Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh trong xã hội hiện nay


Ngày nay, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái càng được quan tâm dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp này sẽ giúp trẻ có một môi trường thuận lợi để phát triển, từ đó, nâng cao thành tích học tập, rèn luyện. Để làm được điều đó, giáo viên và phụ huynh học sinh cần tin tưởng lẫn nhau, tạo cơ hội để trao đổi những nguyên tắc và mục tiêu chung trong giáo dục con cái.

 

     Trong thực tế, hầu hết cha mẹ đều mong muốn con cái được hưởng những dịch vụ giáo dục hoàn hảo nhất nhưng một số lại không quan tâm đến mục tiêu, quan điểm giáo dục của nhà trường, thậm chí không hề có sự trao đổi với giáo viên trong suốt năm học. Trái lại, dưới góc độ giáo viên, họ cho rằng phụ huynh đôi khi lo lắng thái quá và có những kỳ vọng không thực tế. Do không có sự kết nối nên mối quan hệ giữa giáo viên và cha mẹ học sinh gặp nhiều hiểu lầm không đáng có. Chính vì vậy, bài viết nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ giữa giáo viên và cha mẹ học sinh và làm như thế nào để mối quan hệ này trở nên hiệu quả hơn.

     1. Mối quan hệ giữa giáo viên và cha mẹ học sinh

     Giáo viên và phụ huynh đều có vai trò quan trọng, không thể thay thế trong quá trình giáo dục con cái. Phụ huynh luôn mong đợi giáo viên sẽ dạy dỗ con em họ ở trường theo một cách hoàn hảo nhất, trong khi đó, giáo viên lại mong đợi phụ huynh hỗ trợ họ trong việc giáo dục con cái ở nhà và ở trường. Cả hai đều mong muốn con cái đạt được thành tích cao trong học tập, có thái độ và hành vi phù hợp ở trường cũng như ngoài xã hội. Khi có những mong đợi giống nhau, họ sẽ giao tiếp để thúc đẩy mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, khiến cả hai đều hiểu rõ hơn về vai trò của mình. Lúc đó, việc giao tiếp hai chiều thường xuyên giữa gia đình và nhà trường trở nên cần thiết. Qua đó, cha mẹ sẽ nắm được những thông tin về việc học tập và các hoạt động ở trường của con cái, đồng thời, giáo viên cũng hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình, năng lực, sở thích của trẻ.

     Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa gia đình và nhà trường mang lại lợi ích cho cả giáo viên, cha mẹ học sinh và con cái họ (1).

     Đối với cha mẹ học sinh, việc trao đổi thường xuyên với giáo viên sẽ giúp họ hiểu hơn về chương trình giảng dạy, môi trường học tập cũng như những mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường. Họ có thể đưa ra những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng đối với nhà trường nhằm hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục và hỗ trợ con cái trong quá trình học tập. Nhưng quan trọng nhất là phụ huynh sẽ có niềm tin và động lực tham gia cùng với nhà trường trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

     Đối với giáo viên, khi trò chuyện với cha mẹ học sinh, giáo viên sẽ hiểu hơn về môi trường gia đình, sự kỳ vọng của cha mẹ cũng như nhu cầu giáo dục của trẻ, từ đó áp dụng những phương pháp giảng dạy phù hợp hướng đến từng cá nhân người học. Khi mối quan hệ trở nên tốt đẹp, giáo viên sẽ nhận được cái nhìn tích cực hơn từ phía phụ huynh khi thực hiện các hoạt động chuyên môn, nhờ vậy, tinh thần và động cơ làm việc của họ được cải thiện rõ rệt.

     Đối với học sinh, khi cha mẹ cùng tham gia các hoạt động tại trường, học sinh sẽ có thái độ tích cực trong quá trình học tập, nhờ đó, thành tích được nâng cao, các hành vi ứng xử cũng được thực hiện chuẩn mực hơn. “Mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ học sinh và giáo viên sẽ giúp đứa trẻ cảm thấy tự tin hơn ở trường và do vậy, sẽ thành công hơn. Điều này khiến trẻ cảm thấy rằng chúng có thể tin tưởng vào thày/cô giáo của mình như cách mà cha mẹ chúng vẫn làm. Mối quan hệ đó sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn khi thấy những người quan trọng trong cuộc đời chúng đang cùng làm việc với nhau” (2).

     2. Bối cảnh giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên

     Tình huống giao tiếp giữa phụ huynh và giáo viên thường khá đa dạng, có thể do tự phát hoặc theo một kế hoạch đã xác định trước, trong bối cảnh chính thức hoặc không chính thức. Theo Angelica Hobjilă (3), bối cảnh cuộc nói chuyện được phân loại như sau:

     Giao tiếp chính thức (thông qua các buổi họp) và giao tiếp không chính thức (trao đổi trước và sau giờ học, qua điện thoại, thư…).

     Trao đổi mang tính chất thông báo một chiều (thông báo, thư điện tử… trao đổi về hoạt động hằng ngày của học sinh, thông tin về các bữa ăn ở trường…) và giao tiếp hội thoại mang tính chất hai chiều (các cuộc họp phụ huynh, thảo luận với từng cá nhân, các buổi trao đổi tư vấn về cách hỗ trợ học sinh hoàn thành các nhiệm vụ tại trường, sinh hoạt ngoại khóa…).

     Nghiên cứu của Angelica Hobjilă cũng chỉ ra rằng các chủ đề giáo viên thường đưa ra trao đổi với phụ huynh học sinh (trong bối cảnh khác nhau) là: chuỗi các hoạt động ở trường (kết quả học tập, nội quy trường, lớp); tổ chức các hoạt động ngoại khóa; tạo ra sự tương thích giữa các hoạt động ở trường và ở nhà; hiểu biết về trẻ: các giai đoạn phát triển của trẻ, cảm xúc của trẻ; sự hình thành ở trẻ (tổ chức thời gian, định hướng trường học, ảnh hưởng của máy tính và các phương tiện truyền thông…); giáo dục đối với cha mẹ…

     Chủ đề thường được đề cập nhất là kết quả học tập và nội quy trường, lớp, sự tiến bộ của học sinh. Ngoài ra, ở trường mầm non, vấn đề được quan tâm là chương trình ăn ngủ của trẻ. Thêm các vấn đề khác như: sử dụng thời gian rảnh, các vấn đề gia đình, các xung đột tại nhà và trường học.

     3. Mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa cha mẹ học sinh và giáo viên

     Trao đổi với cha mẹ học sinh là một nhiệm vụ hằng ngày vô cùng quan trọng của bất cứ thày/cô giáo nào. Mặc dù được đánh giá là chuyên gia trong lĩnh vực giao tiếp nhưng giáo viên cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót, hiểu lầm trong mối quan hệ với cha mẹ học sinh, đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp của xã hội ngày nay.

     Theo Angelia Hobjilă, quá trình tương tác giữa phụ huynh và giáo viên có thể gặp các trở ngại trong tình huống: giáo viên cảm thấy khó nói khi truyền đạt những thông tin mà phụ huynh không mong muốn tiếp nhận, hoặc khi họ không tôn trọng giáo viên (đặc biệt giáo viên trẻ) khi nhận lời khuyên. Mặt khác, cuộc trò chuyện cũng không thể trôi chảy khi cha mẹ không biết về những vấn đề xảy ra đối với trẻ, hoặc cha mẹ ít tham gia vào các hoạt động ở trường lớp, hoặc vắng mặt trong cuộc sống của trẻ (ví dụ như trường hợp cha mẹ ra nước ngoài làm việc). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường do sự khác biệt trong định kiến, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề tài chính, thiếu thời gian, giao tiếp không hiệu quả hoặc sự yếu kém của hệ thống giáo dục.

     Theo các chuyên gia, khi giao tiếp với phụ huynh, giáo viên cần thể hiện sự tôn trọng, cởi mở, thấu cảm, kiên nhẫn, khéo léo, linh hoạt, khiêm tốn, chuyên nghiệp, tự chủ, trung thực, nghiêm túc, quyết đoán, lắng nghe tích cực. Ngược lại, những tính cách mà giáo viên không nên thể hiện là: sự bốc đồng, giả dối, sợ hãi, không chắc chắn, thiếu sự quan tâm, chủ quan, gây hấn…Tất cả những thái độ này tiềm ẩn nguy cơ phá hủy mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh.

     Một nghiên cứu được tiến hành với 609 giáo viên tại Cộng hòa liên bang Đức do Martin Gartmeier và cộng sự thực hiện (4) cho thấy chỉ có 24% giáo viên được hỏi cảm thấy vô cùng tự tin khi giao tiếp với cha mẹ học sinh, điều này hàm ý rằng các chương trình bồi dưỡng giáo viên cần tạo cho họ cơ hội nâng cao khả năng giao tiếp trong mối quan hệ với phụ huynh. Những chương trình này không nên chỉ tập trung vào kỹ thuật hội thoại mà còn cần giúp giáo viên nâng cao nhận thức thực tế – đặc biệt trong bối cảnh cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái như hiện nay.

     Điều kiện tiên quyết để mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên trở nên tốt đẹp hơn đó là sự tôn trọng lẫn nhau. Thông thường, nếu sự tham gia của cha mẹ học sinh vào các hoạt động ở trường, lớp không được tôn trọng và đánh giá cao thì họ càng ngày càng có xu hướng thờ ơ, ít tham gia hơn. Ngược lại, nếu cha mẹ học sinh cảm nhận được một bầu không khí thân thiện, các cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở thì họ sẽ nhiệt tình và hào hứng tham gia hơn. Do vậy, giáo viên phải là người tạo ra và phát triển mối quan hệ tích cực với phụ huynh: không chỉ trích mà chỉ đưa ra các ý kiến mang tính xây dựng, biết cách duy trì mục đích của cuộc nói chuyện dù trong những tình huống khó khăn nhất (5).

     Bên cạnh đó, sự trao đổi thường xuyên giữa phụ huynh và giáo viên cũng rất cần thiết. Nếu giáo viên chỉ liên lạc với phụ huynh học sinh khi con cái họ gặp sự cố ở trường thì đó là điều không nên vì lúc này, họ thực sự không muốn nghe những tin xấu từ phía giáo viên. Dr.Curwin và cộng sự (6) đã đề xuất một cách giải quyết tương đối hợp lý, đó là phương pháp ba cuộc gọi – nghĩa là giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh về các tin vui ít nhất là hai lần trước khi thông báo với họ một tin xấu. Những tin tốt lành thường đơn giản chỉ là “chúng tôi rất vui vì học sinh A là thành viên của lớp trong năm học này. Nếu có vấn đề gì với cháu, mong ông/bà cùng trao đổi để chúng ta tìm ra cách giải quyết tốt nhất”, hoặc những tin thông báo về các hoạt động ở trường (học môn gì, giao lưu với bạn bè như thế nào…). Mục đích của việc này nhằm tạo cho cha mẹ niềm tin đối với giáo viên và nhà trường, khi đó, họ sẽ chấp nhận những vấn đề nghiêm trọng một cách dễ dàng hơn.

     Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức trao đổi. Trước khi lựa chọn công cụ giao tiếp, giáo viên cần tìm hiểu xem phụ huynh có thể tiếp cận và ưa thích cách trao đổi qua công cụ đó hay không. Trong số đó, các cuộc trò chuyện trực tiếp (mặt đối mặt) luôn được đánh giá quan trọng và cần thiết.

     Sắp xếp cuộc hội thoại hợp lý cũng là một kỹ năng cần thiết đối với cả phụ huynh và giáo viên. Một cuộc hội thoại thường diễn ra trong thời gian nhất định, hướng tới các mục tiêu khác nhau, do vậy, cần được kết cấu rõ ràng, mạch lạc. Tiến trình của một cuộc hội thoại điển hình thường là: mở đầu, giáo viên trao đổi vấn đề, thảo luận giữa phụ huynh – giáo viên, cuối cùng là kết thúc cuộc nói chuyện. Trong quá trình nói chuyện, giáo viên cần khuyến khích cha mẹ cùng tham gia để đạt được mục đích trao đổi.

     Giáo viên không thể tự giải quyết mà cần phối hợp với phụ huynh trong giải quyết các vấn đề liên quan đến học sinh (kết quả học tập, tình hình hoạt động ở trường lớp…). Trong những trường hợp này, giáo viên nên lắng nghe ý kiến từ phía cha mẹ học sinh, đồng thời đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của họ để có thái độ tích cực và cách xử lý vấn đề thỏa đáng.

     Như vậy, việc xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường theo chiều hướng tích cực là điều vô cùng phức tạp, cần trải qua một quá trình với sự nỗ lực của các bên liên quan. Mối quan hệ này cần được xây dựng khi năm học mới bắt đầu và thường xuyên được bồi đắp thông qua sự tương tác giữa phụ huynh và giáo viên. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực của giáo viên trong giao tiếp với phụ huynh học sinh, các trường học cần tạo cho họ cơ hội tham gia vào các chương trình bồi dưỡng như: chiến lược giao tiếp, chiến lược đàm phán, giao tiếp thông qua mạng xã hội, giao tiếp với trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cách thức tạo động lực cho cha mẹ có trách nhiệm hơn về việc học của trẻ tại trường, các khóa học tư vấn đối với cha mẹ… (7). Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp này, ngoài nỗ lực của giáo viên và phụ huynh còn cần sự tham gia của các chuyên gia như nhà tâm lý giáo dục, bác sĩ, nhà tư vấn giáo dục.

_____________

1. American Federation of Teachers, Building Parent – Teacher Relationships, readingrockets.org.

2. Diane Levin, The parent – teacher partnership, pbs.org.

3, 7. Angelia Hobjilă, Challenges in continuing education of primary and preschool teachers in Romania: teachers – students’ parents communication, Procedia – Social and Behavioral Sciences, 142, 2014, tr.684-690.

4, 5. Martin Gartmeier et al, How do teachers evaluate their parent communication competence? Latent profiles and relationships to workplace behaviors, Teaching and Teacher Education, 55, 2016, tr.207-216.

6. medium.com

 

Tác giả: Nguyễn Thị Văn Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *