhà đầu tư cần nhận thức rõ lợi ích từ việc tài trợ cho các hoạt động vui chơi. Đối với hoạt động thả diều, giá trị trực tiếp là được tuyên truyền, quảng bá thông qua biểu tượng của nhà tài trợ in ngay trên cánh diều.

 Về trách nhiệm, nhà đầu tư cần vào cuộc trong việc tham gia tổ chức các sự kiện, tạo sân chơi cho cộng đồng chủ thể. Sự tham gia này có thể thông qua hình thức xã hội hóa cùng cộng đồng tổ chức hoặc nhà đầu tư đứng ra tổ chức cho cộng đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần nhận thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản một cách bền vững trong việc khai thác, tạo ra thị trường cho sản phẩm văn hóa lưu thông, mang lại nguồn lợi cho người dân.

Đối với các nhân tố xã hội khác: được xác định trong mối liên quan đến việc thực hành văn hóa chơi diều bao gồm dân chúng, người kinh doanh dịch vụ phụ và nhà khoa học.

Dân chúng là đối tượng luôn biến đổi, có thể trở thành cộng đồng chủ thể khi tham gia vào hoạt động chơi hay chế tác bất kỳ lúc nào. Nhưng sự tham gia này là không ổn định, không có sự gắn bó lâu dài như những nghệ nhân hay người chơi chuyên nghiệp. Vì vậy, cần cho họ thấy được những lợi ích thiết thực mà chò trơi mang lại về sức khỏe, hiệu quả giáo dục, gắn kết cộng đồng… có như vậy mới tạo ra sự gắn kết với trò chơi. Khi tham gia họ phải tuân thủ quy tắc chơi an toàn để tránh tác động có hại đến môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng thời, nâng cao được vai trò gìn giữ, bảo tồn di sản và quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước.

Người kinh doanh dịch vụ không phải là người trực tiếp chế tác hay chơi, nhưng họ tồn tại bên cạnh cộng đồng với vai trò cung cấp dịch vụ phụ cho người chơi, khách tham quan ở các liên hoan, lễ hội… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, họ phải tuân thủ quy định của ban tổ chức về khu vực kinh doanh, hành vi ứng xử…

Để tôn vinh tục chơi diều cần sự tham gia của các nhà khoa học trong việc chứng minh, khẳng định giá trị trò chơi cần được bảo tồn và gìn giữ. Với việc chứng minh được giá trị của thú chơi với cộng đồng, các nhà khoa học sẽ giúp cộng đồng chủ thể, dân chúng, chính quyền nhận thức rõ hơn về lợi ích được hưởng và trách nhiệm tham gia trong việc bảo tồn, gìn giữ thú chơi này. Tiếp cận từ góc độ xã hội, khi các trò chơi hiện đại ngày càng phổ biến và tác động xấu đến xã hội, thì việc chứng minh được giá trị gần gũi tự nhiên, thư giãn tinh thần của thú chơi diều sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua chức năng của nhà khoa học. Chính nhà khoa học cùng các công trình nghiên cứu là sự kết nối quản lý nhà nước với cộng đồng. Chính quyền thực hiện chức năng quản lý với cộng đồng thông qua sự tư vấn về chính sách của nhà nghiên cứu. Nhà khoa học còn hỗ trợ cộng đồng trong nhiều lĩnh vực như cập nhật kỹ thuật tiên tiến trong chế tác, ý tưởng quảng bá, đề xuất phương thức kinh doanh…

Mô hình quản lý tham dự đặt vấn đề vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong bảo tồn, phát huy giá trị trò chơi dân gian ở cộng đồng. Trong đó, cộng đồng giữ vai trò chủ đạo, dưới sự quản lý của Nhà nước, cùng tác động điều tiết của thị trường và sự tham gia của các nhân tố khác. Mô hình tham dự giúp soi rọi sự thiếu hụt trách nhiệm và đề xuất phương thức hoàn thiện vai trò của các bên liên quan trong việc phát huy giá trị của di sản trong bối cảnh đương đại. Từ trường hợp áp dụng mô hình quản lý tham dự trong việc thực hành văn hóa chơi diều cho thấy mô hình này có thể được sử dụng để quản lý các trò chơi dân gian khác, góp phần giữ gìn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

______________

1. Jerry W.Robinson, Gary Paul Green, Introduction to community development: theory, practice and service learning, SAGE Publications, United Kingdom, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : ĐẶNG THỊ PHƯƠNG ANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *